CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.3. QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG
1.3.3. Nội dung về quản trị rủi ro tín dụng
1.3.3.1. Nhận diện rủi ro tín dụng
Để quản trị rủi ro tín dụng trước hết phải nhận diện rủi ro. Nhận diện rủi ro tín dụng là quá trình xác định liên tục và có hệ thống trong hoạt động kinh doanh tín dụng của ngân hàng. Nhận diện rủi ro tín dụng bao gồm các công việc theo dõi, xem xét, nghiên cứu môi trường hoạt động tín dụng và toàn bộ hoạt động tín dụng của ngân hàng, nhằm thống kê được tất cả các rủi ro, không chỉ những loại rủi ro đã và đang xảy ra, mà còn dự báo được những dạng rủi ro mới có thể xuất hiện đối với ngân hàng, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp kiểm soát và tài trợ rủi ro thích hợp. Để nhận diện rủi ro, nhà quản trị phải lập được bảng liệt kê tất cả các dấu hiệu rủi ro đã, đang và có thể xuất hiện đối với ngân hàng bằng phương pháp: Lập bảng câu hỏi nghiên cứu về rủi ro và tiến hành điều tra, phân tích các tài liệu, thông tin về khách hàng, về phương án hoặc dự án vay vốn, báo cáo tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng; phương pháp lưu đồ; thanh tra hiện trường;
phân tích các hợp đồng; làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan [1, tr. 139].
Nhận diện rủi ro qua các dấu hiệu sẽ giúp ngân hàng có những giải pháp tối ưu để xử lý kịp thời; là khâu quan trọng, quyết định đến việc thực hiện mục tiêu quản trị rủi ro tín dụng và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho ngân hàng. Tuy nhiên, việc nhận diện rủi ro rất phức tạp, các nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng rất đa dạng. Do vậy, ngân hàng cần xây dựng một bảng liệt kê các dấu hiệu nhận biết rủi ro điển hình để hỗ trợ cho hoạt động quản trị rủi ro tín dụng, cụ thể một số nhóm dấu hiệu sau:
- Các dấu hiệu từ phía khách hàng.
+ Trì hoãn hoặc gây khó khăn đối với Ngân hàng trong quá trình kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất tình hình sử dụng vốn vay, tình hình tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng mà không có sự giải thích minh bạch, thuyết phục.
+ Chậm gửi hoặc trì hoãn gửi các báo cáo tài chính, báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu mà không có sự giải thích minh bạch, thuyết phục.
+ Mức độ vay thường xuyên gia tăng, nhu cầu các khoản vay vượt quá nhu cầu dự kiến.
+ Có dấu hiệu không thực hiện đầy đủ các quy định, vi phạm pháp luật trong quá trình quan hệ tín dụng.
+ Tài sản đảm bảo không đủ tiêu chuẩn, giá trị tài sản bị giảm sút so với định giá khi cấp tín dụng.
+ Có dấu hiệu tìm kiếm sự tài trợ nguồn vốn từ nhiều nguồn khác, đặc biệt từ đối thủ cạnh tranh của Ngân hàng.
+ Có dấu hiệu sử dụng nhiều các khoản tài trợ ngắn hạn cho các hoạt động đầu tư dài hạn; chấp nhận sử dụng các nguồn vốn vay với giá cao, vô điều kiện.
+ Đề nghị gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn nợ nhiều lần không rõ lý do hoặc thiếu các căn cứ thuyết phục mang tính khách quan về việc cơ cấu lại nợ.
+ Sự sụt giảm bất thường số dư tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng; xuất hiện những thay đổi bất thường ngoài dự kiến và không giải thích được trong tốc độ và tổng mức lưu chuyển tiền gửi thanh toán của khách hàng.
+ Chậm thanh toán các khoản lãi khi đến hạn; thanh toán các khoản nợ gốc không đầy đủ, đúng hạn.
+ Có dấu hiệu cho thấy khách hàng trông chờ các nguồn thu nhập bất thường để đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán.
+ Xuất hiện nợ quá hạn do khách hàng không có khả năng hoàn trả hoặc khách hàng không muốn trả nợ hoặc do việc tiêu thụ hàng hóa, thu hồi công nợ chậm hơn dự tính.
+ Mối quan hệ không bình thường giữa ngân hàng và khách hàng: Sự chậm trể, thất hẹn, hoặc trốn tránh làm việc với ngân hàng cũng là dấu hiệu cho thấy khách hàng đang có vấn đề, có thể khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tài chính suy giảm. Ngân hàng cần tăng cường thu thập thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ để đối phó kịp thời.
+ Dự trử vật tư, hành hóa tăng cao; ứ đọng lâu ngày, khả năng quay vòng thấp; chất lượng hàng hóa dịch vụ giảm sút; giá bán hàng hóa giảm bất thường.
+ Thay đổi thường xuyên tổ chức của ban điều hành; sự thay đổi bất thường về tổ chức; thay đổi người quản lý cấp cao như cách chức, từ chức, chuyển công tác; người lao động thiếu việc làm, sa thải nhân công, bán tài sản,…. Đây là những dấu hiệu rõ nét cho thấy những khó khăn của khách hàng, có thể ảnh hưởng xấu đến việc trả nợ ngân hàng.
+ Trình độ, năng lực quản trị, điều hành yếu kém của khách hàng; hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ là dấu hiệu ảnh hưởng lớn đến rủi ro tín dụng.
+ Đối tác của người vay gặp rủi ro như phá sản hoặc bị truy tố: Nếu đối tác của người vay gặp rủi ro thì nguy cơ rủi ro dây chuyền có thể xảy ra và ảnh hưởng khả năng trả nợ vay ngân hàng.
+ Những thay đổi từ chính sách của Nhà nước, đặc biệt là tác động của các chính sách thuế, xuất nhập khẩu; thay đổi các chính sách tỷ giá, lãi suất;
thay đổi công nghệ, kỹ thuật sản xuất, thị hiếu tiêu dùng, nhà cung ứng hoặc khách hàng lớn; thêm đối thủ cạnh tranh tác động bất lợi đến chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của khách hàng.
- Các dấu hiệu từ phía ngân hàng.
+ Chính sách tín dụng không hợp lý, không phù hợp với đặc điểm nội tại và tính đặc thù của từng ngân hàng, không phát huy được thế mạnh của
ngân hàng dẫn đến hoạt động tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro, ảnh hưởng lớn và lâu dài đến việc phát triển bền vững, sự tồn tại của ngân hàng. Chẳng hạn như một số dấu hiệu sau:
Tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nhanh, vượt quá khả năng và năng lực kiểm soát cũng như nguồn vốn của ngân hàng.
Xây dựng giới hạn tín dụng cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm tín dụng không phù hợp, tập trung lớn vốn tín dụng cho một số ngành ngành, một số lĩnh vực, một số sản phẩm tín dụng, một khách hàng hoặc một nhóm khách hàng có liên quan,…
Xây dựng mô hình tổ chức cấp tín dụng không chặt chẽ, không phân
định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận tham gia trong quá trình cấp tín dụng và quản lý tín dụng,…
+ Xây dựng quy trình cấp tín dụng thiếu cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế, phòng ngừa rủi ro; xác định trách nhiệm của từng khâu, từng bước trong quy trình cấp tín dụng không rõ ràng, chồng chéo,…
+ Không tuân thủ quy trình cấp tín dụng như: Không đảm bảo nguyên tắc và điều kiện vay vốn; công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cấp tín dụng không kịp thời, không hiệu quả.
+ Sự đánh giá và phân loại không chính xác về mức độ rủi ro của khách hàng; cấp tín dụng dựa trên các cam kết không chắc chắn và thiếu tính bảo đảm.
+ Cho vay dựa trên các sự kiện bất thường có thể xảy ra, chẳng hạn như sáp nhập, thay đổi địa vị pháp lý; cung cấp tín dụng với khối lượng lớn cho các khách hàng không thuộc phân đoạn thị trường tối ưu của Ngân hàng.
+ Hồ sơ tín dụng không đầy đủ, thiếu sự tuân thủ hay tuân thủ không đầy đủ các quy định hiện hành về phê duyệt tín dụng; soạn thảo các điều kiện ràng buộc trong hợp đồng tín dụng mật mờ, không rõ ràng.
+ Có khuynh hướng cạnh tranh không lành mạnh như: Giảm điều kiện, thủ tục cấp tín dụng; giảm thấp lãi suất cho vay, phí dịch vụ quá mức bình thường hay thực hiện chiến lược “giữ chân” khách hàng bằng các khoản tín dụng mới để họ không quan hệ với các tổ chức tín dụng khác mặc dù biết rõ các khoản tín dụng sẽ cấp tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.