Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ ĐỐI TƯỢNG THAM
1.1. Cơ sở lý luận về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1.1.2. Bản chất, vai trò và nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm xã hội tự nguyện
a. Bản chất kinh tế của BHXH tự nguyện
Bản chất kinh tế của BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng thể hiện ở chỗ những người tham gia cũng đóng góp một khoản tiền trích trong thu nhập (khoản đóng góp này sau khi đó chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu và các nhu
cầu cần thiết và không ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất - kinh doanh của cá nhân) để lập một quỹ dự trữ. Mục đích của việc hình thành quỹ này để trợ cấp cho những người tham gia BHXH tự nguyện khi gặp rủi ro dẫn đến giảm hoặc mất thu nhập. Như vậy BHXH cũng là quá trình phân phối lại thu nhập. Xét trên phạm vi toàn xã hội, BHXH là một bộ phận của GDP được xã hội phân phối lại cho những thành viên khi phát sinh nhu cầu về BHXH như ốm đau, sinh đẻ, già yếu, chết... Xét trong nội tại BHXH, sự phân phối của BHXH được thực hiện theo cả chiều dọc và chiều ngang. Phân phối theo chiều ngang là sự phân phối giữa chính bản thân người lao động theo thời gian (giữa thời gian lao động và thời gian nghỉ hưu). Phân phối theo chiều dọc là sự phân phối giữa những người khỏe mạnh với người ốm đau; giữa người trẻ và người già; giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Nhờ sự phân phối lại thu nhập mà đời sống của người lao động và gia đình họ luôn được đảm bảo trước những bất trắc và rủi ro xã hội.
Tóm lại, BHXH tự nguyện được đặc trưng bằng sự vận động của các nguồn tài chính trong quá trình tạo lập và sử dụng quỹ BHXH tự nguyện nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người tham gia và gia đình họ khi gặp rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng thu nhập từ lao động.
b. Bản chất xã hội của BHXH tự nguyện
Bản chất xã hội của BHXH tự nguyện được thể hiện ngay trong mục tiêu của nó. BHXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục tiêu của bất kỳ hệ thống BHXH nào cũng là mục tiêu xã hội. Điều này được thể hiện thông qua việc chi trả chế độ BHXH. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi họ bị giảm hoặc mất khả lao động. Do có sự chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHXH tự nguyện nên mặc dù chỉ đóng một phần nhỏ trong thu nhập của mình cho Quỹ BHXH tự nguyện, nhưng có thể được bồi hoàn một khoản thu nhập đủ lớn để giúp họ trang trải rủi ro. Ở đây, Quỹ BHXH tự nguyện đó thực hiện nguyên tắc "lấy của số đông, bù cho số ít" và BHXH tự nguyện được hiểu như một chính sách xã hội nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động khi thu nhập của họ bị giảm, bị mất. Trên góc độ vĩ mô, BHXH tự nguyện gúp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gúp phần xóa đói giảm nghèo.
Tóm lại, hoạt động BHXH tự nguyện không vì mục tiêu lợi nhuận, mà hoạt động vì mục đích bảo đảm sự phát triển lâu bền của nền kinh tế, góp phần ổn định và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Điều này giải thích tại sao BHXH được coi là một chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia.
Tuy nhiên bản chất kinh tế và bản chất xã hội của BHXH không tách rời mà đan xen với nhau. Khi nói đến sự đảm bảo kinh tế cho người lao động và gia đình họ là nói đến tính xã hội của BHXH. Ngược lại khi nói đến sự đóng góp ít, nhưng lại được bù đắp đủ trang trải mọi rủi ro, thì cũng đã đề cập đến tính kinh tế của BHXH.
1.1.2.2. Vai trò bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trong đời sống kinh tế - xã hội, BHXH xã hội nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng đóng vai trò to lớn được thể hiện trên các mặt sau:
- BHXH tự nguyện góp phần ổn định đời sống của người tham gia BHXH, đảm bảo an toàn xã hội. Những người tham gia BHXH tự nguyện và gia đình họ sẽ được thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi họ bị suy giảm, mất khả năng lao động, mất việc làm hoặc chết. Nhờ có sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp thu nhập kịp thời mà người tham gia BHXH tự nguyện nhanh chóng khắc phục được những tổn thất vật chất, sớm phục hồi sức khỏe, ổn định cuộc sống để tiếp tục quá trình lao động, hoạt động bình thường của bản thân.
- BHXH tự nguyện góp phần thực hiện công bằng xã hội. Phân phối trong BHXH là sự chuyển dịch thu nhập mang tính xã hội, là sự phân phối lại giữa những người có thu nhập cao, thấp khác nhau theo xu hướng có lợi cho những người có thu nhập thấp; là sự chuyển dịch thu nhập của những người khỏe mạnh, may mắn có việc làm ổn định cho những người ốm, yếu, gặp phải những biến cố rủi ro trong lao động sản xuất và trong cuộc sống. Vì vậy, BHXH tự nguyện góp phần làm giảm bớt khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
- BHXH tự nguyện góp phần phòng tránh và hạn chế tổn thất, đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống xã hội của con người.
- BHXH tự nguyện góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.
1.1.2.3. Nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nguyên tắc BHXH tự nguyện là những quy định nhằm đảm bảo cho các hoạt động BHXH tự nguyện diễn ra bình thường, đạt được mục tiêu mong muốn của nó.
Nguyên tắc của BHXH tự nguyện là những định hướng, những quy định và những phương thức hoạt động của cả hệ thống BHXH nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Theo nghĩa đó, BHXH tự nguyện phải được xây dựng trên nền tảng các nguyên tắc sau:
a. Nguyên tắc tự nguyện
BHXH tự nguyện được xây dựng trên cơ sở tự nguyện của người lao động với tư cách là người tham gia BHXH cũng là người hưởng BHXH. Trước hết chúng ta cần làm rõ chủ thể tham gia BHXH xét về mặt quan hệ sản xuất và quan hệ lao động. Đối tượng này vừa là chủ tư liệu sản xuất (chủ yếu là ruộng đất, công cụ lao động thủ công, nhà xưởng gắn liền với nơi ở, vốn tự có là chính và một phần quan hệ tín dụng…), vừa là chủ sức lao động (là người vừa tham gia quản lý, vừa tham gia lao động). Họ không tham gia trực tiếp vào thị trường sức lao động (nếu họ không di chuyển nghề), nhưng sản phẩm hàng hóa làm ra lại tham gia vào thị trường và chấp nhận cạnh tranh quyết liệt. Họ tự hạch toán kết quả sản xuất kinh doanh, đồng thời tự quyết định phân phối, quyết định đầu tư và chi tiêu ngân sách trong thu chi gia đình. Bởi vậy, quan hệ của họ với BHXH là quan hệ "lỏng" hoặc quan hệ "mềm", không mang tính bắt buộc như quan hệ lao động trong Bộ luật Lao động điều chỉnh. Bởi vậy họ tham gia BHXH mang tính "tự nguyện", trên cơ sở suy nghĩ về "tính lợi ích" khi tham gia BHXH. Do đó, mọi chính sách BHXH có tính áp đặt, cưỡng chế và bất lợi (cả trước mắt và lâu dài) đều dẫn đến khả năng thực thi thấp hoặc thất bại.
b. Mọi người đều có quyền tham gia bảo hiểm xã hội và có quyền hưởng bảo hiểm xã hội khi có các nhu cầu về bảo hiểm
Quyền được BHXH của người lao động là một trong những biểu hiện cụ thể của quyền con người. Nhưng BHXH không phải là cái có sẵn, nên trước hết phải tạo ra nó. Ở mỗi nước khi muốn xây dựng hệ thống BHXH thì đầu tiên, Nhà nước phải tạo ra điều kiện và môi trường về kinh tế - xã hội, về chính sách và luật pháp, về tổ chức và cơ chế quản lý của mình. Không có sự đóng góp này thì chính sách BHXH có hay đến mấy cũng không bao giờ có BHXH trong thực tiễn. Vì vậy, thực hiện trách nhiệm đóng góp tài chính BHXH là điều kiện cơ bản nhất để người lao động được hưởng quyền BHXH.
Biểu hiện cụ thể quyền được BHXH của người lao động là việc họ được hưởng trợ cấp BHXH theo chế độ xác định. Các chế độ này gắn với các trường hợp người lao động bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm do đó bị giảm hoặc mất nguồn sinh sống. Trong nền kinh tế thị trường các trường hợp đó có thể xảy ra rất nhiều và xảy ra một cách ngẫu nhiên. Về nguyên lý thì mọi trường hợp như thế, người lao động đều phải được hưởng BHXH. Nhưng giữa nguyên lý với thực tiễn luôn luôn có một khoảng cách rất xa. Khoảng cách đó do các điều kiện kinh tế - xã hội quy định. Bởi vậy trên giác độ điều hành vi mô, cần căn cứ vào các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn phát triển để tổ chức và hoàn thiện dần chế độ BHXH đối với các trường hợp làm giảm hoặc mất thu nhập của người lao động nói trên.
c. Nguyên tắc Nhà nước phải có trách nhiệm đối với quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động, người lao động cũng có trách nhiệm phải tự bảo hiểm cho mình
Nhà nước có vai trò quản lý vĩ mô mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước. Với vai trò này, Nhà nước có trong tay mọi điều kiện vật chất của toàn xã hội, đồng thời cũng có mọi công cụ cần thiết để thực hiện vai trò của mình. Cùng với sự tăng trưởng, sự phát triển của kinh tế - xã hội, cũng có những kết quả bất lợi không mong muốn. Những kết quả bất lợi này trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ dẫn đến những rủi ro cho người lao động. Khi xảy ra tình trạng như vậy, nếu không có BHXH thì Nhà nước vẫn phải chi Ngân sách để giúp đỡ người lao động dưới một dạng khác. Sự giúp đỡ đó chẳng những làm cho đời sống người lao động ổn định mà còn làm cho sản xuất ổn định, kinh tế - xã hội của đất nước phát triển. Vì vậy, khi xã hội loài người xuất hiện BHXH, một dạng bảo hiểm đời sống tiến bộ hơn đối với người lao động so với các dạng giúp đỡ truyền thống thì Nhà nước càng có điều kiện và càng có trách nhiệm tổ chức và tham gia hoạt động đó. Trong điều kiện nước ta hiện nay, chắc chắn quỹ BHXH tự nguyện không nằm trong NSNN, nhưng vẫn cần phải có sự bảo trợ của Nhà nước về nguồn tài chính, để bảo đảm cho quỹ BHXH không bị mất giá do trượt giá, hoặc do biến động về chính trị - xã hội, thiên tai, chiến tranh… Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới quản lý về BHXH nói chung, cần phải chia tách ưu đãi xã hội và BHXH. Do vậy đối với nhóm người lao động yếu thế, cần có những chính sách ưu đãi riêng để giúp họ vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận trách nhiệm của Nhà nước thông qua cơ quan BHXH - cơ quan nhà nước quản lý quỹ BHXH. Trong quá trình quản lý quỹ BHXH từ sự đóng góp của người lao động, cơ quan BHXH phải thực hiện các biện pháp đầu tư tăng trưởng quỹ nhằm bảo toàn quỹ, đảm bảo tài chính để chi trả các chế độ BHXH. Trách nhiệm này rất quan trọng, bởi suy đến cùng chỉ có những đóng góp của người lao động khi gặp rủi ro sẽ không đảm bảo chi trả cho bản thân họ. Do đó cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đầu tư để bù đắp thiếu hụt đó. Tuy nhiên, tài chính để chi trả các chế độ BHXH chủ yếu phải từ đóng góp của người tham gia BHXH.
Đối với người lao động, khi gặp phải những rủi ro không mong muốn và không hoàn toàn hay trực tiếp do lỗi của người khác thì trước hết đó là rủi ro của bản thân. Vì thế nếu muốn được BHXH tức là muốn nhiều người khác hỗ trợ cho mình, là dàn trải rủi ro của mình cho nhiều người khác thì tự mình phải gánh chiu trực tiếp và trước hết đã. Điều đó có nghĩa là bản thân người lao động phải có trách nhiệm tham gia BHXH để tự bảo hiểm cho mình.
d. Nguyên tắc lấy số đông bù số ít
BHXH là hình thức chia sẻ rủi ro của số ít người cho số đông người cùng gánh chịu. Chỉ có thực hiện việc san sẻ này thì người lao động mới có thể được đảm bảo về thu nhập khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập từ hoạt động nghề nghiệp khi gặp phải những biến cố (còn gọi là "rủi ro xã hội"). Cách làm riêng có của BHXH là mọi người tham gia BHXH đóng góp cho bên nhận BHXH (cơ quan BHXH chuyên nghiệp) tồn tích dần thành một quỹ BHXH độc lập và tập trung dùng để chi trả trợ cấp cho những người lao động khi và chỉ khi họ bị giảm hoặc mất khả năng thu nhập từ lao động.
Như vậy, trong số đông người tham gia đóng BHXH, chỉ những người lao động có đủ điều kiện cần thiết mới được hưởng trợ cấp. Trong số đó có những người tham gia đóng góp từ lâu, nhưng cũng có người vừa mới tham gia BHXH. Vì thế số trợ cấp mà họ nhận được lớn hơn rất nhiều so với số tiền đã đóng góp của họ.
Muốn như vậy, thì không có cách nào khác là phải lấy kết quả đóng góp của số đông người tham gia, để bù cho số ít người được hưởng trợ cấp. Những người lao
động chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp lúc này thì phần đóng góp của họ để cho người khác được hưởng, nhưng không vì thế mà họ bị thiệt thòi. Một lúc nào đó trong cuộc đời lao động, chắc chắn họ cũng sẽ cần phải được hưởng trợ cấp BHXH.
Khi đó, trợ cấp mà họ được hưởng cũng do nhiều người khác đóng góp.
e. Nguyên tắc kết hợp hài hòa các lợi ích, các khả năng và phương thức đáp ứng nhu cầu bảo hiểm xã hội
Nhu cầu BHXH là cần thiết đối với mọi người lao động. Song nhu cầu đó phải dựa trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích, các khả năng của người tham gia BHXH cũng như của Nhà nước.
Người lao động khi sử dụng thu nhập của mình, trước hết họ phải dành phần lớn chi cho các nhu cầu sinh sống hàng ngày của bản thân và gia đình, phần còn lại mới có thể xem xét để đóng phí BHXH. Giả sử thu nhập của người lao động giữ nguyên, nếu đóng phí BHXH thấp thì lợi ích trước mắt của người lao động sẽ tăng lên, nhưng khi họ có nhu cầu được BHXH thì đương nhiên chỉ nhận được trợ cấp thấp. Nếu muốn được hưởng trợ cấp BHXH cao, lẽ đương nhiên sẽ phải đóng phí cao hơn, phần chi cho đời sống hàng ngày lại phải giảm đi. Nếu người tham gia BHXH đóng phí BHXH thấp mà hưởng trợ cấp BHXH cao, sẽ ảnh hưởng đến mức độ an toàn của quỹ BHXH. Tính chất lâu dài của chính sách BHXH sẽ ít có khả năng thực thi, còn nếu buộc Nhà nước phải bù đắp toàn bộ chênh lệch đó, thì ảnh hưởng đến Ngân sách Nhà nước. Đặc biệt là ở nước ta hiện nay đang trong tình trạng bội chi Ngân sách. Nếu Nhà nước không có trách nhiệm đối với quỹ BHXH tự nguyện thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện, bởi lẽ tiền lương hưu và trợ cấp BHXH thực tế sẽ thấp hơn danh nghĩa do đó tính hấp dẫn của chính sách cũng như khả năng thực thi của chính sách BHXH tự nguyện về lâu dài là không thể thực hiện được.
Thực tiễn BHXH thủ công nghiệp trong giai đoạn 1983 đến 1989 là minh chứng cụ thể cho vấn đề này. Vì vậy trong nghiên cứu xây dựng các thiết chế hoặc trong điều hành BHXH cụ thể cần phải tìm ra giải pháp để kết hợp hài hòa lợi ích lâu dài của người lao động, cũng như đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích của người tham gia BHXH và lợi ích của Nhà nước.