Nội dung về công tác thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện và sử dụng quỹ

Một phần của tài liệu Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố sông công, tỉnh thái nguyên (Trang 62 - 75)

Chương 3: THỰC TRẠNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ SÔNG CÔNG, TỈNH THÁI NGUYÊN

3.2. Tình hình cơ bản của Bảo hiểm xã hội thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên

3.2.4. Nội dung về công tác thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện và sử dụng quỹ

3.2.4.1. Nguồn thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Sông Công Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện được hình thành từ các nguồn sau:

- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Người tham gia BHXH tự nguyện đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội, các tổ chức, đại lý bảo hiểm xã hội đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức: Hằng tháng, hằng quý, Sáu tháng một lần, một năm một lần hoặc một lần cho những năm còn thiếu (đối với trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng thiếu không quá 10 năm tham gia Bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ BHXH)

Việc thu tiền đóng BHXH được thực hiện vào nửa đầu của thời gian ứng với phương thức mà người tham gia BHXH lựa chọn.

Tỷ lệ phần trăm đóng BHXH tự nguyện được quy định theo từng thời kỳ.

Bảng 3.2. Bảng tổng hợp tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện được quy định qua các thời kỳ

Thời gian Tỷ lệ đóng (%)

Từ tháng 01/2008 - 12/2009 16

Từ tháng 01/2010 - 12/2011 18

Từ tháng 01/2012 - 12/2013 20

Từ tháng 01/2014 trở đi 22

(Nguồn: Luật BHXH số 58/2014/QH13)

Người đang tham gia BHXH tự nguyện được đăng ký lại phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện với tổ chức bảo hiểm xã hội. Việc đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng được thực hiện là sau kỳ nộp tiền đã phát sinh.

- Tiền từ Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc chuyển sang chi trả theo chế độ cho các đối tượng đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện;

- Hỗ trợ của Nhà nước;

- Các nguồn thu hợp pháp khác.

3.2.4.2. Thực trạng thu bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên

Với mục đích an sinh xã hội, tạo niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho người lao động, BHXH tự nguyện từ khi ra đời có vai trò quan trọng đối với đại bộ phận lao động nói chung và nông dân nói riêng. Năm 2016, đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện tại thành phố Sông Công chiếm 84,03% số người trong độ tuổi lao động. Như vậy, có thể nói số lao động ở khu vực thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện rất lớn, tiềm năng của BHXH tự nguyện dồi dào. Để có cái nhìn tổng quan về thu BHXH và

BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố, qua đó có cơ sở để đánh giá tình hình và đề ra những biện pháp nhằm phát triển BHXH tự nguyện, chúng ta sẽ xem xét thực trạng về BHXH và BHXH tự nguyện hiện nay trên địa bàn thành phố Sông Công, cụ thể như sau:

Theo báo cáo của BHXH thành phố Sông Công, số lao động tham gia BHXH tự nguyện có xu hướng tăng lên qua các năm. Năm 2008 cả thành phố chỉ có 12 người tham gia, bởi vì BHXH tự nguyện là chính sách mới và công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, ít người biết. Giai đoạn 2014 - 2016, số lượng người tham gia ngày càng được mở rộng, tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tính theo năm tăng 135.65%. Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp so với tổng số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Sau 8 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện, tính đến 31/12/2016 toàn thành phố mới chỉ có 197 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,89% số đối tượng thuộc diện tham gia.

Bảng 3.3. Số người tham gia BHXH tự nguyện trong tổng số người tham gia BHXH tại thành phố Sông Công giai đoạn 2014 - 2016

Chỉ tiêu Đơn vị tính Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Số người tham gia BHXH bắt buộc Người 8.281 9.350 17.272 Số người tham gia BHXH tự nguyện Người 128 162 197

Tổng cộng Người 8.409 9.512 17.469

(Nguồn: Bộ phận thu BHXH – BHXH thành phố Sông Công)

Đối tượng tham gia BHXH tăng rất nhanh qua các năm, bình quân đạt 48,5%. Cụ thể, năm 2014, số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 1,52% tổng số người tham gia BHXH trên địa bàn thành phố (bằng 128 người/8.409 người), năm 2015 chiếm 1,703%; năm 2016 chiếm 1,13%. Để đạt được kết quả này, BHXH thành phố Sông Công đã không ngừng tuyên truyền vận động và ý thức tham gia BHXH của người dân cũng ngày càng tăng cao.

Biểu đồ 3.1. Biểu đồ so sánh số người tham gia BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc từ năm 2014 - 2016

(Nguồn: Bộ phận thu BHXH - BHXH thành phố Sông Công)

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện so với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: ta thấy đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có số lượng lớn hơn nhiều so với đối tượng tự nguyện tham gia BHXH tự nguyện. Do vậy cần phải điều tra thực tế để có cái nhìn toàn diện hơn về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nói riêng, qua đó đánh giá thực chất các yếu tố làm ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH nói chung trên địa bàn thành phố Sông Công.

Hàng năm, căn cứ vào tình hình hoạt động của từng huyện, thành phố, thị xã của năm trước, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên giao kế hoạch thu BHXH cho từng đơn vị cho năm sau. Qua đó, đánh giá được tốc độ thu BHXH, khả năng thu hút BHXH đối với người dân trên địa bàn thành phố Sông Công.

Giai đoạn 2014 - 2016, cùng với tốc độ gia tăng về số lượng người tham gia BHXH tự nguyện, thì kết quả thu BHXH tự nguyện của BHXH thành phố Sông Công năm sau cao hơn năm trước và đều vượt kế hoạch do BHXH tỉnh Thái Nguyên giao.

Bảng 3.4. Tình hình thực hiện kế hoạch thu BHXH tự nguyện của BHXH Thành phố Sông Công giai đoạn 2014 - 2016

Đơn vị tính: Nghìn đồng Chỉ tiêu Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016

Kế hoạch 454.579 626.745 989.792

Thực hiện 524.377 672.424 1.011.147

Tỷ lệ TH/KH (%) 115.35 107.29 102.16

(Nguồn: Bộ phận kế toán - BHXH thành phố Sông Công)

Số thu BHXH tự nguyện ghi nhận, đánh giá việc duy trì số đối tượng đã tham gia, duy trì đóng phí hàng năm; hoặc phát triển số lượt mới; hoặc điều chỉnh mức đóng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy số thu BHXH tự nguyện tăng hàng năm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thu BHXH. Năm 2016 tỷ trọng số thu BHXH tự nguyện trong tổng thu BHXH đạt lớn nhất trong các năm nhưng vẫn chỉ ở mức 0,54%, với tổng số thu BHXH toàn thành phố Sông Công là 182.686.290 nghìn đồng, trong khi đó số thu từ BHXH tự nguyện chỉ đạt 1.011.147 nghìn đồng.

Biểu đồ 3.2. Kết quả thực hiện thu BHXH tự nguyện so với kế hoạch thu BHXH tự nguyện trên địa bàn Thành phố Sông Công giai đoạn 2014 – 2016

(Nguồn: Bộ phận kế toán – BHXH thành phố Sông Công)

Qua kết quả đánh giá tình hình thực hiện thu BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Sông Công ta nhận thấy rằng, tỷ lệ thực hiện hàng năm đều hoàn thành

vượt kế hoạch do BHXH tỉnh Thái Nguyên giao. Cụ thể năm 2014, thu BHXH tự nguyện vượt 115.35% so với kế hoạch tỉnh giao; năm 2015 vượt 107,29%; Năm 2016 vượt 102,16%. Nguyên nhân chủ yếu của việc tăng thu BHXH tự nguyện là do người dân thay đổi mức đóng, do nhà nước mở rộng phương thức đóng cho người đủ tuổi về hưu nhưng thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần để giải quyết chế độ hưu trí…. Tuy nhiên chúng ta nhận thấy tốc độ tăng chậm lại là do Nhà nước hỗ trợ mức đóng theo chuẩn nghèo, chứ không quy định theo mức lương tối thiểu như trước đây, nên khi nhà nước thay đổi mức lương tối thiểu thì người dân cũng không phải thay đổi mức đóng, mà vẫn giữ mức đóng đã đăng ký tham gia từ trước.

Qua điều tra cho thấy, trong tổng số 400 người dân tham gia phỏng vấn thì có 42 người (chiếm 10.76%) đã tham gia BHXH tự nguyện, còn lại 348 người (chiếm 89.24%) là chưa tham gia. Điều này được thể hiện rõ qua biểu đồ dưới đây:

Biểu đồ 3.3. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của người được điều tra (Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra và tính toán)

Số lượng người chưa tham gia BHXH vẫn còn chiếm một tỷ trọng lớn, chiếm tới 89,24%. Nguyên nhân của tình trạng này thì có rất nhiều. Tuy nhiên, kết quả trên đã phần nào phản ánh hiệu quả triển khai chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Sông Công còn thấp. Bên cạnh đó cũng nói lên rằng tiềm năng để triển khai chính sách BHXH tự nguyện là rất lớn. Từ đó đặt ra vấn đề cần giải quyết là làm thế nào để

chính sách BHXH tự nguyện được gần gũi với người nông dân và là chỗ dựa vững chắc cho họ khi tuổi cao sức yếu.

3.2.4.3. Sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Sông Công a. Chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng quyền lợi theo chế độ hưu trí và tử tuất khi có đủ điều kiện theo quy định. Lương hưu và trợ cấp BHXH được miễn thuế. Các chế độ cụ thể:

Thứ nhất, Chế độ hưu trí:

* Lương hưu hàng tháng

Từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có 20 năm tham gia BHXH; Hoặc NLĐ đủ tuổi nhưng chưa đủ 20 năm tham gia BHXH thì được tham gia cho tới khi đủ 20 năm tham gia BHXH thì được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH quy định tại Điều 79 của Luật BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH;

sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có 20 năm tham gia BHXH; Hoặc NLĐ đủ tuổi nhưng chưa đủ 20 năm tham gia BHXH thì được tham gia cho tới khi đủ 20 năm tham gia BHXH thì được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật quy định:

- Mức bình quân thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là bình quân các mức thu nhập tháng của toàn bộ thời gian đóng BHXH. Đối với người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

- Người tham gia BHXH tự nguyện có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, nếu lương hưu hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung, thì được quỹ BHXH bù bằng mức lương tối thiểu chung.

- Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế theo quy định của Chính phủ.

- Người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo.

* Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu:

+ Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

+ Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

* Trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần:

Người lao động đang tham gia BHXH tự nguyện mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đủ điều kiện về tuổi: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

+ 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

+ Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Thứ hai, Chế độ tử tuất

* Trợ cấp mai táng: người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng do quỹ BHXH chi trả bằng 10 tháng lương cơ sở tại tháng mà người tham gia BHXH bị chết.

* Trợ cấp tuất hàng tháng

- Mỗi thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.

- Trường hợp một người chết thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng không quá 4 người; trường hợp có từ 2 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 2 lần mức trợ cấp theo quy định trên.

- Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của thân nhân được tính từ tháng liền kề sau tháng đối tượng chết.

* Trợ cấp tuất một lần

- Người đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH; Trường hợp đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức trợ cấp bằng số tiền đã đóng, nhưng không quá 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

- Người đang hưởng lương hưu chết thì thân nhân được hưởng mức trợ cấp tuất một lần tính theo thời gian đã hưởng lương hưu: bằng 48 tháng lương hưu đang

hưởng nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ thêm 1 tháng hưởng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

- Đối với người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện thì mức trợ cấp tuất một lần cũng được tính tương tự như trên nhưng mức trợ cấp thấp nhất bằng 3 tháng bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng BHXH hoặc 3 tháng lương hưu trước khi chết.

b. Đóng bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang hưởng lương hưu

c. Chi phí quản lý

Đây là khoản chi cho các hoạt động thường xuyên của tổ chức BHXH, bao gồm: Chi lương cho đội ngũ làm công tác BHXH trong toàn hệ thống; Chi phí nghiệp vụ BHXH; Chi nghiên cứu khoa học BHXH; Chi phí hành chính (điện, nước, văn phòng phẩm, …); Chi phí mua sắm, sửa chữa,…

d. Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ

Đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH tự nguyện là quá trình sử dụng bộ phần nhàn rỗi tương đối của quỹ BHXH tự nguyện vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, nhằm bảo toàn giá trị gốc và tăng thêm giá trị so với giá trị gốc, góp phần đáp ứng nhu cầu chi trả các trợ cấp BHXH tự nguyện hiện tại, tương lai và các chi phí khác có liên quan đến BHXH tự nguyện.

Quỹ BHXH tự nguyện là quỹ tiền tệ độc lập, tập trung, nằm ngoài ngân sách Nhà nước. Quỹ BHXH tự nguyện được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp bằng tiền của các bên tham gia BHXH tự nguyện nhằm mục đích chi trả cho những người được BHXH tự nguyện và gia đình họ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do gặp các rủi ro, mất khả năng lao động hoặc mất việc làm.

Do đặc thù người tham gia BHXH tự nguyện đóng phí trong một thời gian dài và thường là rất lâu sau họ mới được hưởng các chế độ trợ cấp dài hạn (như hưu trí, tuất...), đồng thời số người tham gia đóng phí và hưởng tại một thời điểm thường có chênh lệch dương (đôi khi khá lớn) nên quỹ BHXH tự nguyện tại một thời điểm nhất định có số tiền kết dư lớn.

Một phần của tài liệu Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố sông công, tỉnh thái nguyên (Trang 62 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)