CHƯƠNG 3: BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ
3.2. BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRONG THỰC THI VÀ ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ
3.2.1. Sự cần thiết phải học tập kinh nghiệm từ Trung Quốc.
Thứ nhất, cán cân thương mại của Việt Nam thường xuyên thâm hụt, trong những năm gần đây, với những chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Chính Phủ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cán cân thương mại của Việt Nam đã bắt đầu thặng dư. Tuy vậy, cán cân thương mại thâm hụt qua nhiều năm đã tác động xấu đến vấn đề thương mại nói chung.
Thứ hai, theo lý thuyết thương mại quốc tế thì có nhiều yếu tố tác động đến cán cân thương mại chẳng hạn như tỷ giá hối đoái, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thuế quan và hạn ngạch… Trong đó tỷ giá hối đoái được coi là một trong những yếu tố quyết định cơ bản đến hoạt động thương mại. Tuy vậy, không có một chính sách nào trong số các chính sách tỷ giá hiện nay ở các nước được xem là có ưu thế hoàn toàn tuyệt đối. Mỗi một chính sách tỷ giá đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định,
và tùy vào cách vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng nước trong từng giai đoạn sẽ mang lại những tác động khác nhau.
Thứ ba, bối cảnh kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng đó là: cùng phát triển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Kể từ sau khi mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia Đông Âu và Liên Xô xụp đổ, Việt Nam đã chuyển hướng quan điểm và tư duy phát triển kinh tế của mình sang Trung Quốc nhưng mang nét đặc thù riêng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là nước có quan hệ mật thiết với Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cũng như trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Là một quốc gia lớn và ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong suốt thời kỳ cải cách kinh tế mở cửa thị trường đáng để cho chúng ta phải xem xét, nghiên cứu.
3.2.2. Những thành công cần học tập
Điểm nổi bật trong những thành công của chính sách tỷ giá tại Trung Quốc là khả năng can thiệp mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương trên thị trường ngoại hối nhằm duy trì tỷ giá có lợi cho nền kinh tế.
Thứ nhất, Trung Quốc đã chứng tỏ đối với những quốc gia nằm trong nhóm có nền kinh tế mới nổi muốn đạt mục tiêu thặng dư cán cân thương mại, cần có sự giảm giá thực đồng tiền một cách đáng kể để đem lại lợi thế thương mại trên phương diện giá cả. Một chính sách phá giá hiệu quả sẽ có giúp cải thiện cán cân thương mại quốc gia. Duy trì một chính sách tỷ giá phù hợp với chiến lược phát triển trong từng giai đoạn là cần thiết. Do thời điểm và mức độ phá giá là những yếu tố mang vai trò then chốt cho một cuộc phá giá thành công, cần xác định thời điểm phù hợp tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ phá giá tiền tệ đến nền kinh tế. Phá giá không thể thích hợp đối với những nước có tình trạng nhập siêu liên tục trong một thời gian dài. Nếu xuất khẩu không có một bàn đạp tăng trưởng mạnh mẽ từ trước, tác động chủ yếu của phá giá sẽ làm giá hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ và tăng giá cả mặt bằng trong nước. Qua phần nghiên cứu điều hành tỷ giá của Trung Quốc từ 1994 đến nay đã cho thấy điều đó.
Chính sách tỷ giá phù hợp đã khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần tích lũy vốn để đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trong nước.
Kiểm soát và can thiệp quá mức tỷ giá không phải lúc nào cũng là lựa chọn duy nhất đối với một quốc gia hướng tới mục tiêu cải thiện cán cân thương mại. Trung Quốc là một nước thực hiện rất thành công chính sách phá giá và thành công này một phần do lựa chọn thời điểm phá giá hợp lý. Khi đó, các nước trong khu vực đang phát triển lành mạnh và duy trì chế độ tỷ giá cố định. Vào thời điểm đó, Trung Quốc có mức tăng trưởng kinh tế cao, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nền kinh tế cũng không có những biến động xấu do tác dụng trung hòa của những đồng ngoại tệ rẻ và có sẵn cả ở
trong nước và ngoài nước. Việc phá giá mạnh đồng NDT đã giúp Trung Quốc gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ, đem lại nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào.
Tỷ giá cần được xác lập trên cơ sở thiết lập một rổ ngoại tệ gồm những ngoại tệ
mạnh để tránh được cú sốc trong nền kinh tế khi một đồng tiền nào đó biến động.
Thứ hai, là tính phối hợp trong cải cách. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, sự phối hợp nhanh và nhạy trong cải cách là rất quan trọng. Trong cải cách tỷ giá, bước đầu là phá giá, tiếp đến là cải cách cơ chế xác định tỷ giá, làm cho tỷ giá trở nên linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của các quan hệ hàng hóa –tiền tệ. Trong sự phối hợp ở các lĩnh vực khác của toàn bộ nền kinh tế, cải cách tỷ giá không được xem như là một giai đoạn cải cách cứng nhắc, thay vào đó, các bước cải cách được thực hiện ở
các giai đoạn khác nhau trong quá trình cải cách chung. Ở các giai đoạn đầu, đồng Nhân dân tệ được định giá cao hơn giá trị thực thì giảm giá là cần thiết. Khi công cuộc cải cách trên cả nước đã có những bước tiến nhất định, tỷ giá hối đoái có cơ sở để hoạt động như là một đòn bẩy kinh tế thì việc thay đổi quy tắc, cơ chế điều hành lại trở nên cần thiết để đảm bảo có tỷ giá sát thực với mức thị trường.
Thứ ba, các biện pháp cải cách tỷ giá ở Trung Quốc đã tạo ra một cơ chế bảo vệ lợi ích cho các nhà xuất khẩu; trong chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi có điều tiết, tỷ giá danh nghĩa có thể được điều chỉnh để chống đỡ các cú sốc lạm phát cũng như các biến động khác, đảm bảo lợi nhuận cho hoạt động xuất khẩu. Hơn nữa, cơ chế này còn được phối hợp với những chính sách ưu tiên làm tăng khả năng cạnh tranh trước sức ép lạm phát.
Thứ tư, khả năng vận dụng và kết hợp các công cụ của chính sách tỷ giá một cách khéo léo nhằm bổ sung cho nhau là điều hết sức quan trọng để hạn chế những tác động không mong muốn của chính sách tỷ giá đến nền kinh tế trong ngắn hạn. Trong quá trình cải cách, đồng Nhân dân tệ được điều chỉnh nhiều lần theo hướng phá giá, gây sức ép tăng lạm phát. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, nhờ sự nhạy bén của các công cụ chính sách mà Trung Quốc đã đạt được một sự ổn định giá cả trong nước và cân bằng tài chính tiền tệ với bên ngoài. Trong khi các chính sách kinh tế khác (ngoài chính sách tỷ giá) có thể bị vô hiệu hóa để kiềm chế lạm phát, thì tỷ giá xác lập vẫn đạt mục tiêu là đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để các chính sách điều tiết tỷ giá và kiểm soát lạm phát, ngân hàng trung ương cần được đảm bảo sự độc lập nhất định với Chính phủ trong việc ra quyết định và điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương phải có hệ thống theo dõi, giám sát chặt chẽ các điều kiện kinh tế trong nước, các nền kinh tế lớn và các nước trong khu vực, kịp thời đánh giá các rủi ro, nguy cơ mất ổn định để đưa ra những chính sách phù hợp.
Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, các rào cản thuế quan và hạn ngạch hàng hóa nhằm bảo hộ thương mại buộc phải dỡ bỏ dần. Chính vì
vậy, chính sách tỷ giá có thể là một trong những công cụ hợp lý để giúp Việt Nam hỗ
trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhằm cải thiện cán cân thương mại.