CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.5. Các nguyên tắc cơ bản trong DH toán theo hướng hình thành phát triển năng lực PH&GQVĐ cho học sinh THCS
Thực chất của DH theo định hướng phát triển năng lực là dạy học theo hướng tích cực (dạy học tích cực) chính là phát huy được tính tích cực nhận thức của học sinh. Nói cách khác là “dạy học lấy hoạt động của người học làm trung tâm”. Trong dạy và học tích cực, dưới sự thiết kế, tổ chức, định hướng của giáo viên, người học được tham gia vào quá trình hoạt động học tập từ khâu phát hiện vấn đề, tìm giải pháp cho vấn đề đặt ra, thực hiện các giải pháp và rút ra kết luận. Quá trình đó giúp người học lĩnh hội nội dung học tập đồng thời phát triển năng lực sáng tạo.
Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực có nghĩa là hoạt động học tập phải được thực hiện trên cơ sở kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động hợp tác, trong mối quan hệ tương tác giữa thầy trò, trò-trò trong môi trường học tập thân thiện, an toàn. Trong dạy học tích cực, học sinh là chủ thể hoạt động, giáo viên đóng vai trò người tổ chức hướng dẫn, đòi hỏi giáo viên phải co kiến thức sâu, rộng, có kĩ năng sư phạm, đặc biệt phải có tình cảm nghề nghiệp thì việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tính tích cực mới đạt hiệu quả.
Các vấn đề/ tình huống đưa ra để HS xử lí, giải quyết cần thoả mãn các yêu cầu sau:
- Phù hợp với chủ đề bài học
- Phù hợp với trình độ nhận thức của HS
- Vấn đề/ tình huống phải gần gũi với cuộc sống thực của HS
- Vấn đề/ tình huống có thể diễn tả bằng kênh chữ hoặc kênh hình, hoặc kết hợp cả hai kênh chữ và kênh hình hay qua tiểu phẩm đóng vai của HS
- Vấn đề/ tình huống cần có độ dài vừa phải
- Vấn đề/ tình huống phải chứa đựng những mâu thuẫn cần giải quyết, gợi ra cho HS nhiều hướng suy nghĩ, nhiều cách giải quyết vấn đề.
- Tổ chức cho HS giải quyết, xử lí vấn đề/ tình huống cần chú ý:
- Các nhóm HS có thể giải quyết cùng một vấn đề/ tình huống hoặc các vấn đề/ tình huống khác nhau, tuỳ theo mục đích của hoạt động.
- HS cần xác định rõ vấn đề trước khi đi vào giải quyết vấn đề.
- Cần sử dụng phương pháp động não để HS liệt kê các cách giải quyết có thể có.
- Cách giải quyết tối ưu đối với mỗi HS có thể giống hoặc khác nhau.
- GV cần tìm hiểu đúng cách tạo tình huống gợi vấn đề và tận dụng các cơ hội để tạo ra tình huống đó, đồng thời tạo điều kiện để HS tự lực giải quyết vấn đề. Một số cách thông dụng để tạo tình huống gợi vấn đề là:
- Dự đoán nhớ nhận xét trực quan, thực hành hoặc hoạt động thực tiễn
- Lật ngược vấn đề
- Xét tương tự
- Khái quát hóa
- Khai thác kiến thức cũ, đặt vấn đề dẫn đến kiến thức mới
- Giải bài tập mà chưa biết thuật giải trực tiếp
- Tìm sai lầm trong lời giải
- Phát hiện nguyên nhân sai lầm và sửa chữa sai lầm,
Trong dạy học, các cơ hội như vậy rất nhiều, do đó PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề có khả năng được áp dụng rộng rãi trong dạy học nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS.
Tiểu kết chương 1
Chương 1 của luận văn đã tiến hành nghiên cứu nội dung cơ bản về năng lực, và đi sâu và nghiên cứu năng lực PH&GQVĐ cùng như quan điểm, phương pháp dạy học PH&GQVĐ. Đồng thời cũng cố gắng làm rõ mối quan hệ giữa các khái niệm trên. Bên cạnh đó Điều tra, phân tích và đánh giá tình trạng dạy học PH&GQVĐ, thực trạng dạy học theo định hướng phát triển năng lực PH&GQVĐ cho học sinh. Đồng thời cũng tìm hiểu một số khó khăn của học sinh cũng như của giáo viên khi học chủ đề Tam giác ở môn toán lớp 7.
Luận văn đã hệ thống lại một số biện pháp cơ bản để phát triển năng lực PH&GQVĐ cho học sinh thông qua chủ đề Tam giác. Đây là những cơ sở lý luận của đề tài, là cơ sở để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và xây dựng kịch bản dạy học trong những chương tiếp theo.
Đây cũng là những cơ sở thực tiễn của đề tài, là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu đề xuất một số kịch bản dạy học chủ đề Tam giác ở toán lớp 7.