CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ THEO HƯỚNG TRẢI NGHIỆM
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.3. Học tập theo hướng trải nghiệm
Trải nghiệm là quá trình cá nhân tiếp xúc trực tiếp với MT, với sự vật, hiện tượng, vận dụng vốn kinh nghiệm và các giác quan để quan sát, tương tác, cảm nhận về sự vật, hiện tượng đó. Trải nghiệm diễn ra dựa trên vốn kinh nghiệm của cá nhân về sự vật, hiện tượng.
Ngay từ xa xưa, con người đã có những hiểu biết nhất định về ý nghĩa và vai trò của trải nghiệm với việc học tập của mỗi cá nhân. Ở phương Đông, hơn 2000 năm trước, Khổng Tử (551- 479 TCN) nói: “Những gì tôi nghe, tôi
sẽ quên. Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Tư tưởng này thể hiện tinh thần chú trọng học tập từ trải nghiệm và việc làm. Ở phương Tây, Aristotle (384- 332TCN) cho rằng: “Những điều chúng ta phải học trước rồi mới làm, chúng ta học thông qua làm việc đó”.
Trong rất nhiều quan điểm, triết lý khác nhau về giáo dục trải nghiệm, không thể không nhắc đến quan điểm giáo dục Montessori. Montessori khẳng định: “Trẻ tự đào luyện mình trong mối quan hệ với MT”. Có nghĩa là những gì mà trẻ có được phải “thông qua hoàn cảnh sống bên ngoài”, thông qua hoạt động tương tác trực tiếp của trẻ với MT. Một trong những tư tưởng triết lý của Montessori là chúng ta “không nên coi trọng trí óc hơn là đôi tay, mà phải kết hợp cả hoạt động của trí óc với đôi tay tạo thành một hoạt động sáng tạo song hành”. Montessori gọi đôi tay là công cụ của trí tuệ và nhận định “đôi tay phối hợp với bộ não để tạo nên trí thông minh của trẻ”. Như vậy, “trải nghiệm” theo quan điểm Montessori nhấn mạnh việc học được thực hiện thông qua các tương tác với MT bằng sự kết hợp của nhận thức cảm tính và lý tính (sự phối hợp của đôi tay và trí óc) và cho rằng đó là một phần không thể thiếu để trẻ phát triển và hoàn thiện. Vai trò của trẻ trong quá trình trải nghiệm không chỉ là người tham gia mà chính là chủ thể thực hiện các tương tác với đối tượng; thông qua quá trình tương tác này mà kiến tạo những kiến thức mới trở thành kinh nghiệm của bản thân.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục trong đó từng HS được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong nhà trường hoặc trong xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, các kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm của từng cá nhân.
Theo tác giả Đinh Thị Kim Thoa, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục thông qua sự trải nghiệm và sáng tạo của cá nhân trong việc kết nối kinh nghiệm hoc được trong nhà trường với thực tiễn đời sống mà nhờ đó các kinh nghiệm được tích lũy thêm và dần chuyển hóa thành năng lực.
Theo tác giả Lê Huy Hoàng, họat động trải nghiệm là hoạt động xã hội, thực tiễn giúp HS tự chủ trải nghiệm thực trong tập thể, qua đó hình thành và thể hiện phẩm chất năng lực, nhận ra năng khiếu, sở thích, đam mê, bộc lộ và điều chỉnh cá tính, giá trị, nhận ra chính mình cũng như khuynh hướng phát triển bản thân; bổ trợ và cùng với các hoạt động dạy học trong chương trình giáo dục thực hiện tốt nhất mục tiêu giáo dục. Hoạt động này nhấn mạnh sự trải nghiệm, thúc đẩy năng lực sáng tạo của người học và được tổ chức một cách linh hoạt, sáng tạo.
Trên cơ sở phân tích khái niệm (thuật ngữ) liên quan, từ các góc độ nghiên cứu khác nhau, có thể đưa ra nhiều cách định nghĩa khác nhau về hoạt động trải nghiệm.
Theo nghĩa chung nhất: Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục, trong đó nội dung và cách thức tổ chức tạo điều kiện cho từng HS được tham gia trực tiếp và làm chủ thể của hoạt động, tự lên kế hoạch, chủ động xây dựng chiến lược hành động cho bản thân và cho nhóm để hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị kỹ năng sống và những năng lực cần có của công dân trong xã hội hiện đại, qua hoạt động học sinh phát huy khả năng sáng tạo để thích ứng và tạo ra cái mới, giá trị cho cá nhân và cộng đồng.
Nếu quan niệm hoạt động trải nghiệm là một hình thức tổ chức hoạt động, thì có thể hiểu: Hoạt động trải nghiệm là một trong số những hình thức dạy học, giáo dục để tổ chức các hoạt động giáo dục, mà HS được tham gia trực tiếp để chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, hình thành và phát triển năng lực cá nhân. Trong khi tham gia hoạt động người học phải khai thác được những kinh nghiệm, vốn sống đã có kết hợp với những trải nghiệm mới để hình thành những phẩm chất, năng lực mới, giá trị mới và tạo ra những sản phẩm (vật chất, tinh thần) có giá trị đối với bản thân và đối với người khác.
Nếu hiểu hoạt động trải nghiệm là một nội dung giáo dục, thì có thể quan niệm: Hoạt động trải nghiệm là tổng hòa các nội dung giáo dục, bao gồm: đời
sống xã hội, văn hóa - nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí, khoa học kỹ thuật công nghệ, lao động, hướng nghiệp, được nhà giáo dục thiết kế theo mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách.
Nếu coi hoạt động trải nghiệm có giá trị tương đương với một môn học, có thể quan niệm: Hoạt động trải nghiệm là một hợp phần quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, với tư cách như là một môn học, có nội dung chương trình cụ thể, phương pháp, đánh giá... được các nhà sư phạm thiết kế, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách HS, đặc biệt nhấn mạnh tạo điều kiện để người học trực tiếp tham gia các loại hình hoạt động giáo dục, phát huy năng lực sáng tạo.
Như vậy, hoạt động trải nghiệm được coi là một không gian giáo dục trong nhà trường phổ thông, trong đó có sự tích hợp nội dung học tập trong nhà trường từ các môn học gắn với kinh nghiệm của bản thân HS trong cuộc sống và năng lực sở trường của học sinh trong từng lĩnh vực để thích nghi với cuộc sống thực đang diễn ra bên trong và bên ngoài nhà trường. Đó cũng là không gian để tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng như giáo dục định hương nghề nghiệp, các hoạt động giáo dục phát triển năng lực chuyên biệt, khác biệt cho các nhóm HS, gắn hoạt động của nhà trường với cuộc sống, tạo sự liên kết đa dạng với các môn học trong những tình huống thực tiễn, xây dựng các giá trị cuộc sống cho công dân theo định hướng các kĩ năng mềm mà trong các môn học không thể chuyển tải được, tổ chức các hoạt động giáo dục định hướng công dân...
Hoạt động trải nghiệm nhằm hình thành và phát triển cho HS những phẩm chất, tư tưởng, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những năng lực chung cần có ở con người hiện đại. Vì vậy, có thể hiểu hoạt động trải nghiệm là hoạt động trong đó, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, từng cá nhân HS được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy
tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.
1.1.3.2. Dạy học theo hướng trải nghiệm
Kinh nghiệm là những hiểu biết do trông thấy, nghe thấy, do từng trải, tiếp xúc với cuộc sống mà có hoặc là những điều coi như những kiến thức học được bằng lý luận đã thu nhận được trong quá trình thực sự hoạt động (cư xử, giao tiếp,...) [16]. Kinh nghiệm được sử dụng trong quá khứ, liên quan đến những gì đã được tích lũy hoặc những thứ còn tồn đọng của những kinh nghiệm trước đây. Kinh nghiệm quá khứ thường ảnh hưởng tới kinh nghiệm hiện tại và kinh nghiệm tương lai.
Một định nghĩa khác về kinh nghiệm, từ “kinh nghiệm” nhằm diễn đạt bản chất các sự việc hoặc sự kiện mà một cá nhân hoặc nhóm người cụ thể đã trải qua trong đời sống hằng ngày hoặc trong cuộc đời mình. Kinh nghiệm không phải là việc gì đã xảy ra với cá nhân, mà là cá nhân đó đã làm gì hay phản ứng (trải nghiệm) như thế nào với việc xảy ra với mình [6].
Học tập qua kinh nghiệm là quá trình người học tạo dựng kiến thức, kỹ năng và quan điểm về giá trị từ việc bản thân trải nghiệm trực tiếp trong MT học tập. Học tập qua kinh nghiệm còn được hiểu là quá trình học tập dựa trên những kinh nghiệm có sẵn. Nó khác với phương pháp giáo dục truyền thống ở chỗ, quá trình giáo dục theo cách truyền thống thu thập thông tin thông qua việc nghiên cứu các chủ đề mà không cần sự trải nghiệm thực tế. Tóm lại, học tập qua kinh nghiệm tập trung vào người học và kinh nghiệm của người học.
Trải nghiệm là quá trình cá nhân tiếp xúc với MT, với sự vật, hiện tượng, vận dụng vốn kinh nghiệm và các giác quan để quan sát, tương tác, cảm nhận về sự vật, hiện tượng đó. Trải nghiệm diễn ra dựa trên vốn kinh nghiệm của cá nhân về sự vật, hiện tượng.
Học tập theo hướng trải nghiệm là hình thức học tập gắn liền với các hoạt động có sự chuẩn bị ban đầu về kinh nghiệm và có phản hồi, trong đó đề cao kinh nghiệm chủ quan của người học [6]. Nói một cách khác, học tập theo hướng trải nghiệm là hình thức dạy học trong đó GV là người thiết kế, tổ
chức, hướng dẫn các hoạt động để HS bằng vốn kinh nghiệm của cá nhân kết hợp với việc được tiếp xúc trực tiếp với MT học tập, sử dụng các giác quan, tự lực chiếm lĩnh kiến thức, hình thành kỹ năng, thái độ và hành vi đúng đắn với MT.
Tác dụng của học tập theo hướng trải nghiệm: khiến người học sử dụng tổng hợp các giác quan (nghe, nhìn, chạm, ngửi...) có thể tăng khả năng lưu giữ những điều đã học được lâu hơn; Các cách thức dạy và học đa dạng của phương pháp có thể tối đa hóa khả năng sáng tạo, tính năng động và thích ứng của HS; HS được trải qua quá trình khám phá kiến thức và tìm giải pháp từ đó giúp phát triển năng lực cá nhân và tăng cường sự tự tin; Khi HS được chủ động tham gia tích cực vào quá trình học, các em sẽ có hứng thú và chú ý hơn đến những điều học được và ít gặp vấn đề về tuân thủ kỷ luật; HS có thể học các kỹ năng sống mà được sử dụng lặp đi lặp lại qua các bài tập, hoạt động, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng các kỹ năng đó vào thực tế.
1.1.3.3. Bản chất của dạy học theo hướng trải nghiệm
Quá trình dạy học là một quá trình thống nhất giữa GV và HS. Trong đó, GV giữ vai trò hướng dẫn, tổ chức, điều chỉnh hoạt động của HS nhằm làm cho HS tự giác nắm vững hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, giúp trẻ phát triển được năng lực nhận thức, năng lực hoạt động và hình thành cơ sở của thế giới quan khoa học [5].
Xét về cơ bản, quá trình dạy học tiểu học chủ yếu là quá trình nhận thức của HS dưới sự tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, hỗ trợ của GV. Đây là hoạt động của chính HS, HS là chủ thể tích cực chiếm lĩnh tri thức bằng hoạt động học tập của mình, còn đối tượng nhận thức ở đây chính là hiện thực khách quan, được các thể hệ trước tích lũy thành kinh nghiệm lịch sử - xã hội và được đưa ra qua nội dung dạy học [17].
Học tập dựa vào trải nghiệm tiến hành trên vốn kinh nghiệm và việc sử dụng các giác quan của người học. Nó khác với giáo dục truyền thống ở chỗ, quá trình giáo dục truyền thống thu nhận thông tin thông qua việc nghiên cứu
các chủ đề mà ít trải nghiệm thực tế. Ở học tập theo hướng trải nghiệm, kinh nghiệm của người học được tích lũy và phản hồi thông qua những kiến thức và hiểu biết mới mà người học tiếp thu được từ những trải nghiệm thực tế.
Học tập theo hướng trải nghiệm không đơn thuần là thực hiện một hoạt động học tập trong MT xung quanh, mà trải nghiệm nhờ một quá trình học tập khi nó được HS động não và phản hồi, từ đó rút ra những kết luận để ghi nhớ và vận dụng vào các tình huống khác nhau. Trong quá trình giáo dục này, GV chính là người tạo ra MT học tập thuận lợi nhất để HS tham gia. Trong trải nghiệm, dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV, HS tự mình trải nghiệm thực tế nhằm tìm ra kiến thức, hình thành những kỹ năng, hành vi.
Học tập dựa vào trải nghiệm lấy hoạt động của HS làm trung tâm, tất cả HS đều trải nghiệm theo một tiến trình cụ thể. Trong trải nghiệm, tất cả HS đều huy động tối đa kinh nghiệm có sẵn, cùng với các giác quan để quan sát, cảm nhận về sự vật, hiện tượng; HS đều được phát huy khả năng làm việc tự lập, làm việc theo nhóm, tư duy sáng tạo, biết so sánh, phân tích, đánh giá các sự vật, hiện tượng dựa trên sự trải nghiệm của bản thân.
1.1.3.4. Đặc điểm của dạy học theo hướng trải nghiệm
Học tập theo hướng trải nghiệm là một quá trình liên tục dựa vào kinh nghiệm [26]. Tức là trong học tập theo hướng trải nghiệm, HS khi tham gia vào mọi tình huống học tập đều ít nhiều có những hiểu biết về chủ đề, nội dung học tập; công việc của GV không chỉ là đưa ra những ý tưởng mới, mà còn phải xóa bỏ hoặc sửa đổi những ý tưởng cũ. Nếu quá trình giáo dục bắt đầu bằng cách đưa ra niềm tin và những hiểu biết của người học, kiểm tra và thử nghiệm chúng trong MT thực tế, sau đó tích lũy những ý tưởng mới tinh tế hơn vào hệ thống niềm tin của người học, thì quá trình học tập sẽ thuận lợi hơn.
Học tập theo hướng trải nghiệm là quá trình đòi hỏi người học sử dụng tất cả các giác quan tương tác với sự vật, hiện tượng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Chính trong trải nghiệm, các giác quan của HS được huy động tối đa vào việc quan sát, cảm nhận do sự tác động từ MT thực tiễn. Qua đó tạo
cho HS sự thích thú khi tham gia học tập. Đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi để HS tăng cường các hoạt động thảo luận, tranh luận và phản hồi về sự vật, hiện tượng mà HS được trực tiếp quan sát, tiếp xúc.. Việc học tập theo hướng trải nghiệm, những kiến thức, kỹ năng thực hành, thái độ và hành vi của HS sẽ bộc lộ trực tiếp, điều đó giúp HS có cơ hội phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế của mình trước những tình huống trong cuộc sống.
Học tập theo hướng trải nghiệm cũng là việc học tập thông qua sai lầm.
Khi trải nghiệm, trong quá trình người học vận dụng vốn kinh nghiệm và các giác quan kết hợp phân tích, so sánh, phản hồi một cách trung thực về sự vật, hiện tượng tất yếu sẽ xảy ra sai lầm. Tuy nhiên nhà giáo dục Roger Mucchielli cũng đã khẳng định: “Những sai lầm của cá nhân trong việc tìm ra kết quả của tình huống học tập là điều bổ ích cho việc học tập, vì nó giúp HS thấy rằng có một kết quả khác khi tiến hành phân tích đầy đủ tình huống học tập. Ngoài ra, sai lầm của cá nhân giúp HS loại bỏ những kinh nghiệm sai lầm đã tồn tại trong bản thân khi giải quyết tình huống trong những tình huống khác. Như vậy sai lầm của cá nhân HS giúp HS điều chỉnh kinh nghiệm để phù hợp và thích nghi. Chính trong quá trình thích nghi đó, câu trả lời đúng sẽ được tìm ra”. Khi học tập theo hướng trải nghiệm, phải luôn khuyến khích HS trải nghiệm, tự phát hiện ra kiến thức mới và chấp nhận những kết quả sai lầm trong quá trình hình thành kinh nghiệm.
Trong học tập theo hướng trải nghiệm, các phương pháp dạy học được phối kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong học tập theo hướng trải nghiệm, các hoạt động học tập của HS thể hiện qua việc thảo luận, quan sát, thực hành, làm thí nghiệm, chơi trò chơi,... Vì thế GV cần thiết kế các hoạt động sử dụng những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. Ngoài ra, trong học tập theo hướng trải nghiệm có sự linh động giữa các hoạt động cá nhân, nhóm.
1.1.3.5. Quy trình dạy học theo hướng trải nghiệm
Năm 1984, David Kolb (nhà lý luận giáo dục Hoa Kỳ) đã chính thức