Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KIỂM TRA THUẾ
1.2. Công tác kiểm tra ĐTNT của cơ quan thuế
Nội dung kiểm tra ĐTNT tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:
- Kiểm tra, việc chấp hành những quy định về đăng ký thuế
Đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế là quyền và nghĩa vụ của đối tượng kinh doanh. Mục tiêu của việc kê khai, đăng ký thuế nhằm giúp cho cơ quan quản lý thuế quản lý chặt chẽ ĐTNT ngay từ khi bắt đầu hoạt động;
quản lý hồ sơ ĐTNT để lưu giữ, tra cứu, kiểm tra khi cần thiết.
Căn cứ vào số liệu tổng hợp về đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai, nộp thuế cơ quan thuế phối hợp với các ngành có liên quan để chuẩn bị điều kiện vật chất phục vụ tốt công tác quản lý đối với cơ sở kinh doanh theo đúng luật thuế. Xác định những đối tượng còn sót chưa đăng ký kinh doanh hoặc chưa đăng ký thuế.
Nội dung kiểm tra đăng ký thuế là xem xét trên từng địa bàn, trong từng loại ngành nghề có bao nhiêu đơn vị thực tế có hoạt động kinh doanh, số lượng đơn vị đăng ký và chưa kê khai đăng ký thuế và cơ sở kinh doanh đã đăng ký có làm đúng những quy định về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế không.
Đối với mỗi cơ sở kinh doanh khi kiểm tra cần đi sâu xem xét tính pháp lý của đăng ký thuế; kiểm tra tính trung thực của các tài liệu, số liệu kê khai trong đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế về vốn, địa điểm, ngành nghề kinh doanh, thời gian thực tế kinh doanh… nhằm phát hiện và xử lý những gian lận
trong kê khai đăng ký thuế. Cần coi trọng việc kiểm tra nội dung ghi trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế vì đây là khâu đầu tiên trong quy trình quản lý thu thuế, để tránh bỏ sót đối tượng chịu thuế, ĐTNT, bỏ sót nguồn thu
- Kiểm tra, việc chấp hành chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ
Việc thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ có liên quan mật thiết đến việc tính thuế, nộp thuế và công tác quản lý của Nhà nước. Nội dung kiểm tra này bao gồm: kiểm tra việc tổ chức thực hiện Luật kế toán của các cơ sở kinh doanh, việc lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ có liên quan đến việc tính thuế. Nội dung của kiểm tra chứng từ, hoá đơn là xác định tính hợp pháp, hợp lý, tính trung thực của từng loại chứng từ hóa đơn có liên quan như: hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho, chứng từ thu chi…
Qua kiểm tra việc chấp hành chế độ kế toán, sổ sách, chứng từ, hoá đơn đảm bảo chính xác các căn cứ tính thuế, ngăn chặn kịp thời việc hạch toán sai để trốn lậu thuế. Do vậy, nội dung kiểm tra này cần được tiến hành thường xuyên. Đây là nội dung kiểm tra phức tạp nhất, tốn nhiều thời gian và công sức nhất.
- Kiểm tra, việc thực hiện kê khai, tính thuế và nộp thuế
Kê khai, tính thuế, nộp thuế là nghĩa vụ của các DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nội dung công tác kiểm tra việc kê khai tính thuế, nộp thuế bao gồm:
+ Kiểm tra để xác định đúng đối tượng chịu thuế. ĐTNT là yêu cầu bắt buộc phải làm trước khi xác định mức thuế phải nộp. Trong thực tế, nhiều hoạt động kinh doanh phức tạp phải kiểm tra để xác định đối tượng chịu thuế, ĐTNT đúng với quy định của từng sắc thuế tránh bỏ sót nguồn thu.
+ Kiểm tra căn cứ tính thuế trên cơ sở kiểm tra sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn và các tài liệu có liên quan nhằm xác định đúng số thuế phải nộp, số thuế đã nộp, số thuế được miễn, giảm, số thuế được hoàn trong kỳ của đơn vị. Đối chiếu số liệu trên các tờ khai, bảng kê, quyết toán thuế đơn vị đã kê
khai với số liệu kiểm tra trên sổ sách kế toán và tình hình thực tế của đơn vị để phát hiện số thuế đơn vị kê khai thiếu, số thuế ẩn lậu. Đây là một khâu rất quan trọng trong quá trình kiểm tra thuế, đòi hỏi cán bộ thuế phải nắm vững nội dung những quy định của các Luật thuế, các văn bản hướng dẫn thực hiện và đặc biệt phải thông thạo nghiệp vụ kế toán.
+ Kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của ĐTNT để xác định xem cơ sở kinh doanh có thực hiện nghiêm túc quy định về thời hạn nộp thuế của các luật thuế không, có dây dưa nộp chậm tiền thuế để chiếm dụng NSNN không, có nợ đọng thuế không. Đặc biệt chú trọng đến những cơ sở có biểu hiện vi phạm nhiều lần, với số lượng lớn nhằm giảm thiểu tối đa khả năng thất thoát tiền thuế của Nhà nước. Để đạt được yêu cầu trên, cần đối chiếu thời gian nộp thuế theo quy định của các luật thuế với thời gian nộp thuế của cơ sở kinh doanh qua các chứng từ nộp thuế như giấy nộp tiền vào kho bạc, biên lai thuế.
Như vậy, việc kiểm tra ĐTNT là công việc mang tính tổng hợp cao, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải nắm vững các văn bản pháp luật thuế, thông thạo nghiệp vụ kế toán, hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác.
1.2.2. Phương pháp kiểm tra
- Phương pháp đối chiếu, so sánh
Đây là phương pháp chủ yếu được sử dụng trong quá trình kiểm tra thuế. Nội dung của phương pháp này là thực hiện việc so sánh, đối chiếu nội dung cần kiểm tra với các nguồn thông tin khác nhau để đánh giá, xem xét nội dung cần kiểm tra thuế.
- Phương pháp kiểm tra từ tổng hợp đến chi tiết
Đây là phương pháp tối ưu để kiểm tra số liệu kế toán. Theo phương pháp này, trước hết kiểm tra số liệu tổng hợp sau mới kiểm tra số liệu chi tiết.
Việc kiểm tra tổng hợp nhằm rút ra những nhận xét tổng quát để từ đó định hướng những nội dung cần đi sâu kiểm tra (kiểm tra chi tiết).
- Phương pháp kiểm tra chứng từ gốc Có ba phương pháp kiểm tra chứng từ gốc:
+ Kiểm tra theo trình tự thời gian: là việc thực hiện kiểm tra chứng từ gốc đã được sắp xếp theo trình tự thời gian phát sinh. Phương pháp này mất nhiều thời gian và hiệu quả thấp nên ít được sử dụng.
+ Kiểm tra theo loại nghiệp vụ: là việc thực hiện kiểm tra chứng từ gốc đã được phân loại, sắp xếp theo một nghiệp vụ nhất định, như chứng từ thu, chi tiền mặt, xuất, nhập kho… Phương pháp này được áp dụng khi cần rút ra kết luận đầy đủ về một loại nghiệp vụ theo yêu cầu của nội dung kiểm tra.
Phương pháp này tiết kiệm thời gian và cho hiệu quả cao.
+ Kiểm tra điển hình: là việc kiểm tra ngẫu nhiên một số chứng từ của một loại nghiệp vụ để rút ra kết luận chung. Phương pháp này tiết kiệm nhiều thời gian nhưng độ tin cậy của kết luận không cao.
- Các phương pháp kiểm tra bổ trợ
+ Phương pháp phỏng vấn: được sử dụng khi cần thu thập thông tin từ những người có quan hệ trực tiếp, gián tiếp đến nội dung kiểm tra.
+ Ngoài ra còn một số phương pháp khác như: Phương pháp thẩm tra và xác nhận từng phần, phương pháp quan sát…
1.2.3. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra
Hiệu quả công tác kiểm tra ĐTNT không chỉ được xem xét, đánh giá đơn thuần ở khía cạnh vật chất (hiệu quả kinh tế) mà còn được xem xét, đánh giá dưới giác độ hiệu quả xã hội - chính trị. Vì vậy, các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra thuế được chia 2 nhóm là:
- Các tiêu chí định lượng
Các tiêu chí định lượng thể hiện ở kết quả thực tế của nghiệp vụ kiểm tra đã được tiến hành. Đó là kết quả cụ thể của việc thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc kết quả đem lại của các nghiệp vụ kiểm tra. Các tiêu chí này thường gồm:
+ Tình hình thực hiện kế hoạch về từng chỉ tiêu định lượng của kế hoạch: Đánh giá tiêu chí này thường dựa vào các chỉ tiêu như: Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về đối tượng kiểm tra so với kế hoạch năm; tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về số thời gian kiểm tra so với kế hoạch năm; Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về số vụ việc khiếu tố giải quyết được so với kế hoạch năm; Tỷ lệ kiểm tra hàng năm so với tổng số đối tượng kiểm tra…
+ Tình hình vi phạm pháp luật thuế đã phát hiện qua kiểm tra: Đánh giá tiêu chí này thường dựa vào các chỉ tiêu như: Tỷ lệ vi phạm pháp luật thuế/tổng số đối tượng kiểm tra; Tổng số tiền thuế truy thu qua kiểm tra; Số tiền truy thu bình quân/đối tượng kiểm tra.
+ Chi phí vật chất và thời gian cho kiểm tra: Đánh giá tiêu chí này thường dự vào các chỉ tiêu như: Thời gian bình quân cho 1 cuộc kiểm tra; Số đối tượng được kiểm tra bình quân hàng năm; chi phí bằng tiền trực tiếp cho kiểm tra;…
+ Hiệu quả trực tiếp của kiểm tra: Đánh giá tiêu chí này thường dựa vào các chỉ tiêu như: Chi phí kiểm tra so với số thuế truy thu được đã nộp NSNN; Tỷ lệ giữ nguyên, sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định truy thu thuế theo biên bản kiểm tra thuế khi giải quyết khiếu nại của đối tượng kiểm tra; Tỷ lệ các trường hợp đối tượng kiểm tra chấp nhận hoàn toàn kết luận kiểm tra; Tỷ lệ số thuế truy thu được nộp vào NSNN/Tổng số thuế truy thu…
Mặc dù có thể tính toán cụ thể được một số chỉ tiêu đã kể trên song thực tế đa số các chỉ tiêu không thực sự phản ánh rõ hiệu quả kinh tế của công tác kiểm tra. Bên cạnh việc tính toán chỉ tiêu này trong năm, để đánh giá chính xác hơn tính hiệu quả, cần phải so sánh với những năm cũ để đánh giá xu hướng biến động của các chỉ tiêu, có như thế mới thấy rõ những tiến bộ của từng khâu công tác.
- Các tiêu chí định tính
Các tiêu chí định tính thường là hệ quả của công tác kiểm tra mà không thể hoặc khó tính toán, đo đếm được. Đó thường là những hiệu quả có tính xã hội, chính trị như:
+ Sự chuyển biến về ý thức tuân thủ pháp luật thuế. Tiêu chí này có thể đo lường được thông qua so sánh tỷ lệ tuân thủ pháp luật thuế của đối tượng kiểm tra qua các năm, đặc biệt là những đối tượng đã được kiểm tra (mức độ tái phạm).
+ Tác dụng trong việc ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật thuế; tạo sự công bằng giữa các ĐTNT; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Có thể đánh giá tác dụng này thông qua xem xét tỷ lệ đối tượng vi phạm bị xử lý truy thu thuế và xử phạt hành chính thuế (chia theo hình thức xử phạt)
+ Tác dụng trong việc phòng chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan quản lý thuế và tạo lòng tin của nhân dân vào hoạt động kiểm tra thuế. Có thể đánh giá tác dụng này thông qua xem xét tỷ lệ cán bộ thuế vi phạm pháp luật trong kiểm tra; Tỷ lệ cán bộ thuế vi phạm pháp luật bị xử lý (chia theo hình thức); những vụ việc vi phạm quan trọng và nhạy cảm được phát hiện và xử lý…
Hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả kiểm tra được đánh giá theo kỳ (quý, năm) và được chia theo sắc thuế, theo hình thức; theo loại ĐTNT và từng nội dung kiểm tra tương ứng.