Chương 2 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đặc điểm cơ bản của huyện Nga Sơn
2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
2.1.2.1. Tăng trưởng kinh tế ở huyện Nga Sơn
Cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh, kinh tế Nga Sơn trong các năm qua đã có những bước phát triển, năm 1990 - 2005 liên tục tăng với tốc độ khá nhưng còn thấp hơn trung bình toàn tỉnh. Thời kỳ 2000 - 2005 do ảnh hưởng của thời tiết cơn bão số 6 và 7 (năm 2005) đã gây hại nặng nề làm giảm 0,8% so với năm 2004, song tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đã đạt 8,6%. Bắt đầu từ năm 2006 tốc độ tăng trưởng kinh tế dần dần ổn định năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2012 tốc độ tăng trưởng đạt 13,5
%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển biến tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp giảm dần, các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ ngày càng tăng (Năm 2009 là 43,2% - 24,1% - 32,7% đến năm 2012 là 40,1%
- 27,1% - 32,8%). Năm 2013 tuy nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 16,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực: Nông - lâm - thuỷ sản 37,7%, giảm 2,4%; Công nghiệp, xây dựng 29,3%, tăng 2,2%; Dịch vụ thương mại 33% tăng 0,2% so với năm 2012.
2.1.2.2. Thực trạng phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Là ngành sản xuất chính, giữ vai trò quan trọng trong kinh tế của huyện, là nguồn thu nhập chính của đại bộ phận dân cư. Mấy năm gần đây đã phát triển vượt bậc. Đặc biệt từ khi giao ruộng đất ổn định lâu dài, các hộ nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh nên năng suất cây trồng tăng lên và ổn định. Trong nông nghiệp đã tập trung chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn từng bước gắn với thị trường và công nghiệp chế biến.
Trồng trọt trong những năm vừa qua, với cơ chế đổi mới sản xuất trong nông nghiệp, nhất là chính sách giao ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân, đồng thời với việc ứng dụng kỹ thuật (giống, phân bón ...) và thị trường chiếu cói ổn định đã tạo cho ngành trồng trọt phát triển khởi sắc. Tập đoàn cây trồng chính như lúa, ngô, lạc, đay, cói... là những loại cây trồng quen thuộc, thích nghi với điều kiện đất đai được phát triển mạnh nhất. Với việc đầu tư đưa giống mới vào địa bàn, đặc biệt là lúa lai, ngô lai, lạc lai, đậu tương giống mới nên năng suất, sản lượng cây trồng được tăng lên rõ rệt. Cây cói đã dần trở lại thế ổn định và được mở rộng. Ngoài ra Nga Sơn còn có thế mạnh về rau màu và cây vụ đông các loại như: xu hào, cải bắp, cà chua, dưa chuột, hành... cung cấp cho thị trường trong huyện, khu vực đông dân cư, vùng công nghiệp và các huyện, tỉnh bạn. Cây lương thực luôn giữ ở thế ổn định, dao động các năm không đáng kể và có xu hướng giảm dần nhường lại chân đất để trồng các cây trồng khác.
Hoạt động lâm nghiệp: Thu nhập lâm nghiệp của huyện không đáng kể, nhưng có tác dụng phòng hộ bảo vệ môi trường và chắn sóng lấn biển.
Chăn nuôi: Đàn gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Đặc biệt địa bàn huyện có nhiều núi đá có thể nuôi thả dê, đem lại thu nhập cao góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong chăn nuôi đã tập trung cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, vì vậy đàn bò lai Sind chiếm 71%
tổng đàn. Từng bước đưa chương trình nạc hóa đàn lợn, tỷ lệ lợn ngoại trong cơ cấu đàn chiếm 5,7%. Gia cầm cũng được phát triển, tuy nhiên do dịch cúm gia cầm đã ảnh hưởng không nhỏ cho người chăn nuôi.
Nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản: Đây là lĩnh vực sản xuất mang lại hiệu quả cao, là thế mạnh của huyện Nga Sơn hiện đang được phát triển ổn định. Bước đầu huyện đã có chủ trương cho các xã, thị trấn vận động nhân dân đổi điền, dồn thửa, xây dựng trang trại kết hợp lúa + cá, nuôi thủy sản nước ngọt.
Với sự phân bổ hợp lý, sự nỗ lực của toàn dân đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo năm 2013 huyện Nga Sơn đạt được những kết quả đáng kích lệ như sau: Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản 354 tỷ đồng (Giá CĐ năm 1994) đạt 98,3% KH; bằng 103,8% so cùng kỳ. Năng suất lúa đạt 58 tạ/ha, giảm 2,2 tạ/ha so cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực đạt 57.071 tấn, bằng 95,8% KH; 94,7% CK;diện tích cói 2.331 ha, năng suất 62,8 tạ/ha, giảm 12,9 tạ/ha, tổng sản lượng cói đạt 14.654 tấn bằng 73,3% CK.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển, đặc biệt là một bộ phận nhân dân đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi trâu bò thịt đạt được hiệu quả kinh tế cao, tổng đàn trâu, bò tăng khoảng 6% so cùng kỳ; các trang trại chăn nuôi lợn, gà công nghiệp tiếp tục phát triển khá, tổng đàn lợn tăng 16,5%.
Sản xuất và khai thác thủy sản năm 2013 cơ bản ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đạt 102 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010) bằng 105,2 % cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi cả năm ước đạt 6.652 tấn bằng 109,5% cùng kỳ.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ, công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới được duy trì thường xuyên, bình quân toàn huyện đạt 12, 11 tiêu chí; vào đầu tháng 12/2013 xã Nga An đã được Hội đồng thẩm định của tỉnh đánh giá là đơn vị đã hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện đã huy động được 475 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, nguồn vốn nhân dân đóng góp và các nguồn huy động khác là 235 tỷ đồng, bộ mặt nông thôn được khởi sắc. Bê tông hóa được trên 100 km đường liên xã, đường liên thôn và đường giao thông nội đồng; xây mới và sửa chữa 8 nhà văn hóa thôn; nâng cấp 972 nhà ở dân cư và 875 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường, thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất và đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính đúng tiến độ kế hoạch đề ra; công tác đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai dân chủ, việc khai thác tài nguyên khoáng sản được tập trung chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để xử lý những trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
2.1.2.3.Thực trạng phát triển ngàng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại - Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ nhỏ bé, chậm phát triển, phần lớn là thủ công nghiệp gia đình chế biến nông sản, sửa chữa cơ khí nhỏ (dệt chiếu, xe lõi, đan lát...) đến nay được đầu tư mạnh mẽ theo hướng chuyên môn hóa đã hình thành các khu công nghiệp, khu làng nghề. Sản phẩm sản xuất được cả về số lượng và chất lượng được thị trường trong và ngoài nước kể cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
- Thương mại dịch vụ là ngành kinh tế đang được phát triển, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
- Cơ sở hạ tầng: Mặc dù là huyện ven biển nằm xa khu trung tâm của tỉnh nhưng cơ sở hạ tầng của huyện Nga Sơn khá đầy đủ cả về chất và số lượng, cơ bản phục vụ tốt cho các hoạt động kinh doanh, trao đổi hàng hóa, nông sản trong và ngoài huyện. Đây cũng là những thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển nông nghiệp bền vững.
Hệ thống công trình giao thông đường bộ chạy qua địa bàn huyện (từ Bắc xuống Nam) có Quốc lộ 10B dài 18km, bề rộng mặt đường bình quân 8m, nền đường nhựa. Tỉnh lộ 13 nối quốc lộ 10 với Quốc lộ 1A tại Nga Mỹ, chạy theo hướng Đông - Tây dài 5 km (trên địa bàn huyện), nền đường rải nhựa bề mặt rộng 7m. Ngoài hai đường chính trên, Nga Sơn có đường liên huyện đi Bỉm Sơn đã được nâng cấp rải nhựa. Hệ thống đường liên xã với tổng chiều dài khoảng 68,7 km. Tỷ lệ diện tích đất giao thông so với diện tích tự nhiên là 6,02%.
Hệ thống các công trình thuỷ lợi huyện Nga Sơn bao gồm các trạm bơm và các công trình trên kênh mương và các công trình trên kênh thuộc xí nghiệp Thuỷ nông Nga Sơn quản lý.
Diện tích canh tác cây trồng hàng năm trên chân đất cát biển đến năm 2005 có 374 ha phụ thuộc vào nước trời và số còn lại đã được tưới chủ động.
Điều đó đã chứng tỏ các cấp chính quyền ở huyện luôn lưu tâm đến hệ thống tưới ở vùng này, vùng mà hệ thống tưới rất khó khăn, nếu không có biện pháp kiên cố hóa thì nước bơm đến đâu sẽ thấm ngấm vào bờ mương sẽ không đáp ứng được cho cây trồng khi cần nước.
Hệ thống đê điều: Nga Sơn có hệ thống đê điều các sông như sông Hoạt, sông Càn, sông Lèn và đê biển, có một số đoạn xung yếu đang xuống cấp. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, đời sống nhân dân trong mùa bão lụt cần thực hiện quai đê lấn biển, mở rộng diện tích canh tác.
Hệ thống điện: Mạng lưới điện nông thôn đã được rải khắp, đã được đầu tư, hiện có 62 trạm biến áp, công suất từ 150 - 350 KVA, 100% hộ dân đã dùng điện.
Bưu chính viễn thông: Toàn huyện có 2 trạm phát sóng, 27/27 đơn vị xã, thị trấn (100%) có nhà Bưu điện văn hoá xã. Số máy điện thoại có 1.579 máy đang hoạt động, bình quân 1,1 máy trên 100 dân. Bưu điện trung tâm đặt tại Thị trấn Nga Sơn. Thông tin liên lạc đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, văn hoá của huyện phát triển.
2.1.2.4. Thực trạng phát triển xã hội
* Dân số và lao động
Tổng dân số của huyện có 149.096 người, trong đó thành thị 3.235 ng- ười bằng 2,17%, nông thôn 145.861 người bằng 97,83%, bình quân 943 người/km2, diện tích canh tác bình quân 622 m2/người. Tốc độ tăng dân số giảm dần, năm 2005 là 0,94%, thấp nhất là Thị trấn 0,3%, cao nhất là Nga Điền 1,51%.
Toàn huyện có 63.123 lao động, chiếm 43,5% dân số, trong đó lao động nông nghiệp 50.973 lao động (bằng 80,75% tổng lao động), lao động ngành nghề khác là 12.150 người (bằng 19,25% tổng lao động). Nguồn lao động của huyện tương đối dồi dào, Hơn nữa, lao động nông nghiệp mang tính thời vụ nên thời gian nông nhàn chiếm tỷ lệ lớn.
Vùng đất cát biển ở Nga Sơn có 62.736 người, với 14.590 hộ và 25.624 lao động. Với diện tích đất canh tác bình quân 478 m2/người, là nơi đất chật người đông. Vì vậy, đòi hỏi phải nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giải quyết việc làm cho người lao động.