Khái quát quá trình hình thành và phát triển múa chuyên nghiệp Việt Nam

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU THAM KHẢO CON ĐƯỜNG của múa dân GIAN đến SÁNG tạo múa CHUYÊN NGHIỆP (Trang 21 - 31)

II. Khái luận về múa chuyên nghiệp

4. Khái quát quá trình hình thành và phát triển múa chuyên nghiệp Việt Nam

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng thực dân Pháp chưa chịu từ bỏ dã tâm, chúng tiếp tục đưa quân xâm lược nước ta lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp gây chiến ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh cướp nước ta lần thứ hai. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong không khí hào hùng của cách mạng vang lên những bài ca: "Là trang nam nhi quyết chiến nơi sa trường...", "Hà Nội cháy khói loang ngập trời, Hà Nội vùng đứng lên...", v.v... Đó là những sáng tác đầu tiên của các nghệ sĩ - chiến sĩ. Những người vừa chiến đấu vừa sáng tác, sáng tác để phục vụ kháng chiến. Hoạt động của văn nghệ sĩ cũng là một hướng tiến công, một mặt trận mà cây bút, cây đàn cũng thành vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh chống xâm lược.

Đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Đảng ta khi đó đã viết: "Văn hóa cũng là một mặt trận đấu tranh của dân tộc ta".

"Văn nghệ sĩ - chiến sĩ" đã cùng với quân dân cả nước chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, tìm tòi, sáng tạo các loại hình văn học, nghệ thuật phục vụ kháng chiến như sách, báo, thông tin tuyên truyền, âm nhạc, hội họa, biểu diễn ca - múa - kịch - thơ... Với hình thức tự biên, tự diễn, đặc biệt là những tiết mục múa còn hết sức mộc mạc, đơn giản. Hầu như mới chỉ minh họa lại những gì mà trong cuộc sống vốn có, miễn là cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, giết giặc lập công ở tiền tuyến, tăng gia sản xuất ở địa phương, dốc lòng, dốc sức chi viện cho phía trước đánh thắng thực dân Pháp.

Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, các đại đoàn chủ lực 312, 320, 316, 304 lần lượt ra đời. Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chuyển sang giai đoạn mới. Lúc này nhu cầu văn hóa tinh thần của bộ đội cũng đòi hỏi có bước phát triển về chất do đó các đại đoàn đều được thành lập đội tuyên văn.

Đội tuyên văn được hình thành từ những cán bộ, chiến sĩ yêu thích nghệ thuật, có khả năng và năng khiếu nhất định về văn học ở các phân đội xung kích, trợ chiến và các binh chủng bảo đảm. Tuyên văn Đại đoàn 308 lúc đó có Lương Ngọc Trác, Đào Hồng Cẩm, Trần Chất, Vũ Hướng, Nguyễn Hoán, Phùng Đệ và một số người khác; Đại đoàn 320 có Khắc Tuế, Kim Ngọc, Trần Ngọc Xương, Kim Tiến, v.v... Đại đoàn 316 có Phạm Tuấn, Lê Doãn Khôi... ; 304 có Trọng Mai, Đoàn Thiều... Đây là những nghệ sĩ đầu tiên, (nghệ sĩ - chiến sĩ) đúng nghĩa là vừa chiến đấu vừa làm công tác văn nghệ. Một số tên tuổi của những người tham gia công tác

"văn nghệ" trong các đội tuyên văn nay đã trở thành chuyên gia đầu ngành của nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp, những tổ chức và hoạt động trên đây chính là nền tảng, cơ sở đầu tiên cho các tổ chức và hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp ở các giai đoạn tiếp theo.

Nếu căn cứ vào khái niệm thế nào là "tác phẩm múa chuyên nghiệp" để đối chiếu thì mốc lịch sử của vấn đề sẽ được bắt đầu từ năm 1951. Năm 1951 là thời điểm đơn vị nghệ thuật đầu tiên được thành lập. Tiêu chí tác phẩm múa chuyên nghiệp được xác định đó là tác phẩm phải được dàn dựng và được biểu diễn tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhìn lại tiến trình phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam, và để minh họa thêm cho sự ra đời của nghệ thuật múa chuyên nghiệp (đó là môi trường hình thành tác phẩm múa chuyên nghiệp), chúng tôi thấy rằng, cần phải phân tích làm rõ hoàn cảnh ra đời của nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp. Căn cứ vào tiến trình lịch sử, múa chuyên nghiệp Việt Nam đã đi qua các chặng đường sau:

1) Giai đoạn 1951 - 1954 2) Giai đoạn 1954 - 1964 3) Giai đoạn 1964 - 1975 4) Giai đoạn 1975 đến nay.

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta chủ yếu dựa vào mốc lịch sử để tái dựng quá trình hình thành và phát triển của ngành múa chuyên nghiệp Việt Nam. Qua nghiên cứu, phân tích, chúng ta nhận thấy: nhiệm vụ, đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử đã liên quan không ít và có tác động không nhỏ đối với sự vận động của văn hoá, văn nghệ nói chung và nghệ thuật múa - ngành múa nói riêng. Mỗi giai đoạn lịch sử là một chặng đường phát triển của ngành múa với những đặc trưng riêng, diện mạo riêng, sắc thái riêng. Các đơn vị nghệ thuật cũng như các tác giả biên đạo đã ý thức xây dựng tác phẩm với quy mô, nội dung, hình thức, nhằm đáp ứng điều kiện thực tế và yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Suy cho cùng, sự phát triển của múa chuyên nghiệp Việt Nam không thể nằm ngoài quỹ đạo của lịch sử.

+ Giai đoạn 1951 - 1954

Sau thắng lợi to lớn của ta trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, cục diện chiến tranh ở Đông Dương thay đổi ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho thực dân Pháp. Quân và dân ta càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Từ tiền tuyến đến hậu phương và vùng địch tạm chiếm, chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, rộng khắp tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực mở các chiến dịch lớn, dài ngày để tiêu diệt lực lượng cơ động, tinh nhuệ của Pháp, buộc chúng rơi vào thế bị động, lập đồn trú để giữ đất, giữ dân hoặc hành quân để càn quét, giải tỏa vùng giáp ranh để đảm bảo an toàn cho hậu phương và những địa bàn chiến lược của chúng, hy vọng từ đó có thể làm xoay chuyển tình thế, đẩy ta vào sai lầm thất bại. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Thực tế đó đòi hỏi ta phải tăng cường sức mạnh về mọi mặt.

Trong đó vai trò của công tác chính trị tư tưởng rất quan trọng, cần phải nâng cao cả về mặt chất lượng nội dung cũng như hình thức phương pháp hoạt động mới đáp ứng kịp yêu cầu tác chiến chiến dịch quy mô ngày càng lớn. Để phục vụ kịp thời yêu cầu đó, về mọi hoạt động văn hóa tinh thần, Tổng quân ủy giao cho Tổng cục Chính trị thành lập Tổng đội Văn công, làm nhiệm vụ xung kích trong tuyên truyền cổ vũ bộ đội, dân công và nhân dân bằng hình thức văn nghệ hóa.

"Ngày 15 tháng 3 năm 1951, Tổng đội Văn công Tổng cục Chính trị đã chính thức thành lập tại một địa điểm thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nằm trong căn cứ kháng chiến Việt Bắc". Đây là đơn vị ca múa nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay từ khi mới thành lập, đơn vị này đã xây dựng được những tác phẩm múa đầu tiên: múa Đếm sao, Múa ba người (Tổ ta thi đua), múa Vui reo, múa Bà Chu cho trứng, Bất li khai Đảng Cộng sản, Nông tác vũ (phỏng tác theo tác phẩm của Trung Quốc), v.v...

Cùng trong thời gian năm 1951, Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương được thành lập và đã đóng góp cho ngành múa Việt Nam còn non trẻ những điệu múa: Chiến thắng Tây Bắc (biên đạo Thái Ly), múa Nón đồng bằng, múa quạt, múa nậm (biên đạo Hoàng Châu), múa Trống ngũ lôi (biên đạo Năm Ngũ), múa Vui sản xuất (biên đạo Hoàng Kiên), v.v...

Ngoài ra còn có một số tác phẩm khác như: múa Trồng bông dệt vải của Văn Chung, Đón trăng thu của Lâm Tô Lộc, múa Công binh của Ngọc Canh, múa Gia Rai, Ba Na của Nhật Lai, múa Lượn của Minh Hiến, v.v...

Qua những dẫn chứng và phân tích ở trên, chúng tôi muốn xác định sự ra đời của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; đội ngũ tác giả chuyên nghiệp; đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp. Đây là những cơ sở để nói đến những tác phẩm múa chuyên nghiệp đầu tiên.

Về nội dung, các biên đạo thời kỳ này cố gắng bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tác. Mục đích của tác phẩm nhằm góp phần tuyên truyền, động viên quân, dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Về nghệ thuật, do điều kiện kháng chiến, đội ngũ biên đạo thời kỳ đầu chưa được đào tạo cơ bản, vì thế các tác phẩm đều trong tình trạng còn đơn giản về cấu trúc, về xây dựng ngôn ngữ múa. Với số lượng tác phẩm không nhiều, căn cứ theo hình thức, thể loại của nghệ thuật múa, chúng tôi phân thành hai loại:

1) Loại múa dư hứng;

2) Loại múa sinh hoạt.

Loại múa dư hứng bao gồm các tác phẩm mà trong đó các biên đạo sử dụng múa dân gian các dân tộc để xây dựng nên tác phẩm. Ví dụ như: múa Nón đồng bằng, múa nậm, múa quạt, trống ngũ lôi, múa Gia Rai, Ba Na, múa lượn... Một trong những đặc điểm đó là động tác, ngôn ngữ múa của các tác phẩm hầu như còn ở trạng thái nguyên dạng. Họ, những biên đạo đầu tiên vừa công tác, vừa biểu diễn, vừa đi sưu tầm. Mặc dù về mặt tổ chức đều là những đơn vị chuyên nghiệp, nhưng hầu như thế hệ nghệ sĩ đầu tiên phải san bán nhiều. Những gì mà các biên đạo sưu tầm được đều phản ánh trong các sáng tạo của mình, có thể nói gần như nguyên dạng, đầy đủ. Có lẽ cũng chính từ thực tế đó mà những tác phẩm sáng tác thời kỳ đầu ngoài ý nghĩa biểu diễn phục vụ khán giả, còn có ý nghĩa nữa đó là sưu tầm và lưu giữ được di sản múa dân gian các dân tộc. Nhiều chất liệu, động tác múa trong các tác phẩm cho đến ngày nay có giá trị rất lớn, tạo được giá trị đó là nhờ phương thức biểu diễn. Những chất liệu động tác đó nằm trong không gian của tác phẩm. Mà tác phẩm lại được gìn giữ thông qua các cuộc lưu diễn phục vụ khán giả khắp mọi nơi. Hình thức đó làm cho múa dân gian các dân tộc được giới thiệu, phổ cập rộng rãi và cũng nhờ đó mà một số di sản múa của các dân tộc được hoàn thiện lên trong quá trình biểu diễn và sáng tạo của diễn viên. Trong giai đoạn này, công tác sưu tầm chưa được đặt ra thành một nhiệm vụ đối với ngành múa. Do đó, bối cảnh lịch sử của nước ta từ năm 1951 đến năm 1954 là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng. Trung tâm cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ở vùng núi Bắc Bộ, từ khu vực Việt Bắc đến Tây Bắc. Đây là khu vực có nhiều truyền thống múa dân gian của các dân tộc ít người. Như các dân tộc: H’mông, Tày, Nùng, Thái, Dao, Xá Phó, Lô Lô, Hà Nhì, Giáy, Hoa, Khơ Mú... Qua công tác tuyên truyền văn hóa, văn nghệ kháng chiến bằng công tác biểu diễn nghệ thuật. Qua giao lưu tiếp xúc mà các nghệ sĩ múa đã ý thức được việc sử dụng những động tác múa dân gian vào tác phẩm biểu diễn. Có thể nói, từ yêu cầu của thực tế cuộc sống kháng chiến mà giai đoạn này đã xây dựng được quan điểm, đã bước đầu phát triển múa dân gian trong sử dụng quá trình sáng tạo, xây dựng các tác phẩm múa biểu diễn, tác phẩm múa chuyên nghiệp. Mặc dù cách tiến hành còn đơn giản, mộc mạc nhưng có thể nói, hoạt động sáng tác múa giai đoạn này đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng quan điểm, phương pháp sáng tác múa dân gian, dân tộc ở các giai đoạn sau.

Đồng thời công tác sưu tầm múa dân gian các dân tộc đã được xác định và được đẩy mạnh hơn nhiều trong những năm tiếp theo. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã có rất nhiều đợt công tác của tập thể hoặc cá

nhân đi đến các địa phương, các vùng dân tộc ít người để nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cho ngành múa một

số hệ thống múa dân gian

dân tộc.

Loại múa thứ hai phổ biến nhất là "múa sinh hoạt". Ví dụ một số tác phẩm như sau: múa Tổ ta thi đua, Bà Chu cho trứng, Bất ly khai cộng sản, Chiến thắng Tây Bắc, Vui sản xuất, Trồng bông dệt vải, múa Công binh... của các tác giả: Hoàng Châu, Lâm Tô Lộc, Lê Ngọc Canh, Văn Chung, Thái Ly... Các tác phẩm múa sáng tác trong thời kỳ này nhằm phản ánh những hình ảnh của cuộc kháng chiến. Nhân vật chính thường là

"anh bộ đội", "chị nông dân", thể hiện tình cảm giữa quân và dân, giữa hậu phương với tiền tuyến. Nhân vật và câu chuyện được phản ánh trong các tác phẩm của giai đoạn này rất gần gũi với cuộc sống đời thường và đơn giản trong cấu trúc tác phẩm, trong phương pháp thể hiện. Khi khán giả xem tác phẩm, có thể nhận biết ngay là nhân vật và hành động của nhân vật, hiểu ngay nội dung tác phẩm. Ngay cả tên gọi của tác phẩm cũng rất "thật" ví dụ như: Tổ ta thi đua, hay Trồng bông dệt vải... Động tác múa gần như minh họa lại những gì đã diễn ra trong đời sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu. Có ý kiến cho rằng phương pháp sáng tác múa thời kỳ này mang tính chất kịch câm. Dùng động tác kể lại nội dung. Hoặc chỉ cách điệu một chút về cường độ (động tác làm mạnh hơn, rộng dài hơn) và sắc thái, đặc biệt đối với diễn viên khi thể hiện tình cảm của nhân vật cũng cố gắng đẩy lên rất gần với đời thường. Mặc dù, xét về phương diện sáng tạo nghệ thuật thì tất cả các sáng tác của giai đoạn này còn ở trình độ thấp, nhưng cũng mang lại hiệu quả xã hội tốt.

Nhìn lại quá trình hoạt động từ ngày thành lập của ngành múa chuyên nghiệp Việt Nam đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, chuẩn bị chuyển sang thời kỳ mới, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nhưng các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc chuyên được thành lập từ thời kỳ 1951 đến 1954 đã có nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn và sưu tầm. Với những kết quả bước đầu, đội ngũ này đã tạo nền tảng đầu tiên cho nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

+ Giai đoạn 1954 - 1964

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đất nước chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn này, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tiếp tục được thành lập và từng bước đi vào hoạt động.

Đây là một giai đoạn mà ngành múa Việt Nam có những bước phát triển tích cực một cách toàn diện. Đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác, có thể nêu một số ví dụ như: múa sạp, múa lượn, múa xoè hoa của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị đạt giải thưởng huy chương vàng tại hội diễn toàn quốc chào mừng kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1954). Múa mỡi, múa nón, Trở lại Điện Biên của biên đạo Minh Tiến. Múa Roong chiêng của Ngọc Minh, Hàn Đức Trọng và Nhật Ninh, Sắc bùa của Đoàn Văn công Liên khu 5..., múa Cướp bông (dân tộc Việt) của biên đạo Hoàng Châu, Những bông hoa đầu xuân (dân tộc H’mông) của biên đạo Minh Hiến, múa Khâu giầy tặng người yêu (dân tộc Lô Lô) của biên đạo Danh Thân, múa Dưới trăng của biên đạo Ngọc Canh, múa Đàn bướm mừng xuân của biên đạo Danh Thân, múa Đường về bản em của tập thể diễn viên, múa khèn (dân tộc H’mông) của biên đạo Minh Hiến, v.v...

Vào những thập kỷ sáu mươi của thế kỷ XX, thể loại múa tình tiết đã phát triển tương đối mạnh ở mọi quy mô khác nhau. Từ tác phẩm múa ngắn có thời lượng từ 6 đến 10 phút, cho đến những vở kịch múa có thời lượng tới 2 giờ. Nội dung của tác phẩm chủ yếu phản ánh đời sống sinh hoạt, đề tài chiến tranh cách mạng, thậm chí có tác phẩm dựng theo cốt truyện dân gian Việt Nam. Ví dụ: múa Trở lại Điện Biên, Bán kem, Cô gái Mèo và sáu anh du kích - biên đạo Minh Tiến, Mài kiếm dưới trăng - biên đạo Hữu Cương, kịch múa ngắn Bế Văn Đàn - biên đạo Ngọc Canh, Phú Lợi căm thù - biên đạo Danh Thân, Bát cơm Phú Lợi - biên đạo Minh Hiến, Một ông hai bà - biên đạo Đoàn Long... Đặc biệt là hai tác phẩm kịch múa lớn Ngọn lửa Nghệ - Tĩnh của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị và tác phẩm Tấm - Cám của Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Đây là hai tác phẩm có quy mô lớn về nội dung, thời lượng, lực lượng diễn viên... Ngoài ra

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU THAM KHẢO CON ĐƯỜNG của múa dân GIAN đến SÁNG tạo múa CHUYÊN NGHIỆP (Trang 21 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w