Đánh giá việc tiếp thu,

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU THAM KHẢO CON ĐƯỜNG của múa dân GIAN đến SÁNG tạo múa CHUYÊN NGHIỆP (Trang 65 - 69)

Để có những tác phẩm múa chuyên nghiệp "đậm đà bản sắc dân tộc" theo tinh thần nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (khoá VIII), cần phải tốn nhiều công sức suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo. Múa dân gian là cội nguồn của múa chuyên nghiệp. Vì thế nghiên cứu mối quan hệ giữa múa dân gian và tác phẩm múa chuyên nghiệp để tìm thấy những giá trị nghệ thuật luôn luôn là điều cần thiết. Những thập kỷ qua, ngành múa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác. Bên cạnh những tác phẩm múa có giá trị về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật, còn có không ít tác phẩm chất lượng thấp, xa lạ với thẩm mỹ dân tộc. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là sự kém hiểu biết về văn hoá dân tộc nói chung, cũng như văn hoá dân gian và múa dân gian nói riêng. Chúng tôi nghĩ rằng, nghiên cứu để chỉ ra những sai sót trong quá trình sáng tác cũng đồng nghĩa với việc xây dựng những tác phẩm mới có giá trị đích thực.

Tác phẩm múa thể hiện được bản sắc dân tộc, theo chúng tôi bao gồm một số nhân tố sau: nội dung tư tưởng, hình thức thể loại, phương pháp biểu hiện, thủ pháp nghệ thuật và phương tiện thể hiện. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, thường có phương pháp tư duy hình tượng riêng. Vì thế, nghệ thuật biên đạo cần xây dựng một phương pháp tư duy phù hợp với truyền thống của dân tộc mình. ở đây chúng tôi sẽ cố gắng phân tích một số hiện tượng ứng dụng múa dân gian trong các tác phẩm múa chuyên nghiệp, làm sai lệch đi truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán... đánh mất bản sắc dân tộc trong tác phẩm.

Trong bài viết của mình, tác giả Xuân Định có viết:

"Nguyên nhân thì có nhiều kể cả nguyên nhân thuộc về thủ pháp kỹ thuật biên đạo nhưng trước hết và quan trọng nhất là việc chúng ta chưa nghiên cứu để nắm được múa dân gian một cách khoa học, toàn diện.

Trước khi sáng tác, cá biệt là do quan niệm, nhưng đa số là chưa có điều kiện về thời gian và vật chất để đi sâu tìm hiểu đầy đủ các mặt lịch sử, kinh tế, văn hoá, phong tục, tập quán, v.v... của dân tộc, chưa nắm bắt được tâm hồn, tính cách dân tộc đích thực và do vậy không cảm thụ đúng đắn nội dung tình cảm chứa đựng trong động tác".

Bảo tồn, phát triển ca múa nhạc dân tộc, chúng tôi đồng ý với tác giả Xuân Định. Từ nguyên nhân vừa nêu, thực tế sáng tác đã xuất hiện không ít tác phẩm mắc phải tình trạng như vậy. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm

biểu hiện ở mức độ khác nhau. Xin nêu một ví dụ nhỏ, đối với phong tục của một số dân tộc thiểu số, việc dùng bàn tay xoa lên đầu nhau là điều cấm kị. Nhưng vì không hiểu điều đó, hơn nữa muốn tăng thêm phần hài hước cho nhân vật của mình mà đã có biên đạo không ngần ngại đưa chi tiết đó vào trong tác phẩm. Mặc dù đó chỉ là chi tiết nhỏ, nhưng hiệu quả đã làm sai lệch bản sắc dân tộc của tác phẩm. Thực tế cho thấy, những tiết mục như vậy đã gây ra sự phản ứng gay gắt của khán giả ở khu vực có dân tộc đó sinh sống.

Năm 1995, tại hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, đoàn nghệ thuật tỉnh Lai Châu có tác phẩm múa tiêu đề Tìm nhau, tác phẩm thuộc thể loại múa sinh hoạt. Dựa theo tập quán và một số chất liệu múa dân gian của dân tộc H'mông, biên đạo đã xây dựng tác phẩm này. Do không hiểu biết đầy đủ phong tục, tập quán của dân tộc H’mông, biên đạo đã có những thể hiện không phù hợp với đặc điểm của dân tộc.

Trong hội thảo nâng cao chất lượng nghệ thuật sáng tác múa do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức đã có những ý kiến đóng góp thiết thực cho tác phẩm này. Tác giả Vũ Hoài phát biểu:

"Hiện thực cuộc sống được đưa lên sân khấu nghệ thuật phải là hiện thực điển hình và thực sự là hình tượng nghệ thuật với chất lượng thẩm mỹ cao. Chỉ có thể làm được điều đó khi có thực tế và vốn sống cần thiết. Chúng ta thực sự băn khoăn, buồn day dứt khi nét đẹp trong giao duyên của dân tộc H'mông vốn rất tế nhị và đầy chất văn hoá, họ trao vòng gửi duyên hẹn ước cho nhau thật là trang trọng và yêu thương, các chàng trai bản thường vun đắp cho tình yêu của bạn bè... Vậy mà có tác phẩm đã thể hiện trên sân khấu thành một cuộc tranh gái loạn xạ, cô gái ném vòng tay, vòng cổ qua cửa như vứt của bố thí và các chàng trai bò bốn chân thật là thảm hại trong nền âm thanh của tiếng chó sủa hàng phút đồng hồ, thiếu vốn sống thực tế và sự trân trọng đối tượng phản ánh đã dẫn đến tình trạng tệ hại như thế đấy!"

Như vậy, những chi tiết trong sinh hoạt cộng đồng không được phản ánh trung thực, giá trị tác phẩm sẽ hoàn toàn ngược lại. Kể cả khi tác giả rất kỳ công trong xây dựng ngôn ngữ múa, có đội ngũ diễn viên tài năng thực hiện, cũng sẽ không mang lại kết quả. Một vấn đề đặt ra là, nếu giải quyết được khâu này, chắc chắn các tác phẩm múa của chúng ta sẽ có sức sống, hấp dẫn và thu hút hơn. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tri thức và năng lực của biên đạo. Công chúng đến với nghệ thuật múa là mong được cảm nhận một vẻ đẹp ở trong cuộc đời đã được cách điệu hoá nghệ thuật, chứ không đơn thuần là đến xem các diễn viên cử động cơ học.

Còn có hiện tượng, trang phục của các nhân vật trong tác phẩm múa mới sáng tác rất gần gũi với trang phục của dân tộc ấy. Âm nhạc cũng mang đậm sắc thái dân tộc, nhưng ngôn ngữ, hành động múa lại xa lạ với phong tục, tình cảm, tâm hồn dân tộc. Đây là một hiện tượng cần rút kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp. Hiện tượng này vẫn xảy ra thường xuyên trong quá trình phát triển.

Chúng ta biết rằng, đạo cụ cho múa chính là những vật dụng trong sinh hoạt, trong lao động của con người được cách điệu hoá nghệ thuật. Nhưng mỗi dân tộc có đặc diểm khác nhau, chủng loại và kiểu dáng khác nhau. Nếu như biên đạo không nắm bắt được sẽ phản ánh sai trong tác phẩm của mình, đó là điều kiêng kỵ. Hiện tượng này trong thực tế đã xảy ra. Đoàn nghệ thuật Quân khu II có tác phẩm múa Một thoáng xuân Tây Bắc, do tập thể nữ diễn viên múa thể hiện. Tác phẩm tham gia hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và đã được nhận huy chương bạc. Mặc dù biên đạo và diễn viên rất công phu trong việc xây dựng ngôn ngữ múa, cũng như sức thuyết phục của nghệ thuật biểu diễn, nhưng kết quả không cao. Ban giám khảo cho rằng biên đạo mắc một sai lầm do không hiểu biết về các nhạc cụ dân gian, vì thế đã đặt vào tay những thiếu nữ Thái cây tính tẩu - một nhạc cụ của dân tộc Tày để làm đạo cụ cho múa. Điều đó có khác gì ''râu ông nọ cắm cằm bà kia''. Trên thực tế dân tộc Thái có tính tẩu (tính là đàn, còn tẩu là quả bầu đồng thời là từ chỉ chung những vật có khối bầu). Tác giả Thoáng xuân Tây Bắc đã không hề có ý kiến với ban giám khảo và ngược lại tập thể ban giám khảo đã tin nhận định của mình là đúng. Thực tế cả biên đạo và ban giám khảo đều thiếu hiểu biết về nghệ thuật dân tộc Thái do đó đã có kết cục như vậy.

Thực tế đã có tác phẩm rất hấp dẫn đối với người xem bởi kỹ thuật, kỹ xảo của diễn viên. Nhiều tạo hình đẹp, ngôn ngữ múa mạch lạc, rõ ràng, có tính thẩm mỹ cao. Tác giả sử dụng chất liệu múa dân gian truyền thống để xây dựng ngôn ngữ múa trong tác phẩm. Đề tài nội dung, chất liệu đích thực là múa Việt Nam, nhưng không khí toàn bộ tác phẩm làm người xem liên tưởng đến tính chất, bản sắc múa của một dân tộc khác. Âm nhạc của tác phẩm múa làm người xem lầm tưởng là âm nhạc của nước láng giềng Trung Quốc.

Nếu như ví âm nhạc là linh hồn cho múa, thì tình trạng tác phẩm này sẽ là ''hồn của một dân tộc, còn xác là của dân tộc khác''. Đây là hiện tượng không phải cá biệt. Thậm chí, không ít tác phẩm đã rất "dễ dãi" khi thiết kế trang phục cho nhân vật múa. Kiểu cách, hoa văn, màu sắc của dân tộc này lại lẫn sang dân tộc khác.

Ngôn ngữ tác phẩm múa là ngôn ngữ mang tính tổng hợp, bao gồm các thành tố nghệ thuật như: âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, trang phục, đạo cụ, ánh sáng. Biên đạo múa giữ vai trò chính trong việc thống nhất phong cách tác phẩm, thống nhất nguồn gốc, lịch sử vấn đề. Vì thế, tác giả múa cần thiết phải có kiến thức tổng hợp, phải kiểm soát được toàn bộ vấn đề liên quan đến quá trình sáng tạo, quá trình xây dựng ngôn ngữ tác phẩm. Hiện tượng mà chúng tôi vừa nêu cũng tương đối phổ biến, song biểu hiện ở những mức độ khác nhau. Có thể nói rằng, để những hiện tượng đó xảy ra trong tác phẩm, trước tiên trách nhiệm thuộc về biên đạo múa. Điều đó phản ánh những hạn chế trong năng lực tổ chức, năng lực tổng hợp, những thiếu hụt kiến thức mà tác giả cần phải khắc phục.

Có tác phẩm sử dụng chất liệu không rõ địa chỉ, nguồn gốc. Do khả năng hư cấu, tưởng tượng của biên đạo đã hình thành môtip động tác chủ đạo trong tác phẩm và ngộ nhận đó là chất liệu múa dân gian. Rồi đặt tên cho ''đứa con'' của mình thuộc một dân tộc nào đó. Đó là hiện tượng không trung thực trong lĩnh vực sáng tác múa. Nhiều khi có tác phẩm tồn tại khá lâu trên sân khấu sau đó mới được phát hiện.

Cách đây vài tháng, một chương trình nghệ thuật trên kênh VTV3, thấy điệu múa Bông sen chẳng hiểu của tác giả nào. Động tác lặp đi lặp lại nhiều nhất trong tác phẩm là đá chân cao từ bên cạnh, vòng qua trước mặt. Có rất nhiều diễn viên đá rất cao và đẹp, nhưng tiếc thay những động tác đó đã trở nên thô thiển khi những chiếc váy để lộ những nơi không nên hở. Không phải diễn viên đá ít mà đá liên tục đến chóng mặt, phải chăng đó là bông sen?

Vấn đề đã rất rõ ràng, đó là trong khi xây dựng ngôn ngữ múa, biên đạo đã không quan tâm đến tính thẩm mỹ dân tộc. Hình ảnh hoa sen đối với người Việt Nam từ xưa đến nay bao giờ cũng là ấn tượng hết sức đẹp đẽ. Việc biên đạo sử dụng chất liệu múa dân gian dân tộc Việt (guộn cổ tay và guộn ngón tay) kết hợp với một số động tác ballet một cách vụng về, nhất là động tác đá chân lên cao theo hướng mở ra, hoàn toàn không phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt Nam. Hơn thế nữa, tác giả lại đưa những luật động đó vào để xây dựng hình tượng hoa sen. Cách làm như vậy hết sức phản cảm. Theo chúng tôi biết, múa dân gian các dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có một động tác nào tương tự như vậy. Hiện tượng vừa nêu xuất hiện tương đối nhiều trong các sáng tác múa chuyên nghiệp. Một trong những đặc điểm của múa dân gian đó là nam nữ hầu như không cầm tay nhau trong khi múa. Điều đó thuộc về quan niệm truyền thống. Nhưng trong sáng tác múa hiện nay, khi xã hội đã có nhiều đổi thay, chúng ta không nên cứng nhắc giữ nguyên những quan niệm đó. Thế nhưng, cũng không thể hiện đại đến nỗi, một cô gái nông thôn ngày xưa mặc váy đụp mà ngồi vắt vẻo trên đầu chàng trai? Cái gọi là dân gian hiện đại không phải là như thế.

Cho dù có phát triển đến đâu, hiện đại đến đâu nhưng không nên đi ngược lại tình cảm, thẩm mỹ của dân tộc.

Nhiều năm qua, đã xuất hiện không ít những tác phẩm được mệnh danh là chỉnh lý, cải biên hoặc sáng tác dựa trên ngôn ngữ múa cổ truyền dân tộc. Không ít tác phẩm được đánh giá có chất lượng nghệ thuật cao, thành công trong tìm tòi, sáng tạo, gây được ấn tượng mạnh, được nhận các giải thưởng trong hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp hoặc giải thưởng thường niên của Hội Nghệ sĩ Múa. Nhưng thực tế khi đưa những tác phẩm này ra phục vụ nhân dân thì bị nhân dân thờ ơ lạnh nhạt, coi như là của lạ. Tác phẩm xa lạ với chính đối tượng mà nó muốn phản ánh. Trong trường hợp này chúng tôi xin nêu một ví dụ. Đây là ý kiến

của ông Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình phụ trách văn xã sau khi xem vở kịch múa út Lót Hồ Liêu đã phát biểu: ''Các anh sáng tác như vậy để cho người Tây xem à?''- Và: ''Tại sao người Mường múa Mường lại trên một bản nhạc H’mông''.

Về thực trạng ứng dụng chất liệu và ngôn ngữ múa dân gian trong sáng tác tác phẩm múa chuyên nghiệp một cách tuỳ tiện, được tác giả Chí Thanh phát biểu như sau:

"Một bài hát ví Mường đệm cho một tác phẩm múa không rõ là của dân tộc nào. Động tác lắc mông, lắc vai, hai bàn tay xoè ra cứng như củi khô, mặt ngửa lên trời xuyên suốt tác phẩm. Trang phục không khác người thời tiền sử. Không ít những tác phẩm giới thiệu là chỉnh lý, cải biên từ múa dân gian cổ truyền hoặc sáng tác từ cuộc sống của người Mường, Thái, H’mông, Dao... Nhưng ngôn ngữ múa chỉ loáng thoáng, nơ

nớ một vài động tác của

tộc người ấy còn phần lớn là múa Ba Na, Gia Rai, Chăm, Khơ Me hoặc Miến Tạng, Nga, Pháp, úc... Trang phục càng xa lạ hơn, không còn nhận ra những nhân vật trong tác phẩm ấy là người thuộc dân tộc nào, quốc tịch nào".

Để bổ sung cho ý kiến của tác giả Chí Thanh, NGƯT Bùi Thuý Minh khi xem tác phẩm múa Bến luỵ do Nhà hát nhạc nhẹ Trung ương biểu diễn đã phát biểu như sau:

"Điệu múa đã gây được tiếng vang bởi kết cấu của nó chặt chẽ, âm nhạc gợi cảm và diễn viên Lê Vi biểu diễn thật xuất sắc. Song các đoạn giữa ta thấy hình như những cái nhảy cẫng hai chân trong tư thế thân trên gò bó khiến ta liên tưởng đến cách phát triển động tác trong các tiết mục ballet hiện đại với những tâm tư, tình cảm biểu hiện của một cô gái châu Âu, châu úc nào đó. So với tính cách người phụ nữ Việt Nam, nó hơi bị xa lạ. Như vậy, trong một tổng thể chung, tác phẩm đã gây cho người xem một sự thiếu nhất quán và có phần chắp vá giữa hình thức biểu hiện và nội dung của tác phẩm".

Với hình thức múa solo (độc thoại), tác phẩm khắc hoạ hình ảnh người con gái Việt. Ngôn ngữ múa sử dụng chất liệu múa dân gian dân tộc Việt, phối kết hợp với những luật động múa hiện đại. Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Phải chăng tác giả chỉ đi tìm cái vẻ bên ngoài, mà chưa cảm nhận được đặc điểm tâm lý, tình cảm bên trong của nhân vật. Từ đó thấy rằng, nếu như biên đạo xác định rõ nội dung tư tưởng, đặc điểm, tâm lý, tình cảm nhân vật, nguồn gốc, phong cách dân tộc... Chắc chắn những điều đó sẽ góp phần định hướng cũng như điều chỉnh ngôn ngữ múa cho nhân vật trong tác phẩm.

Những năm gần đây có một số biên đạo muốn cho tác phẩm của mình trở nên hấp dẫn hơn đã sử dụng tiếng hô, hét, kết hợp với động tác múa rất nhiều. Thực ra đây cũng là một biện pháp tạo ấn tượng và hỗ trợ cho cao trào tác phẩm. Để đạt được hiệu quả đó, biên đạo cần tìm hiểu và nắm chắc phong tục của dân tộc mà mình định phản ánh trong tác phẩm. Đây là chi tiết tưởng chừng không quan trọng nhưng nó mang ý nghĩa đúng hay sai trong việc thể hiện bản sắc dân tộc của tác phẩm. Về hiện tượng này, tác giả Lê Ngọc Cường có ý kiến như sau:

"Để gỡ thế bí muốn cho điệu múa bốc lửa vui nhộn, chẳng có động tác gì thì cho diễn viên hò hét, dân tộc nào cũng hò hét như nhau. ở đây ta thấy trong lễ hội dân gian, những tiếng nói, tiếng hô, tiếng hú của cha ông ta sử dụng rất nhiều nhưng mỗi một dân tộc có cách thể hiện khác nhau. Người Dao thì thường hô: hồ -

hà - hề - hồ -

hà - hề ngắt ra từng chữ. Còn người Tày lại hô pố pế khẩu uế ma, pố pế ma pế pẻn (du huếch, du huếch, du huếch). Người Tây Nguyên thường có tiếng hú kéo dài (dư âm của tiếng gọi hồn gọi vía trong các lễ cúng tế) hoặc là tiếng hú gọi thần linh: jooc - jooc - yăng. Người Nùng khi vui lại hô: Ma kẻng cỏ - Ma kẻng cỏ.

Người Lào trong khi múa

lăm vông lại thường hô: xơi xơi - xơi xơi hoặc hay hay - hay hay... Còn người Khơ Me lại hô hét theo kiểu rung đầu lưỡi rư... rư... rư... theo nhịp trống. Những điều tưởng đơn giản chỉ hô hét cho vui nhưng nó đã tạo một sắc thái riêng cho mỗi dân tộc mà các biên đạo không bao giờ để ý, vì thế dân tộc nào cũng hô hét như nhau".

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU THAM KHẢO CON ĐƯỜNG của múa dân GIAN đến SÁNG tạo múa CHUYÊN NGHIỆP (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w