III. Điều kiện tiếp thu và cải biến múa dân gian
1. Đội ngũ biên đạo, sưu tầm, nghiên cứu và biểu diễn
Nói đến điều kiện tiếp thu và cải biến múa dân gian, là nói đến đối tượng và những điều kiện để thực hiện nó. Đối tượng mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là con người. Lực lượng đầu tiên phải kể đến đó là đội ngũ biên đạo. Họ sẽ là những người phải thường xuyên làm công việc sưu tầm, tiếp thu múa dân gian để
phục vụ cho các sáng tác của mình. Khái niệm cải biến cần được hiểu với tinh thần là ứng dụng và phát triển múa dân gian trong các tác phẩm múa như thế nào. Đây là công việc tập trung nhất ở đội ngũ biên đạo. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã nêu rõ: "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Nội dung đó đã định hướng cho việc tiếp thu và cải biến múa dân gian. Kết quả của việc tiếp thu, cải biến được phản ánh một cách sinh động trong các tác phẩm múa chuyên nghiệp. Thông qua sáng tạo nghệ thuật được biểu hiện ở những mức độ thành công khác nhau, giới nghiên cứu có thể tìm thấy dấu vết múa dân gian trong các hình tượng nghệ thuật, từ đó xác định được thực trạng của việc tiếp thu và cải biến. Kết quả đó nhằm mục đích xây dựng một phương hướng phát triển phù hợp với yêu cầu thực tế.
Như trên đã nêu, đội ngũ biên đạo múa giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc tiếp thu và cải biến múa dân gian bằng cách thường xuyên tạo nên những tác phẩm mới. Về vấn đề này, tác giả Vũ Đức Thoàn có viết: "Nói đến nghệ thuật múa là nói đến tác phẩm múa. Tác phẩm múa là dấu ấn của thời đại. Nghệ thuật múa tồn tại và phát triển từ thời đại này sang thời đại khác, thông qua các tác phẩm múa tiêu biểu của thời đại đó. Nghệ thuật múa là tấm gương phản chiếu thời đại".
Như vậy, tác phẩm múa đã góp phần phản ánh những vấn đề của đời sống văn hoá tinh thần. Trong tác phẩm múa bao gồm các thành phần như: văn học, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình... Những thành phần đó đều mang bản sắc của văn hoá dân gian. Đồng thời cũng như nghệ thuật múa, các thành phần nghệ thuật khác bằng các sáng tạo đặc thù đều cố gắng vươn tới những hiệu quả nghệ thuật vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang "hơi thở" của thời đại. Sự cố gắng vươn tới đó chính là phản ánh tính tích cực của quá trình tiếp thu và cải biến múa dân gian. Chúng ta đều hiểu rằng, các tác phẩm múa chuyên nghiệp đều bắt đầu từ nguồn mạch múa dân gian. Những nguồn mạch đó không bao giờ ngừng chảy trong các sáng tạo nghệ thuật. Chính vì thế, đội ngũ biên đạo luôn luôn cần được bổ sung và thường xuyên cần được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ. Tác giả Xuân Hanh đã nêu vấn đề về đội ngũ biên đạo như sau: "Cần quan tâm đến việc đào tạo và thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ biên đạo là điều cần thiết. Không có biên đạo thì chúng ta không có tác phẩm múa được".
Đội ngũ biên đạo là người sáng tạo ra tác phẩm mới, là người tiếp thu và cải biến múa dân gian được phản ánh trong các hình tượng nghệ thuật mang nội dung, tư tưởng, thẩm mỹ của thời đại, đồng thời mang đậm tâm hồn, tình cảm, bản sắc dân tộc. Đội ngũ biên đạo hiện nay bao gồm nhiều lớp kế tiếp khác nhau. Đây là một đặc điểm phản ánh sự phát triển tất yếu. Mặt khác, đặc điểm đó sẽ là môi trường tạo ra nhiều phong cách nghệ thuật đa dạng. Chính vì thế, nhìn từ góc độ quản lý, xây dựng đội ngũ biên đạo phải được xác định là một chiến lược quan trọng trong sự phát triển của ngành múa Việt Nam.
Hiện nay có nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau, điều đó cũng phản ánh sự đa dạng trong tiếp thu và cải biến múa dân gian. Sự đa dạng là một tác nhân quan trọng trong quá trình phát triển nghệ thuật múa.
Điều
đó sẽ làm giàu có và phong phú hơn cho nghệ thuật múa dân tộc.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Mỗi dân tộc đều có truyền thống múa dân gian, tuy rằng mức độ nhiều ít khác nhau về trữ lượng, nhưng về tính chất, đặc điểm thì mỗi dân tộc đều có những bản sắc riêng biệt và độc đáo. Hơn nửa thế kỷ qua, nghệ thuật múa chuyên nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác đã có nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Điều đó phản ánh thành tựu của việc tiếp thu và cải biến múa dân gian trong quá trình phát triển. Đồng thời có thể thấy rằng vai trò của đội ngũ biên đạo rất quan trọng trong lĩnh vực này.
Một lực lượng cần phải kể đến đó là những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm. Đây là bộ phận đã góp phần rất quan trọng trong lĩnh vực tiếp thu và cải biến múa dân gian. Nhìn từ góc độ lịch sử, ngay từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, công tác nghiên cứu, sưu tầm đã có những hoạt động. Mặc dù thời kỳ đầu công việc này còn lẻ tẻ, mang tính tự phát. Nhưng ở giai đoạn sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, hoà bình được lập lại ở miền Bắc, Nhà nước đã có những chủ trương đối với lĩnh vực công tác
nghiên cứu, sưu tầm. Cho đến nay, chúng ta đã có hàng nghìn điệu múa, động tác múa dân gian của các dân tộc, ví dụ như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, H’mông, Cao Lan, Dao, Chăm, Khơ Me, Hrê, Ba Na, Ê Đê, Mạ, Chơ Ro, Xtiêng... Tất cả được tập hợp và hệ thống lại. Trong số đó, một số múa dân gian các dân tộc đã được biên soạn, xây dựng thành giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo diễn viên trong các nhà trường chuyên nghiệp, đồng thời đây còn là nguồn trữ lượng cung cấp chất liệu múa dân gian cho đội ngũ sáng tác.
Trong công tác sưu tầm, chúng tôi chia sẻ với ý kiến của NSND Thái Ly:
"Từ kết quả nghiên cứu, sưu tầm thực tế chúng ta đã có những văn bản khoa học về nguồn gốc, lai lịch của từng loại múa, múa của từng tộc người trong một vùng. Các văn bản ấy phản ánh hết sức khách quan thực tế nhảy múa của nhân dân. Nhảy múa ấy gắn chặt với hoàn cảnh địa lý, phương thức sinh hoạt, đặc điểm tâm lý và truyền thống văn hoá nghệ thuật của từng tộc người, không mang màu sắc cảm tính để đoán định các đặc điểm chuyên môn khác".
Từ những chất liệu, môtip, động tác đơn lẻ của múa dân gian, người sưu tầm cần có một thái độ hết sức khách quan, khoa học để xem xét, đánh giá đúng thực chất giá trị nghệ thuật của mỗi chủng loại. Trên cơ sở tìm ra quy luật của ngôn ngữ, tạo hình, quy luật thẩm mỹ, những đặc điểm, quy luật tạo ra giá trị nghệ thuật, người sưu tầm cung cấp những thông tin chính xác cho ngành. Những kết quả của công tác sưu tầm cũng góp phần quan trọng đối với sự phát triển trong quá trình tiếp thu và cải biến múa dân gian. Có thể đặt vấn đề ngược lại, một thông tin của việc sưu tầm sai lệch sẽ gây ra tác hại không nhỏ của việc tiếp thu và cải biến múa dân gian. Ví dụ như trong tác phẩm chẳng hạn, cần phải nắm rõ chất liệu nguyên gốc, bởi vì đó là cơ sở, là điểm khởi đầu để cho các sáng tạo phát triển. Nếu như điểm khởi đầu đã sai thì càng phát triển càng sai. Trong thực tế, hiện tượng như vậy không phải ít nếu không muốn nói là phổ biến. Vì thế có thể nói rằng, công tác nghiên cứu, sưu tầm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiếp thu và cải biến múa dân gian.
Khả năng tiếp thu và cải biến múa dân gian không thể không nói đến một bộ phận rất quan trọng đó là đội ngũ diễn viên. Họ là những người đầu tiên tiếp thu và cảm nhận mọi sáng tạo của người biên đạo, đồng thời là người cuối cùng truyền đạt những sáng tạo đó tới khán giả. Từ lâu trong ngành múa đã có quan niệm
"Diễn viên là người sáng tạo thứ hai sau biên đạo". Có nghĩa là quá trình tiếp thu và cải biến múa dân gian đã được thực hiện lần thứ nhất thông qua biên đạo múa. Nói diễn viên là người sáng tạo thứ hai sau biên đạo có nghĩa là khẳng định những đóng góp của họ trong quá trình tiếp thu và cải biến múa dân gian. Những sáng tạo của biên đạo được thông qua sự thể hiện của diễn viên đó là quá trình mỹ lệ hoá ngôn ngữ múa.
Trong đó múa dân gian đã được cải biến và "hoá thân" thành ngôn ngữ tác phẩm. Từ đó có thể nói rằng, đội ngũ diễn viên đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn múa dân gian, nâng cao và phát huy những giá trị của nó thông qua việc biểu diễn nghệ thuật.
Từ năm 1959 ở nước ta đã có một trường đào tạo nghệ sĩ biểu diễn múa chuyên nghiệp. Đó là Trường Múa Việt Nam. Đây là cơ sở đào tạo chuyên ngành diễn viên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với những kết quả đã đạt được trong công tác biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, nhiều đơn vị nghệ thuật đã liên tiếp được thành lập. Nhu cầu bổ sung diễn viên đã trở nên bức thiết. Vì thế cần có trường chuyên nghiệp để đào tạo, cung cấp diễn viên cho các đoàn văn công là hợp lý. Ngay từ khi mới thành lập, trong chương trình đào tạo, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm kết hợp với bộ phận giáo viên đã xây dựng hệ thống múa dân gian của một số dân tộc nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy. Tuy bước đầu còn chưa đầy đủ, nhưng đã đáp ứng được với tình hình thực tế. Các khoá diễn viên tốt nghiệp ra trường đều được trang bị những kiến thức cơ bản và một số lượng tương đối lớn về động tác, điệu múa dân gian các dân tộc. Chính những diễn viên sẽ là lực lượng lưu giữ và quảng bá múa dân gian, dân tộc. Đây là đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp, được đào tạo trong các trường múa chuyên nghiệp, đồng thời họ công tác tại các đoàn văn công được phân bố trên địa bàn toàn quốc. Thông qua các chương trình đi biểu diễn nghệ thuật sẽ là điều kiện để phát huy những giá trị của múa dân gian trong quần chúng nhân dân.
Một bài viết đăng trên Tạp chí Nhịp điệu có đoạn: "Cho tới nay, cả nước đã có 3 cơ sở đào tạo cấp quốc gia tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: 3 trường văn hoá nghệ thuật cấp vùng, khu vực có khoa đào tạo diễn viên múa; 53 tỉnh, thành phố có trường văn hoá nghệ thuật trong đó có đào tạo diễn viên múa. Khoảng 2.000 nghệ sĩ múa đã tốt nghiệp tại các trường này". Số liệu vừa nêu, nhìn từ góc độ đội ngũ biểu diễn thì đó là lực lượng khá lớn đã đóng góp tích cực vào việc tiếp thu và cải biến múa dân gian. Họ là người thể hiện nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, đồng thời bằng tài năng biểu diễn sẽ góp phần làm cho tác phẩm hoàn mỹ hơn. Một điều kiện tác động tích cực đến quá trình tiếp thu và cải biến múa dân gian đó là các tỉnh, thành phố, vùng miền đều có đoàn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp hoạt động. Mỗi vùng, miền đều có những đặc trưng văn hoá riêng. Các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp đóng quân trên địa bàn, thông qua các sáng tạo nghệ thuật, các chương trình biểu diễn đều cố gắng phản ánh những đặc điểm, giá trị văn hoá của địa phương mình. Từ yêu cầu nhiệm vụ nghệ thuật, càng thúc đẩy đội ngũ biên đạo và diễn viên trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã bám sâu vào cội nguồn múa dân gian và được coi như là định hướng trong sáng tác. Một tác nhân cũng rất quan trọng cần được nhắc đến đó là khán giả. Chính khán giả là người tiếp thu, người chấp nhận hoặc không chấp nhận những sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ. Những tác phẩm múa có phù hợp hay không phù hợp với thẩm mỹ, phong tục tập quán của địa phương mình thì khán giả là người thẩm định. Qua những phân tích và một số dẫn chứng mà chúng tôi vừa nêu, khẳng định rõ vai trò quan trọng của biên đạo, diễn viên, những nhà nghiên cứu, sưu tầm, đội ngũ giáo viên đã đóng góp tích cực trong việc tiếp thu và cải biến múa dân gian.
Sau đây xin nêu một số dẫn chứng về thành tựu cơ bản của nghệ thuật múa Việt Nam, qua đó để thấy được sự phát triển của nghệ thuật múa. Đó là những điều kiện cơ bản thúc đẩy quá trình tiếp thu và cải biến múa dân gian.
Từ năm 1952, Bộ Văn hoá đã bắt đầu gửi đào tạo chuyên gia múa ở nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Rumani, Bungari). Cho đến năm 1995, cả nước đã có 38 biên đạo múa, 18 chuyên gia sư phạm, 4 nhà lý luận múa hoàn thành các khoá đào tạo ở nước ngoài trong đó có 1 tiến sĩ khoa học và 2 tiến sĩ nghệ thuật học.
Từ năm 1980, tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, khoa múa đã bắt đầu tự đào tạo các nhà chuyên môn cấp đại học trên hai ngành học: biên đạo múa và sư phạm múa. Tính đến năm 1995, đã có 69 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp. Ngoài ra còn Trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng nghệ thuật Múa Hà Nội cũng có khoa đào tạo và huấn luyện múa.
Hiện nay trong cả nước có 65 đoàn nghệ thuật chuyên trình diễn múa (Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Dân tộc, Đoàn ca múa Quân đội, Nhà hát ca múa Thăng Long, Nhà hát Bông Sen, Đoàn nghệ thuật Sơn La, Đoàn nghệ thuật tỉnh Yên Bái, Đoàn nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn...). Trong cả nước hiện có 117 biên đạo múa hoạt động sáng tác chuyên nghiệp. Trên 200 nghệ sĩ hoạt động sáng tác tại các câu lạc bộ, nhà văn hoá.
Ngành múa Việt Nam đã có 7 nghệ sĩ được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 72 nghệ sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, 8 nhà sư phạm múa được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, 1 Giáo sư - Tiến sĩ khoa học, 2 Phó Giáo sư - Tiến sĩ, 10 Thạc sĩ.
Cho đến năm 1995, đã có trên 2.000 tác phẩm múa được trình diễn trong chương trình của các đoàn nghệ thuật, hàng trăm tác phẩm được tặng giải huy chương vàng, bạc tại các cuộc liên hoan nghệ thuật được tổ chức trong nước và nước ngoài.
Năm 1990, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động. Hiện tại đã có trên 500 hội viên bao gồm một số chuyên môn như: biên đạo, diễn viên, huấn luyện, lý luận. Trong những năm qua đội ngũ này đã có nhiều hoạt động tích cực đối với sự phát triển của nền nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam.
Năm 1991, Hội Nghệ sĩ Múa Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập với 150 hội viên. Năm 1992, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cũng ra đời với những hoạt động có hiệu quả thiết thực.
Tháng 6 năm 1994, Tạp chí Nhịp điệu, cơ quan thông tin ngôn luận của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam chính thức ra mắt bạn đọc.
Một số thông tin mà chúng ta nêu ra ở trên chứng tỏ sự phát triển của nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó còn rất nhiều hoạt động phong phú của lực lượng múa quần chúng, các trung tâm văn hoá, câu lạc bộ, các cuộc liên hoan, hội diễn múa chuyên nghiệp, quần chúng thường xuyên được tổ chức, phong trào múa học đường cũng từng bước phát triển. Các cuộc giao lưu múa đối với thế giới diễn ra thường xuyên với hai chiều. Các đoàn nghệ thuật Việt Nam sang nước ngoài biểu diễn và ngược lại. Sự giao lưu quốc tế trong biểu diễn nghệ thuật cũng là điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển nghệ thuật múa của đất nước.
Cho đến nay, năm 2010, con số biên đạo múa và huấn luyện múa nếu tính trên địa bàn cả nước có thể lên tới hàng trăm người. Đặc biệt các biên đạo được đào tạo trong nước đã phát huy tốt năng lực sáng tạo, đã đóng góp rất nhiều tác phẩm múa có giá trị về nội dung tư tưởng cũng như giá trị nghệ thuật. Là những tác giả năng động, tích cực, luôn cập nhật kịp thời những thông tin nghệ thuật mang tính thời sự, góp phần đáng kể trong việc phản ánh cuộc sống thông qua ngôn ngữ múa.
Những nội dung đã trình bày nhằm mục đích làm sáng tỏ khả năng của nghệ thuật múa Việt Nam trong quá trình tiếp thu và cải biến múa dân gian. Như chúng ta đều biết, đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng đã nêu rõ: "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đó là định hướng cơ bản cho sự phát triển đối với nghệ thuật múa Việt Nam đồng thời là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả các nghệ sĩ đang
hoạt động trên lĩnh
vực này.