II. Khai thác các yếu tố múa dân gian trong xây dựng tác phẩm múa chuyên nghiệp
5. Yếu tố môi trường múa dân gian trong sáng tác múa chuyên nghiệp
Đúng như GS Đinh Gia Khánh đã viết: "Tác phẩm văn hoá dân gian chỉ thực sự sống động trong sinh hoạt văn hoá dân gian". Là một thành tố của văn hoá dân gian, múa dân gian nằm trong quy luật chung của văn hoá dân gian. Qua nghiên cứu, khảo sát, có thể thấy rõ môi trường rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển múa dân gian. Phần trên chúng tôi đã nêu, một trong những đặc điểm của múa dân gian Việt Nam đó là gắn liền với cư dân nông nghiệp. Từ đặc điểm đó mà các động tác múa hầu như đều liên quan tới một không gian cụ thể, địa điểm cụ thể. Ví dụ, rất nhiều động tác gắn liền với dòng sông, cánh đồng, sân đình, trong các lễ hội dân gian... Nghiên cứu vấn đề này chính là đi tìm bản sắc dân tộc trong múa.
Khi xây dựng một tác phẩm múa chuyên nghiệp, biên đạo múa thường tạo dựng môi trường làm bối cảnh chung cho toàn bộ nội dung tác phẩm. Môi trường của tác phẩm chính là vị trí, địa điểm mà các nhân vật tồn tại, phát triển. Truyền thống này đã thể hiện tương đối nhiều trong múa dân gian.
Chúng ta đều biết rằng, đình làng là một sản phẩm văn hoá độc đáo và khá phổ biến ở các làng quê Việt Nam xưa, đặc biệt là ở các làng thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Hình ảnh ngôi đình bao giờ cũng rất gần gũi với mọi người dân sống trong cộng đồng làng quê. Hầu như làng nào cũng có đình. Như vậy là mọi người dân không hề phân biệt đẳng cấp, địa vị trong xã hội, đều coi đình làng thuộc quyền sở hữu tinh thần của mình.
Rõ ràng đây là một đặc điểm rất độc đáo, thể hiện tính cộng đồng của người dân. Khi phân tích về đình làng, tác giả Trần Ngọc Thêm coi đình làng là biểu tượng truyền thống của tính cộng đồng:
Làng nào cũng có một cái đình. Đó là biểu tượng khái quát nhất của làng về mọi phương diện. Trước hết nó là một trung tâm hành chính. Mọi công việc quan trọng trong làng đều diễn ra ở đây; hội đồng kỳ mục, lý dịch làm việc tại đây; thu sưu thuế tại đây; ai mắc tội thì đưa ra đây mà xử; xử rồi thì lấy đây làm nơi tạm giam; quan trên về thì lấy đây làm nơi hành cung. Thứ đến, đình làng là Trung tâm văn hoá. Các hội hè trong làng đều tổ chức tại đây; mọi cuộc ăn uống đều tiến hành tại đây (do vậy mà có từ đình đám). Sân đình cũng là nơi để diễn chèo, tuồng. Đình còn là một trung tâm về mặt tôn giáo: Thế đất, hướng đình được xem là vận mệnh của cả làng; đình cũng là nơi thờ Thành hoàng, vị thần bảo trợ cho dân làng.
Ngôi đình có nhiều chức năng như vậy, nên mỗi người dân sống ở làng quê đều coi đình là biểu tượng của lòng tự hào.
Khi Thị Màu hoang thai, mẹ mõ mời "già trẻ, gái, trai ra đình mà ăn khoán". Đình là nơi diễn ra hội làng, hội mùa... Tại đây đã nảy sinh ra một loại hình nghệ thuật độc đáo của người Việt là hát chèo. Vì vậy có tên là chèo sân đình, tức là chèo được diễn ở chiếc chiếu trải giữa sân đình. Hình ảnh đình làng đã ăn sâu bén rễ vào tình cảm của mỗi người dân. Vì thế, khi hát, múa chèo ở một địa điểm quan trọng như vậy chắc chắn rằng giá trị nghệ thuật sẽ được nâng lên. Đây chính là đặc điểm độc đáo của diễn xướng dân gian nói chung và múa dân gian nói riêng. Từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, đặc điểm độc đáo đó chính là một trong những khía cạnh thể hiện sắc thái dân tộc. Trong nghệ thuật sáng tác múa chuyên nghiệp, nếu như biên đạo biết sử dụng đặc điểm này trong một bố cục nội dung hợp lý, thì không những sẽ nâng được hiệu quả nghệ thuật mà còn tạo được sự đậm đặc hơn về bản sắc dân tộc của tác phẩm. Về nguyên tắc, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, tính dân tộc của tác phẩm luôn luôn phải được đặt ra như một tiêu chí bắt buộc. Chính vì thế, trước câu hỏi làm thế nào để tác phẩm múa chuyên nghiệp mang đậm bản sắc dân tộc, chúng ta vẫn cần tiếp tục tìm lời giải đáp trong đặc điểm, giá trị múa dân gian nói riêng và văn hoá dân gian nói chung.
Khi đã xác định được môi trường phù hợp với tác phẩm có nghĩa là đã tận dụng được một kinh nghiệm trong nghệ thuật sáng tác múa dân gian.
Các biên đạo đã tiếp thu những kinh nghiệm đó trong quá trình xây dựng tác phẩm với mảng đề tài hiện đại.
Họ đã coi việc xây dựng môi trường cho ngôn ngữ múa như là một thủ pháp nghệ thuật để xây dựng ngôn ngữ
tác phẩm. Hình ảnh ngôi đình làng Việt là một ví dụ tiêu biểu, xin nêu một hiện tượng đó là vở kịch múa Ngọn lửa Nghệ - Tĩnh mà trong đó các tác giả đã đưa hình ảnh ngôi đình vào trong tác phẩm rất có hiệu quả. Đây là tác phẩm có quy mô lớn nhất trong lịch sử kịch múa Việt Nam từ xưa đến nay, và đã vinh dự được trao giải thưởng Hồ Chí Minh. Quy mô vở kịch múa được miêu tả như sau:
Sau sáu tháng, vở kịch múa Ngọn lửa Nghệ - Tĩnh đã được hoàn thành với độ dài 45 phút, gồm 3 màn 7 cảnh. Số lượng diễn viên màn múa đông nhất trên sân khấu là 60 người. Một dàn nhạc giao hưởng hai quản, cộng với đội nhạc cổ dân tộc và dàn hợp xướng 60 người, 320 bộ quần áo khác nhau, 116 các loại đạo cụ, 7 cảnh trang trí lớn theo nội dung vở diễn. Có thể nói quy mô của tổ chức biểu diễn cũng là quy mô lớn nhất cho tới nay đối với sân khấu múa.
Điều muốn nói ở đây đó là ngay từ kịch bản văn học, hình ảnh đình làng được ấn định trong nội dung 3 màn của vở kịch múa. Trang trí của phần này là ngôi đình, chiếm toàn bộ không gian của sân khấu. Thêm nữa là lá cờ to ngũ sắc và những chiếc trống cái lớn. Tất cả được phối cảnh tạo ấn tượng cho khán giả về một làng quê Việt Nam. Như vậy, hình ảnh đình làng tồn tại trên sân khấu khoảng 45 phút và đã ôm chứa nhiều sự kiện của nội dung vở diễn như các lớp: múa công nhân, múa nông dân, múa tự vệ đỏ, múa đao, múa gậy...
Đây là những lớp múa thể hiện tình đoàn kết của khối công nông. Khán giả không còn thấy sân đình chỉ dành cho hát, múa chèo, mà đã có sự xuất hiện của các nhóm nhân vật khác. Đặc biệt những nhân vật trong trang phục công nhân, những đội viên xích vệ đỏ, những đoạn múa với ngôn ngữ tương đối hiện đại... được thể hiện giữa sân đình. Khán giả đã chấp nhận cách thể hiện thông qua trang trí của vở kịch múa. Đó là môi trường để tạo ra những diễn biến nội dung cũng như hành động của nhân vật.
Tác phẩm thứ hai mà tác giả muốn giới thiệu đó là vở kịch múa Bông lau trắng. Đây là tác phẩm có quy mô cũng tương đối lớn và đã nhận được giải A, giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Vở kịch múa cũng đã lấy môtip đình làng làm trang trí chủ yếu của vở diễn. Số phận các nhân vật trong tác phẩm đều được bắt đầu và có kết cục tại đây. Câu chuyện xảy ra trong chiến tranh và sau chiến tranh chống Mỹ. Hình ảnh đình làng vẫn có mặt trong tác phẩm mà không hề bị khiên cưỡng. Trên một cảnh trí đình làng rộng lớn diễn ra các đoạn múa như: thổi cơm thi, trò chơi dân gian kéo co, múa gậy, múa võ dân tộc, những liền chị xúng xính với trang phục mớ ba, mớ bảy, nón thúng quai thao... xen lẫn trong đám đông đó là hình ảnh các chiến sĩ bộ đội vừa trở về làng quê của mình sau chiến tranh. Nhiều lớp múa được trình diễn liên tục trước mặt tiền của ngôi đình làng. Như vậy cái "phông lớn" của tác phẩm là đình làng. Trong bức tranh tổng thể của vở kịch múa, mặc dù với nội dung hiện đại nhưng khán giả đã cảm nhận một không khí mang đậm chất dân gian truyền thống. Hai vở kịch múa Ngọn lửa Nghệ - Tĩnh và vở kịch múa Bông lau trắng đã sử dụng hình ảnh đình làng tham gia vào quá trình xây dựng ngôn ngữ tác phẩm. Các tác giả của hai vở kịch múa trên đã tiếp thu, kế thừa kinh nghiệm nghệ thuật múa dân gian trong việc sáng tạo ra môi trường cho tác phẩm múa. Ngoài hai tác phẩm vừa phân tích ở phần trên, những năm qua còn có khá nhiều biên đạo múa chuyên nghiệp cũng đã đưa hình ảnh đình làng vào trong các sáng tạo của mình. Ví dụ như: múa Được mùa của biên đạo Hoàng Hải, múa Hội làng của biên đạo ứng Duy Thịnh, múa Phượng đình của biên đạo Vương Thông...
Điều rất tự nhiên đối với khán giả khi thưởng thức tác phẩm nghệ thuật thì hình ảnh đình làng đã định hướng được cho họ về "địa chỉ" của tác phẩm. Đình làng góp phần thể hiện nội dung, tạo không gian cho các lớp múa, các nhân vật hoạt động. Không mấy ai không biết đình làng vốn được xem là biểu tượng mang tính đặc thù của làng quê người Việt. Khi tham gia vào tác phẩm múa với tư cách là một chất liệu, đình làng đã trở thành điểm nhấn quan trọng góp phần thể hiện bản sắc dân tộc của tác phẩm. Vì thế, tạo môi trường cho tác phẩm trong múa dân gian nói riêng và văn hoá dân gian nói chung luôn luôn là một việc làm cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật. Tất nhiên, môi trường cho múa phải xuất phát từ nhu cầu của nội dung tác phẩm.
Hình ảnh đình làng trong tâm thức của dân tộc Việt rất gần gũi và gắn bó từ lâu đời. Nhìn từ góc độ nghệ thuật tạo hình, đình làng có một vẻ đẹp về mặt kiến trúc, sự hoàn chỉnh trong bố cục hình khối không gian.
Từ góc độ tinh thần, đình làng còn là một bộ phận không thể thiếu được trong tình cảm của mỗi người dân, vừa trang trọng đồng thời còn có ý nghĩa thiêng liêng. Dưới góc độ khác, đình làng còn mang đậm tính trữ tình. Ngay cả tình cảm lứa đôi, con người cũng đã "tựa" vào ngôi đình để thể hiện tình cảm của mình:
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.
Hình ảnh đình làng trong câu ca dao trên đã gợi cảm xúc cho không ít biên đạo đi tìm ý tưởng sáng tác.
Có thể kể tới hàng chục tác phẩm múa chuyên nghiệp ôm chứa hình ảnh mái đình. Thực tế đã góp phần tạo hiệu quả nghệ thuật cho tác phẩm.
Hiện tượng múa dân gian trong môi trường lễ hội cũng tương đối phổ biến. Trong bài viết của mình, tác giả Lê Trung Vũ có viết: "... Lễ hội - điểm sáng hội tụ của các hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc của nhân dân - là một sinh hoạt cộng đồng có khả năng đáp ứng được nhiều mặt của nhu cầu văn hoá ấy". Tác giả cho rằng, ý kiến của Lê Trung Vũ đã phản ánh đúng với thực tế khi nói đến "điểm sáng hội tụ của các hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc" trong lễ hội. Theo quan điểm của chúng tôi, lễ hội cũng chính là môi trường cho múa dân gian tồn tại, phát triển. Tác giả Nguyễn Xuân Kính có viết: "Ngày hội là dịp người Việt cổ sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt các nam nữ thanh niên rất thích hát đối đáp, hát kể chuyện và nhảy múa".
Khi nói đến tính chất của lễ hội, tác giả Lê Trung Vũ còn nhấn mạnh thêm: "Những ai có dịp sống ở làng quê, nhất là làng quê miền Bắc trước năm 1945 đều dễ cảm nhận rằng, hội làng đã là lễ hội sinh động, lôi cuốn cả làng vào cuộc sống náo nức chung trong thời điểm quy định một cách tự nguyện và say mê đến mức nào". Tính chất náo nức, say mê với ý thức tự nguyện đã làm cho cuộc sống của người dân vốn bình thường, phẳng lặng bỗng chốc trở nên tưng bừng, sinh động. Những trạng thái tình cảm đó chính là mảnh đất màu mỡ cho những hoạt động văn hoá dân gian phát triển. Múa dân gian trong lễ hội là loại múa mang tính đặc thù. Nó chịu sự tác động và chi phối mạnh mẽ của các nghi thức trong lễ hội. Đặc biệt tính tự nguyện của con người rất cao, đó là sự đòi hỏi trong tâm thức của họ khi đứng trước khung cảnh lễ hội. Như mọi người đều biết, hội Gióng vẫn được mở vào ngày mồng chín tháng tư. Trong khung cảnh của hội, người ta đã tìm thấy sức sống dân tộc. Năm 1893, khi viết cuốn sách Một ngày hội tôn giáo của người An Nam, Đuymuchiê (người Pháp) đã phải thốt lên:
"Thật là ngạc nhiên biết bao khi nhận thấy rằng, bộ mặt tầm thường, vô vị của người nông dân Bắc Kỳ lúc họ còng lưng dưới công việc đồng áng nặng nhọc thì có vẻ đờ đẫn, đôi khi đần độn, đến lúc này đã được ý niệm tôn giáo làm cho biến đổi hẳn đi... Cử chỉ hàng ngày vốn e dè, sợ sệt của họ trở nên khoáng đạt biết bao, thái độ nói chung của họ thường ngày vốn khúm núm... trở nên hiên ngang và cao quý biết bao trong khi họ tiến hành cái công việc cúng bái có tính chất thế tục thuần tuý ấy được tổ chức ra do một lòng biết ơn đầy tinh thần yêu nước và một sự sợ hãi có tính chất mê tín".
Lễ hội là một tổng thể bao gồm nhiều yếu tố, hay nói một cách khác, là một phức hợp của nhiều thành tố.
Các thành tố dựa vào nhau để tồn tại, vận động và phát triển. Lễ hội còn mang nhiều ý nghĩa, gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, tình cảm của con người có phần linh thiêng. Vì thế, múa trong các nghi thức hành lễ thường phải tuân thủ theo một niêm luật nhất định. Riêng múa hầu bóng lại có những biểu hiện rất độc đáo, đặc biệt môi trường cho múa hầu bóng gần như quyết định sự tồn tại và vận động của những lớp múa. Múa trong phần hội, tính chất lại khác. Tại đây trong khung cảnh ngày hội, qua sự tác động của cộng đồng với nhau nên tính chất của múa có phần đời thường hơn. Tác giả Nguyễn Xuân Kính đã khái quát một số đặc điểm của tính chất lễ hội như sau:
Tính chất cởi mở, dân chủ, hào hứng rất đậm nét trong các lễ hội, mối quan hệ giữa người với người giản dị... Mặt khác, dựa vào lệ làng, đông đảo dân chúng, đặc biệt nam nữ thanh niên, đã nhân ngày hội mà vượt khỏi lễ giáo phong kiến, dù chỉ là trong một mức độ nhất định và với một thời gian hạn hẹp, để trở về quá
khứ xa xưa của loài người, trong đó con trai, con gái tự do luyến ái và hôn nhân, mọi người đều bình đẳng, hoà đồng với thiên nhiên và trong cộng đồng.
Vấn đề này, tác giả Lê Trung Vũ cũng có nhận xét: "Yêu cầu của lễ hội là yêu cầu hoà hợp con người với con người... Nhu cầu và lối sống hằng ngày được kết tụ thành yêu cầu của lễ hội". Tính dân chủ, bình đẳng không những được thể hiện trong các lễ hội dân tộc Việt, mà nó còn là đặc điểm cơ bản trong lễ hội của các tộc người. Tác giả Trần Hữu Sơn đã viết:
"Xã hội các tộc người ở Lào Cai đã có sự phân hoá: có người giàu, kẻ nghèo, có tầng lớp bóc lột, chức dịch, nhưng cũng có người đi làm thuê. Nhưng khi vào sinh hoạt lễ hội, mọi người đều dễ hoà đồng và bình đẳng... Và mọi người đến dự hội đều bình đẳng, đều được nhập vai diễn xướng, thi tài với nhau". Những phân tích trên cho thấy, tính chất lễ hội đã thu hút và quy định những yếu tố tham gia của lễ hội. Đặc điểm, tính chất của phần hội nói chung, cũng chính là đặc điểm, tính chất của múa dân gian trong hội. Như vậy, trong cùng một thời điểm của lễ hội, tính chất múa đã thể hiện khác nhau. Đó là múa trong phần lễ và múa trong phần hội. Đối với nghệ thuật múa dân gian, môi trường có vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói rằng, môi trường đã định hướng cho ngôn ngữ múa tồn tại và phát triển. Ví dụ múa hầu bóng, hầu đồng của dân tộc Việt chẳng hạn, nếu lược bỏ khung cảnh, môi trường hành lễ chắc chắn sẽ không tồn tại những điệu múa
"đắm say, ngây ngất" đến như vậy. Hình ảnh ông đồng, bà đồng ngồi trên chiếc chiếu trước điện thờ, bàn thờ trong tư thế hai chân bắt chéo nhau ngồi xếp bằng tròn, hai bàn tay để úp lên trên đầu gối. Đầu đội khăn rộng, khăn màu che mặt. Hình ảnh này đã tạo một cảm giác linh thiêng, huyền bí. Trong khi đó, âm nhạc, tiết tấu, lời ca của cung văn càng ngày càng thôi thúc dồn dập, lúc to, lúc nhỏ, lúc nhanh, lúc chậm, lúc bổng, lúc trầm giữa không gian khói hương nghi ngút... Đó là những yếu tố khách quan thôi thúc cho những động tác múa phát triển. Chính vì vậy, múa hầu bóng không thể tách rời với khung cảnh của việc hành lễ. Hiện tượng múa hầu bóng vừa nêu cùng với những diễn biến trong quá trình hành lễ cho thấy môi trường đã quyết định hoàn toàn những hành động của múa. Với ý thức tiếp thu và vận dụng những kinh nghiệm của nghệ thuật múa dân gian, cụ thể là múa hầu bóng, biên đạo, NSND Lê Ngọc Canh đã xây dựng tác phẩm múa Ngẫu hứng tâm linh. Tác phẩm được nhận huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999. Thông qua những hình ảnh múa hầu bóng dân gian, biên đạo NSND Lê Ngọc Canh đã phản ánh những khát vọng của con người luôn hướng tới cái thiện, cái cao đẹp trong cuộc sống. Điều ghi nhận trong tác phẩm đó là sự hiểu biết khá sâu sắc của tác giả về những quy luật, đặc điểm, bản chất của múa hầu bóng.
Biên đạo đã ứng dụng những giá trị của múa hầu bóng dân gian trong tác phẩm của mình một cách sáng tạo.
Qua phân tích tác phẩm múa Ngẫu hứng tâm linh chúng ta nhận thấy tác phẩm đã thể hiện được một số vấn đề sau:
- Biên đạo hiểu rõ về nguồn gốc, đặc điểm múa hầu bóng, vì thế trong quá trình tiếp thu và cải biến, ngôn ngữ tác phẩm vẫn giữ được tính chất, bản sắc cơ bản của ngôn ngữ múa hầu bóng.
- Môi trường tác phẩm ổn định, từ đó tạo sự kích thích cho ngôn ngữ múa phát triển. Đây là một đặc điểm của múa dân gian như chúng tôi đã phân tích ở phần trên.
- Cấu trúc tác phẩm rất gần với cấu trúc múa hầu bóng. Có nghĩa là từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ đến to (động tác), từ nhẹ đến mạnh. Chính vì thế đây cũng là điều kiện tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm.
- Trong tác phẩm có đoạn tạo điều kiện cho diễn viên tự do sáng tạo mang tính ngẫu hứng. (Đây là một đặc điểm độc đáo trong múa dân gian hầu bóng).
Trên đây là một số nhận định rút ra được qua tác phẩm múa Ngẫu hứng tâm linh. Từ đó thấy rằng, trước khi xây dựng một tác phẩm mới, tìm hiểu, nghiên cứu nguồn gốc, bản chất múa dân gian là một việc làm hết sức cần thiết. Đó là điều kiện dẫn đến sự thành công của tác phẩm.