II. Khai thác các yếu tố múa dân gian trong xây dựng tác phẩm múa chuyên nghiệp
3. Giá trị thẩm mỹ của múa dân gian trong tác phẩm múa chuyên nghiệp
Múa dân gian thường phản ánh các trạng thái tình cảm của con người. Một trong những trạng thái tình cảm rất đặc trưng là ý thức tập thể của cộng đồng thông qua các điệu múa đông người trong các lễ hội dân gian. Người dân hàng ngày lao động vất vả. Họ có nhiều tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi đã đứng vào đội hình múa tập thể thì mọi nỗi vất vả, riêng tư đó đã nhanh chóng tan biến và được hoà nhập trong ý thức cộng đồng. Đây là một giá trị nghệ thuật đặc biệt của múa dân gian. Động tác, tình cảm trong các điệu múa có tác dụng rất lớn tạo nên sự cộng cảm của cộng đồng. Ví dụ các lễ hội như xoè vòng, xoè chiêng thuộc khu vực vùng văn hoá múa Tây Bắc, Việt Bắc; các loại xoang thuộc vùng văn hoá múa Tây Nguyên.
Tính tập thể, tính cộng đồng là một đặc điểm cơ bản của múa dân gian. Nó góp phần tạo nên vẻ đẹp trong tình cảm của con người, kéo con người gần lại với nhau hơn trong vòng tay của múa. Và khi ấy, môi trường, cảnh quan, tình cảm của điệu múa tập thể sẽ không còn chỗ cho những suy nghĩ vị kỷ. Con người hướng tới nhau, chia sẻ với nhau, khoan dung, vị tha cho nhau, không còn lo lắng, toan tính hơn thiệt. Đặc điểm nổi trội của múa tập thể đó là tính tự nguyện, hồn nhiên của con người khi tham gia nhảy múa. Trong bối cảnh này, con người hoàn toàn bình đẳng với nhau.
Không ít điệu múa dân gian tồn tại trong các nghi lễ tín ngưỡng cũng để lại những giá trị thẩm mỹ cao.
Trong khói hương hành lễ, ngoài yếu tố cầu xin trước các đấng thần linh, con người đã luôn hướng tới cái thiện. Những động tác múa tham gia ở đây như các điểm nhấn, tác động mạnh hơn đến ý thức con người, tạo thêm cho họ niềm tin và sức mạnh sự tồn tại của con người. Múa trong lễ hội làng Phù Đổng là một ví dụ sinh động để chứng minh cho ý kiến trên. Múa dân gian trong lễ hội giữ vai trò quan trọng đó là tạo không khí tươi vui ở phần hội. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hát như một động lực tích cực tạo đà cho phần múa sôi nổi hơn. Không những thế, múa dân gian còn giữ vai trò chủ chốt trong phần lễ, thể hiện nét độc đáo và tinh thần chính của lễ hội. Múa trong lễ hội làng Phù Đổng có quy mô rất lớn. Mục đích của lễ hội tưởng nhớ đến công lao của người anh hùng chống ngoại xâm xa xưa nhất.
Lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp đã phản ánh rất rõ sự tiếp thu, kế thừa tính chất trên qua hàng trăm tác phẩm múa chuyên nghiệp mang hình thức tập thể. Tính thẩm mỹ trong vẻ đẹp cộng đồng là một giá trị nổi bật của múa dân gian. Có lẽ chính vì thế mà các biên đạo đương đại thường tập trung sáng tác các tác phẩm múa tập thể ví dụ như múa: Sạp, Nón, Ô, Sênh tiền, Katu, Tuổi trẻ núi rừng, Được mùa, Ngày hội vùng cao, Gặp gỡ mùa xuân, Ngẫu hứng tâm linh, Xoè hoa, Hạt thóc vàng, Bầu trời và lời ru, Hoa sen, Thiếu nữ Chăm, Lời ru rừng, Hoa đào Nhật Tân, Cây trúc xinh, Rừng vọng... Nếu tổng kết thì hình thức múa tập thể trong sáng tác múa chuyên nghiệp chiếm một số lượng nhiều nhất. Đồng thời đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Qua phân tích cấu tạo bên trong nghệ thuật của các tác phẩm múa tập thể chuyên nghiệp, thấy rõ những dấu vết kinh nghiệm của nghệ thuật múa dân gian được phản ánh trong từng tác phẩm. Giá trị thẩm mỹ múa dân gian được phản ánh trong nhiều điệu múa miêu tả hình ảnh lao động của con người. Trong hệ thống múa dân gian các dân tộc Việt Nam phần nhiều miêu tả những động tác lao động của cư dân nông nghiệp. Một vẻ đẹp của những động tác múa gắn liền với thiên nhiên, đồng ruộng. Từ hiện thực được cách điệu hoá nghệ thuật, như các động tác cấy lúa, gieo trồng, chèo thuyền trên sông nước, săn bắt, khai khẩn đất đai... đã tạo nên vẻ đẹp tinh thần, tình cảm của người nông dân. Thông qua vẻ đẹp của động tác, chất liệu múa dân gian có thể nhận biết giá trị thẩm mỹ của con người trong lao động, ứng xử với thiên nhiên. Không ít những động tác tạo nên chất thơ, chất bay bổng. Trữ lượng múa dân gian các dân tộc Việt Nam có thể tìm thấy với một số lượng lớn điệu múa miêu tả quá trình lao động của con người. Từ động tác lao động trực tiếp, cụ thể, qua sáng tạo của nhân dân, đã mang lại vẻ đẹp có sức ''chuyển động'' tạo cảm xúc trực tiếp tới người xem. Đó chính là sức hấp dẫn của nghệ thuật. Chính vì thế, các biên đạo đương đại cần phải xem xét, nghiên cứu học tập kinh nghiệm sáng tạo cái đẹp của truyền thống múa dân gian. Vai trò thẩm mỹ của múa dân gian trong các động tác lao động đã có một vị trí quan trọng đối với sáng tác múa chuyên nghiệp. Các biên đạo đương đại đã coi đó như là định hướng trong sáng tác. Thực tế chứng minh rất rõ ý kiến mà chúng tôi vừa nêu. Đề tài lao động sản xuất được các biên đạo quan tâm đến rất nhiều. Hiện tượng này rất phổ biến không những đối với múa chuyên nghiệp ở Việt Nam mà còn đối với nhiều nước trên thế giới. Ngôn ngữ múa là ngôn ngữ của cơ thể. Đó là sự phối hợp nghệ thuật giữa các động tác của đầu, mình, chân, tay. Từ đặc điểm này, con người biết được thường trong hoàn cảnh lao động và thông qua lao động, vẻ đẹp của con người, cuộc sống mới được bộc lộ rõ ràng và dễ hiểu nhất. Những động tác của con người trong lao động dù chưa được cách điệu hoá, nghệ thuật hoá vẫn toát lên vẻ đẹp tự nhiên. Đây là đối tượng trực tiếp tạo ra nguồn cảm hứng sáng tạo đối với sáng tác dân gian cũng như sáng tác chuyên nghiệp.
Đồng thời thông qua lao động luôn luôn nảy sinh những yếu tố mới, thao tác mới nhằm đáp ứng trước sự phát triển của trình độ kỹ thuật. Chính vì thế, những động tác múa dân gian bắt nguồn từ lao động ngày càng trở nên phong phú, đa dạng hơn. Chất liệu những động tác múa dân gian trong lao động sản xuất, trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên là một di sản quý báu của văn hoá múa truyền thống. Có thể nhận biết rõ giá trị thẩm mỹ múa dân gian trong việc biểu lộ tình yêu đất nước, quê hương, con người và tình yêu thiên nhiên.
Đây là tiếng nói của nhân dân, cách biểu hiện tình cảm của nhân dân bằng múa. Chất liệu múa dân gian trong lao động là những điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng ngôn ngữ tác phẩm, là những yếu tố cơ bản tham gia vào quá trình truyền đạt nội dung tác phẩm cũng như hành động của nhân vật.
Cái đẹp của múa dân gian có giá trị nội dung và giá trị hình thức. Những điệu múa trong các lễ hội dân gian đã phản ánh rất rõ đặc điểm đó. Một mặt múa trong lễ hội giải quyết yếu tố tâm linh, thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng của người tham gia lễ hội. Đó là tình cảm thiêng liêng trước tổ tiên, nguồn cội, lòng tôn kính và biết ơn các vị anh hùng dân tộc đã có công đối với quê hương đất nước. Quan sát, nghiên cứu các điệu múa dân gian, chúng ta có thể nhận biết được thái độ, ý thức, thẩm mỹ trong lao động của người xưa. Những hình ảnh trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, trong mối quan hệ con người, phong tục tập quán, đời sống tâm linh... múa dân gian có vị trí và ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của các tộc người. Nó luôn luôn tồn tại và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa của cộng đồng. Múa dân gian biểu hiện tri thức văn hóa của quần chúng nhân dân, biểu hiện bản chất múa của văn hóa dân tộc. Múa dân gian phản ánh sức sáng tạo tài năng của nhân dân.
Trong múa dân gian, người ta còn tìm thấy những giá trị thiết thực đối với tình cảm và đời sống của con người. Múa dân gian được thể hiện trong các lễ thức (múa tín ngưỡng). Những động tác thể hiện tâm thức của con người, van xin cầu mong sự che chở, phù hộ của các đấng thần linh, trời, Phật, giúp con người chống thiên tai, thú dữ. Ngoài ra, từ thuở xa xưa, múa còn có chức năng truyền lại kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong khi săn bắt... Những điệu múa đó đã biểu hiện những giá trị có ý nghĩa thực dụng giúp cho con người gần lại với nhau trong mối cộng cảm của cộng đồng. Múa dân gian còn thể hiện những hành vi ứng xử của con người, tạo môi trường không gian để con người đến với nhau. Đặc điểm này thể hiện rất rõ trong sinh hoạt văn hóa dân gian ở làng, bản, qua các điệu xòe vòng của dân tộc Thái, xòe chiêng của dân tộc Tày, và đặc biệt hơn cả là múa lăm vông của dân tộc Lào. Điệu múa đơn giản, không cầu kỳ về phong cách, cấu trúc nhưng có một sức cuốn hút mạnh mẽ đối với mọi người. Họ có thể nhảy múa suốt đêm, không phân biệt đẳng cấp, trai gái, già trẻ. Đặc biệt hiện nay múa lăm vông mang tính phổ cập, rộng rãi, thậm chí ở Việt Nam trong một số sinh hoạt tập thể người ta cũng tổ chức nhảy múa lăm vông.
Trong không khí múa say sưa như vậy, tính cộng cảm, cộng đồng càng trở nên gắn kết lại với nhau. Chắc chắn rằng những hành vi của một cá thể nào đó không phù hợp với đạo đức của cộng đồng sẽ bị loại bỏ.
Về vấn đề này, tác giả Lâm Tô Lộc đã viết: "Múa thể hiện những hành vi ứng xử của con mgười trong quan hệ với làng bản phum sóc như ở xòe vòng, ròm vông. Từ đó xuất hiện những giá trị đạo đức. Trong múa dân gian, những giá trị đạo đức được hình thành từng bước theo lịch sử tiến hóa của từng dân tộc".
Cũng có những điệu múa dân gian gắn với những tập tục, tín ngưỡng. Ví dụ, một số điệu múa dân gian như múa dô (gắn với tục thờ Tản Viên), múa dậm (gắn với tục thờ Lý Thường Kiệt), múa cờ lau tập trận (trong hội Hoa Lư), múa chèo tàu (gắn với tục thờ tướng Hai Bà Trưng), hay là múa dân gian trong hội đền Hùng, hội Gióng (gắn với tục thờ Phù Đổng thiên vương). Những điệu múa đó tuy mức độ, quy mô khác nhau, tùy theo điều kiện của từng địa phương, từng cộng đồng người, nhưng đều thể hiện, phản ánh những giá trị đạo đức cổ truyền của nhân dân. Đó là lòng tôn kính và biết ơn với các anh hùng dân tộc. Những giá trị đó được lưu giữ và tồn tại có tính bền vững trong dân gian. Giá trị đạo đức được phản ánh trong múa dân gian mang ý nghĩa giáo dục đối với các thế hệ, đó là lòng yêu nước, cuộc sống tình nghĩa, tình yêu quê hương, thiên nhiên... đối với sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam thì hằng số giá trị của múa dân gian là một di sản cực kỳ quý báu.
Giá trị thẩm mỹ của múa dân gian mang tính vận động, luôn luôn được bổ sung bằng những sáng tạo mới của nhân dân, trên tinh thần đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của từng thời kỳ. Trong các lễ hội dân gian, những điệu múa tín ngưỡng ngoài yếu tố tâm linh, còn thể hiện tính thẩm mỹ cao. Tính chất đó được phản ánh thông qua các cách tạo hình, các tổ hợp động tác, ngôn ngữ của điệu múa... và đặc biệt còn nằm trong tình cảm, diện mạo (sự biểu diễn) của con người trong khi nhảy múa. Giá trị thẩm mỹ không chỉ dừng lại ở tự thân các điệu múa, mà vẻ đẹp đó còn là sức truyền cảm của những người tham gia nhảy múa với nhau, những người thưởng thức với những người biểu diễn. Mọi người giao lưu với nhau, rồi tự điều chỉnh mình
trong không gian nhảy múa tập thể. Những điệu múa trong các lễ hội còn tạo ra giá trị nghệ thuật cao, có sức cảm hóa những khách hành hương, tham dự lễ hội.
Để tỏ lòng tôn kính trước thánh thần, người lao động đã nhảy múa để cầu xin sự phù hộ, độ trì, nhưng đồng thời họ còn một mục đích nữa, đó là làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào, đồng tộc.
Động tác múa dân gian phản ánh nội dung lao động và chiến đấu của từng tộc người. Chính vì thế mà ngôn ngữ múa dân gian thường mộc mạc, đơn giản, dễ hiểu, dễ gần với đời sống lao động của nhân dân.
Trong quá trình kế thừa và phát triển, múa dân gian không bao giờ mang ý nghĩa đặc tả một cá nhân nào, một động tác, một phong cách riêng biệt của một cá nhân nào, mà nó bao giờ cũng có tính tập thể tiêu biểu cho hành vi, tình cảm, nguyện vọng của một lớp người. Do đó, các điệu múa dân gian bao giờ cũng mang những đặc điểm chung nhất, phù hợp và đáp ứng cho nhiều người trong cộng đồng, trong tộc người. Trong sáng tác múa dân tộc đương đại, vai trò của người biên đạo là chủ thể, họ luôn luôn phải cố gắng tìm tòi, sáng tạo để xây dựng những tác phẩm mang dấu ấn riêng của tác giả. Tính chất độc đáo, sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ là một trong những biểu hiện năng lực sáng tạo của biên đạo. Đây là đặc điểm khác nhau giữa múa dân gian và múa chuyên nghiệp. Chính vì thế múa dân gian là di sản cực kỳ quý báu đối với sự phát triển của nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Nó là cơ sở, nền tảng trong kế thừa và phát triển.
Tính thẩm mỹ của múa dân gian có một vị trí quan trọng hàng đầu đối với lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp. Khi thưởng thức một điệu múa dân gian hoặc một tác phẩm múa chuyên nghiệp, người xem thường đặt ra yêu cầu: múa phải hay và đẹp. Cái đẹp, cái hay bao gồm giá trị nội dung và giá trị hình thức nghệ thuật, với những tiêu chí mà chúng tôi đã phân tích. Tính thẩm mỹ luôn luôn nằm trong quy luật phát triển.
Thẩm mỹ hiện đại của nghệ thuật múa được phát triển trên cơ sở giá trị thẩm mỹ truyền thống múa dân gian.