Nghệ thuật cấu trúc múa dân gian trong tác phẩm múa chuyên nghiệp

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU THAM KHẢO CON ĐƯỜNG của múa dân GIAN đến SÁNG tạo múa CHUYÊN NGHIỆP (Trang 39 - 42)

II. Khai thác các yếu tố múa dân gian trong xây dựng tác phẩm múa chuyên nghiệp

2. Nghệ thuật cấu trúc múa dân gian trong tác phẩm múa chuyên nghiệp

Hầu hết các dân tộc ở Việt Nam đều có múa dân gian của riêng mình dù với số lượng ít, nhiều khác nhau, tùy theo nguồn gốc, đặc điểm tự nhiên và xã hội, bản sắc văn hóa và nơi cư trú, v.v... Nhưng có một đặc điểm chung, đó là các điệu múa dân gian các dân tộc đều có thời lượng ngắn. Nếu lấy âm nhạc làm tiêu chí để so sánh thì một điệu múa dân gian thông thường kéo dài từ 4 nhịp 2/4 đến 8 nhịp 2/4.

Tại sao các điệu múa dân gian lại có một thời lượng ngắn như vậy? Như chúng tôi đã nêu, múa dân gian chủ yếu là của cư dân nông nghiệp, những động tác đều bắt nguồn và gắn liền với lao động, sản xuất... Vì thế, các "tín hiệu'' của họ thể hiện qua điệu múa rất mộc mạc, đơn giản, cụ thể, ngắn, gọn và không phức tạp.

Cách nói ngắn, cách diễn đạt ngắn, dễ hiểu là một trong những đặc điểm của múa dân gian Việt Nam. Có lẽ đặc điểm này phần nào nhắc nhở và gợi ý cho các biên đạo hiện nay trong quá trình sáng tạo tác phẩm của mình.

Múa dân gian có một cấu trúc cân đối, lặp đi lặp lại được thể hiện rất rõ qua từng động tác. Có nghĩa là ở mỗi đội hình đều bố trí "có bên phải, có bên trái", "có đằng trước, có đằng sau", "có tiến, có lùi"... Khi tham gia nhảy múa tập thể, mọi người lặp đi lặp lại một vài động tác nhiều lần, trong một thời gian dài. Nếu như điệu múa dân gian hấp dẫn, ấn tượng thì sự "lặp đi lặp lại" sẽ đẩy mạnh quá trình lưu giữ trong cảm thụ nghệ thuật của những người nhảy múa và kể cả những người đứng xem. Tính chất "ngắn" và "lặp đi lặp lại"

còn tạo cho người chưa biết múa, chưa tham gia múa bao giờ cũng có thể dễ dàng thực hiện được. Chính yếu tố đó là nền tảng tạo nên tính phổ cập của nghệ thuật múa dân gian. Tất nhiên, sự "lặp đi lặp lại" ở một điệu múa không độc đáo, hấp dẫn thì tác dụng của nó sẽ ngược lại. Qua khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi thấy các điệu múa dân gian tồn tại cho đến ngày nay đã được thời gian và lịch sử chọn lọc rất kỹ, chất lượng của nó được phản ánh bằng sự tồn tại, lưu giữ và được phát huy, phát triển lâu dài trong dân gian.

Khi nói đến quy luật cân đối và tính lặp lại của những động tác trong múa dân gian, người xưa đã quy ước bằng những nguyên tắc được gọi là luật ngũ tương:

1. Nội ngoại tương quan (trong, ngoài cân đối);

2. Tả hữu tương ứng (phải, trái cân đối);

3. Thượng hạ tương phù (trên, dưới cân đối);

4. Phì sấu tương chế (rộng, hẹp cân đối);

5. Tiền hậu tương quan (trước, sau cân đối).

Trong nghệ thuật sáng tác cũng như biểu diễn múa dân gian cho dù người nghệ sĩ có cách điệu, khoa trương mạnh mẽ đến đâu, nhưng vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc: Thứ nhất, mọi sự khoa trương, cách điệu đều phải căn cứ và xuất phát từ hiện thực. Ví dụ, điệu múa Gà rừng phải căn cứ vào hình ảnh con gà khi bước đi như thế nào? Khi vươn cổ lên gáy thì dáng của nó ra sao? v.v... Nếu người diễn thể hiện quá phô trương, cách điệu, không dựa vào hình ảnh hiện thực, sẽ làm mất đi nội dung, ý nghĩa thực của đối tượng cần phản ánh trong múa. Tất yếu điệu múa sẽ trở thành tối nghĩa, khó hiểu, làm ảnh hưởng không tốt đến cảm xúc thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Đặc điểm mang tính phổ cập trong cấu trúc múa dân gian đó là luật đối xứng. Ngay cả số lượng người tham gia trong các điệu múa dân gian thông thường là số chẵn: hai người, bốn người, sáu người, tám người, mười người, v.v... Đặc điểm này, cho đến nay vẫn mang tính phổ cập. Các biên đạo xây dựng tác phẩm mới đa phần sử dụng số diễn viên chẵn. Đặc biệt, trong các điệu múa Dư hứng, là hình thức múa khắc họa một hình ảnh, một hình tượng (như múa nón, múa ô, múa xòe hoa, múa Roong chiêng, ngay cả điệu múa sạp đông người) nhưng số lượng diễn viên cần phải chẵn, vì nếu lẻ thì không đủ người sử dụng đạo cụ (hai cây tre nhỏ), điệu múa sẽ không thể tiến hành được. Ngay cả trong các cấu trúc múa ít người như múa đơn (solo), múa đôi (duo), múa ba (trio), người ta cũng sáng tác nhiều hơn, v.v...

Tính cặp đôi là một trong những đặc điểm nổi bật của múa dân gian. Nguyên nhân để dẫn đến hiện tượng này có liên quan đến lối tư duy cặp đôi theo triết lý âm dương đối đãi của người Việt. Đặc điểm này còn có thể tìm thấy rất nhiều trong thành ngữ Việt Nam như: Sướng lắm - khổ nhiều; Yêu nhau lắm - cắn nhau đau;

Nhân nào - quả ấy; Trèo cao - ngã đau; Tham thì thâm... Ngay cả trong quá trình truyền đạt những kinh nghiệm sống của nhân dân cũng có nhiều câu nói thể hiện tính chất nguyên tắc của cấu trúc cặp đôi như "Ăn cơm đi trước, lội nước đi sau''. Trong đời sống tinh thần, những vấn đề đạo đức cũng được đặt trong cấu trúc

mang tính cặp đôi như: "Thương người như thể thương thân'', "Lá lành đùm lá rách"... Thử phân tích câu ca dao sau sẽ thấy rõ đặc điểm này:

Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Như vậy, hai cặp từ ''cha và mẹ'', ''núi và nước'' đã thể hiện lối tư duy cặp đôi theo truyền thống triết lý âm dương của người Việt. Cấu trúc của câu ca dao rất cân đối cả về ngữ và nghĩa, mang tính hàm súc cao, thoả mãn được tình cảm của con người ở nhiều góc độ. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm có viết: "Cũng do phát sinh từ nền văn hoá Nam á - Bách Việt, triết lý âm dương đã trở thành cơ sở nhuần nhuyễn cho việc hình thành tính cách của người Việt sau này. Tính cách đó, đến lượt mình, trở thành những bằng chứng quan trọng về nguồn gốc của tư tưởng triết lý âm dương. Như vậy, những bằng chứng cơ bản cho phép kết luận về nguồn gốc nông nghiệp Nam á - Bách Việt của tư tưởng triết lý âm dương, và liên quan đến nó là những tính cách chủ yếu của người Việt".

Nghệ thuật múa dân gian là thành tố của văn hoá dân gian. Do đó trong quá trình phát triển, nghệ thuật múa dân gian chịu sự chi phối của quy luật hình thành và phát triển văn hoá dân gian là điều tất yếu. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng tính cặp đôi trong múa dân gian cũng có nguồn gốc từ tư tưởng triết lý âm dương, đó là sự phản ánh khách quan. Như vậy, tính cặp đôi được biểu hiện ở mức độ bao nhiêu trong múa dân gian và hơn thế nữa đã được tiếp thu và ứng dụng trong các tác phẩm múa chuyên nghiệp như thế nào, đó là vấn đề cần phải nghiên cứu, tìm hiểu. Tính cặp đôi trong múa dân gian là một đặc điểm độc đáo, chính vì thế tính cặp đôi biểu hiện trong múa dân gian được xác định là giá trị nghệ thuật truyền thống. Thực tế cho thấy trong khá nhiều tác phẩm múa chuyên nghiệp hiện nay, giá trị đó đã được ứng dụng. Về vấn đề tính cặp đôi, có ý kiến cho rằng: "Quan niệm về cái đẹp của người Việt múa nói chung và múa tuồng chèo nói riêng xây dựng trên cơ sở mối tương quan cặp đôi giữa các bộ phận của cơ thể, các phần của động tác". Vấn đề vừa nêu đã được chứng minh trong các điệu múa dân gian các dân tộc Việt Nam. Ví dụ múa dân tộc Việt có những động tác như: hái đào, câu cá, hạ trung thượng, bắn cung, chèo đò, dệt cửi, gà rừng mềm, gà rừng giật, trống Triều Khúc... Dân tộc Thái có múa nón cũng rất độc đáo. Một số động tác cơ bản múa nón cũng thể hiện tính chất của nguyên tắc cặp đôi như động tác: lao nón trước sau, xoay nón trên đầu, nghiêng nón hai bên vai, ngồi chống nón trước ngực, nhún ngang đưa nón sau gáy (đưa đi trả lại), đưa nón sang hai bên người... Người Tày ở vùng cao phía bắc có xoè chiêng. Đây là điệu múa tập thể, một hình thức múa dân gian. Người múa đứng thành vòng tròn, đội hình di chuyển theo tuyến múa, bước chân vào, lùi chân ra, một nhịp đưa tay cao, một nhịp hạ tay thấp... Tương tự như xoè chiêng, là múa xoang của người Gia Rai, một dân tộc giàu truyền thống múa. Đây là loại múa dân gian độc đáo mang tính cộng đồng cao. Xoang được múa trong hội lễ "mừng lúa mới'', ''đâm trâu'', ''bỏ mả''. Tác giả Lâm Tô Lộc đã mô tả xoang như sau: "Người múa di chuyển theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ, tạo thành một vòng tròn khép kín, mặt quay vào tâm vòng tròn. Bước chân cơ bản là đi ngang, bước tới thì dài, bước lùi thì ngắn, người nọ nắm tay người kia, đưa tay từ trên xuống dưới. Khi bước lùi thì nhún đưa mông".

Những điệu múa dân gian của một số dân tộc mà chúng tôi vừa nêu trên đều chứa đựng những yếu tố của tính chất cặp đôi. Ngoài ra còn có thể tìm thấy tính chất này được biểu hiện trong rất nhiều điệu múa của các dân tộc khác nữa.

Như trên đã trình bày, tính cặp đôi là đặc điểm trong múa dân gian Việt Nam. Đặc điểm đó nếu nhìn từ góc độ sáng tác nó sẽ được coi như là một thủ pháp nghệ thuật, một kinh nghiệm để có thể ứng dụng trong quá trình xây dựng tác phẩm mới. Trên thực tế, nhiều biên đạo đã tiếp thu kinh nghiệm này để xây dựng ngôn ngữ tác phẩm. Ngay từ khâu sáng tác kịch bản, xây dựng tính cách nhân vật, một tổ hợp, thậm chí một động tác múa cũng chứa đựng tính chất cặp đôi. Múa Tuần đuốc (A.26) đã tiếp thu nhiều yếu tố này. Trong hai nhân vật, vị quan đi tuần và kẻ gian phi đã phản ánh rất rõ tính chất cặp đôi như thiện - ác, trắng - đen, sáng - tối, cao - thấp..., nhân vật vị quan đi tuần càng được tôn vinh khi có kẻ gian phi bên cạnh. Trong tác

phẩm múa Tuần đuốc, ngôn ngữ múa của nhân vật chính nghĩa (quan tuần) được biên đạo thiết kế luôn ở tầm cao hơn ngôn ngữ múa của kẻ phi nghĩa (kẻ gian phi). Nghệ thuật hoá trang hai nhân vật cũng khác nhau.

Nếu như màu hoá trang trên khuôn mặt của nhân vật thiện tạo hình màu trắng sẽ là màu chủ thể, thì màu hoá trang trên khuôn mặt của kẻ ác chủ yếu sẽ là màu đen... Tiết mục Cân bằng của biên đạo Ngô Mai Anh cũng tiếp thu bài học kinh nghiệm tính chất cặp đôi thông qua hai nhân vật tốt và xấu. Quá trình xây dựng ngôn ngữ nhân vật, tác giả đã luôn luôn tạo ra sự tương phản theo nguyên tắc cặp đôi, từ động tác, sắc thái, cường độ, trước sau, phải trái, mạnh nhẹ... Tác phẩm Cân bằng đã đạt được hiệu quả nghệ thuật tốt. Giá trị nghệ thuật của tính cặp đôi chính là đã tạo ra sự tương phản của hai nhân vật. Chúng ta đều biết, khi tác giả tạo được sự tương phản chính là góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm. Đặc biệt tính cặp đôi sẽ giúp cho khán giả thường xuyên có sự so sánh trong suốt thời gian thưởng thức tiết mục. Như vậy, tính cặp đôi của múa dân gian đã được ứng dụng nhiều trong các sáng tác múa chuyên nghiệp hiện nay, nó đã góp phần tạo nên thành công của tác phẩm.

Phần trên, chúng tôi đã cố gắng trình bày những vấn đề có liên quan đến múa dân gian, mối quan hệ và tác động qua lại của chúng để tìm ra đặc điểm. Từ đó góp phần làm rõ hơn những giá trị nghệ thuật của múa dân gian.

Có nhiều nhà nghiên cứu trước đó đã đưa ra "Khái niệm múa dân gian". Nhìn chung, các ý kiến tương đối thống nhất với nhau. Căn cứ tiêu chí của múa dân gian, để tìm hiểu thêm về nội dung của nó, chúng tôi đã phân tích một số điệu múa dân gian tiêu biểu. Xác định truyền thống múa dân gian của mỗi dân tộc là vấn đề quan trọng, tìm ra được đặc điểm của múa dân gian là vấn đề cần thiết. Từ đặc điểm mang tính đặc thù để thấy hết được giá trị của múa dân gian. Chúng tôi cho rằng đó là vấn đề hết sức quan trọng, có tác động tích cực đối với sự phát triển của ngành múa chuyên nghiệp Việt Nam. Đặc điểm, giá trị của múa dân gian còn rất rộng lớn. Đây là công việc tốn nhiều công sức và thời gian, cần có nhiều người tham gia… Múa dân gian trong tiến trình phát triển là một cấu trúc mở. Nó luôn luôn thâu nhận vào mình những sáng tạo mới của quần chúng nhân dân. Quá trình thâu nhận đó là quá trình phát triển.

Những vấn đề mà chúng tôi vừa trình bày, nhằm mục đích tạo một cái nhìn tổng quan về đặc điểm, giá trị và sự vận động của múa dân gian. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần làm rõ hơn những giá trị nghệ thuật được thể hiện trong các điệu múa dân gian. Đây là vấn đề quan trọng, có liên quan mật thiết đến sự phát triển của ngành múa chuyên nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU THAM KHẢO CON ĐƯỜNG của múa dân GIAN đến SÁNG tạo múa CHUYÊN NGHIỆP (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w