IV. Tác phẩm múa về đề tài lực lượng vũ trang
2. Hình tượng người lính trong sáng tác múa
Giữa bao nhiêu hiện thực cần phải phản ánh về tình đời và tình người thì đề tài chiến tranh và hình tượng người lính là một trong những đề tài quan trọng xuyên suốt lịch sử phát triển, trưởng thành và sáng tạo của các đoàn nghệ thuật ca, múa, nhạc quân đội. Tuy nhiên trong mỗi giai đoạn lịch sử, hình tượng người lính có những thể hiện khác đi, do thực tiễn đời sống, do mối quan hệ của người lính với đời sống và năng lực cảm thụ, tái tạo của nghệ sĩ.
Hơn nửa thế kỷ qua đã có khá nhiều tác phẩm múa về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, mà trong đó hình tượng người lính là trung tâm. Có thể nói rằng người lính đã được các biên đạo biểu hiện một cách đa dạng, phong phú. Có tác giả mặc áo lính, có tác giả chưa từng một ngày là quân nhân, nhưng vì
yêu mến người lính mà các anh đã sẻ chia, biểu lộ sự thông cảm sâu sắc với người lính qua các sáng tác của mình. Đối với các biên đạo, khi sáng tác về người lính, thì có thể nói đây là một vùng đất khó. Ngay cả việc tìm chọn, để có một cấu tứ cho một "kịch bản múa" cũng quả là một công việc gian nan. Bởi lẽ không phải bất cứ nội dung nào nghệ thuật múa cũng có thể diễn tả và diễn tả tốt được. Một câu chuyện, một trạng thái tình cảm, sự gặp gỡ và chia li, những kí ức đẹp đẽ và đau đớn, những liên tưởng đa chiều, những phẩm chất tốt đẹp của người lính trong chiến đấu và rèn luyện... tất cả phải được cô đọng, điển hình, có tính hành động để tạo cho ngôn ngữ múa có khả năng diễn đạt. Nói đến người lính thường là nói đến phía trước vậy phía sau người lính là cái gì? Phải chăng đó là động lực, là nhân tố để làm nên chiến thắng, là cả một hậu phương rộng lớn bao la, là người mẹ, người chị, người em..., là những độ nông sâu của tình người, tình đời, là cả một thế giới tinh thần, tình cảm vô cùng phong phú của người lính. Trong thực tế sáng tác nhiều thập kỷ qua, các tác phẩm, các biên đạo đã đề cập và thể hiện những vấn đề trên ở nhiều mức độ, quy mô và những góc nhìn khác nhau. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa người lính vẫn là hình tượng trung tâm, là điểm xuất phát.
Phải nói rằng sự nghiệp múa của các đoàn nghệ thuật ca, múa, nhạc chuyên nghiệp trong quân đội gắn liền với các tên tuổi: Trọng Lanh, Trần Minh, Minh Tiến, Khắc Tuế, Ngọc Canh, Kim Tiến, v.v..., thế hệ biên đạo đầu tiên này đã từng sống, từng chứng kiến, cùng chia sẻ với cuộc sống và chiến đấu của người chiến sĩ để rồi từ đó tái tạo nên những hình tượng đẹp đẽ, những tác phẩm thực sự có chỗ đứng trong tình cảm của khán giả Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Nhìn chung, số tác phẩm trong chặng đường đầu này có một cấu trúc mộc mạc, cân đối. Ngôn ngữ múa trong sáng, gần gũi, dễ hiểu. Các tác giả sáng tác theo phương pháp tả chân. Sử dụng khá nhiều hình ảnh quen thuộc trong đời sống sinh hoạt và chiến đấu của người lính để từ đó xây dựng ngôn ngữ múa. Yếu tố quan trọng để dẫn đến thành công là thái độ, tình cảm sống của các tác giả đã thực sự hoà nhập được với cuộc sống và chiến đấu anh dũng của cả dân tộc. Một thời kỳ mà người lính lên đường ra trận đầy phơi phới vô tư, không hề bị phân thân bởi lẽ đời phức tạp. Chúng ta còn nhớ mãi, một tác phẩm múa khá ấn tượng đó là tác phẩm múa "Chiếc gậy Trường Sơn" của NSND Trần Minh. Câu chuyện xảy ra trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn cực kỳ gian nan. Tác phẩm do tập thể nam Đoàn nghệ thuật Biên phòng biểu diễn. Ngôn ngữ múa ở đây không cầu kỳ phức tạp. Một số động tác có tính mô phỏng, biểu hiện những bước chân hành quân, lội suối của người chiến sĩ. Đạo cụ trong tay mỗi người là một "cây gậy tre" chính là chiếc "gậy Trường Sơn" đã trở thành hình ảnh đi vào thơ ca, âm nhạc và khá quen thuộc với mọi người, đặc biệt đối với thế hệ chống Mỹ. Một lần nữa biên đạo Trần Minh đã tái tạo hình ảnh đó bằng múa một cách sinh động, hiệu quả. Chiếc gậy trở thành đạo cụ để múa, tăng vẻ đẹp cho ngôn ngữ tạo hình và góp phần làm rõ thêm hình ảnh người chiến sĩ vượt Trường Sơn đi chiến đấu.
Đó là một cách quan sát tinh tế và sắc sảo của tác giả đối với hiện thực đời sống trong chiến tranh. Thực sự tác phẩm của anh nói về người lính và đã là của lính. Qua đây có thể khẳng định, một khi tác giả bắt nhịp được với hơi thở của cuộc sống thì kỹ thuật chỉ còn lại là một phương tiện dẫn đường.
Năm 1969, cả nước ta vô cùng đau thương trước sự ra đi của Bác Hồ kính yêu. Trong cái không khí "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" ấy, biên đạo múa Khắc Tuế đã kịp thời cảm nhận được tận cùng của sự khổ đau mênh mông và tổ khúc múa "Làm theo di chúc của Bác" đã nhanh chóng có mặt trên sân khấu của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Anh đã xây dựng được hình tượng người lính vô cùng cảm động. Người lính và lá cờ Tổ quốc mà Bác Hồ đã trao cho như một sứ mạng cao quý. Những năm tháng đó hầu như không có đêm biểu diễn nào mà không có nước mắt của người diễn và người xem. ở đây sự nhạy cảm của người nghệ sĩ đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Biên đạo, NSƯT Trọng Lanh cũng có nhiều sáng tác về đề tài bộ đội. Anh là nghệ sĩ mặc áo lính. Cái nghiệp của anh nghiêng hẳn về lính. Trong số sáng tác của anh nổi trội lên là tiết mục múa "Đồng đội trẻ".
Tiết mục như một bức tranh bột màu tươi vui, khoáng đạt, gần gũi với khán giả, gần gũi với ngôn ngữ biểu đạt của người lính.
Gần đây trong chương trình của Đoàn Ca múa Quân đội chào mừng 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tổ khúc giao hưởng múa ba chương "Tất cả cho Điện Biên" của biên đạo, NSND ứng Duy Thịnh đã khái quát được nhiều vấn đề về người lính. Đó là tình đồng đội, tình hậu phương, sự hi sinh dũng cảm, ý chí quyết tâm sắt đá của toàn quân và toàn dân trong cuộc hành trình đến chiến thắng. Mặc dù đó là đề tài cũ nhưng khán giả cũng kịp nhận ra một cách diễn đạt mới. Múa "Cô gái làng hoa và chàng pháo thủ" của nữ biên đạo Minh Phương đã đem lại cho chúng ta một nụ cười tươi tắn trẻ trung. Chị khai thác nhiều ở những động tác sinh hoạt của lính. Điều đáng nói ở tác phẩm này là tác giả đã tạo được một không khí múa trẻ trung gần gũi với người chiến sĩ. Có lẽ với một tác phẩm múa cũng không nên đòi hỏi quá nhiều mà chỉ cần ở đâu đó một hai điểm loé sáng, chạm được vào tình cảm của người xem, làm rung lên những xúc cảm thẩm mỹ và khắc hoạ rõ tính cách của các nhân vật trong tác phẩm. Đây là một đặc điểm tương đối độc đáo nếu nhìn từ góc độ cấu trúc tác phẩm. Cái lạ ở tác phẩm là chỉ sử dụng một không khí âm nhạc, một không khí múa mà hình tượng người lính được khắc hoạ thật rõ nét, đáng yêu.
Tương tự với cách tiến hành như vậy, biên đạo, NSƯT Ngọc Canh với kịch múa "Mùa hoa Điện Biên"
mà nhân vật trung tâm ở đây là hình tượng anh hùng Phan Đình Giót được tác giả khởi thác từ một góc nhìn mới. Anh không nói nhiều đến sự khốc liệt của chiến tranh mà anh đi sâu về phía sau người lính, những nhân tố để tạo nên hành động anh hùng và con người anh hùng. Người xem thấy nhiều ở tác phẩm của anh là mùa xuân, là rừng ban, là tình yêu đôi lứa... Nhưng giữa cái mênh mông của mùa xuân đất trời đó vẫn hiển hiện một cách rõ nét hình tượng người lính cùng với những phẩm chất vô cùng tốt đẹp.
Mặc dù chiến tranh đã trôi qua nhiều năm, nhưng thời gian cũng không xoá được cái cảm giác chát chúa khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tưởng chừng như giờ đây ta vẫn còn nghe thấy tiếng gầm rít của máy bay Mỹ như xé rách bầu trời. Biên đạo, NSND Minh Tiến đã tìm được một tứ múa rất hay, bầu trời đã được anh kéo xuống sân khấu với thơ múa "Bầu trời quê hương". Nhân vật của anh là những "thần sấm", những "con ma", những chiến sĩ không quân Việt Nam trẻ tuổi với những "nàng mây"
biểu tượng cho không quân Việt Nam tấn công kẻ thù. Đây là một ý tưởng đẹp, có đất để tạo ra ngôn ngữ và hình tượng múa. Nếu như biên đạo Minh Tiến đến với bầu trời thì biên đạo, NSƯT Công Nhạc lại trở về với dòng sông qua múa đôi "Tình ca sông Lô" dựa trên tác phẩm âm nhạc cùng tên của nhạc sĩ Văn Cao. Khác với mọi người, Công Nhạc diễn tả thế giới bên trong của người lính. Cái điều mà người nghệ sĩ phải dùng đến trực giác để phát sáng thành hình tượng múa. Ngôn ngữ mà anh chọn lựa không cầu kỳ, rối rắm nhưng rất mạch lạc rõ ràng tạo được cảm giác đẹp về tình người. Nhìn trên sân khấu, sự việc tưởng chừng như được tác giả giới hạn trên một con thuyền nhỏ nhưng người xem lại thấy cái mênh mông rộng lớn của không gian, của tình yêu con người. Cái hay của ngôn ngữ múa cũng từ lẽ đó. Trong tác phẩm này, sự giao thoa giữa âm nhạc và vũ đạo tạo thành một nhân tố thứ ba đó là chất thơ. Chất thơ cất mình bay bổng trên dòng Lô êm ả, tạo cho ngôn ngữ múa có điều kiện mở rộng biên độ phóng tác.
* Một vài suy nghĩ về đề tài chiến tranh
Nhìn lại chặng đường phát triển trên 50 năm nền nghệ thuật múa Việt Nam, mảng tác phẩm múa về đề tài chiến tranh chiếm vị trí rất quan trọng cả về số lượng và chất lượng, góp phần tạo nên diện mạo, thành tựu, tác dụng xã hội của nền nghệ thuật múa. Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước, lịch sử của các cuộc chiến tranh. Và chỉ có trong chiến tranh những thử thách gay go, ác liệt nhất của con người mới được nhìn rõ và xác định. Cũng từ đó phẩm chất tốt đẹp được bộc lộ giữa ranh giới của sống và chết. Phẩm chất tốt đẹp của con người đã từng biểu hiện trong hiện thực chiến tranh với nhiều dáng vẻ khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau từ diện mạo đến chiều sâu chiến tranh. Và không phải trong chiến tranh chỉ có hi sinh xương máu mới là hi sinh cao quý nhất, nhưng chỉ có trong chiến đấu các đức tính của người anh hùng cùng với lý tưởng cao đẹp mới được bộc lộ rõ và đầy đủ nhất. Những giá trị đạo đức, giá trị lý tưởng trong các cuộc chiến tranh giải phóng vẫn luôn luôn là đối tượng quan trọng, vô cùng cần thiết đối với sáng tác múa hôm nay và sau này. Đề tài chiến tranh vẫn là đề tài cần thiết đối với các loại hình nghệ thuật. Với nghệ thuật múa, "chiến tranh" là mảng đề tài cần phải được quan tâm, được coi là một đối tượng cần phản ánh. Đó
là mối quan hệ con người với chiến tranh. Chúng ta đang sống trong thời bình, khi mà chiến tranh đã trở thành quá khứ thì việc phản ánh cuộc chiến tranh trong sáng tạo tác phẩm múa cần nhìn rõ những đặc điểm mới, những quy luật tư tưởng và thẩm mỹ mới. Bởi vì chính lúc này đã hình thành một khoảng cách thời gian giữa chiến tranh và nền nghệ thuật múa hôm nay, người biên đạo hôm nay với đối tượng sáng tác và đặc biệt yêu cầu của khán giả xem múa, thưởng thức múa cũng đã đổi mới.
Khám phá, hiểu biết ngày càng nhiều hơn, sâu sắc hơn về bản chất của chiến tranh, về tầm vóc lịch sử của những chiến thắng mà cả dân tộc đã tạo dựng trong quá khứ là nhiệm vụ của các tác giả trong quá trình lựa chọn đề tài, xây dựng nội dung, xây dựng hình tượng nghệ thuật múa. Đặc biệt đối với đội ngũ biên đạo trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp quân đội thì mảng đề tài này luôn luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị của các đơn vị nghệ thuật quân đội, trong công tác giáo dục, xây dựng thẩm mỹ cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Đề tài chiến tranh và người lính được thể hiện trong các tác phẩm múa góp phần quan trọng trong việc tạo ra diện mạo, cốt cách của các đoàn nghệ thuật quân đội, đồng thời cũng được coi như là một trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các tác giả mặc áo lính. Nói điều này không có nghĩa là đề tài chiến tranh chỉ được phản ánh trong giới hạn của các đoàn nghệ thuật quân đội, tác giả quân đội mà nó còn là đề tài cũng rất quan trọng và vô cùng hấp dẫn đối với các đơn vị ngoài quân đội cũng như đối với các tác giả không mặc áo lính. Tìm tòi, khám phá, hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về bề rộng và chiều sâu của chiến tranh, xuất phát từ yêu cầu mới, đòi hỏi mới của khán giả múa hôm nay cộng với sự cố gắng của bản thân tác giả, để xây dựng được những tác phẩm múa có giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng, từ đó xây dựng cho con người ý chí, tình cảm, lý tưởng tốt đẹp và khi cần thiết biết sẵn sàng quên mình vì sự nghiệp bảo vệ hoà bình, bảo vệ thành quả cách mạng. Đó là mục tiêu của việc phản ánh chiến tranh hiện nay đối với nghệ thuật nói chung và tác phẩm múa nói riêng.
Những năm gần đây trong đời sống của sân khấu múa vẫn tồn tại ba xu hướng sáng tác múa. Những xu hướng này cùng tồn tại xen kẽ và tác động lẫn nhau về việc phản ánh chiến tranh và sau chiến tranh.
Một số tác giả trưởng thành trước chiến tranh và trong chiến tranh có nhiều kinh nghiệm về mảng đề tài này. Các anh là những người đã chứng kiến lịch sử, là những người trong cuộc, vốn sống, cảm hứng nghệ thuật không thiếu và đã nhiều năm gắn bó với nhiều tác phẩm múa về đề tài chiến tranh và người lính. Bộ phận này vẫn "chung thủy" với phong cách của mình với cách diễn đạt của mình từ cấu trúc cho đến ngôn ngữ động tác múa. Trong tác phẩm khán giả dễ nhận thấy ít có sự đổi mới. Nguyên nhân có thể là năng lực sáng tạo không còn sung sức như trước kia, hoặc có thể do cách nhìn, cách quan niệm không thay đổi về mảng đề tài này. Không ít những tác phẩm, tác giả chỉ có khả năng kể và miêu tả lại các diễn biến của các sự kiện và nội dung của kịch bản văn học, làm rõ các biến cố, quá trình phát triển của nội dung, quá trình chiến tranh... Ca ngợi đắm say và thật lòng nhưng không mới về con người trong chiến đấu, không mới về ngôn ngữ, về cảm xúc nghệ thuật của tác phẩm. Với kinh nghiệm và tuổi nghề, dung lượng thực hiện trong tác phẩm có thể được mở rộng, nhưng chất lượng khám phá không cao, vì thế, dù cần mẫn, nhiều công phu nhưng hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm trong đời sống xã hội ít nhiều còn mờ nhạt.
Xu thế thứ hai, ở một số tác giả, tác phẩm có thể chưa có được tầm tri thức đầy đủ cùng với bản lĩnh sáng tạo chưa vững vàng, đồng thời chịu sự tác động phức tạp của điều kiện chính trị, xã hội, tư tưởng của giai đoạn lịch sử đầy biến động trong những năm vừa qua đã cho ra đời những tác phẩm múa về đề tài chiến tranh theo khuynh hướng nhìn méo hiện thực. Trong tác phẩm chỉ khai thác những mất mát, đau thương, u uẩn và coi đó là hiện thực chiến tranh, những lạnh lùng, khó hiểu. Tất cả nằm trong bố cục lỏng lẻo, những mảng miếng trừu tượng, quá đắm say với sáng tạo cá nhân do đó cũng có lúc quên công chúng.
Khuynh hướng thứ ba đó là khuynh hướng chính, phản ánh và hoà nhập được với xu thế phát triển nghệ thuật múa hiện nay, mặc dù đã trải qua không ít những khó khăn. Cho dù chưa nhiều, nhưng đã hình thành một đội ngũ tác giả biên đạo trẻ với khá nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh có hiệu quả nghệ thuật cao đã