Để kế thừa và phát huy tài sản múa dân gian trong việc xây dựng tác phẩm múa chuyên nghiệp, trước hết cần phải nhận diện đúng tài sản này. Đây là một công việc hết sức lớn, đòi hỏi sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc của nhiều người, nhiều công trình. Đây là vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển của ngành múa.
Múa dân gian các dân tộc Việt Nam có truyền thống lâu đời, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, thể loại, giàu có về sắc thái. Với 54 dân tộc được phân bố rộng rãi trên địa bàn cả nước, múa của các dân tộc có điều kiện phát triển, không ngừng bổ sung và hoàn thiện về số lượng và chất lượng. Tuỳ theo dân số, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, đặc điểm lịch sử của từng dân tộc mà quy mô, trữ lượng, tiềm năng múa dân gian các dân tộc có khác nhau. Chính sự khác nhau đó đã tạo ra nhiều phong cách độc đáo.
Khi đánh giá kho tàng múa dân gian, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc liệt kê số lượng các động tác múa, mà sẽ bàn đến sự phong phú, đa dạng về phong cách, bản sắc múa giữa các dân tộc.
Đánh giá đúng tài sản của múa dân gian các dân tộc trên đất nước ta có một ý nghĩa rất lớn đối với quá trình phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam. Mục này cố gắng nêu một cách khái quát bức tranh tổng thể tài sản múa dân gian các dân tộc trong lộ trình phát triển đối với việc hoạch định, phát triển ngành múa chuyên nghiệp Việt Nam.
Để nhận diện chính xác gia tài múa dân gian các dân tộc, chúng ta sẽ phân ra các vùng văn hoá khác nhau. Đây chỉ là cách làm mang ý nghĩa tương đối. Bởi vì một trong những đặc điểm là các dân tộc Việt Nam được phân bố rộng trên địa bàn cả nước. Nhiều dân tộc sống đan xen với nhau, chịu sự ảnh hưởng qua lại với nhau về văn hoá, kinh tế, phong tục, tập quán... Vì thế chúng ta không chia nhỏ thành nhiều vùng để phân tích, đánh giá tài sản múa dân gian các dân tộc. Về vấn đề này, hiện tại còn có những ý kiến khác nhau.
Với mục đích nghiên cứu, chúng tôi chỉ mong muốn khái quát được trữ lượng và những đặc điểm tiêu biểu múa dân gian của từng vùng. Vì thế, chúng tôi chia thành bốn vùng văn hoá lớn như sau:
+ Vùng miền núi Bắc Bộ + Vùng đồng bằng Bắc Bộ + Vùng Trung Bộ
+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khi chia thành bốn vùng văn hóa để phân tích, chúng tôi đã dựa theo tiêu chí vùng văn hoá của tác giả Ngô Đức Thịnh: "Vùng văn hoá là một vùng lãnh thổ có những tương đồng về hoàn cảnh tự nhiên. Dân cư sinh sống ở đó từ lâu đời đã có mối quan hệ về nguồn gốc và lịch sử. Có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Giữa họ đã diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hoá qua lại, nên trong vùng đã hình
thành những đặc điểm chung, thể hiện văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hoá khác".
1. Vùng văn hoá miền núi Bắc Bộ
Xét về địa lý thì vùng văn hoá miền núi phía Bắc bao gồm hai khu vực: miền núi Việt Bắc và miền núi Tây Bắc. Hai vùng này có trữ lượng múa dân gian các dân tộc ít người rất phong phú, đặc sắc. Đặc biệt phải kể đến công tác sưu tầm múa dân gian ở khu vực đã đạt được nhiều kết quả tốt. Ngay từ năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, công tác sưu tầm của các cơ quan nghiên cứu ở trung ương và địa phương đã tiến hành tích cực. Cho đến nay đã phát hiện và hệ thống được một số lượng rất lớn múa dân gian của khu vực này.
Tiêu biểu trong số đó là số lượng các điệu múa dân gian các dân tộc đã được phát hiện và hệ thống lại một cách khoa học như: H’mông, Tày, Nùng, Thái, Xá Phó, Dao, Hà Nhì, Lô Lô, Giáy, Hoa, Khơ Mú...
Trường Múa Việt Nam được thành lập năm 1959, đây là một trung tâm đào tạo diễn viên lớn của đất nước, đồng thời là nơi sưu tầm và lưu giữ múa dân gian. Nhiều cán bộ đi sưu tầm đã phối hợp với đội ngũ giáo viên, những người làm công tác huấn luyện, đào tạo. Họ đã hệ thống lại kết quả nghiên cứu, những chuyến điền dã, sưu tầm và biên soạn thành giáo trình để phục vụ cho công tác giảng dạy. Số lượng múa dân gian các dân tộc tập trung lớn ở vùng miền núi phía Bắc. Ngoài Trường Múa Việt Nam, các trường trung cấp văn hoá nghệ thuật các tỉnh thành hầu như được thành lập. Như vậy, từ trung ương đến địa phương đều có cơ sở đào tạo diễn viên múa. Đặc biệt đây là những nơi liên tục có những bổ sung cho ''bộ sưu tầm'' múa dân gian các dân tộc. Vì thế, để đánh giá tài sản múa dân gian không thể không nhắc đến sự đóng góp của tất cả các trường đào tạo diễn viên múa. Các đơn vị này thực tế đã làm được các chức năng như sưu tầm (để liên tục bổ sung vào các giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy), lưu giữ và phổ cập thông qua người diễn viên làm công tác biểu diễn.
Tương đối nổi bật trong truyền thống múa dân gian của các dân tộc ít người ở khu vực miền núi phía Bắc là múa dân gian của dân tộc Thái. Dân tộc Thái có xoè vòng. Đây là một hình thức múa tập thể, thuộc loại múa sinh hoạt tương đối phổ cập trong cộng đồng người Thái, với đặc điểm không hạn chế số lượng người tham gia. Cấu tạo động tác tương đối đơn giản, nhưng tính chất lại có một sức hấp dẫn thu hút mọi người tham gia nhảy múa. Đây là một loại múa sinh hoạt, thường được dùng trong các lễ hội. Tính cộng đồng, cộng cảm trong xoè vòng rất cao. Đây chính là giá trị của điệu múa. Tác giả Cầm Trọng có miêu tả điệu múa này như sau: ''Đó là lối múa của một số đông người cầm tay nhau quay thành vòng tròn để rồi bước vào, lùi ra uyển chuyển, đều đặn theo nhịp 2/4 của trống, chiêng. Trong khi múa, người ta còn kết hợp với hát đối theo kiểu ứng thơ và có thể kéo dài thâu đêm được''. Ngay cả dân tộc Việt cho đến nay vẫn chưa có điệu múa nào tương tự như xoè vòng của dân tộc Thái. Những năm vừa qua, Bộ Văn hoá - Thông tin có phát động phong trào sáng tác múa tập thể. Đây là một chủ trương đúng. Nhiều chuyên gia múa đã nghiên cứu nghệ thuật của xoè vòng để sáng tác ra điệu múa quần chúng mới. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một điệu múa tập thể nào có được hiệu quả như xoè vòng của dân tộc Thái. Trong các lễ hội dân gian hiện nay, không chỉ riêng có dân tộc Thái mà xoè vòng vẫn là điệu múa được sử dụng tương đối phổ cập. Trong các lễ hội, thanh niên, phụ nữ và một số các sinh hoạt đoàn thể ở Hà Nội cũng vậy. Như vậy, xoè vòng của dân tộc Thái đã được các tộc người khác chấp nhận một cách tự nguyện. Một số biên đạo đã sáng tác để có được những điệu nhảy tập thể. Bộ Văn hoá - Thông tin đã từng phát động và đầu tư cho sáng tác múa tập thể, nhưng cho đến nay kết quả thu được chưa cao. Mặc dù số lượng các điệu múa mới được sáng tác không phải là ít, nhưng khi đưa ra quần chúng biểu diễn, những điệu múa ấy đã có "số phận" hết sức ngắn ngủi. Tại sao vậy? Phải chăng những sáng tác mới chưa đáp ứng được những vấn đề như truyền thống, tâm lý, thói quen, phong tục, tập quán, mục đích, môi trường trình diễn, v.v... Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu và tìm lời giải đáp. Một số địa phương như Phong Thổ, Mường Lay, Quỳnh Nhai còn có những điệu múa được kết hợp với đạo cụ rất đặc sắc như múa nón, múa với quả nhạc, múa khăn, múa quạt. Nếu xét về giá trị
nghệ thuật của một số điệu múa Thái nguyên bản, chúng ta sẽ thấy tính hoàn chỉnh của động tác. Bản thân điệu múa đã phản ánh đầy đủ tính thẩm mỹ, tạo hình, cấu trúc, luật động,... chính vì thế có không ít tác giả đã đưa nguyên xi động tác múa dân gian Thái vào trong tác phẩm của mình. Trường hợp Múa nón của biên đạo NSND Minh Tiến là một ví dụ. Vào những thập kỷ sáu mươi, khán giả trong nước và quốc tế đã biết đến múa Việt Nam qua các tác phẩm múa sạp, múa nón, múa ô... Các biên đạo đã sử dụng chủ yếu những chất liệu múa dân gian các dân tộc thuộc vùng núi phía Bắc. Khu vực này còn có múa dân gian dân tộc Tày với phong cách cũng rất độc đáo, đặc biệt hình thức diễn xướng then. Nghiên cứu hiện tượng này, PGS, TS Lê Ngọc Canh viết:
"Hội then, múa then, hát then, lễ then là những tên gọi khác nhau, nhưng chúng là một hình thức diễn xướng tổng hợp gồm nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật như thơ, truyện, kể, diễn, hát, múa. Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh và diễn biến then mà hát, múa, kể xuất hiện trình diễn từng phần, từng chỗ. Có trường hợp hát là chính, và múa minh hoạ. Thực hiện nghi lễ tín ngưỡng then thường là một "bà then'', "ngài then'' khi đã nhập thần, nhập hồn thì bà then trở thành những vị thánh, thần ma điều khiển binh tướng trừ ma ác, mời ma lành, ma chữa bệnh. Thần thánh, ma còn ban phước lành cho mùa màng tươi tốt, bản làng yên vui..."
Tín ngưỡng then được chia thành các loại: then đám cưới, then đám ma, then cầu phúc, then cúng thần linh, then trừ ma quỷ, then chữa bệnh, then giải hạn, then thượng thọ, then cầu mùa, then về các loài chim, then trừ uế tạp, then chào kính, then vượt biển, then lên thiên cung, then thảm, then khảm hải (Vượt biển)...
Các loại then dài ngắn khác nhau tuỳ theo tính chất, nội dung, mục đích sử dụng của từng loại. Tác giả Lê Ngọc Canh cho biết: "Có then diễn tả một cốt truyện, một sự tích, như then Khảm hải dài tới 1.000 câu, có then dài tới 4.000 câu''. Nhìn chung, múa dân tộc Tày có phong cách độc đáo. Then là một hình thức diễn xướng dân gian. Bên trong cái vỏ bọc tín ngưỡng có thể tìm thấy ở then những giá trị đặc biệt về nghệ thuật múa dân gian.
Ngoài ra, ở vùng văn hoá miền núi Bắc Bộ còn có múa của người H’mông (Mèo), đặc biệt là loại múa của nam. Với chiếc khèn trong tay, các chàng trai vừa thổi khèn vừa có thể nhảy múa với những động tác kỹ thuật phức tạp. Các động tác múa nữ cũng rất đẹp và độc đáo, nhất là khi họ múa với đạo cụ là chiếc ô và khăn.
2. Vùng văn hoá châu thổ Bắc Bộ
Đồng bằng Bắc Bộ bao gồm lưu vực của sông Hồng, sông Thái Bình và sông Mã là đồng bằng châu thổ thuộc loại lớn nhất ở nước ta... Văn hoá người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ là văn hoá lâu đời và tiêu biểu nhất của văn hoá truyền thống dân tộc Việt, thể hiện qua đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tiêu biểu nhất là lễ hội, qua các hoạt động văn hoá nghệ thuật, như hệ thống truyền thuyết lịch sử, truyện cổ dân gian, ca dao tục ngữ, phương ngôn, các loại dân ca tiêu biểu, các hình thức diễn xướng và sân khấu cổ truyền...
Khu vực này có rất nhiều lễ hội dân gian:
+ Ai ơi mùng chín tháng ba
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời.
+ Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu Mồng chín đâu đâu cũng về hội Gióng.
+ Bơi Đăm, rước Giá, hội Thày Vui thì vui vậy chẳng tầy giã La.
+ Sinh ra trên đất Đông Ngàn
Không ham vật võ khó làm thân trai.
+ Sơn Đồng có tục múa mo
Bánh dầy, bánh đúc đem cho dân làng...
Múa dân gian gắn liền với sinh hoạt văn hoá cộng đồng, được tập trung nhất là trong các lễ hội. Chính lễ hội là môi trường tích cực để lưu giữ và bổ sung múa dân gian. Dưới đây xin nêu một số ví dụ về trữ lượng và đặc điểm múa dân gian ở các địa phương, mục đích để làm rõ tài sản múa của khu vực này.
Tiểu vùng Hà Nội có hàng trăm lễ hội, trong một số lễ hội có múa dân gian rất độc đáo. Ví dụ như làng Phù Đổng có múa cờ, múa bắt hổ, múa quạt hầu, múa đánh trống. Lễ hội làng Lệ Mật có múa du thuyền, múa chúc tụng, múa rắn. Lễ hội Đống Đa có múa rồng, múa sênh tiền. Lễ hội làng Bưởi có múa chèo cạn.
Lễ hội làng Nhân Chính có múa chén. Lễ hội Đồng Nhân có múa đèn...
Tiểu vùng Nam Định, Hà Nam cũng có nhiều lễ hội. Tiêu biểu trong số đó có lễ hội Phủ Giầy (Vụ Bản).
Đặc biệt ở Quyển Sơn, huyện Kim Bảng, có đền thờ Lý Thường Kiệt, hàng năm nơi đây nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, ca ngợi công đức của ông. Tại đền Trúc, người ta đã trình diễn hát múa dậm rất độc đáo, trong đó có các điệu múa như: múa dâng hương, múa đi cấy, múa mắc cửi, múa may áo, múa cờ, múa kiếm, múa quạt, múa chèo thuyền, múa bỏ bộ, múa chuốc rượu, múa trẩy quân. Múa dậm được kết hợp với nhiều đạo cụ như quạt, cờ đuôi nheo, kiếm, mái chèo, sênh, trống. Tổ chức lễ hội bao giờ cũng có người giữ vai trò chính còn gọi là cái (ông trùm), những người tham gia múa tập thể được gọi là con.
Người làm cái luôn múa ở vị trí trung tâm. Những người làm con xếp ở hai hàng dọc, sau đó thành hai hàng ngang và cuối cùng chuyển thành vòng tròn. Người cầm cái tay cầm phách vừa múa vừa gõ nhịp điều khiển mọi người.
Ngoài múa dậm, ở Nam Hà còn có múa lãi lê, múa tiên tắm, múa kiếm, múa gậy...
Thái Bình là một tỉnh mang nhiều màu sắc đặc trưng văn hoá dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ và cũng là địa phương có rất nhiều lễ hội. Đặc biệt một số lễ hội có sự tham gia tích cực của múa dân gian như múa giáo cờ giáo quạt của hội làng Gióng thuộc xã Đồng Tân, huyện Đông Hưng; múa đánh bệt huyện Quỳnh Phụ; múa ếch vồ, múa bơi chải cạn của huyện Vũ Thư ; múa ông Đùng bà Đà của huyện Thái Thuỵ; múa tắm tiên của huyện Đông Hưng. Trong lễ hội An Khê, Quỳnh Phụ có múa bát dật với tính chất cung kính, trang nghiêm; múa kéo chữ của huyện Quỳnh Phụ. Ngoài ra có nhiều địa phương trong tỉnh Thái Bình có các điệu múa như: múa lân, múa rồng, múa tứ linh, múa sênh tiền cũng đặc sắc, độc đáo. Tiêu biểu trong các loại múa dân gian trong tỉnh phải kể đến múa chèo. Loại múa này như ở phần trên chúng tôi đã giới thiệu là một loại múa được phát triển ở trình độ cao, là một bộ phận quan trọng trong nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc.
Tiểu vùng tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, hàng năm cũng diễn ra nhiều lễ hội. ở đây có sinh hoạt hát quan họ trong hội Lim, hội Dâu với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian phong phú, sống động, tính thẩm mỹ cao, giàu chất trữ tình. Ngoài ra trong diễn xướng dân gian của vùng này còn có rất nhiều loại múa như: múa chải hê, múa gậy, múa sư tử, múa rồng, múa hạc, múa hổ, múa cờ, múa sênh tiền...
Hà Tây là một tỉnh cũng có nhiều múa dân gian. Về điều này, tác giả Lê Ngọc Canh viết như sau:
"Mỗi địa phương có những điệu múa đua thuyền, bơi chải khác nhau. Những động tác điệu bộ trên thuyền chính là những động tác được tái hiện cách điệu thành những động tác múa chèo thuyền. Rõ nét nhất là động tác điệu bộ, hình dáng của người chủ lái, có nơi gọi là bơi thuyền, múa chèo thuyền như ở làng Phú Nhiêu (Phú Xuyên). Nhưng đặc sắc nổi trội là múa chèo tàu ở Tân Hội (Hoài Đức), múa chèo tàu nằm trong diễn xướng dân gian vùng Hoài Đức, Hà Tây.
Hà Tây còn có nhiều trò múa dân gian khác như: múa đánh Bệt ở hội làng La; múa con đĩ đánh bồng trong hội làng Triều Khúc; múa sư tử, múa rồng, múa sênh tiền, múa mồi ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt xã Sơn Đồng có trò múa mo, đây là trò múa gây được những ấn tượng mạnh mẽ.