Kinh nghiệm của Trung Quốc về nghiệp vụ phòng vệ rủi ro giá xăng dầu sẽ cho thấy được nhiều điều đáng học hỏi đối với Việt Nam. 3.1. Cơ chế quản lý giá xăng dầu của Trung Quốc
Trước năm 1992, Trung Quốc vẫn tự cân đối được dầu mỏ. Từ năm 1993 Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu ròng các sản phẩm dầu đã qua tinh chế và từ năm 1996 trở thành quốc gia nhập khẩu ròng về dầu thô do Trung Quốc có sự tăng trưởng kinh tế nhanh đột biến. Phát triển kinh tế đi kèm với việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong vòng 26 năm qua đã làm Trung Quốc trở thành nước khát dầu. Trong năm 1990, tiêu thụ dầu thô nội địa ước tính chiếm khoảng 3,5% của tiêu dùng toàn thế giới. Nhưng đến năm 2003 sự tiêu thụ này đã tăng hơn gấp đôi chiếm 7,7% làm cho Trung Quốc trở thành nước lớn thứ hai về tiêu thụ dầu, mặc dầu nó vẫn còn cách khá xa so với Mỹ, nước mà chiếm 25,7% sản lượng tiêu thụ dầu mỏ trên toàn thế giới.
Chính vì vậy đến năm 2003, Trung Quốc đã phải nhập khẩu trung bình 1,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và việc nhập khẩu dầu chiếm 30% tiêu dùng nội địa. Năm 2004 Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 40,5% tổng lượng dầu tiêu thụ trong cả nước. Nhập khẩu dầu của Trung quốc đang tăng lên mức quá cao. Theo Trung tâm nghiên cứu phát triển của Hội đồng Quốc gia nhu cầu về dầu thô sẽ đạt tới 318 triệu thùng cho cả năm 2005, trong đó 135 triệu thùng hay 42,5% là được nhập khẩu.
Vào tháng 6 năm 1998 Chính Phủ đã loại bỏ chính sách ấn định giá dầu mỏ trong nhiều thập kỷ và bắt đầu cho phép linh hoạt giá bán lẻ xăng, dầu ở mức nhất định. Bắc Kinh thiết lập "giá định hướng của Nhà nước", cụ thể: giá bán lẻ được phép thả nổi trong khoảng + 5% so với giá định hướng của Nhà Nước. Hai năm sau tức là vào năm 2000, Chính phủ bắt đầu liên kết việc định giá với thị trường quốc tế, sử dụng giá dầu trên thị trường Singapore như là một tham chiếu trong việc thiết lập "giá định hướng" đối với thị trường nội địa. Nguyên tắc là khi giá cả tại Singapore dao động vượt khoảng +8% so với “giá định hướng” thì Trung Quốc sẽ điều chỉnh giá định hướng. (xem phụ lục 3)
Sau đó, vào tháng 11 năm 2001, Trung Quốc bắt đầu quan sát không phải với một thị trường Singapore mà là 3 thị trường nước ngoài là Singapore - Rotterdam - New York, và sử dụng giá bình quân gia quyền của ba thị trường này như một giá tham chiếu cho việc định giá nội địa. Đến năm 2006 giá bán lẻ xăng dầu được quyền tính giá thay vì biên độ +5% lên biên độ +8% so với giá giá định hướng quy định.
Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) đang sớm xem xét phá bỏ việc neo giá sản phẩm dầu bán tại Trung quốc với giá ở các thị trường Singapore, Rotterdam và New York. Thay vào đó, sẽ xem xét những ảnh hưởng của giá dầu thô Brent, Dubai và Minas là những nơi mà phản ánh giá thích hợp hơn trên thị trường toàn cầu tới giá sản phẩm dầu trong nước.
3.2. Các chính sách khác đối với ngành xăng dầu
Quyền kinh doanh xuất - nhập khẩu: Cho đến nay chỉ có một số ít các công ty nhà nước được cấp giấy phép xuất khẩu và nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu, cụ thể gồm Unipec (do SINOPEC - Tổng công ty trách nhiệm hữu hạn Xăng dầu và hoá chất Trung Quốc sở hữu 70%) và China Oil (do PetroChina sở hữu 70%) và SINOCHEM - Tổng công ty Xuất khẩu - Nhập khẩu Công nghiệp Hoá chất Trung Quốc.
Quyền phân phối: Các công ty bán buôn xăng và dầu diesel phải có sở hữu một phần của SINOPEC hoặc PetroChina hoặc do các công ty này cùng điều hành. Phân phối bán lẻ xăng và dầu diesel được mở cho các công ty trong nước tham gia. SINOPEC hoặc PetroChina chiếm 80% thị phần mạng lưới bán buôn các sản phẩm dầu khí, nhưng các công ty này có thị phần bán lẻ nhỏ hơn tỷ lệ trên. Nhận thức được tầm quan trọng của phân phối trong điều kiện những thác thức từ cạnh tranh quốc tế sắp tới sau khi gia nhập WTO, các công ty này đang có nhiều nỗ lực và có nhiều tiến bộ trong việc mua lại các trạm bán xăng hay thiết lập các trạm bán xăng mới trong những năm qua. Đến cuối năm 2000, thị phần bán lẻ kết hợp của các công ty này về xăng và dầu diesel đã tăng tới hơn 60%. Các công ty này có kế hoạch tăng thị phần lên 80% đến năm 2004.
Chính sách thuế: Thuế nhập khẩu đối với dầu thô là thấp, thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm lọc dầu là thấp hơn so với mức thuế trung bình đối với hàng công nghiệp của Trung Quốc (17%).
Các hàng rào phi thuế: Nhín chung, ngành xăng dầu của Trung Quốc vẫn được bảo hộ so với các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc. Giấy phép và hạn ngạch vẫn đang áp dụng đối với các sản phẩm lọc dầu. Hệ thống đăng ký hạn chế định lượng áp dụng đối với dầu thô. Sự tham gia của nước ngoài vào phân phối và bán lẻ bị hạn chế. Thương mại nhà nước được duy trì đối với dầu thô và các sản phẩm lọc dầu. Cấm nhập khẩu áp đụng đối với xăng và dầu diesel từ năm 1998.
3.3. Một số nét về giao dịch Fueloil trên sở giao dịch hàng hoá giao sau Thượng Hải SHFE (Shang Hai Futures Exchange)
Hiện nay, ở SHFE có nhiều loại hàng hoá thiết yếu được giao dịch như đồng đỏ (copper), nhôm, cao su tự nhiên, Fueloil, ngô, đậu nành, bông, đường...
việc những loại hàng hoá này được giao dịch một cách tập trung và có kiểm soát đã tạo ra những bước phát triển thuận lợi cho các ngành sản xuất của Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế nói chung. Hết năm 2007, SHFE có 370 công ty thành viên, đa phần là các công ty môi giới và các tập đoàn sản xuất.
(Đơn vị : 10,000 lots; 1 lot = 10 tấn)
Nguồn: số liệu tổng hợp trong báo cáo thường niên các năm của SHFE
Fueloil tuy chỉ chiếm 3,67% tổng giá trị giao dịch của SHFE (năm 2007), những xét về khối lượng được giao dịch thì là một con số không nhỏ, khoảng 240 triệu tấn. Cũng như các hàng hoá khác, Fueloil được giao dịch với kỳ hạn 3 tháng, được quy định một tiêu chuẩn chất lượng mang tầm quốc tế và rất rõ ràng, hàng hoá giao dịch tập trung tại những nơi dự trữ của SHFE, được kiểm tra và đảm bảo về chất lượng theo quy định của sở. (xem phụ lục 6)
SHFE có hẳn một chương trong điều luật quy định về điều khiển rủi ro, trong đó quy định những biện pháp giám sát nhằm phát hiện, phòng ngừa các hoạt động đầu cơ. Các thành viên khi tham gia giao dịch đều phải có một tài khoản bảo chứng (margin account) quản lý và đảm bảo sự tham gia của các thành viên giao dịch, quy định về mức độ tham gia, cùng một khách hàng mà nắm giữ những vị thế khác nhau ở các tài khoản khác nhau tại các công ty mô giới thành viên khác nhau sẽ bị tính toán để gộp chung lại.
Kinh nghiệm rút ra cho thấy, do có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và quy mô tương đối lớn, nên Trung Quốc cũng có một thị trường tự do phát triển cao. Xu hướng kiểm soát giá vừa hỗ trợ và kiểm soát sức mạnh thị trường của nhà cung cấp độc quyền. Cơ chế đặt giá xăng dầu theo hai lớp định hướng (giá bán lẻ trong nước theo giá định hướng Nhà nước, giá định hướng Nhà nước lại đặt theo giá của một vài thị trường lớn ở nước ngoài) rất phù hợp để học tập đối với tình hình trước mắt của Việt Nam. Đặc biệt, mô hình hoạt động của sở giao dịch hàng hoá giao sau Thượng Hải cũng là một tiền đề để dõi theo, nghiên cứu và học hỏi nước bạn, tiến tới việc thành lập thị trường hàng hoá giao sau tập trung tại Việt Nam.
Kết luận chương I
Giá xăng dầu diễn biến bất thường trên thế giới sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, đó là rủi ro thường xuyên xảy ra và khó tránh khỏi, và vai trò chiến lược quan trọng của việc bảo hiểm giá, phòng vệ rủi ro là không thể phủ nhận.
Việc sử dụng các công cụ phái sinh vào phòng vệ rủi ro giá xăng dầu sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giảm thiểu rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, thực hiện được những nghiệp vụ này hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, khả năng điều hành của Nhà nước và mức độ phát triển của nền kinh tế vĩ mô trên nhiều lĩnh vực. Kinh nghiệm về nghiệp vụ phòng vệ rủi ro của Trung Quốc sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam về việc kiểm soát giá xăng dầu, phát triển nghiệp vụ phòng vệ rủi ro.