CHƯƠNG III: ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ RỦI RO GIÁ
1. Nhóm giải pháp vĩ mô
1.1. Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu của Nhà nước
Nhà nước nên đặt hệ thống cung ứng xăng dầu là một bộ phận trong tổ hợp năng lượng của đất nước để xây dựng cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu theo đúng tính chất của tổ hợp năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng chất lượng cho các nhu cầu của nền kinh tế.
Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng xăng dầu phải hợp lý, khoa học, có hiệu quả và đồng bộ; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần phải đổi mới “cả gói”, nghĩa là đổi mới đồng bộ về: quyền nhập khẩu, chỉ tiêu nhập khẩu, giá cả, thuế, quyền phân phối và tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
1.2. Hoàn thiện khung pháp lý cho các nghiệp vụ phòng vệ rủi ro giá xăng dầu Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường phái sinh, tiền đề cho việc áp dụng nghiệp vụ phòng vệ rủi ro giá xăng dầu. Thị trường phái sinh là một thể chế bậc cao của thị trường tài chính, được chi phối bởi các quy luật phức tạp. Do đó, thị trường phái sinh cần được vận hành trong một khuôn khổ pháp luật thống nhất, hoàn chỉnh và đồng bộ. Nếu không có sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật đồng bộ và chặt chẽ thì việc tổ chức thị trường cũng như tiến hành sử dụng các công cụ phái sinh không thể thuận lợi. Các chủ thể chỉ hào hứng tham gia nghiệp vụ phòng vệ rủi ro khi họ nhận thấy quyền lợi và trách nhiệm của họ được đảm bảo. Cho đến nay, trong Luật chứng khoán năm 2006 và nghị định 14/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành là những văn bản pháp lý cao nhất quy định về các sản phẩm phái sinh trên TTCK nhưng chưa nêu cụ thể về các sản phẩm nào, còn hiện tại chưa có một văn bản nào của Nhà nước quy định cụ thể việc sử dụng các công cụ phái sinh, các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu. Do đó khi chỉnh sửa và hoàn thiện khung pháp lý cần phải quy định cụ thể về khái niệm, tính chất, phân loại, chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ của
những người sở hữu các hợp đồng giao dịch công cụ phái sinh. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong thời gian trước mắt, Nhà nước và liên bộ Tài chính - Công thương cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành một văn bản pháp luật độc lập về cách thức thực hiện, biện pháp để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm phái sinh, quy định về hoạch toán kế toán đối với các giao dịch và phí phải trả cho việc sử dụng sản phẩm phái sinh…làm cơ sở cho hoạt động cấp phép, giám sát rủi ro và kiểm tra, thanh tra của liên bộ Tài chính – Công thương đối với hoạt động phòng vệ rủi ro của doanh nghiệp. Trong tương lai, Nhà nước phải xem xét ban hành Luật giao dịch công cụ tài chính phái sinh điều chỉnh thống nhất về nghiệp vụ phòng vệ rủi ro giá xăng dầu theo như thông lệ của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
1.3. Lập quỹ bình ổn giá
Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã sử dụng quỹ bình ổn như Venezuela, Nga, Kazakhstan, Norway... giải pháp này đã mang lại cho họ nhiều hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế.
Những điều kiện của việc tổ chức hình thành và quản lý quỹ bình ổn giá:
Chiến lược hoạt động của quỹ là bình ổn giá xăng dầu trong nước, về dài hạn quỹ có thêm cả chức năng tiết kiệm (khi có các nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động thì Việt Nam sẽ dự trữ được nhiều xăng dầu hơn) và chức năng đầu tư, đầu tư tài sản của quỹ vào các tài sản tài chính khác nhau, tạo ra hiệu suất sử dụng cho lượng vốn trong quỹ.
Điều cấp thiết của việc quản trị quỹ là phải thành lập một bộ máy tổ chức quản lý có cấu trúc và tính chuyên biệt hoá với những mức độ độc lập khác nhau từ phía Chính phủ để giảm bớt sự hành chính và cưỡng chế trong việc điều hành vì điều này sẽ hạn chế sự vận hành quỹ không đúng những mục đích đặt ra, những quyết định của Nhà nước đôi khi sẽ mâu thuẫn với chiến lược hoạt động của quỹ. Nhà nước phải coi việc quản lý quỹ bình ổn là một chính sách thuộc chính sách tài chính hoặc chính sách tài khoá của Nhà nước. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu kiến nghị tổ chức quản lý phải là đơn vị riêng biệt có tính đầu tư
được thành lập trực thuộc bộ Tài chính hoặc Ngân hàng trung ương, trong dài hạn quỹ có thể có thêm cả chức năng đầu tư, có thể đầu tư vào các tài sản tài chính như kinh nghiệm ở nhiều nước, nhằm tăng cường lượng vốn của quỹ và tránh tình trạng số tiền trong quỹ bị “nằm im”. Thời điểm hiện tại, Chính phủ nên cho doanh nghiệp tạm vay lượng quỹ ban đầu, đó là hướng tốt để khuyến khích doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ thực thi phương án này có hiệu quả.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị thành lập Uỷ ban phòng vệ rủi ro giá xăng dầu, uỷ ban hoạch định các chính sách và có trách nhiệm giải trình kết quả hoạt động với cơ quan cấp trên (bộ Tài chính hoặc Ngân hàng trung ương), uỷ ban này sẽ được một cơ quan khác của Chính phủ giám sát (có thể là Kiểm toán nhà nước).
Cơ chế hoạt động và tác dụng của quỹ bình ổn giá:
Để quỹ bình ổn có thể hoạt động vững chắc và ổn định, nhóm nghiên cứu kiến nghị 3 hướng giải pháp nhằm huy động lượng vốn hoạt động cho quỹ. Có thể tiến hành 1 trong 3 hướng giải pháp này hoặc kết hợp các hướng với nhau.
Thứ nhất, trích lợi nhuận của các doanh nghiệp có được khi giá dầu thế giới giảm để cho vào quỹ và sẽ bù ra khi các doanh nghiệp lỗ.
Thứ hai, sử dụng số tiền có được từ xuất khẩu dầu thô để hỗ trợ cho quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Thứ ba, bộ Tài chính thực hiện việc điều tiết thuế nhập khẩu xăng dầu bám sát với diễn biến của giá dầu thế giới. Tăng thuế khi giá dầu thế giới giảm và dùng nguồn thu từ thuế đưa vào quỹ bình ổn, giảm thuế khi giá dầu thế giới giảm cộng với việc bù lỗ cho các doanh nghiệp từ quỹ bình ổn giá.
Quỹ được lập ra cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dưới sự quản lý của Nhà nước. Quỹ bình ổn giá sẽ được sử dụng để giảm tần suầt và biên độ điều chỉnh giá so với giá biến động thực tế của thế giới diễn ra hàng ngày, khi áp dụng theo nguyên lý này sẽ không xảy ra việc giá tích tụ trong thời gian dài rồi biến động đột biến như đã diễn ra. Áp dụng phương án này có nghĩa là khi giá thế giới thay đổi, người tiêu dùng sẽ chưa mua được xăng dầu theo giá thực tế
lúc đó, vì đã có van điều tiết quỹ, nhưng quan trọng là người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng đúng mức giá bình quân của thế giới tính trên chu kỳ 1 năm.
1.4. Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tự quyết định giá bán xăng dầu theo giá định hướng dựa vào giá của thị trường nước ngoài.
So với quy chế cũ, giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu sẽ do Liên bộ Tài chính - Công Thương tự xây dựng và công bố. Trên cơ sở này, doanh nghiệp được đề xuất giá bán mới khi thị trường biến động, không vượt quá 10% đối với mặt hàng xăng và 5% đối với dầu. Còn theo quy chế mới này, giá bán định hướng sẽ do doanh nghiệp tự xây dựng và ban hành trên cơ sở giá cả các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu và đăng ký liên bộ Tài chính – Công thương để áp dụng cho cả năm. Liên bộ sẽ xem xét và cũng định hướng theo giá của một số thị trường nước ngoài để định hướng lại cho doanh nghiệp. Trong trường hợp giá nhập khẩu vượt quá giá định hướng, doanh nghiệp mới được đề xuất phương án tăng giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng trong nước. Ngược lại khi dầu thế giới giảm so với giá định hướng trên, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ trong nước cho người tiêu dùng.
Áp dụng theo kinh nghiệm của Trung Quốc, chính sách giá định hướng do Nhà nước công bố ổn định trong 1 năm, thay cho cơ chế giá tối đa đối với mazut, dầu diesel và dầu hoả hiện nay đang áp dụng là rất cần thiết nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, bảo đảm ổn định giá cả, góp phần ổn định kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định.
Giá định hướng của Nhà nước nên định hướng theo giá trên một vài thị trường giao dịch lớn như Singapore, New York…Chính sách giá định hướng sẽ giúp từng bước xoá bỏ dần việc phải bù lỗ nhiều tỷ đồng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thực hiện theo chủ trương xây dựng cơ chế thị trường hoàn toàn đầy đủ của Nhà nước.
1.5. Tăng dần khối lượng xăng dầu dự trữ quốc gia, quy hoạch phát triển hệ thống kho dự trữ quốc giá hợp lý và khoa học; nghiên cứu dự trữ quốc gia về xăng dầu bằng ngoại tệ với một tỷ lệ nhất định
Cùng với quá trình phát triển nền kinh tế quốc dân, hoạt động dự trữ quốc gia cũng sẽ được tăng cường và phát triển; quy hoạch tổng thể cả về lực lượng dự trữ cùng các điều kiện vật chất kèm theo, đảm bảo cho quá trình này thực sự tương xứng với ý nghĩa chiến lược của nó.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, cần phải xây dựng lộ trình thời gian cho phù hợp với khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng và vốn ngoại tệ đảm bảo dự trữ quốc gia. Các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và giao định mức hợp lý để quản lý nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia (định mức hao hụt, chi phí bảo quản xăng dầu…).
Ngoài việc dự trữ quốc gia bằng hàng hoá cần phải dự trữ bằng ngoại tệ để giảm bớt sức ép về đầu tư kho chứa, chi phí bảo quản: có như vậy mới chủ động đối phó được khi có diễn biến phức tạp. Nghiên cứu cơ chế chính sách về dự trữ quốc gia phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt lưu ý thời điểm năm 2009, khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ cho phép sau 7 năm thực hiện, các thương nhân Mỹ được quyền tham gia nhập khẩu xăng dầu vào thị trường Việt Nam.
1.6. Phát triển đồng bộ các nhóm giải pháp, hướng tới thành lập thị trường giao sau các sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam
Sau khi phân tích những nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng mô hình thị trường hàng hoá giao sau ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất dự kiến các bước đi để hình thành thị trường hàng hoá Giao sau của Việt Nam.
Giai đoạn 1: Là giai đoạn chuẩn bị các cơ sở khoa học và thực tiễn cần thiết để hình thành mô hình có qui mô hợp lý, có cơ sở khoa học và thực tiễn, tiến tới triển khai xây dựng thị trường hàng hoá giao sau của Việt Nam. Soạn thảo được các tài liệu, ấn phẩm để nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội, đào tạo được một đội ngũ bao gồm các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và các đối tượng khác. Hình thành được một khuôn khổ pháp lý để hướng dẫn các hoạt động của thị trường hàng hoá giao sau ở Việt Nam.
Giai đoạn 2: Theo mô hình đã có của giai đoạn 1 tiến hành xây dựng, vận hành thử và tiếp tục hoàn thiện các trung tâm giao dịch, chuẩn bị các điều kiện để chuyển trung tâm giao dịch thành Sở giao dịch hàng hoá giao sau của Việt Nam (Sở giao dịch hoàn chỉnh) với các sàn giao dịch tương đối hiện đại, một đội ngũ các nhà quản lý, các nhà chuyên môn đủ trình độ có thể tham gia giao dịch bằng điện tử với các trung tâm giao dịch khác của khu vực và thế giới.
Giai đoạn 3: Tiếp tục nâng cao và hoàn thiện về mọi mặt:
+ Nâng cao hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị giao dịch.
+ Tiếp tục mở rộng các chủng loại hàng hoá và thành phần cho các thương nhân nước ngoài tham gia giao dịch.
+ Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển các Sở giao dịch từ sở hữu Nhà nước thành các Sở giao dịch cổ phần.
Như vậy kết thúc giai đoạn này là Việt Nam đã có một thị trường hàng hoá giao sau với 2 - 3 Sở giao dịch đủ tầm hoạt động cho các thương nhân của Việt Nam, khu vực và quốc tế. Đồng thời Nhà nước cũng xóa bỏ nghĩa vụ bao cấp của mình đối với một số Sở giao dịch.
Tóm lại, thị trường hàng hoá giao sau đã được nhiều nước trên thế giới triển khai xây dựng từ lâu và đã thể hiện được vai trò to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thị trường hàng hoá giao sau là một tầng phát triển bậc cao của sự trao đổi hàng hoá tập trung, phương tiện làm cho sản xuất gắn với thị trường, thực hiện xã hội hóa rủi ro trong sản xuất và kinh doanh, tức là san sẻ bớt rủi ro từ các nhà sản xuất trực tiếp sang các nhà kinh doanh chuyên nghiệp, đồng thời là một công cụ để dự báo thị trường. Ở Việt Nam cho đến nay khái niệm về thị trường hàng hoá giao sau còn là mới mẻ, mặc dù thị trường này là một công cụ thích hợp và rất quan trọng phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.