CÁC KỸ NĂNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CHA MẸ VÀ TRẺ EM

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU TẬP HUẤN CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM DÀNH CHO CÁN BỘ GIÁO DỤC (Trang 111 - 116)

Phần V CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC CHO TRẺ EM

VII. CÁC KỸ NĂNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CHA MẸ VÀ TRẺ EM

Để dạy con ngoan, trước tiên cha mẹ cần có phương pháp giáo dục đúng cách.

Giữ bình tĩnh, biết lắng nghe, đưa ra yêu cầu dễ hiểu… là những gợi ý khi giáo dục con. Luôn lắng nghe. Nhiều cha mẹ bỏ qua kỹ năng lắng nghe, vì thế, họ dễ nổi giận khi trẻ mắc lỗi. Hậu quả là trẻ thường không nghe lời, trong khi phụ huynh luôn bị căng thẳng.

- Giữ bình tĩnh

Luôn cần kiên trì, nhẫn nại để dạy trẻ quy tắc mới. Hạn chế la hét, dùng hình phạt hợp lý để có những định hướng tốt cho trẻ.

- Động viên ngay khi trẻ làm đúng

Không nên coi hành vi tốt ở trẻ là lẽ đương nhiên. Cần quan sát thường xuyên và ngay khi trẻ biết lắng nghe, có thái độ lịch thiệp, biết giúp đỡ người khác… Hãy khen ngợi con, các trẻ sẽ có phản ứng tốt hơn khi được cha mẹ dạy phân biệt giữa hành vi tốt - hành vi xấu.

- Lời nói cụ thể

Cần nói cho trẻ biết hành vi nào chúng ta mong chờ ở con, hành vi nào thì không; chẳng hạn: “Con nhặt miếng xếp hình lên và đặt nó vào hộp nhựa” thay vì nói: “Con nhặt nó lên”.

- Nói trực tiếp

Những yêu cầu trực tiếp bao giờ cũng khiến trẻ dễ tiếp thu. Tránh đưa ra đề nghị dạng câu hỏi, nhất là khi nó không đi kèm với sự lựa chọn; ví dụ, tránh nói:

“Con nhặt đồ chơi lên được không?” (trẻ có thể trả lời: “Không”) trong khi ý của bạn là: “Con hãy nhặt đồ chơi lên”.

- Tránh nhiều yêu cầu một lúc

Không ít cha mẹ thắc mắc: “Tại sao tôi luôn phải nhắc đi nhắc lại yêu cầu cho con?”. Câu trả lời có thể là: “Tại phụ huynh luôn la hét, đưa ra quá nhiều yêu cầu trong một lần”. Do đó, nếu phải đề nghị trẻ làm việc gì, hãy nói cụ thể từng phần việc một. Điều quan trọng là trẻ phải hiểu những gì bạn nói. Khi nói, cũng cần tập trung vào trẻ, có thể đặt điện thoại xuống, tạm ngưng công việc bạn đang làm và đưa yêu cầu nghiêm túc với con.

- Tránh giao tiếp với khoảng cách xa

Nếu bạn thích hét lên khi thấy trẻ chạy ngang qua phòng, rồi kết luận trẻ hư, không chịu nghe lời thì lỗi phần nhiều là ở bạn. Trẻ có thể nghe thấy tiếng của bạn nhưng lại không hiểu bạn muốn gì. Cách tốt nhất để trẻ nghe lời là đứng trước mặt trẻ, nhìn trực diện và đặt yêu cầu. Nếu cần, hãy để trẻ nhắc lại lời mà cha mẹ vừa nói.

- Phản ứng ngay với hành vi của trẻ

Hãy phê bình ngay khi trẻ có hành vi chưa ngoan, cổ vũ khi trẻ có hành vi tiến bộ. Bởi vì, trí nhớ của trẻ chưa được tốt nên nếu để lâu mới can thiệp thì hiệu quả càng thấp. Có khi, trẻ còn không biết cha mẹ đang nói về chuyện gì. Phản ứng ngay lập tức giúp trẻ hiểu lời nói của cha mẹ và nhanh tiến bộ.

- Làm gương thay vì chỉ nói suông

Làm gương là cách dạy trẻ hiệu quả nhất. Cần nhắc bản thân luôn cố gắng gương mẫu để trẻ học theo, cả trong lời nói và hành động.

- Cùng trợ giúp trẻ

Những yêu cầu đơn giản mà cha mẹ dành cho trẻ luôn hiệu quả nhanh khi chúng ta giúp đỡ trẻ. Thử cùng trẻ dọn đồ chơi, mặc quần áo, đánh răng… Nhưng giúp đỡ không có nghĩa là làm hộ phần việc cho trẻ.

- Cách ly trẻ tạm thời

Nếu trẻ liên tục chống đối, chúng ta có thể đặt trẻ ở một nơi an toàn trong nhà.

Khi tâm lý trẻ ổn định hơn thì các can thiệp sẽ hiệu quả hơn.

2. Kỹ năng sống cho trẻ em 2.1. Kỹ năng tự nhận thức:

Tự nhận thức là một kỹ năng rất cơ bản của con người, là nền tảng để chúng ta giao tiếp, ứng xử phù hợp và hiệu quả với người khác, trước hết là những người thân yêu trong gia đình, trong lớp học và trong xã hội. Tự nhận thức cho

chúng ta khả năng sống nhân ái, đúng mực với mọi người. Ngoài ra, tự nhận thức còn giúp chúng ta hiểu đúng về mình, từ đó có những quyết định, lựa chọn đúng đắn, phù hợp với khả năng của bản thân, với điều kiện hoàn cảnh thực tế và với yêu cầu của xã hội. Ngược lại, đánh giá sai về bản thân có thể dẫn con người đến những hạn chế hoặc những ảo tưởng về năng lực, sở trưởng và họ có thể thất bại trong giao tiếp với người khác và trong cuộc sống.

Tự nhận thức hình thành thông qua quá trình giáo dục, sự chỉ bảo, hướng dẫn của người lớn. Tự nhận thức được hình thành qua các trải nghiệm thực tế, đặc biệt qua sự giao tiếp với người khác.

Quá trình tự nhận thức bản thân được thực hiện qua ba bước:

- Tự lắng nghe: Đây là quá trình cá nhân suy ngẫm, tự sự với chính mình, đưa ra những nhận định về ưu điểm, nhược điểm, sở thích, nhu cầu,nguyện vọng, mong muốn, cảm xúc yêu, ghét... của chính mình. Một người biết nhìn nhận chính xác về mình sẽ sống trung thực, khiêm tốn, cởi mở với người khác. Đây là công việc cá nhân cần thực hiện thường xuyên và cần dành thời gian cho nó.

Lắng nghe người khác một cách tích cực và có chọn lọc. Người lắng nghe tốt là người luôn có thái độ tôn trọng, thái độ cầu tiến, chấp nhận sự phản hồi của người khác là một công việc bình thường, thể hiện sự sẵn sàng học hỏi người khác, điều này giúp cá nhân có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

- Tự bộc lộ bản thân: Là sự cởi mở với người khác thông qua quá trình tương tác hai chiều trong giao tiếp. Điều này sẽ giúp người khác hiểu rõ về mình hơn, đồng thời người khác cũng chỉ ra cho mình những khía cạnh tích cực, cũng như hạn chế mà mình chưa nhìn thấy, làm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau trong giao tiếp.

Trong một số trường hợp cá nhân còn tự ti, nhút nhát, gặp khó khăn trong bộc lộ bản thân mình... có thể tìm cơ hội bộc lộ với người thân yêu, gần gũi , họ sẽ là chỗ dựa tinh thần, đồng thời cũng là người quảng bá thêm cho mình, điều tốt được lan truyền rộng rãi hơn, nhiều người sẽ biết đến mình. Nếu bạn làm thử một lần thành công, lần sau bạn sẽ tự tin hơn và việc thực hiện thêm lần thứ hai, thứ ba... sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Nói ra những niềm vui, những điều tích cực thường dễ, còn nói ra những điểm yếu, bực tức, nỗi buồn thường khó hơn nhiều, thậm chí còn gây đau đớn. Do vậy, chúng ta rất cần sự cảm thông, chia sẻ, tôn trọng. Thực sự ai đó dám nói ra những khiếm khuyết của bản thân, dám nhìn vào sự thật là những người phi thường, những người như vậy sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Đối với trẻ bị bạo hành và sao nhãng: Việc tự nhận thức bản thân giúp các em xóa bỏ mặc cảm tự ti, các em cũng có những điểm mạnh riêng chứ không phải là đồ bỏ đi, hay vô dụng như những gì người gây ra bạo hành luôn nói như vậy để nhằm tạo ra lý do bạo hành với các em.

Câu chuyện “ Chiếc bình nứt”

Anh nông dân có hai chiếc bình để khuân nước, trong đó có một chiếc bình bị nứt, vì vậy khi khuân nước từ giếng về, nước trong bình chỉ còn một nửa. Chiếc bình nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình còn chiếc bình nứt luôn cắn rứt và cảm thấy có lỗi với anh nông dân về khuyết điểm của mình. Một ngày chiếc bình nứt nói với ông chủ: “Tôi thực sự xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông”. Người nông dân trả lời: “Ngươi không thấy chỉ có hoa mọc bên đường đi phía của ngươi sao? Đó là vì ta vẫn luôn biết khuyết điểm của ngươi nên ta đã gieo hạt hoa dọc đường bên phía của ngươi và mỗi ngày trên đường mình đi về ngươi đã tưới nước cho hoa. Hai năm nay ta vẫn luôn hái được những

bông hoa đẹp để chưng trên bàn. Nếu ngươi không phải như thế này thì trong nhà đâu có được trang hoàng đẹp đẽ như vậy?

Kết luận: Ai cũng có hạn chế nhất định, không ai hoàn thiện cả. Không nên so sánh mình với người khác vì mỗi người có những đặc điểm riêng. Chúng ta cần biết điểm yếu của mình để tìm cách khắc phục.

“Ai cũng muốn đẹp nhưng hình thức không do mình quyết định”

“ Thực ra mình không tệ lắm đâu, mình cố gắng sẽ thay đổi được”

2.2. Kỹ năng kiên định (Kỹ năng bảo vệ mình/ Kỹ năng nói Không)

Kỹ năng kiên định là khả năng con người nhận thức được những gì mình muốn hoặc mình không muốn và lý do dẫn đến những điều đó. Kiên định còn là khả năng tiến hành các bước cần thiết để đạt được những gì mình muốn trong những hoàn cảnh cụ thể, có sự xem xét một cách dung hòa giữa quyền, nhu cầu của mình với quyền và nhu cầu của người khác. Đối với trẻ em nói chung và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng thì trong nhiều trường hợp, các em hay bị dụ dỗ và ép buộc những công việc xấu hoặc những hành vi xâm hại tới các em. Có được kỹ năng kiên định sẽ giúp các em tự tin hơn, kiên quyết hơn và biết cách nói “Không” để tránh khỏi những tình huống xấu xảy ra với các em.

Vì sao phải kiên định?

Nguyên nhân Kết quả

-Lòng tự trọng

-Biết tôn trọng người khác

-Biết cân nhắc hài hòa quyền và lợi ích của mình và quyền lợi người khác

-Trung thực, biết điều

-Hiểu biết về mình, hiểu biết đúng về người khác

-Tự tin

-Có kinh nghiệm sống thực tiễn

- Tự bảo vệ bản thân

- Đánh giá đúng giá trị của mình và người khác

- Chống lại được những áp lực, sự lôi kéo tiêu cực từ phía môi trường

- Kiểm soát được cơn giận dữ

- Tạo mối quan hệ hài hòa, cởi mở với mọi người.

Như vậy, trước các tình huống khác nhau của cuộc sống, trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại và trẻ dễ bị lôi kéo cám dỗ như trẻ lang thang hay có nguy cơ sử dụng ma túy thì cần có tính kiên định để bảo vệ được bản thân. Biết giải quyết vấn đề của mình và biết cách thương lượng với người khác có hiệu quả.

Đứng trước tình huống, vấn đề gặp phải trong cuộc sống, cá nhân cần:

+ Mô tả được tình huống gặp phải: Cần xem xét xem cụ thể điều gì đang diễn ra Ví dụ như A có hành vi chèo kéo, dụ dỗ em X xem phim đồi trụy

+ Xuất hiện cảm xúc, làm rõ cảm xúc đang có trong mình. Cảm xúc ngại từ chối, sợ hãi, lo lắng...

+ Suy nghĩ, phê phán, phân tích tác hại: Đây là quá trình cá nhân phải tư duy, động não, suy nghĩ tích cực. Cần phải hiểu việc xem phim như vậy sẽ mang lại nhiều hậu quả không lường trước được. Kẻ dụ dỗ có thể đưa ra các phần thưởng tuy nhiên điều đó sẽ không thể so sánh với những hậu quả các em có thể gặp phải

+ Khẳng định ý muốn của bản thân: Ví dụ “ Em không muốn làm điều đó” (nhắc đi, nhắc lại nhiều lần một cách kiên quyết)

+ Hành động cần làm hoặc cần nói. Ví dụ “Hãy thôi đi”; “Bố mẹ em sắp về rồi đó”,

“Em không thích điều này” “ Em sẽ đi mách với bố mẹ em”...

Kết luận: Trong nhiều trường hợp nhận thấy những nguy cơ, rủi ro, cám dỗ hoặc sức ép, chúng ta cần kiên quyết nói “không” bằng những cách thuyết phục, thương lượng...

2.3. Kỹ năng xác định giá trị:

Kỹ năng xác định giá trị là khả năng con người có thể xác định những đức tính, niềm tin, thái độ, chính kiến nào của mình là quan trọng, là đúng đắn và sẽ thúc đẩy ta hành động theo đúng phương hướng đó. Giá trị của trẻ chịu ảnh hưởng từ nhận thức, cảm xúc, những trải nghiệm thực tế. Giá trị ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi, nó sẽ quyết định ta sẽ làm như thế nào, ta sẽ đối xử ra sao với người khác và với bản thân mình. Những giá trị tích cực sẽ là nền tảng cho những hành vi tích cực và lối sống lành mạnh trong gia đình, cộng đồng, xã hội. Với trẻ bị bạo hành và sao nhãng thì trong nhiều trường hợp các em tỏ ra trầm cảm, luôn nghĩ mình là vô dụng và không còn giá trị gì nữa. Điều này sẽ tạo ra nhiều hậu quả xấu cho sự phát triển của trẻ. Ngược lại nếu giúp trẻ có được sự tự tin và xác định được giá trị sẽ giúp trẻ năng động và tích cực hơn trong các hoạt động giải quyết vấn đề. Vậy khi làm việc với trẻ, cần giúp trẻ xác định được những giá trị tích cực để các em hướng tới.

Có một số giá trị tích cực như:

- Tình bạn tốt - Tính độc lập - Sự yêu thương - Tôn trọng - Hạnh phúc - Hợp tác - Hòa bình...

Mỗi con người là độc đáo, duy nhất, không lặp lại ở người khác. Do vậy, đừng cố ép người khác phải suy nghĩ giống mình, làm giống mình. Và nếu họ có làm khác, nghĩ khác thì đây cũng là điều bình thường và cần có suy nghĩ tích cực vì họ đã làm thêm sự đa dạng, phong phú của cuộc sống. Như vậy, mỗi người cần hiểu, tôn trọng những giá trị riêng của người khác, đồng thời có quyền tự hào về những giá trị của mình. Đây là điểm quan trọng nhất khi làm việc với trẻ em bị bạo hành và sao nhãng, các em có quyền tự hào về giá trị của các em, xác định các em có thể có cơ hội và có quyền được là chính mình với tất cả các giá trị của mình có.

Điều nào sau đây quan trọng hơn cả đối với em. Hãy khoanh tròn chữ số đứng trước những điều đó.

1.Cha mẹ hài lòng về mình;

2.Có anh/ chị/ em hợp nhau

3.Có ngoại hình đẹp 4.Làm việc tốt

5.Trở thành người nổi tiếng

6.Giúp đỡ bạn bè 7.Được bạn bè yêu quý 8.Trang phục hợp thời trang

9.Có sức khỏe tốt 10. Có nhà cửa đàng hoàng

11. Có tâm hồn trong sáng

12. Học giỏi để kiếm được nhiều tiền

13. Có vị trí quan trọng trong xã hội

14.Trở thành người giàu có

15.Học đại học để có điều kiện thăng tiến về sự nghiệp

16. Được nhiều người yêu quý, tin cậy

17. Có danh dự 18. Ít ốm đau

19.Có chiều cao và cân nặng như ý

Mục tiêu: Nhằm giúp cá nhân suy ngẫm điều giá trị đối với bản thân - Giá trị về mối quan hệ gồm: 1-2-6-7

- Giá trị về hình thức gồm: 3- 8-19 - Giá trị về sức khỏe: 9-18

- Giá trị về tiền, vật chất: 10-12-14 - Giá trị về sự phát triển: 5-13-15 - Giá trị về danh dự, đạo đức: 4-11-17

Kết luận: Khi các em lựa chọn những điều nào đó chứng tỏ những lĩnh vực đó quan trọng đối với các em. Đó là giá trị mà cần phấn đấu, hướng tới trong cuộc đời. Trong nhiều trường hợp đó cũng là gợi ý cho nhân viên CTXH biết được đây là những vấn đề hoặc nhu cầu mà các em đang gặp phải. Từ đó nhân viên CTXH sẽ có những kế hoạch can thiệp phù hợp.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU TẬP HUẤN CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM DÀNH CHO CÁN BỘ GIÁO DỤC (Trang 111 - 116)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w