KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
3.5. Hoạt động của các tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội ở khu vực ASEAN về bảo vệ người lao động di trú
Các tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội ở nhiều nước
ASEAN đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ người lao động di trú ở khu vực, thể hiện ở hai hoạt động chính, đó là tư vấn, vận động các chính phủ và tư vấn, hỗ trợ người lao động di trú ở các nước gốc và nước tiếp nhận.
Về mảng hoạt động thứ nhất, có thể coi việc thông qua Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú về cơ bản là kết quả của các hoạt động tư vấn và vận động do các tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội dân sự tiến hành với các chính phủ trong khu vực. Nói cách khác, chính những khuyến nghị của các tổ chức tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội dân sự ở khu vực trong thời gian qua đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy một tiến trình hành động chung của ASEAN về vấn đề người lao động di trú.
Phần lớn hoạt động tư vấn, vận động các chính phủ của các tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội dân sự được tiến hành trong thời gian qua thông qua các hội thảo và hội thảo tư vấn khu vực và quốc gia. Dưới đây là các hội thảo quan trọng về bảo vệ người lao động di trú đã được tổ chức ở các nước ASEAN tính đến thời điểm hiện nay:
- 4/2006: Hội thảo tư vấn của công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự của các nước ASEAN ở Singapore.
- 6/2006: Hội thảo về quyền của người lao động di trú ở Kuala Lumper (Malaysia).
- 4/2007: Hội thảo tư vấn của công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự của các nước ASEAN ở Kuala Lumper (Malaysia).
- 5/2007 : Hội thảo tư vấn của các tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự ở Inđônêsia.
- 7/2007: Hội thảo tư vấn của các tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự của các nước Thái Lan, Miến Điện và tiểu vùng sông Mê kông.
- 8/2007: Hội nghị nhóm chuyên gia về các kinh nghiệm tốt trong việc bảo vệ người lao động di trú ở khu vực ASEAN.
- 11/2007: Hội thảo tư vấn của các tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự của các nước ASEAN ở Băng cốc (Thái Lan).
- 11/2007: Hội thảo tư vấn của các tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự ở Phi-líp-pin.
- 1/2008: Hội thảo về pháp luật, cơ chế quốc gia, khu vực và quốc tế về bảo vệ người lao động di trú do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ở Hà Nội.
- 2/2008: Hội thảo tư vấn quốc gia về bảo vệ người lao động di trú do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ở Hà Nội.
- 4/2008: Hội thảo tư vấn của các tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự trong khu vực về khuôn khổ nội dung của Văn kiện Khung ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (Băng cốc, Thái Lan)
Hiện tại, Nhóm hoạt động về người lao động di trú ở ASEAN đang chuẩn bị tổ chức các hội thảo tư vấn quốc gia ở các nước ASEAN khác như Cam-pu-chia, Lào, Malaysia, Singapore và Bru-nây.
Các hội thảo kể trên được tổ chức với mục tiêu chung là tạo ra một diễn đàn cho các tổ chức công đoàn, tổ chức xã hội
dân sự và các cơ quan chính phủ trong khu vực ASEAN có thể thảo luận và cùng đưa ra những giải pháp về những vấn đề liên quan đến bảo vệ người lao động di trú, cũng như để đưa những khuyến nghị với chính phủ các nước ASEAN trong việc thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú. Ngoài ra, một số hội thảo nhằm thảo luận về việc xây dựng và thực hiện văn kiện khung của khu vực ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú cùng với những kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội nhằm cung cấp việc làm tử tế và đời sống tử tế trong tiến trình hợp nhất kinh tế khu vực.
Về mảng hoạt động thứ hai, hiện có nhiều tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội quốc gia và khu vực ở ASEAN có những hoạt động hoặc tập trung vào hoạt động tư vấn và hỗ trợ người lao động di trú. Hầu hết các tổ chức như vậy hiện tập hợp trong Nhóm hoạt động về người lao động di trú ở ASEAN. Thành viên của Nhóm hoạt động (tính đến tháng 4/2006) bao gồm:
1. Diễn đàn về người di trú ở châu Á (MFA)
2. Diễn đàn châu Á về quyền con người và phát triển (Forum Asia).
3. Trung tâm người di trú châu Á - Mạng lưới về người di trú ở tiểu vùng sông Mê kông (AMC-MMN).
4. Diễn đàn Châu Á- Thái Bình Dương về Phụ nữ, Luật và Phát triển (APWLD).
5. Nhóm Điều phối hoạt động nghiên cứu về AIDS và sự di trú ở châu Á (CARAM Asia).
6. Mạng lưới công đoàn quốc tế - Tổ chức khu vực châu Á- Thái Bình Dương (UNI-APRO).
7. Trung tâm về người lao động di trú ở ASEAN (Initiatives –Think Center).
Nhóm hoạt động có sự phối hợp/liên hệ với nhiều tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội quốc tế và khu vực, bao gồm Hội đồng công đoàn ASEAN (ATUC), Mạng lưới dịch vụ công quốc tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương (PSI APRO), Nhóm công tác về cơ chế quyền con người ASEAN và các nhóm chuyên gia tư vấn kỹ thuật về vấn đề di trú lao động, bao gồm các chuyên gia của ILO, UNIFEM, UNIAP, IOM, UNHCR, UNHCHR, SEARCH...
Một số tổ chức thuộc Nhóm hành động kể trên đã thiết lập được một mạng lưới và cơ chế rộng khắp và hiệu quả để cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ người lao động di trú ở nước tiếp nhận lao động. Có thể nêu ví dụ về UNI MLC (tổ chức thành viên của UNI-APRO ở Malaysia). UNI MLC tập hợp 40 tổ chức công đoàn với 120.000 thành viên là những người lao động làm việc trong các ngành công nghiệp ở Malaysia. Tổ chức này đã thành lập các văn phòng trợ giúp người lao động di trú nhằm cung cấp sự trợ giúp và các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người lao động di trú chống lại sự bóc lột và lạm dụng ở nơi họ làm việc. Đầu tiên UNI MLC chỉ có một văn phòng ở Kuala Lumpur nhưng hiện tại đã có các văn phòng tại 22 địa điểm ở tất cả các bang của Malaysia. Ngoài việc cung cấp thông tin và tư vấn cho người lao động di trú, các văn phòng này còn hỗ trợ người lao động di trú đòi lại những khoản lương, thù lao, bồi thường, bảo hiểm mà chủ sử dụng lao động không chịu trả.
Thêm vào đó, các văn phòng này còn có những hoạt động để làm giảm căng thẳng giữa người lao động di trú và người sử
dụng lao động bản địa, cũng như trong việc thúc đẩy các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc y tế cho người lao động di trú thông qua việc hợp tác chặt chẽ với Cơ quan quốc gia của Malaysia về Việc làm, An toàn và Y tế (NIOSH) trong các hoạt động xây dựng chính sách. Quan trọng hơn, các văn phòng này đồng thời cũng đóng vai trò như là những cầu nối hoặc cơ sở liên hệ giữa người lao động di trú với các cơ quan chính quyền, những công ty bảo hiểm, các bệnh viện, đồn cảnh sát, các nhà chức trách khác nhau. Có thể nói rằng, trong hoạt động bảo vệ người lao động di trú, những tổ chức như UNI MLC là những đối tác hợp tác quan trọng không chỉ với các tổ chức công đoàn, các tổ chức xã hội dân sự mà còn với các cơ quan chính phủ có liên quan của các nước gốc.