CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ ĐÀO TẠO NHÂN
1.6. Các nhân tố ảnh hưởng đến đào tạo nhân lực trong doanh nghiệp
Đào tạo nhân lực của một tổ chức không đứng độc lập mà còn chịu tác động bởi rất nhiều các yếu tố cả các yếu tố bên ngoài và bên trong. Nhận biết tác động của các yếu tố này tới đào tạo nhân lực của tổ chức sẽ giúp cho doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo đúng đắn hơn, bám sát mục tiêu của mình.
1.6.1. Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp 1.6.1.1. Môi trường kinh tế, chính trị
Môi trường kinh tế bao gồm các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, dân số…Khi nền kinh tế phát triển, nhiều công việc được tạo ra các doanh nghiệp có nhu cầu lao động cao hơn, các doanh nghiệp có sự cạnh tranh về thu hút nhân lực và ngược lại. Môi trường kinh tế chính trị ổn định thì người lao động thường có nhu cầu đào tạo lớn và hoạt động đào tạo cũng không bị ảnh hưởng lớn.
1.6.1.2. Môi trường pháp lý của doanh nghiệp
Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và hoạt động đào tạo nhân lực phải tuân theo các quy định của pháp luật. Vì vậy, các chính sách đào tạo cũng phải được thực hiện trong khuôn khổ các văn bản pháp luật của Nhà nước, phải đảm bảo không bị trái pháp luật.
1.6.1.3. Sự phát triển của khoa học công nghệ
Khoa học công nghệ càng hiện đại tiên tiến kéo theo trình độ của người lao động phải được nâng lên để có thể nắm vững các thao tác, quy trình của công nghệ khi thực hiện công việc. Do đó, đào tạo nhân lực trong doanh nghiệp càng trở nên bức bách hơn.
1.6.1.4. Các yếu tố văn hóa, xã hội
Các yếu tố văn hóa, xã hội của quốc gia có tác động lớn đến tâm lý, hành vi, phong cách, lối sống và sự thay đổi trong cách nhìn nhận về các giá trị của người lao động. Và như vậy, nó ảnh hưởng đến cách tư duy và các chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm phát huy cao độ những yếu tố tích cực, đồng
thời khắc phục những mặt tiêu cực trong tác phong lao động của nguồn nhân lực tại doanh nghiệp.
1.6.1.5. Mức độ cạnh tranh trong ngành
Cạnh tranh thu hút nhân lực của doanh nghiệp trong cùng ngành tác động mạnh đến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của mỗi doanh nghiệp. Nó tạo ra sự di chuyển nguồn nhân lực từ doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
1.6.1.6. Hệ thống cơ sở đào tạo
Khả năng cung ứng của các cơ sở đào tạo là rất quan trọng cho các doanh nghiệp, khả năng này cao hay thấp trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ dư thừa hay khan hiếm nguồn nhân lực trong các thời kỳ khác nhau.
Trong đó cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực và khả năng cung ứng của các cơ sở đào tạo tác động đến yếu tố cung lao động ngành, làm gia tăng áp lực cạnh tranh về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến định hướng, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của mỗi doanh nghiệp.
1.6.2. Các nhân tố bên trong doanh nghiệp 1.6.2.1. Quan điểm của nhà quản trị
Quan điểm của nhà quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc ra các quyết định về kế hoạch đào tạo nhân lực ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Mỗi một nhà quản trị có quan điểm, cách nhìn nhận với hoạt động đào tạo khác nhau. Nếu người lãnh đạo chú trọng, đánh giá cao hoạt động đào tạo thì sẽ tạo điều kiện ưu tiên cho việc thực hiện, tiến hành hoạt động này thường xuyên. Nhà quản trị cần phải có tư duy hệ thống, tổng hợp, đánh giá và nhận định được tình hình thực tế hoạt động kinh doanh, thực trạng đào tạo nhân lực tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quan tâm đến đào tạo hay không, có theo sát và nắm bắt được kịp thời nhu cầu đào tạo của nhân viên và sự biến động của thị trường hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhà quản trị, nhân viên có gắn bó với doanh nghiệp hay không một phần cũng do nhà quản trị có những đãi ngộ tốt dành cho người lao động không (lương, thưởng, chế độ, đào tạo…). Trên cơ sở đó, nhà quản trị sẽ ra những quyết định về kế
hoạch, phương pháp đào tạo sao cho phù hợp với yêu cầu công việc, nhằm đạt mục đích cuối cùng là dành được hiệu quả cao trong kinh doanh.
1.6.2.2. Mục tiêu, chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp
Mục tiêu, chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp tác động mạnh mẽ đến đào tạo nhân lực. Doanh nghiệp không phải lúc nào cũng mở rộng quy mô, hay có những chiến lược phát triển kinh doanh để lại hiệu quả. Chính mục tiêu, chiến lược quyết định hướng phát triển của doanh nghiệp, từ đó đặt ra những yêu cầu cho công việc trong thời gian tới của doanh nghiệp và kỹ năng, trình độ nguồn nhân lực cần có, sẽ quyết định hình thức đào tạo, phương pháp đào tạo, số lượng đi đào tạo nhiều hay ít, bộ phận nào đi có người đi đào tạo, kinh phí đào tạo… Mặt khác, mỗi doanh nghiệp có mục tiêu khác nhau trong từng giai đoạn khác nhau. Các hoạt động đào tạo phải phù hợp với mục tiêu trong từng giai đoạn. Vì vậy, mục tiêu, chiến lược phát triển kinh doanh sẽ có ảnh hưởng trực tiếp, quyết định đến kế hoạch đào tạo của doanh nghiệp trong từng giai đoạn.
1.6.2.3. Trình độ người lao động trong doanh nghiệp
Người lao động là đối tượng lao động trực tiếp sản xuất tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trình độ của người lao động là một yếu tố rất quan trọng tác động đến đào tạo nhân lực, quyết định đến kết quả đào tạo và phát triển của doanh nghiệp. Trình độ của người lao động ở mức độ nào, trình độ cao hay thấp, ý thức học tập, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của họ như thế nào nó quyết định đến các phương pháp đào tạo khác nhau, các chương trình và hình thức đào tạo cho hợp lý với từng đối tượng.
1.6.2.4. Tiềm lực tài chính
Tài chính là một yếu tố đặc biệt được các nhà quản trị quan tâm. Tài chính sẽ quyết định hướng mà doanh nghiệp định đầu tư cho đào tạo là nhiều hay ít, có áp dụng những khoa học tiên tiến nhanh chóng hay không… Chúng ta muốn làm một cái gì đó cũng cần có kinh phí, do đó đào tạo nhân lực cũng chịu ảnh hưởng của yếu tố tài chính, nếu kinh phí cho đào tạo mà nhiều thì các chương trình đào tạo được tiến hành thuận lợi hơn có thể đem lại kết quả cao.
1.6.2.5. Cơ sở vật chất kỹ thuật
Điều kiện vật chất kỹ thuật có ảnh hưởng đến mọi hoạt động của của doanh nghiệp và có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đào tạo nhân lực. Một doanh nghiệp có điều kiện vật chất kỹ thuật tốt thì hoạt động đào tạo càng đem lại hiệu quả. Chẳng hạn như trong doanh nghiệp có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc học tập và giảng dạy sẽ tạo thuận lợi cho học viên và giảng viên trong quá trình học, bên cạnh đó sẽ tạo tâm lý tốt cho học viên và giảng viên, từ đó sẽ giúp các học viên tiếp thu kiến thức tốt hơn, việc học tập sẽ đem lại kết quả cao hơn.
1.6.2.6. Năng lực của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo
Trình độ của đội ngũ đào tạo là một phần quyết định đến hiệu quả đào tạo.
Chúng ta cần lựa chọn đội ngũ giảng dạy từ các nguồn khác nhau như trong nội bộ tổ chức hay liên kết với các trường chính quy hoặc mời chuyên gia về đào tạo.
Nhưng các giảng viên cần có kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm và đặc biệt phải am hiểu về tình hình của doanh nghiệp cũng như các chiến lược, phương hướng đào tạo của tổ chức. Tuy theo từng đối tượng mà lựa chọn giảng viên, đối với lao động trực tiếp nên lựa chọn những người có tay nghề giỏi, có khả năng truyền đạt và có lòng nhiệt tình trong doanh nghiệp để giảng dạy nhằm giảm chi phí thuê ngoài. Các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tiên tiến cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này. Các chương trình mới, tiên tiến thường phát huy những ưu điểm và có những giải pháp khắc phục các nhược điểm của các chương trình trước nên doanh nghiệp và đặt biệt là các cán bộ quản lý đào tạo cũng phải tìm hiểu và nghiên cứu áp dụng thử đối với tổ chức mình. Mặt khác, các đối thủ cạnh tranh mà có các chương trình đào tạo và phát triển mới, hấp dẫn cho người lao động thì sẽ thu hút những nhân tài từ các doanh nghiệp. Nên doanh nghiệp cũng như hoạt động đào tạo và phát triển chịu ảnh hưởng lớn, cần phải cập nhập nhanh chóng các chương trình để giữ chân nhân tài cho doanh nghiệp mình.