ĐỌC HIỂU VÀ TẠO LẬP VĂN BẢN VỀ TRUYỆN, KÍ
I. Đọc hiểu văn bản truyện
1. Cơ sở: Khi soạn câu hỏi đọc hiểu văn bản truyện, GV cần căn cứ vào đặc trưng thể loại: cốt truyện, chi tiết, nhân vật, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật, ngôn ngữ…(có minh hoạ ở phần dưới)
2. Nguyên tắc: Các câu hỏi cần có mối quan hệ với nhau để góp phần hiểu văn bản đó theo đặc trưng thể loại. (có minh hoạ ở phần dưới)
3. Dạng hỏi: Để rèn kĩ năng cho HS, GV có thể soạn đề tổng hợp, tức là trong đó, các câu hỏi đều hướng tới đọc hiểu các đặc điểm của truyện. Tuy nhiên, trước khi luyện tổng hợp, GV có thể tách ra thành các dạng đề đọc hiểu từng đặc điểm riêng để HS dễ nắm bắt. Chúng tôi tạm minh hoạ một số dạng sau:
3.1. Dạng 1: Luyện kĩ năng đọc hiểu chi tiết
Chi tiết là yếu tố có vai trò quan trọng trong VBTS. Tuy nhiên, trong thực tế, HS thường yếu kĩ năng chọn chi tiết, biến bài văn thành kể lể dông dài. Đã không
chọn được, đương nhiên, rất khó có khả năng cao hơn: phân tích chi tiết. GV nên có những câu hỏi rèn kĩ năng đọc hiểu chi tiết nghệ thuật. Sau đây là một ví dụ.
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu dưới:
… Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành.
Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này:
- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này, mẹ con lại đầm ấm hoà hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.
(Vợ nhặt – Kim Lân)
1. Liệt kê các chi tiết phản ánh nỗi khổ và niềm vui của gia đình nhân vật bà cụ Tứ trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới.
2. Vì sao chi tiết bà cụ Tứ bàn mua đôi gà và tin rằng chả mấy có ngay một đàn gà là chi tiết vừa chân thật vừa giàu sức gợi?
3. Từ các chi tiết nêu trên, Kim Lân muốn nói điều gì về người lao động?
4. Anh/Chị rút ra bài học gì khi đọc hiểu văn bản tự sự?
Phân tích
- Câu 1: Rèn kĩ năng tìm chi tiết nghệ thuật.
- Câu 2: Rèn kĩ năng phân tích chi tiết
- Câu 3: Rèn kĩ năng khái quát ý nghĩa chi tiết
- Câu 4: Chỉ ra một kĩ năng quan trọng khi đọc hiểu văn bản tự sự (phải nhận biết chi tiết – câu 1; lựa chọn và phân tích chi tiết – câu 2; khái quát được tư tưởng nhà văn gửi vào chi tiết – câu 3)
3.2. Dạng 2: Rèn kĩ năng đọc hiểu giọng điệu trong VBTS
Giọng điệu là phần rất hay nhưng rất khó. Đó là một trong các yếu tố quan trọng tạo nên phong cách của nghệ sĩ (Qua giọng hát anh nhận ra người hát – Gamzatop). GV trong quá trình dạy đọc hiểu, cần chỉ ra các yếu tố tạo giọng điệu:
điểm nhìn trần thuật, ngôi kể, ngôn ngữ, câu văn, biện pháp tu từ…Sau đây là một cách đọc hiểu giọng điệu.
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu dưới:
Chao ôi ! Trăng đẹp lắm ! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái vẻ bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình ! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa ! Biết bao cực khổ và lầm than ?…Không, không, Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thực tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn tránh sự thực nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền. Cái khổ làm khô héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi ! Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời…
…Sáng hôm sau, Điền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.
(Giăng sáng – Nam Cao)
1. Chỉ ra các kiểu câu chia theo mục đích nói được tác giả sử dụng trong đoạn văn trên ?
2. Việc sử dụng các kiểu câu đó có tác dụng gì trong việc thể hiện giọng điệu đoạn văn?
3. Qua giọng điệu đoạn văn, anh/chị hiểu gì về nhân vật Điền?
4. Qua giọng văn, anh/chị hiểu gì về con người nhà văn Nam Cao?
Phân tích
- Câu 1: Rèn kĩ năng tích hợp ngữ và văn đồng thời lưu tâm HS khi đọc văn tự sự, nên chú ý cả đến các kiểu câu theo mục đích nói, theo cấu tạo ngữ pháp.
- Câu 2: Rèn kĩ năng xác định giọng điệu, trong đó việc sử dụng các kiểu câu cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên giọng văn.
- Câu 3: Rèn kĩ năng đọc hiểu ý nghĩa giọng điệu đối với việc thể hiện nhân vật.
- Câu 4: Rèn kĩ năng vận dụng kiến thức tác phẩm để hiểu tác giả. Từ đó, HS thấy việc học tác giả là cần thiết và có mối quan hệ gắn bó với việc đọc tác phẩm.
3.3. Dạng 3: Rèn kĩ năng đọc hiểu nhân vật trong VBTS
Nhân vật có thể xem là linh hồn tác phẩm. Nó là phương thức nghệ thuật đặc thù giúp nghệ sĩ thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhận thức, thái độ, quan niệm của mình về con người và đời sống. Vì thế, tìm hiểu văn xuôi tự sự không tìm hiểu nhân vật là ta đã tự khép một cánh cửa chính để đi vào kho báu tinh thần. Song, cũng giống như chi tiết, khi nghị luận về nhân vật, HS thường có xu hướng đi kể về nhân vật.
Do đó, rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản tự sự, cần hết sức chú ý đến kĩ năng đọc hiểu nhân vật. Sau đây là một ví dụ
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu dưới
…Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ !”
Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn…
(Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) 1. Nhân vật lão đàn ông được nhà văn khắc hoạ qua những yếu tố nào?
2. Qua các yếu tố đó, nhân vật lão đàn ông hiện lên là người như thế nào?
3. Thái độ của nhân vật người đàn bà khiến anh/chị cảm thấy như thế nào?
4. Từ hai nhân vật nêu trên, hãy chỉ ra nét mới trong nhận thức về con người của Nguyễn Minh Châu sau 1975.
Phân tích
- Câu 1: Rèn kĩ năng nhận biết các yếu tố thường được dùng để xây dựng nhân vật.
- Câu 2: Rèn kĩ năng đọc hiểu nhân vật qua việc tìm hiểu ý nghĩa các yếu tố thái độ, lời nói, hành động, nội tâm.
- Câu 3: Rèn kĩ năng bộc lộ trực tiếp suy nghĩ, cảm xúc về nhân vật.
- Câu 4: Rèn kĩ năng khái quát ý nghĩa nhân vật đối với việc thể hiện tư tưởng của nhà văn, vận dụng kiến thức tác phẩm để hiểu tác giả, thậm chí, qua tác giả hiểu được quan niệm mới về con người của cả một giai đoạn VH. Như thế, gọi là từ cây mà thấy rừng.
3.4. Dạng 4: Rèn kĩ năng đọc hiểu VBTS nói chung Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu dưới:
Chao ôi ! Trăng đẹp lắm ! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái vẻ bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình ! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa ! Biết bao cực khổ và lầm than ?…Không, không, Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thực tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn tránh sự thực nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền. Cái khổ làm khô héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi ! Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng
cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời…
…Sáng hôm sau, Điền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.
(Giăng sáng – Nam Cao) 1. Xác định điểm nhìn trần thuật.
2. Nội dung đoạn văn là gì? Nội dung đó tương hợp thế nào với hình thức nghệ thuật của đoạn văn?
3. Anh/Chị hiểu như thế nào về quan niệm của Nam Cao về nghệ thuật và người làm nghệ thuật qua đoạn sau: Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời…?
4. Đoạn văn giúp anh/chị hiểu gì về phong cách nghệ thuật Nam Cao ? Phân tích:
- Câu 1: Rèn kĩ năng nhận biết về điểm nhìn trần thuật – một trong những vấn đề cơ bản của văn xuôi tự sự.
- Câu 2: Rèn kĩ năng đọc hiểu về nội dung trong mối quan hệ với hình thức, qua đó hình thành kĩ năng phân tích văn xuôi tự sự cũng phải rất chú ý hình thức nghệ thuật.
- Câu 3: Rèn kĩ năng hiểu sâu nội dung trọng tâm trong mối liên hệ với tác gia văn học.
- Câu 4: Rèn kĩ năng vận dụng tác phẩm để hiểu tác giả và ngược lại, vận dụng tri thức tác giả để hiểu tác phẩm của họ. Đó cũng là cái đích quan trọng của việc đọc hiểu.