Năm 1876, Wickham đã tiến hành thu thập khoảng 70.000 hạt cao su ở vùng bờ sông Rio Tapajos, Boim gần Santerem, Brasil chuyển về nước Anh (Wycherley, 1968;
Đặng Văn Vinh, 1997). Trong thời gian 1876 – 1877 đã có 2.397 cây thực sinh Hevea được chuyển sang các nơi ở châu Á; trong đó Sri Lanka nhận 1.919 cây, Bogor (Java) nhận 18 cây và 22 cây được đưa đến Singapore vào năm 1877 (Wycherley, 1968). Do vị trí địa lý trung tâm của Singapore và tầm ảnh hưởng của người Anh đối với ngành cao su thế giới trong giai đoạn này, nên trong thực tế nguồn di truyền cao su nhập vào Singapore mới là nguồn chủ yếu được lan truyền ra khắp vùng châu Á. Tất cả vật liệu di truyền của cây cao su có nguồn gốc từ bộ sưu tập của Wickham được gọi chung là nguồn di truyền Wickham.
Trên cơ sở nguồn di truyền Wickham ban đầu này, vào đầu thế kỷ 20 nhiều dòng vô tính cao su nguyên sơ có năng suất cao đã được chọn lọc từ các vườn trồng bằng hạt để đưa vào sản xuất cũng như là nguồn bố mẹ cho chương trình lai hoa nhân tạo tiếp theo tạo ra các thế hệ giống cao su tiến bộ cho đến nay. Nguồn di truyền cao su Wickham đến nay vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sản xuất cũng như trong cải tiến giống và vai trò này vẫn còn quan trọng trong tương lai.
Tuy nhiên, ngay từ đầu thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng do Wickham đã thu thập hạt Hevea brasiliensis tại địa điểm nằm ở rìa vùng phân bố của loài, vì vậy có thể đã không thu thập được đầy đủ nguồn biến thiên di truyền phong phú đại diện cho loài (Dijkman, 1951). Mặt khác, dù Sri Lanka là nơi cung cấp hạt cao
su ban đầu để trồng nhưng nguồn vật liệu giống cao su phục vụ cho quá trình phát triển cao su ở châu Á cũng như ở châu Phi phần lớn đều xuất phát từ Singapore và Malaysia, và có thể truy lại xuất phát từ 22 cây thực sinh do Wickham đưa vào Singapore năm 1877 (Wycherley, 1968; Ho, 1979). Tan (1987) đã chỉ ra vấn đề hạn hẹp của nguồn gen cao su Wickham còn bị nghiêm trọng hơn, trước hết do việc sử dụng rộng rãi kỹ thuật nhân dòng vô tính, trong đó chỉ một số ít các cây lai năng suất cao được dòng vô tính hóa và chúng nhanh chóng thay thế các dòng vô tính có năng suất thấp hơn, vì vậy đã góp phần làm giảm sự đa dạng di truyền thông qua việc thải loại hầu hết các vật liệu di truyền trong quá trình chọn giống cao su. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy có một sự tiến hóa các dòng vô tính cao su được tuyển chọn cho đến gần đây mà nguồn gốc di truyền của chúng có thể truy nguyên lại từ một số ít dòng vô tính nguyên sơ làm cha mẹ, biến thiên từ 7 dòng vô tính (Tan, 1987) đến 16 dòng vô tính (Priyadarshan và Clément–Demange, 2004). Chính vì vậy, người ta cho rằng có lẽ đã có sự xói mòn dần dần sự đa dạng di truyền trong nguồn gen cao su Wickham hiện hành do tiến trình lai tạo liên tục, thường là giữa các cha mẹ có quan hệ gần với nhau (Tan, 1987).
Tan (1987) và Simmonds (1989) đã chỉ ra dấu hiệu của sự xói mòn di truyền ở nguồn gen Wickham thông qua dấu hiệu suy giảm khả năng đáp ứng đối với việc chọn lọc giống cao su về năng suất mủ. Wycherley (1969) đã lưu ý rằng tất cả các dòng vô tính cao su thuộc nguồn gen này nhìn chung đều mẫn cảm với bệnh cháy lá Nam Mỹ (South American Leaf Blight, SALB); điều này có thể do ngay từ đầu đã thiếu các gen kháng bệnh trong bộ sưu tập Wickham hoặc do sự xói mòn di truyền về sau thông qua việc chọn giống cao su trong điều kiện không có bệnh này ở châu Á. Wycherley (1969) cũng chỉ ra tình trạng các dòng vô tính cao su tạo tuyển ở quốc gia này thường kém thích ứng đối với các bệnh lá phổ biến ở quốc gia khác mà nguyên nhân có thể là sự thất thoát gen kháng bệnh do hậu quả của việc chọn giống định hướng năng suất mủ cao trong một thời gian rất dài trong điều kiện không có các bệnh lá tương ứng ở nước sở tại.
1.3.2. Các nguồn di truyền cây cao su sau nguồn Wickham
Ngay từ cuối thế kỷ 19 và rải rác đến thập niên 1960, một số nước đã di nhập bổ sung nguồn gen cao su gồm một số mẫu giống thuộc các loài Hevea khác, các mẫu giống lai liên loài cũng như một số dòng vô tính được chọn lọc ở Nam Mỹ chủ yếu cho mục đích kháng bệnh cháy lá Nam Mỹ (Dijkman, 1951; Wycherley,1968). Trong thập niên 1970, người Pháp đã di nhập một số lượng không lớn các mẫu giống cao su từ Brasil và Peru (Clément – Demange và Nicolas, 1987).
Nhìn chung các nguồn di truyền sau Wickham được di nhập từ thập niên 1960 trở về trước hầu như đều không được khai thác tốt hoặc bị thất thoát mà nguyên nhân cơ bản là do việc thu thập không hệ thống, đa số nhằm tính kháng bệnh cháy lá Nam Mỹ, năng suất mủ thấp; trong khi đó thông qua việc chọn lọc giống trên nguồn gen Wickham đã tạo ra được các giống có năng suất cao vượt trội và chưa thấy được nguy cơ hạn hẹp của nguồn gen Wickham trong giai đoạn này. Đáng kể có dòng vô tính IAN 873 còn đang được khuyến cáo trồng trên qui mô trung bình tại Trung Quốc cũng như tại vùng Tây Bắc Việt Nam nhờ năng suất khá và khả năng chống chịu rét (VCS, 2008). Đáng chú ý nhất có một số ít dòng vô tính thuộc nguồn gen do người Pháp di nhập từ Nam Mỹ vào thập niên 1970 đang được đưa vào nghiên cứu và lai tạo với nguồn gen Wickham ở Côte d’Ivoire và Việt Nam.
1.3.3. Nguồn di truyền cây cao su IRRDB’81
Vào năm 1976, các nhà chọn giống cao su từ các nước thành viên IRRDB đã thống nhất vấn đề nguồn vốn di truyền hạn hẹp hiện hữu của cây cao su sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tương lai lâu dài của công tác cải tiến giống cao su và sự cấp thiết phải tiến hành sưu tập lại vốn di truyền cây cao su Hevea ở vùng nguyên quán một cách hệ thống (Ong, 1982). Đợt sưu tập đã được tiến hành vào năm 1981 trên các tiểu bang phía Tây của Brasil gồm Acre (AC), Rondonia (RO) và Mato Grosso (MT) (Ong và ctv, 1983). Tổng khối lượng thu thập gồm 64.736 hạt và 1.522m cành ghép của 194
cây đầu dòng được cho là có năng suất cao (Ong và ctv, 1983). Một nửa số hạt được giữ nhân giống tại Brasil, trong số còn lại, 75% được chuyển về Malaysia (Trung tâm châu Á), 25% được chuyển về Côte d’Ivoire (Trung tâm châu Phi). Các nước thành viên của IRRDB bắt đầu tiếp nhận nguồn di truyền này dưới dạng dòng vô tính (vật liệu là cành ghép) từ 1984.
Cho đến hiện nay phương thức bảo tồn duy nhất đang được thực hiện tại tất cả các viện nghiên cứu cao su trên thế giới đối với nguồn di truyền IRRDB’81 là lưu giữ dưới dạng vườn nhân cành ghép mặc dù có những nguy cơ thất thoát do một số mẫu giống rất khó nhân bằng phương pháp ghép hoặc sinh trưởng rất kém.