Chương 2 NỘI DUNG, VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nghiên cứu đánh giá các đặc tính nông học của nguồn di truyền IRRDB’81
2.1.1. Nội dung
Nội dung nghiên cứu của luận án trong phần đánh giá các đặc tính nông học của nguồn di truyền IRRDB’81 ở giai đoạn trưởng thành bao gồm việc thu thập, đúc kết số liệu trên các thí nghiệm đánh giá nguồn di truyền IRRDB’81 trên các vùng khác nhau đã được thiết lập bởi Viện nghiên cứu cao su Việt Nam (VCS) trong giai đoạn 1991 – 1997 gồm:
- Đánh giá các đặc tính nông học chính của các mẫu giống thuộc nguồn gen cao su IRRDB’81 đang có trong các thí nghiệm đánh giá tại Việt Nam, có so sánh với nguồn gen Wickham.
- Chọn lọc một số mẫu giống IRRDB’81 triển vọng để ứng dụng cho chương trình cải tiến giống cao su.
Cơ sở lý luận: chọn lọc dựa trên giá trị của các tính trạng kiểu hình vẫn đáng tin cậy ở cây cao su, nguồn gen IRRDB’81 có sự biến thiên lớn về các tính trạng nghiên cứu cho phép có thể chọn lọc được một số mẫu giống có triển vọng về năng suất mủ và sinh trưởng.
Nội dung nghiên cứu đánh giá các đặc tính nông học của nguồn di truyền IRRDB’81 được thực hiện thông qua các chỉ tiêu nghiên cứu cơ bản sau:
- Sinh trưởng đến lúc mở miệng cạo thu hoạch mủ, tăng trưởng trong khi cạo.
- Năng suất mủ khô.
- Độ dầy vỏ nguyên sinh.
- Tính mẫn cảm với các loại bệnh hại phổ biến trên cây cao su xuất hiện trong quá trình nghiên cứu.
2.1.2. Phương pháp nghiên cứu Bố trí thí nghiệm
Chi tiết về qui mô, kiểu thí nghiệm, thiết kế ô cơ sở của các thí nghiệm đánh giá nguồn di truyền IRRDB’81 được trình bày ở bảng 2.1. Trên mỗi thí nghiệm, thành phần vật liệu nghiên cứu gồm: các mẫu giống thuộc nguồn gen IRRDB’81 được chọn ngẫu nhiên, các dòng vô tính thuộc các nguồn gen khác và các dòng vô tính thuộc nguồn gen Wickham đang được khuyến cáo trồng phổ biến để so sánh.
Nhằm phục vụ việc đánh giá bước đầu được một khối lượng lớn các mẫu giống thuộc nguồn gen IRRDB’81 nên các thí nghiệm đều được bố trí dưới dạng qui mô nhỏ có ô cơ sở 1 cây với 5 lần lặp lại hoặc 3 cây với 2 lần lặp lại. Do trong thực tế có sự khác biệt về khả năng nhân giống cũng như khả năng ghép sống của các mẫu giống IRRDB’81 vì vậy số lượng mẫu giống cho từng nhóm cũng như từng tiểu nhóm địa lý của nguồn di truyền này không thể cân đối với nhau cũng như không thể cân đối theo tỉ lệ tương ứng với số lượng mẫu giống hiện diện trong bộ sưu tập.
Danh sách các mẫu giống trên các thí nghiệm được trình bày ở phụ lục 1.
Chỉ tiêu nghiên cứu đánh giá
- Sinh trưởng và tăng trưởng: Sinh trưởng được đánh giá bằng vanh thân (chu vi) trong suốt thời gian kiến thiết cơ bản cho đến khi cây đưa vào khai thác, được đo vào tháng 4 hàng năm ở vị trí cố định cách mặt đất 100 cm bằng thước dây và được tính bằng cm. Tăng trưởng trong khi cạo được đánh giá qua sự tăng trưởng vanh thân (tăng chu vi) hàng năm, được đo ở vị trí cố định cách đất 150 cm bằng thước dây và được tính bằng cm/năm.
- Năng suất mủ khô: Tất cả các thí nghiệm đều được cạo mủ theo chế độ cạo 1/2S d/3 6d/7 (chiều dài miệng cạo nửa vòng thân, cạo 1 ngày nghỉ 2 ngày, 2 lần cạo/tuần); từ năm cạo thứ 3 trở đi có sử dụng chất kích thích mủ Ethrel với nồng độ 2,5% áp dụng 4 lần/năm (1/2S d/3 6d/7 ET 2,5% 4/y) theo qui trình khai thác năm
2004 của Tổng công ty cao su Việt Nam (hiện là Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam).
Năng suất mủ được quan trắc định kỳ 1 lần/tháng trên từng cây vào ngày cạo bình thường. Sau khi mủ ngưng chảy, mủ nước được đánh đông trong chén hứng mủ ngay tại vườn bằng acid acetic 3-4 %, sau đó được làm mỏng, rửa sạch và hong khô trong bóng râm đến khi khô hoàn toàn (khoảng 30 ngày), cân trọng lượng mủ khô từng cây. Năng suất được tính bằng trung bình gram mủ khô/cây/lần cạo (g/c/c) cho các năm cạo.
Bảng 2.1. Các thí nghiệm đánh giá đặc tính nông học nguồn gen IRRDB’81
Thí nghiệm
Chi tiết SGLK91 SGLK94 SGLK96 SGCS97
Địa điểm Lai Khê 1 Lai Khê 1 Lai Khê 1 Chư Sê 2
Diện tích (ha) 1,4 4,95 3,00 2,00
Loại đất Xám phù sa cổ Xám phù sa cổ Xám phù sa cổ Basalt
Thời điểm trồng 6/1991 6/1994 6/1996 6/1997
Thời điểm đưa vào cạo mủ
4/1999 4/2002 4/2004 4/2005
Mật độ (cây/ha) 571 571 571 571
Khoảng cách 7m x 2,5m 7m x 2,5m 7m X 2,5m 7m X 2,5m
Kiểu thí nghiệm Khối đủ ngẫu nhiên (RCBD)
Khối đủ ngẫu nhiên (RCBD)
Khối đủ ngẫu nhiên (RCBD)
Khối đủ ngẫu nhiên (RCBD)
Số cây/ô cơ sở 1 3 3 1
Số lần lặp lại 5 2 2 5
Số mẫu giống 135 364 216 201
- IRRDB’81 120 361 200 139
- Khác 15 3 16 62
Số năm theo dõi năng suất mủ
3 3 6 5
1 Trung tâm Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương (Viện nghiên cứu cao su Việt Nam)
2 Công ty cao su Chư Sê, Chư Sê, Gia Lai
- Độ dầy vỏ nguyên sinh (mm): Độ dầy vỏ nguyên sinh được đo tại vị trí ở khoảng giữa đường cạo và cách bên trên đường mở miệng cạo đầu tiên 2 cm bằng đót kiểm tra kỹ thuật. Độ dầy vỏ nguyên sinh được tính bằng mm.
- Bệnh hại: Quan trắc các loại bệnh hại chính xuất hiện trên các vườn thí nghiệm trong thời gian theo dõi: phấn trắng do nấm Oidium heveae, rụng lá mùa
mưa và loét sọc mặt cạo do nấm Phythophthora sp., nấm hồng do nấm Corticium salmonicolor. Bệnh phấn trắng được quan trắc trên tất cả các thí nghiệm. Bệnh loét sọc mặt cạo và rụng lá mùa mưa chỉ có thể quan trắc trên thí nghiệm SGCS97 ở Gia Lai còn các thí nghiệm khác tại miền Đông Nam bộ thuộc vùng cao su mà từ lâu hai bệnh này đã trở nên không đáng kể do các thay đổi về giống trồng và điều kiện phòng trị bệnh tốt. Bệnh nấm hồng chỉ quan trắc được trên thí nghiệm SGLK91 do hai thí nghiệm SGLK94 và SGLK96 đã được phòng trị và thí nghiệm SGCS97 thuộc vùng mà bệnh nấm hồng xuất hiện rất ít nên không quan trắc.
- Bệnh phấn trắng: quan trắc 10 ngày/lần vào mùa ra lá mới sau khi qua đông vào tháng 1 - 3 hàng năm, số liệu phân tích cho đợt bệnh nặng nhất.
- Bệnh rụng lá mùa mưa và loét sọc mặt cạo: quan trắc 2 lần/năm vào tháng 8 – 9 hàng năm, số liệu phân tích cho đợt bệnh nặng nhất.
- Bệnh nấm hồng: quan trắc 2 lần/năm trong tháng 6 – 8, số liệu phân tích cho đợt bệnh nặng nhất.
Các loại bệnh hại được đánh giá theo bảng phân cấp bệnh của Viện nghiên cứu cao su Việt Nam (Phụ lục 2).
Số liệu được lưu trữ bằng phần mềm Foxpro và Excel, được xử lý bằng phần mềm SAS 8.1 (Statistical analysis system, USA, 1999) qua các thông số: trung bình, hệ số biến thiên (CV%), khoảng biến thiên, phân tích phương sai (ANOVA), phân tích thành phần biến thiên (variance component), các trắc nghiệm sử dụng gồm Duncan, LSD.
Trong nghiên cứu đánh giá khác biệt giữa các tiểu nhóm địa lý thuộc nguồn gen IRRDB’81 về các chỉ tiêu năng suất mủ, sinh trưởng, tăng trưởng trong khi cạo và dầy vỏ nguyên sinh, chỉ có các thí nghiệm SGLK94, SGLK96 và SGCS97 được đưa vào phân tích do các thí nghiệm này có sự hiện diện các mẫu giống của 16 – 17 trên tổng số 17 tiểu nhóm địa lý thuộc nguồn gen IRRDB’81. Trong khi đó, ở thí nghiệm SGLK91 chỉ có sự hiện diện của các mẫu giống thuộc 10 tiểu nhóm địa lý và một số tiểu nhóm địa lý chỉ có 1 mẫu giống (phụ lục 1).