3.1. Đặc tính nông học của nguồn di truyền cao su IRRDB’81 ….…
3.1.3. Đặc tính mẫn cảm – chống chịu bệnh hại …
Đánh giá về đặc tính nhiễm bệnh của nguồn di truyền IRRDB’81 được thực hiện trong điều kiện tự nhiên trên vườn thông qua việc quan trắc các bệnh hại xảy ra vào mùa bệnh. Vì vậy chỉ có một số bệnh được đánh giá và kết quả được trình bày cho năm có mức độ bệnh cao nhất trong các năm quan trắc.
Bệnh phấn trắng trên lá cao su do nấm Oidium heveae Steinn gây ra, thường xảy ra vào tháng 1 đến tháng 3 vào mùa ra lá mới sau khi cây cao su rụng lá qua đông, thời kỳ này thường có nhiệt độ thấp và có sương mù thích hợp cho nấm phát triển. Bệnh được ghi nhận xuất hiện ở tất cả các nước trồng cao su (Thomson và ctv, 2000). Tại Việt Nam, bệnh phấn trắng xảy ra ở tất cả các vùng trồng cao su và tác hại ở mọi độ tuổi của cây cao su: trên cây non bệnh làm chậm sinh trưởng, trên vườn cây khai thác có thể gây rụng lá nhiều lần làm chậm thời gian đưa vào khai thác lại hàng năm dẫn đến giảm sản lượng. Báo cáo tại Malaysia cho thấy bệnh có thể làm giảm sản lượng đến 8,1%, trong khi đó tại Trung Quốc bệnh nặng có thể làm giảm sản lượng từ 8,0% đến 9,7% (Wastie và Mainstone, 1968; Shao và ctv, 2004). Tại Việt Nam, việc phòng trừ bệnh này trên cây khai thác thường ít hiệu quả trong thực tế do tốc độ lây lan của nấm rất nhanh, diện tích vùng cao su thường tập trung lớn và việc phun thuốc đạt đến độ cao của tán lá cây lớn rất khó khăn.
Đánh giá trên các thí nghiệm cho thấy các nhóm địa lý thuộc nguồn gen IRRDB’81 có mức độ nhiễm bệnh phấn trắng tương đương nhau, ngoại trừ nhóm Acre trên thí nghiệm SGLK94 và SGLK96 có vẻ thấp hơn các nhóm khác (bảng 3.21). Tuy nhiên, nghiên cứu này không cho phép kết luận chắc chắn về sự khác biệt trong khả năng chống chịu bệnh phấn trắng giữa các nhóm địa lý do điều kiện quan trắc tự nhiên trên đồng ruộng. Phân tích chi tiết phân bố mức độ nhiễm bệnh phấn trắng cho nguồn gen IRRDB’81 trên các thí nghiệm cho thấy có sự biến thiên lớn trong nguồn di truyền này về mức độ mẫn cảm với bệnh. Mặc dù hầu hết các mẫu giống trong nguồn gen IRRDB’81 đều nhiễm bệnh ở các mức độ khác nhau, nhưng cũng phát hiện được một số mẫu giống trên các thí nghiệm hoàn toàn không bị nhiễm bệnh phấn trắng, chiếm từ 1,5% - 5,8% quần thể, chứng tỏ trong nguồn gen mới di nhập có sự hiện diện các gen chống chịu bệnh phấn trắng (bảng 3.22; chi tiết các mẫu giống ở phụ lục 8). Đây có thể là nguồn vật liệu di truyền bổ sung cho công tác lai tạo giống kháng bệnh trong tương lai trong điều kiện hầu hết nguồn gen Wickham đều bị nhiễm bệnh này, tuy nhiên cần có những nghiên cứu sâu hơn để có thể khẳng định.
Bảng 3.21. Mức độ nhiễm bệnh phấn trắng (Oidium heveae) trên các nguồn gen Nguồn
gen
SGLK91 SGLK94 SGLK96 SGCS97
N Cấp bệnh N Cấp bệnh N Cấp bệnh N Cấp bệnh
IRRDB’81 120 3,0 361 1,9 200 2,2 139 2,8
(0,0-5,0) (0,0-5,0) (0,0-4,5) (0,0-4,0)
AC 18 3,1 124 1,4 80 1,6 32 2,7
(1,8-5,0) (0,6-3,3) (0,0-4,0) (0,0-3,8)
MT 25 2,8 153 2,3 73 2,9 58 2,7
(0,0-5,0) (0,0-5,0) (0,0-4,5) (0,0-3,5)
RO 77 3,0 84 1,7 47 2,3 49 3,0
(0,0-5,0) (0,0-4,8) (0,5-4,0) (0,0-4,0)
Wickham 4 2,6 3 3,0 5 3,6 12 2,8
(1,8-4,0) (2,1-4,3) (3,0-4,5) (2,5-3,3)
Nam Mỹ 11 2,9 - - 11 1,7 16 2,8
(2,0-4,0) (0,0-4,0) (0,0-3,8)
WA1 - - - 6 2,8
(2,2-3,3)
Lai Hoa - - - 28 2,9
(2,0-3,8)
Đánh giá vào năm bị bệnh nặng nhất quan trắc được trên các thí nghiệm: SGLK91: 2005;
SGLK94: 2008; SGLK96: 2008; SGCS97: 2005
Cấp bệnh từ 0: không bệnh đến 5: nặng nhất. Số trong ngoặc: khoảng biến thiên cấp bệnh
1 Cây lai giữa Wickham và Amazone không thuộc nguồn IRRDB’81
Bảng 3.22. Phân bố cấp bệnh phấn trắng ở nguồn gen IRRDB’81 (% quần thể)
Cấp bệnh SGLK91 SGLK94 SGLK96 SGCS97
0,0 5,8 4,7 1,5 4,3
0,5 0,0 2,5 9,5 0,0
1,0 3,3 29,4 10,0 0,0
1,5 3,3 14,7 18,5 0,0
2,0 10,3 16,9 10,5 7,2
2,5 14,2 11,4 17,0 12,9
3,0 20,0 9,4 12,5 59,7
3,5 14,2 5,3 10,0 13,7
4,0 15,8 3,9 8,5 2,2
4,5 5,0 1,4 2,0 0,0
5,0 8,3 0,6 0,0 0,0
N 120 361 200 139
Đánh giá vào năm bị bệnh nặng nhất quan trắc được trên các thí nghiệm: SGLK91: 2005;
SGLK94: 2008; SGLK96: 2008; SGCS97: 2005
Cấp bệnh từ 0: không bệnh đến 5: nặng nhất
Bệnh nấm hồng do nấm Corticium salmonicolor Berk & Br gây hại trên thân và cành cao su ở độ tuổi 3 – 12 và nặng nhất ở giai đoạn 4 – 8 tuổi; bệnh xuất hiện ở tất cả các nước trồng cao su. Tại Việt Nam bệnh xuất hiện trong mùa mưa có ẩm độ cao từ tháng 6 đến tháng 11. Trên cây nhỏ bệnh làm chậm sinh trưởng, cây được đưa vào khai thác muộn hơn đến 2,5 năm nếu cây bị mất tán, thậm chi chết cây; đối với cây đang khai thác, bệnh có thể làm giảm sản lượng trung bình 14,5% và lên đến 67,5% trong trường hợp cây bị mất tán (Nguyễn Hải Đường và ctv, 1997a, b).
Kết quả theo dõi cho thấy nguồn gen IRRDB’81 có mức độ nhiễm bệnh nấm hồng trung bình, biến thiên từ không nhiễm bệnh đến rất nặng trên thí nghiệm SGLK91 ở năm tuổi thứ 6, thấp hơn so với nguồn gen Wickham và Nam Mỹ (bảng 3.23). Đại đa số các mẫu giống của nguồn gen IRRDB’81 có sự mẫn cảm từ trung bình đến trên trung bình đối với bệnh này, tuy nhiên cũng nhận thấy có đến 26,7%
số mẫu giống của nguồn gen mới hoàn toàn không nhiễm bệnh (bảng 3.24; chi tiết các mẫu giống ở phụ lục 8).
Bệnh rụng lá mùa mưa và loét sọc mặt cạo do các nấm Phytophthora gây ra trên cây cao su đã khai thác và xuất hiện ở tất cả các nước trồng cao su. Tại Việt Nam, đối với vùng cao su Đông Nam bộ hai bệnh này không còn là mối nguy hiểm nhờ vào những thay đổi về giống cao su và việc tích cực phòng trị bệnh loét sọc mặt cạo trong nhiều năm. Tuy nhiên, bệnh vẫn còn gây hại đáng kể trên vùng cao su Tây Nguyên và miền Trung do đặc thù thời tiết mưa dầm của các vùng này. Bệnh rụng lá mùa mưa được báo cáo có thể làm giảm từ 9 – 16% sản lượng của các dòng vô tính mẫn cảm bệnh trong một mùa cạo (Thomson và ctv, 2000). Tại Malaysia, bệnh loét sọc mặt cạo được báo cáo có thể gây mất đến 310 kg mủ khô/ha/năm và còn ảnh hưởng xấu đến việc khai thác mủ các năm tiếp theo do mặt cạo bị hư hỏng (Tan và John, 1985).
Kết quả theo dõi trên thí nghiệm SGCS97, thuộc vùng Tây Nguyên dễ bị bệnh, cho thấy nguồn di truyền IRRDB’81 có mức độ nhiễm bệnh rụng lá mùa mưa trung bình cao hơn so với nguồn gen Wickham, Lai hoa và WA. Trong các nhóm
địa lý của nguồn gen IRRDB’81, nhóm Rondonia có mức độ nhiễm bệnh cao hơn, nhất là so với nhóm Mato Grosso (bảng 3.23). Phân bố cấp bệnh cũng cho thấy nguồn gen IRRDB’81 có tỉ lệ khá cao các mẫu giống bị nhiễm bệnh từ trên trung bình đến rất nặng, tuy vậy cũng có đến 4,3% quần thể hoàn toàn không bị nhiễm bệnh trong mùa quan trắc gợi ý có sự hiện diện khả năng kháng bệnh rụng lá mùa mưa trong nguồn gen này (bảng 3.24; chi tiết các mẫu giống ở phụ lục 8). Nhìn chung, nguồn gen IRRDB’81 cũng như các nguồn gen khác trong công trình nghiên cứu này có mức độ nhiễm bệnh loét sọc mặt cạo tương đối thấp, có lẽ nhờ biện pháp sử dụng máng chắn nước mưa được áp dụng rộng rãi đã làm giảm sự ẩm ướt của mặt cạo trong mùa mưa nên đã hạn chế được mức độ nguy hại của bệnh này (bảng 3.23).
Bảng 3.23. Mức độ nhiễm bệnh nấm hồng (Corticium salmoniclolor), bệnh rụng lá mùa mưa và loét sọc mặt cạo (Phytophthora sp.) trên các nguồn gen
Nguồn gen
SGLK91 SGCS97
N Cấp bệnh Nấm
hồng 1 N Cấp bệnh Rụng
lá mùa mưa 2 Cấp bệnh Loét sọc mặt cạo 2
IRRDB’81 120 2,0 139 3,4 1,5
(0,0 – 4,0) (0,0 – 5,0) (0,0 – 5,0)
AC 18 1,8 32 3,6 1,4
(0,0 – 4,0) (0,0 – 5,0) (0,0 – 5,0)
MT 25 2,3 58 2,8 1,4
(0,0 – 4,0 (0,0 – 5,0) (0,0 – 5,0)
RO 77 2,0 49 4,0 1,6
(0,0 – 4,0) (0,0 – 5,0) (0,0 – 4,0)
Wickham 4 2,4 12 2,6 1,1
(2,0 – 4,0) (0,0 – 3,0) (0,0 – 2,0)
Nam Mỹ 11 3,0 16 3,3 1,9
(0,0 – 4,0) (0,0 – 5,0) (0,0 – 5,0)
WA3 - - 6 2,7 1,8
(1,5 – 4,5) (0,0 – 3,0)
Lai Hoa - - 28 2,7 1,1
(1,5 – 4,5) (0,0 – 5,0)
* Đánh giá vào năm bị bệnh nặng nhất quan trắc được trên thí nghiệm: 1 1997; 2 2008
Cấp bệnh nấm hồng từ 0: không bị bệnh đến 4: nặng nhất
Cấp bệnh rụng lá mùa mưa từ 0: không bị bệnh đến 5: nặng nhất
Cấp bệnh loét sọc mặt cạo 0: không bị bệnh đến 7: nặng nhất
3 Cây lai giữa Wickham và Amazone không thuộc nguồn IRRDB’81
Bảng 3.24. Phân bố cấp bệnh nấm hồng, rụng lá mùa mưa và loét sọc mặt cạo ở nguồn gen IRRDB’81 (% quần thể)
Nấm hồng Rụng lá mùa mưa Loét sọc mặt cạo
Cấp bệnh SGLK91 Cấp bệnh SGCS97 Cấp bệnh SGCS97
0,0 26,7 0,0 4,3 0,0 18,0
0,5 0,0 0,5 0,0 0,5 12,2
1,0 0,8 1,0 0,7 1,0 20,9
1,5 1,7 1,5 2,2 1,5 11,5
2,0 19,2 2,0 15,1 2,0 12,9
2,5 13,3 2,5 9,4 2,5 9,4
3,0 22,5 3,0 12,9 3,0 8,6
3,5 7,5 3,5 7,2 3,5 2,9
4,0 8,3 4,0 16,5 4,0 2,2
4,5 10,1 4,5 0,0
5,0 21,6 5,0 1,4
N 120 139 139
Các đánh giá trong nghiên cứu này về mức độ mẫn cảm – chống chịu với một số loại bệnh hại trên cây cao su ở nguồn gen IRRDB’81 còn có một số hạn chế như quan trắc trong điều kiện đồng ruộng tự nhiên, số lượng cá thể cho mỗi mẫu giống ít, nên chưa thể cho phép đánh giá chính xác khả năng kháng các bệnh của nguồn gen này. Tuy nhiên, các kết quả bước đầu cũng cho phép ghi nhận được các mẫu giống thuộc nguồn gen IRRDB’81 mẫn cảm cũng như các mẫu giống có tiềm năng chống chịu một số bệnh hại được theo dõi, nhất là đối với bệnh phấn trắng, tạo cơ sở định hướng cho các nghiên cứu sâu hơn. Trong tương lai, cần có những nghiên cứu chuyên biệt để đánh giá nguồn gen IRRDB’81 về khả năng kháng các loại bệnh hại vốn đang bị hạn chế trong nguồn di truyền Wickham, trong đó cần chú trọng hơn đến một số bệnh có khả năng gây dịch hại nguy hiểm trên diện rộng cho cây cao su ở Việt Nam như bệnh vàng rụng lá do nấm Corynespora cassiicola, để tạo cơ sở cho việc vận dụng nguồn gen mới vào chương trình chọn tạo giống cao su kháng bệnh một cách hiệu quả.