Khái niệm, chức năng nông thôn mới

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT THEO HƯỚNG NÔNG THÔN MỚI XÃ AN THẠNH 1 HUYỆN CÙ LAO DUNG TỈNH SÓC TRĂNG (Trang 34 - 37)

1.2. Tổng quan về nông thôn mới

1.2.1. Khái niệm, chức năng nông thôn mới

Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2010 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ;

hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

Ngày 28/10/2008 Chính phủ đã có Nghị quyết 24/2008/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nội dung của Nghị quyết này cụ thể hoá đường lối trên với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 dự án quy hoạch và 36 đề án phát triển và các chính sách liên quan… được xây dựng sát với tình trạng thực tế của nông thôn nước ta.

Để có cơ sở thực tiễn cho chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, ngày 16/4/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010-2020.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2015: 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số 9.121 xã hiện nay của cả nước.

Tại Điều 1 TT số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nêu “nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở

là Uỷ ban nhân dân xã”. Do đó, nông thôn mới trước tiên phải là nông thôn, không phải là thị tứ, thị trấn, thị xã, với 5 đặc điểm: làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất phải phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hoá; đời sống về vật chất và tinh thần của dân nông thôn ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn an ninh tốt và dân chủ.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai ở các xã nông thôn trong phạm vi cả nước nhằm phát triển nông thôn toàn diện với nhiều nội dung liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị cơ sở, có những yêu cầu riêng đối với từng vùng sinh thái, vùng kinh tế - xã hội khác nhau.

Nội dung chính của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 gồm: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

1.1.1.2. Chức năng nông thôn mới

a. Chức năng sản xuất nông nghiệp hiện đại

Nông thôn là nơi diễn ra phần lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp của các quốc gia. Chức năng cơ bản của nông thôn là sản xuất dồi dào các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Khác với nông thôn truyền thống, sản xuất nông nghiệp của nông thôn mới bao gồm cơ cấu các ngành nghề mới, các điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện đại hoá, ứng dụng phổ biến khoa học kỹ thuật tiên tiến và xây dựng các tổ chức nông nghiệp hiện đại.

Chính vì vậy, xây dựng nông thôn mới không có nghĩa là biến nông thôn trở thành thành thị. Nếu áp dụng mô hình phát triển của thành thị vào xây dựng nông

thôn sẽ làm mất những giá trị tự có của nông thôn và không giữ vững, phát triển được bản sắc riêng của nông thôn.

b. Chức năng giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc

Bản sắc văn hóa làng quê cũng đồng nghĩa với bản sắc từng dân tộc, giữ gìn nó là giữ gìn văn hóa truyền thống đa dạng của các dân tộc, của từng quốc gia. Làng quê nông thôn Việt Nam khác so với các nước xung quanh, ngay cả ở Việt Nam, làng quê của mỗi dân tộc cũng khác nhau. Việc xây dựng nông thôn mới nếu như phá vỡ đi các cảnh quan làng xã mang tính khu vực đã được hình thành trong lịch sử thì cũng chính là phá vỡ đi sự hài hoà vốn có của nông thôn, làm mất đi bản sắc làng quê nông thôn. Điều này không những hạn chế tác dụng của chức năng nông thôn mà còn có tác dụng tiêu cực đến giữ gìn sinh thái cảnh quan nông thôn và cảnh quan văn hoá truyền thống.

c. Chức năng bảo đảm môi trường sinh thái

Nền văn minh nông nghiệp được hình thành từ những tích luỹ trong suốt một quá trình lâu dài, từ khi con người thích ứng với thiên nhiên, lợi dụng, cải tạo thiên nhiên, cho đến khi phá vỡ tự nhiên dẫn đến phải hứng chịu các ảnh hưởng xấu và cuối cùng là tôn trọng tự nhiên. Trong nông thôn truyền thống, con người và tự nhiên sinh sống hài hoà với nhau, chức năng người tôn trọng tự nhiên, bảo vệ tự nhiên và hình thành nên thói quen làm việc theo quy luật tự nhiên. Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá khiến con người ngày càng xa rời tự nhiên, dẫn đến những ô nhiễm trong môi trường nước và không khí. Thuộc tính sản xuất nông nghiệp đã quyết định hệ thống sinh thái nông nghiệp mang chức năng phục vụ hệ thống sinh thái. Các cảnh quan tự nhiên tươi đẹp cùng với môi trường sinh thái có thể đáp ứng được nhu cầu trở về với tự nhiên của con người. Nông thôn có thể bù đắp được những thiếu hụt sinh thái của thành thị. Môi trường tự nhiên yên tĩnh có thể điều hoà cân bằng tâm lý con người. Môi trường sinh vật phong phú khiến con người có thể cảm thụ được những điều tốt đẹp từ cuộc sống. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho các khu du lịch sinh thái xung quanh các khu đô thị ngày càng phát triển rầm rộ. Do vậy, phải nên xây dựng nông thôn mới với những đóng góp tích cực cho

sinh thái. Có thể coi chức năng sinh thái là một tiêu chí để đánh giá nông thôn mới.

Đồng thời phải phân biệt rõ không được lẫn lộn ranh giới giữa nông thôn với thành thị. Một thực tế hiện nay ở nước ta là nhiều làng quê cũng đã dần gạch hóa, bê tông hóa, đang phố hóa, từng ngày phá vỡ đi môi trường sinh thái. Đã đến lúc chúng ta phải lấy chức năng bảo vệ môi trường sinh thái làm thước đo cho sự hoàn thiện mô hình nông thôn mới ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT THEO HƯỚNG NÔNG THÔN MỚI XÃ AN THẠNH 1 HUYỆN CÙ LAO DUNG TỈNH SÓC TRĂNG (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)