Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của xã An Thạnh 1 - huyện Cù
3.2.1. Điều kiện tự nhiên
Xã An Thạnh 1 nằm ở phía Bắc huyện Cù Lao Dung, có diện tích tự nhiên 3.145,95 ha, chiếm khoảng 12% diện tích tự nhiên toàn huyện (trong đó đất sông suối và mặt nước chuyên dùng có 1.540,49 ha chiếm 48,97% diện tích tự nhiên của xã, chủ yếu là diện tích Sông Hậu). Thế mạnh của xã là nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả chiếm trên 2/3 diện tích sản xuất, còn lại là diện tích mía, rau màu vì vậy xã có nhiều tiềm năng phát triển du lịch miệt vườn.
An Thạnh 1 có vị trí khá đặc biệt, với 3 mặt giáp sông Hậu, chỉ có phía Nam giáp với xã An Thạnh Tây huyện Cù Lao Dung.
Trên địa bàn có tuyến Quốc lộ 60 đi qua đã rút ngắn khoảng cách từ Sóc Trăng đến TP.Hồ Chí Minh được hơn 100 km (qua địa bàn tỉnh Bến Tre, Trà Vinh).
An Thạnh 1 được xem là cầu nối giữa Sóc Trăng và Trà Vinh, đây là một trong những lợi thế để xã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
3.2.1.2. Địa hình, địa mạo
Địa hình toàn vùng gồm nhiều cù lao nhỏ và thấp dần ra hai phía bờ sông.
Hầu hết diện tích đều có cao độ thấp hơn đỉnh triều nên khi có triều cường, thường bị ngập và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, huyện Cù Lao Dung đã quan tâm tăng cường đầu tư nâng cấp xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao cửa sông Tả, Hữu trên toàn huyện, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và thành quả lao động của nhân dân trên địa bàn.
3.2.1.3. Khí hậu
Nằm trong vùng nhiệt đới cận xích đạo, khí hậu trong vùng có những đặc trưng chính như sau:
- Nhiệt độ trung bình năm từ 26 - 27,20C rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ.
- Nắng: Tổng giờ nắng bình quân trong năm 2.488 giờ (trung bình 6,5 giờ/ngày); tổng lượng bức xạ trung bình tương đối cao trong năm, đạt 150 - 160 Kcal/cm2/năm.
- Độ ẩm: Độ ẩm trung bình cả năm là 84% (cao nhất 89% mùa mưa, thấp nhất 79% mùa khô), cây trồng vật nuôi ít bị bệnh so với các tỉnh phía Bắc.
- Mưa: Lượng mưa trung bình 1.880 mm/năm, hàng năm lượng mưa thường tập trung vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 10, cần lưu ý trong chế độ thời kỳ đầu của mùa mưa từ tháng 5 - 8 thường có các đợt hạn ngắn. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, hầu như không mưa trong khi lượng bốc hơi cao đã dẫn tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất và sinh hoạt nhất là vùng ven biển, trong điều kiện không có nước tưới chủ động sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đặc biệt là với các loại cây ngắn ngày, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu ổn định của sản xuất.
- Gió: Nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của gió mùa, với hai hướng gió chính trong năm là gió Đông Bắc và gió Tây Nam.
Nhìn chung, nhiệt độ và ánh sáng trong năm khá ổn định, chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa trong năm không nhiều tạo điều kiện thuận lợi để thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và các loại sản phẩm nông nghiệp.
3.2.1.4. Thuỷ văn
Hệ thống thủy văn trên địa bàn xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều biển Đông với chế độ nước bán nhật triều, mặn quanh năm, truyền vào trong nội đồng theo cửa Định An và cửa Trần Đề. Theo số liệu quan trắc tại Đại Ngãi, đỉnh triều bình quân cao nhất là 160 cm (vào các tháng 10, 11), thấp nhất là 123 cm vào tháng 5, 8.
Chân triều cao nhất 24 cm (tháng 11), thấp nhất 103 cm (tháng 6), biên độ triều trung bình từ 194 – 220 cm. Kết hợp với dòng chảy sông Hậu, đặc biệt vào mùa lũ, khi lũ cao tràn về kết hợp triều cường mực nước dâng cao có khả năng tràn vào nội đồng (mực nước lớn nhất đo được tại trạm Đại Ngãi năm 1997 là 2,19 m), nhờ có hệ thống đê bờ bao chống lũ bảo vệ sản xuất và dân cư sinh sống trong vùng.
- Hệ thống kênh rạch trong vùng chằng chịt, chế độ thủy văn diễn biến phức tạp là những yếu tố cơ bản chi phối đến phương án sản xuất trong vùng.
- Chế độ thủy văn về mùa khô:
+ Chế độ nước của nguồn sông Hậu qua Châu Đốc;
+ Chế độ thủy triều biển Đông qua cửa Trần Đề và cửa Định An;
+ Hệ thống kênh rạch, công trình thủy lợi trên địa bàn xã.
- Chế độ nước mùa lũ: Mùa lũ hàng năm bắt đầu từ trung tuần tháng 7, mực nước trên sông Mêkông tăng nhanh và dòng lũ chảy về phía hạ lưu kết hợp với triều cường, gió chướng mực thủy triều dâng cao, nếu không có đê bao thì toàn bộ diện tích của xã An Thạnh 1 cũng như của huyện Cù Lao Dung bị ngập sâu dưới mực nước triều trung bình từ 0,3 – 0,5m đặc biệt có nơi đến 0,8 – 1,0m.
- Tình hình xâm nhập mặn: Toàn bộ xã An Thạnh 1 bị nhiễm mặn thông qua hệ thống sông, kênh rạch. Diễn biến xâm nhập mặn hàng năm tùy thuộc vào mùa và lưu lượng dòng chảy cửa sông MêKông. Hiện tại do mặn xâm nhập đã ảnh hưởng hạn chế đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân nhất là ở những tháng mùa khô (tháng 3 – 5).
3.2.1.5. Các nguồn tài nguyên a. Tài nguyên đất
Xã An Thạnh 1 có diện tích tự nhiên 3.145,95 ha, chiếm khoảng 12% diện tích tự nhiên toàn huyện. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu xây dựng bản đồ đất của Hội Khoa học đất Việt Nam và trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát bổ sung tài nguyên đất huyện Cù Lao Dung của Bộ môn Khoa học Đất, trường Đại học Cần Thơ năm 2003 cho thấy, hầu hết các nhóm đất đều có chứa vật liệu sinh phèn nằm bên dưới, đất có thành phần cơ giới nặng (hàm lượng sét cao), thoát nước kém, vẫn còn sự bồi tụ khi ngập triều nên độ phì khá cao. Kết quả khảo sát đã phân lập ra 2 loại đất chính như sau:
- Nhóm đất phèn tiềm tàng trung bình nhiễm mặn thời kỳ (hs.pen-m.th.Fl):
Sự phân hóa các loại hình khác nhau trên nhóm đất này dựa trên cơ sở mức độ ảnh hưởng mặn theo thời kỳ, phân bố hầu hết các vùng đất của xã An Thạnh 1 với khoảng 1.349,43 ha (42,89%), được hình thành và phát triển đầm mặn cổ, ven biển, các tầng bên dưới thường là tầng sét pha thịt mịn hoặc sét pha cát, có màu xám hồng lẫn ít trầm tích biển để lại. Độ phì tự nhiên trung bình khá, phản ứng đất trung tính đến chua, khả năng thoát nước khá, độ sâu xuất hiện tầng sinh phèn nông độ sâu từ 50 – 80cm. Giải pháp sử dụng của loại đất này: Quản lý nguồn nước để rửa mặn và phèn, cung cấp cho cây trồng. Cần phải có hệ thống thủy lợi để sử dụng trong phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
- Nhóm đất xáo trộn, lên liếp:
Đất nhân tác là đất hình thành do tác động của con người. Tầng đất do con người tạo ra như đào đắp, cày bừa, tưới tiêu, cải tạo phải dày từ 50cm trở lên. Đất nhân tác trên địa bàn xã chủ yếu là đất thổ quả. Diện tích chiếm khoảng 8,97%
(282,3 ha). Loại đất nhân tác trên địa bàn xã đang được sử dụng vào mục đích thổ cư và trồng cây màu, cây ăn trái.
b. Tài nguyên nước
- Nguồn nước mặt: Xã có nguồn nước mặt rất dồi dào nhưng bị hạn chế sử dụng do thường bị nhiễm mặn vào mùa khô với nồng độ mặn và thời gian xâm nhập mặn tăng dần theo hướng ra cửa biển.
- Nước ngầm: Theo bản đồ phân bố nước ngầm toàn Đồng bằng sông Cửu Long, xã An Thạnh 1 nằm trong khu vực có nước ngầm phong phú:
+ Nước ngầm mạch sâu từ 100 – 180 m, trữ lượng 350.000 m3/ngày đêm, chất lượng nước tốt, có khả năng khai thác phục vụ sinh hoạt và sản xuất;
+ Nước ngầm mạch nông từ 5 – 30 m lưu lượng phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nước bị ô nhiễm mặn vào mùa khô.
c. Tài nguyên nhân văn
Về thành phần dân tộc trên địa bàn xã An Thạnh 1, người Kinh chiếm đa số, ngoài ra còn có người Khơmer. Với những nét đặc trưng riêng biệt về tập quán sinh hoạt của mỗi cộng đồng dân tộc đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hoá của xã.
Với truyền thống của dân tộc, truyền thống cách mạng, người dân An Thạnh 1 cần cù sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, từng bước khắc phục khó khăn, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, thành quả đạt được, xã An Thạnh 1 có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
3.2.1.6. Thực trạng môi trường
Cảnh quan xã An Thạnh 1 mang nét đặt trưng vùng đồng bằng sông nước với hệ thống kênh rạch chằn chịt, những ruộng mía thẳng tắp xen lẫn một số đất vườn cùng với các tuyến dân cư phân bố dọc theo các trục giao thông và kênh rạch tạo nên bức tranh thiên nhiên thanh bình của vùng đồng bằng sông nước.
Trên địa bàn xã, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, chủ yếu là cơ sở tiểu thủ công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên ít tác động đến môi trường. Môi trường và cảnh quan thiên nhiên của xã bị ảnh hưởng của quá trình sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các chất thải sinh hoạt.
Các hoạt động khai thác chế biến thủy hải sản, giao thông vận tải hàng hóa bằng đường thuỷ qua các cửa Trần Đề, Định An và các kênh rạch trong vùng đã thải vào môi trường không ít chất thải là một phần ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường
đất, nước của khu vực. Để phát triển bền vững, cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái và khuyến khích người dân thay đổi nếp sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong gia đình và cộng đồng.
Phát huy các điều kiện thuận lợi, từng bước khắc phục những khó khăn, xã An Thạnh 1 quyết tâm xây dựng xã phát triển để đạt các tiêu chí nông thôn mới phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương mình.