Đánh giá tiềm năng đất đai

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT THEO HƯỚNG NÔNG THÔN MỚI XÃ AN THẠNH 1 HUYỆN CÙ LAO DUNG TỈNH SÓC TRĂNG (Trang 90 - 93)

Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.4. Đánh giá tiềm năng đất đai

3.4.1. Xác định và lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá tiềm năng đất đai phù hợp với từng loại đất, mục đích sử dụng đất

Đất đai là một trong những yếu tố cơ bản để phát triển các ngành kinh tế - xã hội. Mức độ ảnh hưởng của đất đai đến sự phát triển của các ngành có thể khác nhau. Việc đánh giá đúng tiềm năng đất đai về lượng và chất theo khả năng thích nghi với từng mục đích sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó định hướng cho việc sử dụng đất đai hợp lý, có hiệu quả cao với các thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá tiềm năng đất đai là xác định diện tích đất đai thích hợp với từng mục đích sử dụng trên cơ sở các đặc điểm tự nhiên của đất đai và các mối quan hệ trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi ngành có những yêu cầu riêng về đất đai do vậy chỉ tiêu để đánh giá tiềm năng đất đai cho mỗi ngành không giống nhau. Việc đánh giá đất đai về mặt lượng và chất theo khả năng thích hợp đối với từng mục đích sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng tạo ra những căn cứ nhằm định hướng cho việc sử dụng đất trên cơ sở khai thác quỹ đất đai hợp lý, có hiệu quả, phù hợp với các thời kỳ phát triển kinh tế của địa phương.

3.4.2. Tiềm năng đất đai để phát triển các ngành

Do trên địa bàn xã An Thạnh 1 chỉ có 02 nhóm đất chủ yếu là đất phù sa bị nhiễm mặn và đất lên liếp. Trong quá trình đánh giá thích nghi đất đai, tác giả không đi sâu vào phân tích tính thích nghi mà chỉ đánh giá ở mức độ có phù hợp hay không phù hợp với các loại cây trồng nông nghiệp. Đối với đất phi nông nghiệp đánh giá ở mức độ có đáp ứng được nhu cầu bố trí công trình cơ sở hạ tầng theo tiêu chí về nông thôn mới.

3.4.2.1. Đánh giá tiềm năng đất đai để phục vụ sản xuất nông nghiệp Quá trình sản xuất nông nghiệp liên quan chặt chẽ với các yếu tố tự nhiên như đặc điểm thổ nhưỡng, tính chất nông hóa, đặc điểm khí hậu. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp còn phụ thuộc vào việc bố trí hợp lý các cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, tạo vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá. Mặt khác những tác động của thị trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp.

Đặc điểm khí hậu của xã mang tính chất khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, nền nhiệt cao, lượng mưa lớn, ít có biến động lớn về thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ.

Đặc điểm thổ nhưỡng: Xã An Thạnh 1 là vùng đất cồn, được bồi tụ phù sa sông và sông biển hỗn hợp tạo ra vùng đất có nhiều tiềm năng. Diện tích đất phù sa nhiễm mặn 1.349,43 ha và 282,3 ha đất liên liếp thích hợp với các loại cây ngắn ngày, cây ăn quả.

Đặc điểm thủy văn: Nằm ở vùng cửa sông với hệ thống kênh rạch chằng chịt thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản cũng như đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên khu vực bị nhiễm mặn nên hạn chế sản xuất nông nghiệp đặc biệt là các tháng mùa khô.

Với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn của vùng, đất đai thích nghi cao với 4 mô hình: cây ăn trái, chuyên màu, chuyên mía, thủy sản lợ. Hiện nay hệ thống đê bao xây dựng kiên cố đã khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, ngập lụt góp phần ổn định mùa màng, đa dạng hóa cây trồng, nâng cao khả năng khai thác đất đai của vùng.

Hiện tại diện tích đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp chiếm 42,50% diện tích tự nhiên; trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 1.308,71 ha, nuôi trồng thuỷ sản 26,79 ha. Quỹ đất để phát triển nông nghiệp dựa trên việc khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có thông qua việc bố trí hợp lý các mô hình sản xuất cũng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, tận dụng diện tích kênh rạch góp phần tăng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Xuất phát từ điều kiện khí hậu, khả năng thích nghi của đất đai, cơ cấu sử dụng đất cho thấy xã có tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp của xã có thể phát triển theo 03 khu vực:

+ Khu vực đầu cồn của xã có nước ngọt, đất có tầng phèn sâu, hệ thống đê bao hoàn chỉnh nên bố trí các loại cây ăn trái. Trong hệ thống mương vườn có thể kết hợp với nuôi cá và tôm càng xanh (phân bố tại ấp An Thường).

+ Khu vực phía Nam giáp xã An Thạnh Tây là vùng có nước ngọt nhưng đất có chứa tầng sinh phèn tiềm tàng nông nên chủ yếu là phát triển mía.

+ Khu vực đất và bãi bồi ngoài đê tả - hữu phát triển nuôi trồng thủy sản lợ, trồng cây ăn quả.

3.4.2.2. Đánh giá tiềm năng đất đai để phục vụ cho việc phát triển công nghiệp, xây dựng khu dân cư nông thôn

Đánh giá tiềm năng đất đai cho mục đích phi nông nghiệp cần đánh giá tổng quát các yếu tố: vị trí, đặc điểm địa hình, địa chất, tình hình phát triển kinh tế xã hội, nguồn nhân lực, chính sách đầu tư phát triển, điều kiện cơ sở hạ tầng.

Về vị trí địa lý: An Thạnh 1 là một xã cửa ngõ của huyện Cù Lao Dung, ba phía của xã bị bao bọc bởi sông Hậu, có Quốc lộ 60 đi qua, hai bến phà liên tỉnh và có lộ trung tâm nối liền đến xã An Thạnh Nam... xã có điều kiện phát triển các chợ đầu mối nông sản, phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản từ các sản phẩm của địa phương, của huyện cũng như xã ven biển thuộc huyện Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh đó, An Thạnh 1 cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch miệt vườn.

+ Về địa hình, địa chất: Xã tuy có địa hình bằng phẳng nhưng bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt. Bên cạnh đó, do được hình thành do quá trình lắng đọng phù sa hàng nghìn năm nên nền địa chất không ổn định, cường độ chịu nén thấp, khó khăn trong việc xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp có quy mô lớn.

+ Về cơ sở hạ tầng: Hệ thống giao thông đang được đầu tư hoàn thiện như chưa đồng bộ. Các cơ sở hạ tầng khác như năng lượng, thông tin liên lạc còn chậm phát triển.

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT THEO HƯỚNG NÔNG THÔN MỚI XÃ AN THẠNH 1 HUYỆN CÙ LAO DUNG TỈNH SÓC TRĂNG (Trang 90 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)