Lĩnh vực An ninh – Quốc phòng

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của trung quốc đối với khu vực đông nam á dưới thời tập cận bình (Trang 109 - 115)

Chương 3: Những tác động của chính sách đối ngoại Trung Quốc đối với

3.1. Cơ hội và thách thức đối với khu vực Đông Nam Á

3.1.3. Lĩnh vực An ninh – Quốc phòng

Tham vọng về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc không thay đổi, Trung Quốc luôn coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình. Vì vậy, phía Bắc Kinh ngày càng tăng cường tiềm lực quốc phòng, đẩy mạnh quân sự hóa các thực thể chiếm đóng ở Biển Đông, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định và kích thích chạy đua vũ trang ở khu vực; gây khó khăn lớn hơn cho việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của những nước có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, liên kết lỏng lẻo và tính không cam kết trong quan hệ của các nước thành viên trong khối ASEAN đã trở thành điểm yếu để các cường quốc lợi dụng để thực hiện phương thức “chia để trị” đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược. Điểm yếu này, vô hình chung rất phù hợp với phương châm đối ngoại của Trung Quốc, vì ưu tiên của nước này trong đối thoại quốc tế là song phương, mặc dù Trung Quốc luôn nêu cao tinh thần ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Sự đối lập giữa những cam kết với hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm các nước trong khu vực thêm nghi ngờ chiến lược “phát triển hòa bình” và “ngoại giao hài hòa” của Bắc Kinh. Nhiều nước ASEAN nhìn nhận an ninh Đông Nam Á và an ninh quốc gia của họ bị đe dọa trước quá trình hiện đại quân sự nhanh chóng nhưng thiếu minh bạch của Trung Quốc. Tình huống tiến thoái lưỡng nan về an ninh xảy ra ở khu vực và kết quả chi tiêu quân sự ở Đông Nam Á tăng vọt, có thể dẫn đến tình trạng chạy đua vũ trang giữa các quốc gia trong khu vực, nhằm tìm kiếm sự an toàn về mặt chiến lược, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Điều đáng nói, các nước ASEAN đều không muốn phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, không muốn các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề nội bộ của mình. Điều mà các quốc gia ở khu vực cần là một Trung Quốc thực sự phát triển hòa bình, có thái độ hợp tác và có trách nhiệm từ phía chính quyền Bắc Kinh.

Nhưng đáp lại sự kỳ vọng của các nước Đông Nam Á, chính sách nước đôi của Trung Quốc trong các vấn đề về an ninh cũng như thái độ cứng rắn trong lập luận bảo vệ “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc tuyên bố sẽ sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong bối cảnh đó, ASEAN buộc phải giảm thiểu rủi ro bằng cách tìm kiếm sự bảo đảm của các cường quốc bên ngoài khu vực. Tuy nhiên, bất kỳ một sự liên minh hay liên kết nào với các cường quốc bên ngoài cũng sẽ đẩy các nước ở khu vực vào thế tiến thoái lưỡng nan. Vì, so với sức ảnh hưởng về mặt quốc phòng ngày càng tăng, thì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thực sự có tác động sâu sắc đến nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, Trung Quốc luôn muốn loại trừ sự ảnh hưởng của các cường quốc nhất là Mỹ ra khỏi Đông Nam Á, mặc dù các quốc gia ở khu vực này mong muốn sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ để kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc ở khu vực. Đồng thời, hình ảnh của chính phủ Trung Quốc trong nhận thức của người dân các nước ở khu vực này đang ngày càng suy giảm hơn so với Mỹ vì những động thái của Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp biển, đảo, hay vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông, Tân Cương. Vì vậy, ASEAN cần nâng cao vai trò trung tâm ASEAN của mình trong việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực dựa trên nguyên tắc hợp tác, hòa bình, ổn định, thịnh vượng, thay vì phụ thuộc vào một bên thứ ba nào khác.

3.2. Triển vọng và thách thức trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á ở tương lai

Năm 2021 đánh dấu 30 năm ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối thoại, với quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc thời gian qua, đã có những cơ hội cũng như thách thức trong quan hệ của các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cũng như Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc thời gian đến sẽ có những đặc điểm sau:

Một là, về tổng thể, mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN và Trung Quốc ngày càng chặt chẽ và sâu sắc hơn, trong đó các nước thành viên ASEAN ủng hộ đối với đề xuất của Trung Quốc về việc nâng cấp quan hệ ASEAN – Trung Quốc lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Đây là bước ngoặt mới cho mối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN, với mục tiêu thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định chính trị khu vực; xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực chung đã tồn tại trong mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc kể từ năm 1991, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, các nguyên tắc và luật pháp quốc tế đã được công nhận. Tuy nhiên, việc Trung Quốc liên tục không tuân theo DOC khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á trở nên căng thẳng, ngờ vực mục tiêu chính trị lẫn nhau. Dẫn đến niềm tin của các nước ở khu vực đối với các cam kết của Trung Quốc về việc đảm bảo ổn định an ninh khu vực trở nên suy yếu.

Hai là, về hợp tác an ninh – chính trị, Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường cam kết, độ tin cậy và hiểu biết chung thông qua đối thoại song phương cũng như đa phương thông qua tổ chức ASEAN. Việc xây dựng lòng tin và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, an ninh phi truyền thống và các thách thức xuyên biên giới của Trung Quốc đối với các quốc gia ASEAN có thể sẽ gặp trở ngại bởi chính những lợi ích cốt lõi mà quốc gia này hướng đến. Vì Trung Quốc sẵn sàng đối đầu trực diện nếu các quốc gia này vi phạm đến những giá trị cốt lõi mà phía chính phủ Bắc Kinh bảo vệ.

Ngoài ra, bằng những tuyên bố thì Trung Quốc luôn cam kết duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và củng cố hợp tác khu vực, hợp tác an ninh nhằm duy trì một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như EAS, ARF, ADMM+. Đưa ra cam kết về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trên Biển Đông. Tuy nhiên, thách thức của Trung Quốc chính là việc đảm bảo các cam kết này được thực

thi, mà không phải là những hành động bành trướng, vi phạm các cam kết về biển mà Trung Quốc đang triển khai.

Ba là, về hợp tác kinh tế, trên nền tảng những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, hai bên tiếp tục làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế và tăng cường kết nối thương mại, thúc đẩy đầu tư, du lịch thông qua việc triển khai ACFTA. Đồng thời, tận dụng RCEP để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, tạo dựng mối liên kết sâu sắc hơn trong lĩnh vực kinh tế.

Bốn là, về hợp tác văn hóa - xã hội, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ thông tin. Tăng cường giao lưu nhân dân thông qua các cơ chế đã thiết lập, thúc đẩy thành lập mạng lưới các thành phố kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố của ASEAN và Trung Quốc.

Có thể thấy, quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài trong 30 năm với nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt trong 18 năm kể từ khi hai bên nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược (2003-2021). Hợp tác ASEAN - Trung Quốc đã và đang đi vào chiều sâu, đem lại kết quả phù hợp với mong muốn và có lợi đối với cả hai bên; góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và duy trì, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN. Đây là nền tảng thuận lợi để hai bên tiếp tục đưa quan hệ đối thoại hữu nghị và hợp tác lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh cách tiếp cận của Trung Quốc là nguyên nhân cơ bản khiến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp khác trở nên căng thẳng. Sự bành trướng của Trung Quốc mở rộng trên biển, trên đất liền, và tăng cường hiện diện ở tất cả các nơi có tiềm năng lợi ích về tài nguyên, dầu mỏ, địa chính trị, cho Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc rất tích cực trong việc tăng cường sức mạnh mềm và ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế, nhưng quá trình triển khai gặp không ít khó khăn do sự nghi ngờ của nhiều nước đối với ý đồ của Trung Quốc tại các thể chế đa phương và cách hành xử thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong thực thi các yêu sách chủ quyền lãnh thổ. Không những các nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc ở Đông Nam Á lên tiếng phản đối và ngờ vực với mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông, mà bao gồm cả các quốc

gia trên thế giới cũng chỉ trích các hoạt động “quân sự hóa” Biển Đông của Trung Quốc. Đơn cử, vấn đề Biển Đông lần đầu tiên được đề cập trong Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 20 (7-2018) với nội dung “EU hoan nghênh Trung Quốc và các nước ASEAN tiến hành thương lượng nhằm đạt được COC có hiệu lực, kêu gọi các bên liên quan triển khai đối thoại, giải quyết tranh chấp hòa bình, không áp dụng các hành vi khiến tình hình căng thẳng”. (Nguyễn Hữu Cát, 2018)

Ngoài ra, thách thức lớn nhất trong mối quan hệ Trung Quốc và Đông Nam Á, còn xuất phát từ nhân tố bên ngoài, đó là Mỹ.

Mặc dù chính sách xoay trục – một trong những nội dung chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Obama đã bị thay thế bởi khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”

dưới thời cựu tổng thống D.Trumpt. Tuy nhiên, với sự trở lại chính sách Xoay trục Châu Á phiên bản 2.0 dưới thời tổng thống Biden sẽ là một thách thức đối với Bắc Kinh. Về phía Bắc Kinh luôn coi mục tiêu “xoay trục” này của Mỹ là phương thức kiềm chế Trung Quốc; tuy nhiên với Chính sách xoay trục Châu Á của mình, Mỹ muốn chứng tỏ rằng, cho dù Mỹ rút quân khỏi Iraq, hay Afghanistan, thì Mỹ sẽ không từ bỏ trách nhiệm và không bỏ rơi các đồng mình của mình. Ngoài việc phân phối lại hạm đội Mỹ, mục tiêu “xoay trục” của Mỹ là tăng cường phối hợp với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Singapore, hợp tác với Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Myanmar, đẩy mạnh các mối quan hệ tích cực với Trung Quốc và củng cố cam kết với các tổ chức khu vực ASEAN, EAS. Đồng thời, những căng thẳng giữa Trung Quốc và các bên có yêu sách trong vùng Biển Đông, đằng sau cái gọi là bảo vệ lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh, với ý đồ bá chủ Biển Đông sẽ càng ngày đẩy các nước này xích lại gần Hoa Kỳ.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ xét lại mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai nếu sự bành trướng của Trung Quốc ngày càng trở nên vô lý và bất chấp luật quốc tế.

* Tiểu kết chương 3

Với những chính sách đối ngoại mà Trung Quốc đang triển khai ở khu vực Đông Nam Á, chắc chắn đây là cơ hội để các nước trong khu vực phát triển kinh tế

cũng như cơ sở hạ tầng quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội vẫn tồn tại những thách thức tiềm ẩn bên trong những chính sách này, ví như ngoại giao bẫy nợ trong các dự án BRI, sự can thiệp của Trung Quốc vào chính trị nội bộ với những điều khoản ràng buộc về đầu tư hoặc sự mất đoàn kết bên trong của khối ASEAN vì những mâu thuẫn lợi ích do phía chính phủ Trung Quốc tác động. Vì vậy, các nước ASEAN cần nâng cao năng lực quản trị công để tránh các bẫy ngoại giao mà phía Trung Quốc đã áp dụng lên đối với các nước nhận đầu tư từ Trung Quốc.

Mặt khác, trong quan hệ Trung Quốc và Đông Nam Á vẫn còn nút thắt chưa được tháo gỡ, từ vấn đề Biển Đông cũng như các vấn đề chính trị nội bộ với từng nước.

Vì vậy, nếu Trung Quốc không thay đổi phương thức ngoại giao và cách hành xử trong các vấn đề quốc tế, thì sẽ càng đẩy các nước ở khu vực Đông Nam Á xích về phía Mỹ hơn.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của trung quốc đối với khu vực đông nam á dưới thời tập cận bình (Trang 109 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)