CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Truyền thông trong quan hệ quốc tế
1.1.2. Vai trò của truyền thông trong quan hệ quốc tế
Truyền thông và quan hệ quốc tế là hai chuyên ngành riêng biệt và có những cách tiếp cận khác nhau, có lý thuyết nghiên cứu khác nhau. Trong lịch sử nghiên cứu đã có nhiều học giả nghiên cứu vai trò của truyền thông trong quan hệ quốc tế với nhóm lý thuyết về truyền thông và cũng không ít người chọn cách tiếp cận vấn đề này với lý thuyết của ngành quan hệ quốc tế. Công trình xin được giới thiệu một vài cách lý giải vấn đề theo hai cách tiếp cận này.
Thứ nhất, vai trò của truyền thông trong quan hệ quốc tế dưới cách tiếp cận các lý thuyết truyền thông
Lý thuyết các hệ thống (systems theories)
Vào năm 1933, trong tác phẩm Modern Theories of Development (Những lý thuyết hiện đại về sự phát triển), nhà sinh học Ludwig von Bertalanffy đã trình bày những cơ sở đầu tiên của “Lý thuyết các hệ thống” (systems theories). Những nguyên lý của lý thuyết này đã cung cấp một công cụ được sử dụng cho các mục tiêu chiến lược trong Chiến ranh Thế giới thứ Hai. Bertalanffy sử dụng thuật ngữ “chức năng” để gọi các tiến trình sống hoặc hữu cơ xét trong giới mà chúng góp phần duy trì cơ thể. Lý thuyết hệ thống và lý thuyết chức năng luận vì thế có cùng chung khái niệm nền tảng, đó là khái niệm “chức năng”, dùng để nhấn mạnh sự vượt trội của tổng thể đối với các bộ phận. Mong muốn của nhà nghiên cứu là làm sao có thể làm rõ được tính tổng thể và những mối liên hệ, tương tác giữa các yếu tố bên trong và nắm được tính phức tạp của các hệ thống xét như một tổng thể bao gồm các mối liên hệ phức tạp và luôn biến
đổi. Ngành khoa học chính trị là một trong những ngành đầu tiên ứng dụng lý thuyết hệ thống để lý giải các vấn đề liên quan đến truyền thông đại chúng. Theo đó, đời sống chính trị cũng được xem như một hệ thống có nhập lượng (input) và xuất lượng (output), có hành động (action) và hồi đáp (retroaction) vốn được định hình bởi những tương tác với môi trường. Hệ thống này phản ứng với môi trường bằng cách ít nhiều thích nghi với môi trường đó. Một tác phẩm nổi tiếng theo hướng tiếp cận lý thuyết hệ thống là A Framework for Political Analysis (Một khung lý thuyết phân tích chính trị) của David Easton (1965). Tác phẩm này đánh giá về tầm quan trọng của thông tin khi xem xét nó như một công cụ cho lĩnh vực nghiên cứu đối chiếu về các hình thái chính trị. Các nhà lý thuyết về truyền thông đại chúng và về công luận đã phát hiện ra giá trị của mô hình hệ thống và áp dụng nó vào các công trình nghiên cứu về quá trình hình thành các quyết định chính trị (được trích dẫn bởi Armand và Michèle Mattelart, người dịch Hồ Thị Hòa, 2018, tr.83). Một trong những hướng nghiên cứu ứng dụng ấy là tìm hiểu về những nhân tố quyết định trong Chiến tranh lạnh như sự cân bằng quyền lực, an ninh tập thể và chính quyền toàn cầu. Lý thuyết hệ thống cũng có ảnh hưởng đến một số hướng nghiên cứu khác có liên quan đến bối cảnh quốc tế ví dụ như việc nhà nghiên cứu Melvin De Fleur lấy lý thuyết hệ thống này để bổ túc cho mô hình tuyến tính của Shannon2 thông qua việc nhấn mạnh vai trò của sự phản hồi (feedback) trong hệ thống xã hội bao gồm các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung. Theo Fleur (1966): “Mỗi phương tiện truyền thông đại chúng là một hệ thống xã hội độc lập, nhưng tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng đều có những mối liên hệ giữa chúng với nhau một cách có hệ thống” (được trích dẫn bởi Armand và Michèle Mattelart, người dịch Hồ Thị Hòa, 2018, tr.84). Ông cho rằng mỗi một phương tiện truyền thông đại chúng có hai tiểu hệ thống (sub – systems) phụ trách việc sản xuất và phân phối. Mỗi tiểu hệ thống lại bao gồm hàng loạt các tác nhân (như phóng viên, biên
2 Claude Elwood Shannon (sinh năm 1916) là nhà nghiên cứu người Mỹ đã đề xuất sơ đồ về “hệ thống truyền thông tổng quát”. Theo ông, vấn đề của hệ thống truyền thông là tái hiện lại ở một điểm nào đó, một cách chính xác hoặc gần chính xác, một thông điệp đã được lựa chọn ở một điểm khác.
tập viên, nhà quảng cáo....) với những hệ thống vai trò (role systems) khác nhau. Chính việc duy trì sự cân bằng của hệ thống là điều kiện chi phối nội dung của truyền thông.
Ví dụ như nội dung của bản tin sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng giữa vai trò của phóng viên đưa tin, biên tập viên chọn lọc và người quản lý kiểm duyệt tin. Dưới lý luận của
“Lý thuyết các hệ thống”, các sự kiện chính trị nói riêng có thể được xem như một hệ thống nhỏ trong hệ thống lớn hơn đó là hệ thống quan hệ quốc tế; trong hệ thống quan hệ quốc tế thì truyền thông cũng có thể được xem là một hệ thống nhỏ tồn tại bên trong đó nhưng vẫn có sự độc lập nhất định. Như vậy, với “lý thuyết các hệ thống” này, một sự kiện/ hiện tượng trong quan hệ quốc tế có thể được phản ánh bởi các hệ thống nhiều phương tiện truyền thông của mỗi quốc gia và cả quốc tế, mà trong đó, mỗi phương tiện truyền thông sẽ là một hệ thống vừa có thể sản xuất, vừa có thể phân phối các tin tức liên quan đến những sự kiện/hiện tượng trong quan hệ quốc tế này. Hay nói cách khác, vai trò của truyền thông theo lý thuyết này vừa tham gia như một chủ thể trong quan hệ quốc tế, vừa là một hệ thống độc lập có thể phản ánh đời sống quan hệ quốc tế.
Lý thuyết “viên đạn thần kỳ” (Magic bullet theory) hay mô hình “mũi kim tiêm dưới da” (Hypodermic needle theory)
Một lần nữa, cái tên Harold Lasswell được nhắc đến như một trong những nhà khoa học chính trị và truyền thông hàng đầu của Hoa Kỳ với việc đưa ra lý thuyết
“viên đạn thần kỳ” (magic bullet) hay mô hình “mũi kim tiêm dưới da” (hypodermic needle) vào những năm 1930. Hình ảnh ẩn dụ về “mũi kim tiêm” cho thấy khả năng truyền dẫn một loại “thuốc” để điều trị những thông tin sai lệch mà có thể mang đến bệnh tật cho sức khỏe cộng đồng, ngoài ra “viên đạn thần kỳ” còn mang tính cảnh báo thậm chí có thể xử lý những nguồn tin sai lệch ấy. Lý thuyết này nhấn mạnh vai trò của truyền thông đối với nhận thức, thái độ và hành vi của cá nhân. Theo đó, truyền thông có thể được sử dụng giúp cho công chúng tránh được các chiến dịch tuyên truyền với mục đích không tốt của đối phương. Nguyên lý của lý thuyết này có thể áp dụng cho
việc phản ánh thông tin liên quan đến các vấn đề quốc gia và quốc tế. Truyền thông có thể giúp chống lại tuyên truyền của đối phương bằng cách cung cấp thông tin trung thực, làm suy yếu ảnh hưởng của thông tin sai lệch. Đây là công cụ để bảo vệ quan điểm và lợi ích quốc gia. Nếu được sử dụng một cách hiệu quả thì truyền thông chính là công cụ giúp xây dựng hình ảnh và uy tín quốc tế của một quốc gia, tạo ảnh hưởng đến quan hệ và chính sách đối ngoại.
Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự (Agenda setting theory)
Năm 1963, Bernard Cohen3 đã nhận định rằng truyền thông đại chúng có thể không trực tiếp tạo ra dư luận xã hội nhưng lại có thể thiết lập chương trình nghị sự (agenda setting) cho dư luận xã hội. Lý thuyết này sau đó được hoàn thiện bởi Maxwell Mccombs và Shaw vào năm 1972. Theo đó, truyền thông không chỉ cho công chúng biết về sự việc, mà còn cho công chúng biết họ nên nghĩ như thế nào về điều đó. Giả thuyết về khả năng thiết lập chương trình nghị sự của truyền thông của McCombs và Shaw tiếp tục được hai ông thử nghiệm trong các nghiên cứu về cuộc tranh cử tổng thông Mỹ năm 1976. Các nghiên cứu kết luận rằng, truyền thông thành công tuyệt đối trong việc nêu ra vấn đề để công chúng phải quan tâm nhưng không mấy thành công trong việc định hướng công chúng “nghĩ như thế nào” về những sự kiện đó. Công chúng thông thường là những người sẽ bị truyền thông tác động tới cách nghĩ của họ nhất bởi vì họ có nhu cầu sử dụng truyền thông để tìm hiểu tin tức). Trong khi đó, những người không có nhu cầu thực sự về thông tin mà chỉ bị thu hút bởi sự tò mò thì không chịu sự chi phối của truyền thông. Vào cuối những năm 1995, lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự tiếp tục được nghiên cứu bổ sung. McCombs và Shaw đã bác bỏ luận điểm về sự hạn chế trong thiết lập chương trình nghị sự của truyền thông trước đó.
Hai ông khẳng định lại rằng, “truyền thông không chỉ nói cho chúng ta nghĩ về điều gì, mà còn nói cho ta biết cách nghĩ và nghĩ như thế nào về điều đó, thậm chí làm gì với
3 Bernard Cohen (1914-2003) là giáo sư môn lịch sử các ngành khoa học của Đại học Harvard.
nó nữa” (Griffin, 2006, tr.366). Không chỉ có khả năng thiết lập chương trình nghị sự, mà truyền thông còn ảnh hưởng đến quan điểm, thái độ và hành vi của công chúng thông qua cách “đóng khung” nhận thức. Quá trình đó được thực hiện bằng cách chọn một thông tin để đưa, sau đó chọn cách truyền đạt, đăng tải sao cho nó dần nổi bật hơn, dần dần sẽ tạo thành một ấn tượng trong nhận thức người xem. Một số quan điểm khác đặt ngược vấn đề về sự quan tâm của công chúng (public agenda) có tác động tới mối quan tâm của truyền thông (media agenda) hay không? Hai nhà nghiên cứu Roger và James Dearing cho rằng, ngoài chương trình nghị sự của công chúng và truyền thông thì còn có chương trình nghị sự do chính phủ và các nhà hoạch định chính sách thực hiện. Sau đó, khái niệm “Xây dựng chương trình nghị sự” (agenda building) đã được Roger và James Dearing đưa ra để thay thế cho “Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự”. Theo đó, các nhân tố thực tế xã hội - truyền thông - công chúng - nhà hoạch định chính sách là các nhân tố luôn tương tác và phản ánh các mối quan tâm chung. Trong quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay, truyền thông vừa đóng vai trò khởi xướng, vừa dẫn dắt mối quan tâm chung của toàn cầu. Những chương trình nghị sự mà truyền thông thiết lập ấy cũng đòi hỏi sự chung tay hành động của tất cả các chủ thể trong quan hệ quốc tế.
Thứ hai, vai trò của truyền thông trong quan hệ quốc tế dưới cách tiếp cận các lý thuyết quan hệ quốc tế
Thuyết tự do
Thuyết tự do có nguồn gốc triết học từ tư tưởng chính trị của John Locke, Immanuel Kant và Adam Smith. Theo thuyết này, thương mại tự do tạo ra mạng lưới thương mại giữa các quốc gia, điều đó sẽ kéo theo việc thông tin liên lạc được tăng cường, làm xói mòn chủ nghĩa hẹp hòi và khuyến khích hai phía tránh những va chạm tai hại. Theo đó, khi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng có thể dẫn đến mức độ hợp tác cao hơn, mà sau này làn sóng mới của thuyết tự do, được biết đến
dưới tên chủ nghĩa tự do mới cho rằng các quốc gia cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình một cách tuyệt đối thông qua hợp tác để làm tăng lợi ích chung. Bên cạnh việc tăng cường sự hợp tác bằng cách cung cấp thông tin về mong muốn của những nước khác thì các thể chế cũng ngăn chặn các động cơ bội ước bằng cách giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận. Mặc dù không trực tiếp chỉ ra vai trò của truyền thông trong chính trị quốc tế, nhưng thuyết tự do đã gián tiếp cho thấy vai trò của truyền thông khi công nhận vai trò của các chủ thể phi quốc gia như các tổ chức quốc tế, các công ty xuyên quốc gia và sức mạnh khác ngoài sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế. Khi các chủ thể phi quốc gia tham gia nhiều hơn vào quan hệ quốc tế, điều này sẽ tác động đến sự thay đổi của chính trị quốc tế. Ngoài ra, thuyết tự do còn nhấn mạnh đến vấn đề tự do tư tưởng và mối quan hệ với dân chủ. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của “thuyết dòng chảy thông tin tự do”(free flow of information Khái niệm “dòng chảy tự do” xuất hiện ở các nước phương Tây sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai khi mà truyền thông quốc tế trở thành một phần trong cuộc chiến tranh này. Lý thuyết này phản ánh quan điểm truyền thông ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nhằm hạn chế việc quản lý và kiểm duyệt của nhà nước đối với truyền thông cũng như sử dụng truyền thông cho mục đích tuyên truyền. Như vậy, theo quan niệm của thuyết tự do, truyền thông cũng được xác định là một chủ thể phi quốc gia trong quan hệ quốc tế, đồng thời truyền thông cũng được xem là một nguồn lực tạo nên sức mềm của chủ thể quốc gia.
Thuyết kiến tạo
“Thuyết kiến tạo” là trường phái lý thuyết được nhắc nhiều sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Theo quan điểm của các nhà kiến tạo, những đặc trưng cốt lõi của quan hệ quốc tế được hình thành trên cơ sở thương lượng hay thỏa thuận mang tính xã hội. Nói cách khác, chính các khế ưóc xã hội đã tạo nên các đặc tính của quan hệ quốc tế. Theo, A. Went - một trong những nhà kiến tạo thì:
“1) Cộng đồng người được tổ chức chủ yếu dựa trên kết cấu của sự tương đồng về giá trị và tư tưởng, chứ không bởi lực lượng vật chất; 2) Mục tiêu và lợi ích mà các chủ thể quan hệ quốc tế theo đuổi, vốn không xuất phát từ bản chất vị kỷ tự nhiên của con người mà từ những giá trị, ý tưởng mang tính chia sẻ của các chủ thể tham dự quan hệ quốc tế (Phạm Thái Việt, 2021, tr.48)”.
Thuyết kiến tạo đề cao vai trò của bản sắc và các giá trị cốt lõi của xã hội. Mỗi quốc gia có một bản sắc riêng, tức là cách mà quốc gia đó nhận thức về chính mình. Từ nhận thức đó mỗi quốc gia sẽ định hình các mục tiêu mà mình theo theo đuổi, chẳng hạn như an ninh, chính sách đối ngoại hay phát triển kinh tế. Các quốc gia có thể có nhiều bản sắc xã hội khác nhau. Các bản sắc của quốc gia này có thể sẽ dung hợp được với bản sắc của quốc gia khác nhưng cũng có thể xung đột. Lợi ích của quốc gia cũng phụ thuộc vào bản sắc xã hội mà quốc gia xác định tương ứng. Trong việc giải quyết các vấn đề xung đột và hợp tác trong quan hệ quốc tế, thuyết kiến tạo nhấn mạnh đến các yếu tố phi vật chất, chẳng hạn như bản sắc và các giá trị chung. Truyền thông sẽ có vai trò không nhỏ trong việc duy trì, gắn kết, nhân rộng và phát huy những giá trị chung của xã hội. Chính vì thế mà truyền thông có khả năng can thiệp vào tiến trình hình thành một nền chính trị nếu nền chính trị đó dựa trên những bản sắc, yếu tố phi vật chất của xã hội.