CHƯƠNG 3. ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA VIỆC DÙNG TRUYỀN THÔNG
3.2. Thách thức của truyền thông trong ngoại giao công chúng Obama146 1. Khó tiếp cận với những khu vực bảo thủ
3.3.2. Sự đe dọa từ ISIL
20 ISIL là từ viết tắt của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (Levant) theo cách gọi của chính phủ Obama
Truyền thông hay công nghệ suy cho cùng đều là những công cụ để phục vụ cho một mục đích nào đó của cá nhân hay tổ chức. Phương thức ứng dụng truyền thông mới để tăng cường sức mạnh ngoại giao công chúng thông qua tương tác trực tiếp với người dân của Hoa Kỳ cũng nhanh chóng được các phần tử cực đoan nắm bắt, lợi dụng. Khác với Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác tuyên truyền theo cách độc thoại hoặc một chiều thì những người của ISIL chọn cách thiết lập những cuộc đối thoại với đối tượng mục tiêu thông qua mạng xã hội. ISIL tiến hành một cuộc tấn công thông tin rộng rãi, hiệu quả trên mạng và chúng ca ngợi năm 2013 là năm của mình trên Twitter khi đã tạo ra hơn 60.000 tài khoản và thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi (Berger và Morgan, 2015). Hoạt động tuyên truyền của ISIL không chỉ phổ biến các đoạn văn chống Mỹ mà còn tuyển mộ các thành viên mới và những kẻ khủng bố tiềm năng trong thời gian thực trực tuyến. Mối nguy hiểm chính của ISIL là khả năng phổ biến các video và thông điệp tấn công mới với tốc độ chóng mặt trước khi Hoa Kỳ kịp phản ứng. Hơn nữa, tổ chức đã xây dựng các thông điệp có hiệu quả cao không chỉ đe dọa công chúng như các thông điệp của Bin Laden, mà còn quảng bá “bộ mặt nhân đạo và hòa bình” của nhà nước tự xưng. Những thông điệp về cuộc sống thoải mái với ISIL, các cửa hàng và thuốc miễn phí của nó. Nguy hiểm là những thông điệp dẫn dắt này vô tình đã trở thành liều thuốc điều trị trầm cảm trong một bộ phận thanh niên ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Các thông điệp chiêu mộ bằng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha của ISIL đã được thu hút được những kẻ khủng bố gia nhập, và chúng ngay sau đó thực hiện nhiều cuộc tấn công ở Paris và những nơi khác. Câu chuyện này đã trở thành vấn đề nghiêm trọng với cộng đồng quốc tế vì bất kỳ người dùng phương tiện truyền thông xã hội nào cũng có thể trở thành một nguồn khủng bố tiềm năng nếu vô tình tiếp cận các thông tin của ISIL. Ví dụ, ở San Bernardino, California và ở Orlando, Florida, những kẻ khủng bố tham gia vào các cuộc tấn là những người theo dõi tuyên truyền kỹ thuật số của ISIL dù chưa bao giờ đặt chân đến khu vực các đối tượng này xuất hiện và chiếm đóng. Các thẻ bắt đầu bằng “#” của ISIL và các cuộc thảo luận rộng
rãi trên mạng xã hội đã góp phần khiến 3.000 công dân từ các nước Châu Âu và Hoa Kỳ đào tẩu (Tsvetkova và các tác giả khác, 2020).
Trong giai đoạn 2013 – 2015, hoạt động tuyên truyền của ISIL hiệu quả hơn so với việc chống lại các thông điệp do các cơ quan của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Hoa Kỳ phổ biến. Ban đầu, chiến dịch phản tuyên truyền chống lại các tin nhắn trực tuyến của ISIL được chuyển đến Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Truyền thông chống khủng bố do Obama thành lập. Nhưng vì nhân sự và tài chính đều thiếu hụt nền chính sách này không thành công. Có một chiến dịch được thực hiện nhằm chống lại sự thao túng tâm lý của ISIL mang tên #ThinkAgainTurnAway, nhằm kêu gọi giới trẻ không ủng hộ hệ tư tưởng của ISIL. Tuy vậy, số lượng người theo dõi và tin nhắn lại trên tài khoản của Bộ Ngoại giao lại tăng quá chậm so với số lượng của đối thủ. Những kẻ cực đoan thậm chí còn xâm nhập vào mạng lưới @ThinkAgainTurnAway và phát tán thông điệp của ISIL thay vì chống lại tổ chức này. Cuối cùng thì dự án của Chính phủ Hoa Kỳ đã bị chấm dứt.
Các chuyên gia Hoa Kỳ đã tiếp tục thực hiện những video để chống lại thông điệp của những kẻ cực đoan, và chứng minh sự giả dối tiềm ẩn trong các thông điệp của ISIL. Video nổi tiếng nhất trên YouTube là “Chào mừng đến với Vùng đất của Nhà nước Hồi giáo”, đã nhận được hơn 1 triệu lượt xem và được cho là thành công của chiến dịch thông tin Hoa Kỳ chống lại bọn khủng bố (Youtube 2015) . Tuy nhiên, ISIL đã phản ứng nhanh chóng khi sản xuất một video vạch trần những thất bại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, video clip này đã lan truyền nhanh chóng và nhận được 1 triệu lượt xem. Rõ ràng, chính phủ Hoa Kỳ đã phải đối mặt với một kẻ thù có tay nghề cao đã sử dụng các công nghệ mà họ đã giới thiệu ở mức cao nhất. Đến cuối năm 2015, trước sự chỉ trích của Quốc hội và dư luận Hoa Kỳ, hoạt động của trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Truyền thông chống khủng bố đã dừng lại. Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền Obama không thể xây dựng hay đưa ra các phương pháp hiệu quả để ngăn
chặn việc phổ biến các thông điệp của ISIL, vì thiếu đi nguồn lực về tài chính lẫn con người để có thể phản ứng kịp thời với kế hoạch tuyên truyền trên mạng xã hội luôn sẵn sàn của phần tử cực đoan. Không những thế, những kẻ cực đoan còn không ngừng quảng bá các thông điệp bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức và các ngôn ngữ khác để thu hút giới trẻ trên khắp thế giới. Vào năm 2016, Thứ trưởng Ngoại giao Công chúng mới được bổ nhiệm Richard Stengel đã đề xuất một cách tiếp cận mới để phản công lại những tuyên truyền của ISIL. Tuyên bố rằng chính phủ sẽ không bao giờ thu phục được những người có niềm tin mãnh liệt vào lý do nào đó, Stengel đề xuất nên tạo ra một cộng đồng gồm những người đại diện là các blogger trung thành từ nhiều quốc gia trên thế giới để họ sẽ thay mặt cho Chính phủ Hoa Kỳ phổ biến các thông điệp chống ISIL. Giống như Hillary Clinton, Stengel là người ủng hộ việc thuê các chuyên gia công nghệ từ Google, Facebook và Twitter để ngăn chặn hoạt động đến từ hồ sơ của những kẻ cực đoan. Dựa trên những ý tưởng đó, Obama đã thành lập một Trung tâm Gắn kết Toàn cầu mới, nơi điều phối hoạt động của nhiều blogger từ Châu Âu, Trung Đông và Châu Á, những người phổ biến các thông điệp ủng hộ Hoa Kỳ và chống ISIL. Các khoản phân bổ cho công việc và nhân viên của nó đã được tăng lên tới 15 triệu đô la và hơn 10 triệu đô la đã được chi bổ sung cho việc đào tạo ngoại tuyến cho những người đại diện mạng đó, cũng như cho các cuộc họp khác nhau để thu hút các blogger mới (Tsvetkova và các tác giả khác, 2020). Các nhân viên được mời từ Google, Facebook và Twitter cũng góp phần loại bỏ các tệp dữ liệu chuyên nghiệp của những kẻ cực đoan. Cuối năm 2016, đại diện của Twitter tuyên bố đã loại bỏ hơn 125.000 hồ sơ liên quan đến ISIL và tổ chức 40 chiến dịch thông tin toàn cầu chống lại tổ chức này (Twitter, 2016). Một hồ sơ mới mang tên “@TheGEC”
do chính phủ tài trợ đã được thành lập để tung ra thông điệp hợp nhất chống lại những kẻ cực đoan và vào cuối năm 2016, một bước chuyển tích cực triệt để ngăn chặn thông tin từ ISIL. Số lượng tweet của ISIL đã giảm 50% và các thông điệp của Hoa Kỳ chiếm ưu thế với tỷ lệ 6:1 (Quốc hội Hoa Kỳ, 2016d). Nhưng một vấn đề vẫn tồn tại là các
chiến dịch thông tin chống lại ISIL phụ thuộc vào khả năng loại bỏ các tài khoản của những kẻ cực đoan trên các nền tảng mạng xã hội, trong khi các thông điệp của ISIL vẫn có thể được phổ biến trên các ứng dụng điện thoại thông minh và các mạng xã hội không bị kiểm soát bởi chính phủ Hoa Kỳ.
Vấn đề của ISIL chỉ là một điển hình cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến về thông tin trên nền tảng mạng xã hội giữa các quốc gia, các tổ chức trong thời đại công nghệ. Điều này đặt ra thách thức buộc Chính phủ Obama vừa phải nghiên cứu cập nhật nhanh về công nghệ để, vừa phải có biện pháp ứng phó với làn sóng thông tin bất lợi luôn sẵn sàng vây quanh. Như Joseph Nye đã nói, “trong thời đại thông tin, vấn đề không chỉ là đội quân của ai thắng mà còn là câu chuyện của ai thắng”, và các nhà ngoại giao sẽ là người kể câu chuyện đó. Do vậy, nắm vững công cụ truyền thông thôi là chưa đủ mà thách thức đặt ra cho các nhà ngoại giao công chúng của Chính quyền Obama rằng cần phải xây dựng được nội dung cho câu chuyện ngoại giao của mình để thu hút sự quan tâm và ủng hộ của công chúng, đặc biệt là công chúng quốc tế.