CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.3. Mối liên hệ giữa truyền thông và ngoại giao công chúng
1.3.2. Những tác động khác của truyền thông đến ngoại giao công chúng
Bên cạnh vai trò như một công cụ của ngoại giao công chúng thì đôi khi truyền thông cũng có thể làm suy giảm độ tin cậy của công chúng toàn cầu về chính sách đối ngoại của một quốc gia, và làm mất uy tín của quốc gia nếu đi ngược lại những cam kết đối ngoại đó. Chẳng hạn, năm 2003, Mỹ ngụy tạo chứng cớ tấn công Iraq, sau đó bị nhiều hãng truyền thông quốc tế công kích, khiến các quốc gia khác nghi ngờ về chính sách này của Hoa Kỳ. Năm 2018 câu chuyện tương tự lại diễn ra ở Syria, khi đoạn phim quay cảnh các nạn nhân trong vụ tấn công vũ khí hóa học ở Douma ngày 07/4/2018 được công bố trên mạng xã hội, Mỹ và đồng minh đã sử dụng đoạn video này làm cái cớ tiến hành vụ tấn công tên lửa nhằm vào Syria. Ngày 18/4/2018, Nga đã phát trên kênh RT một đoạn phim về một cuộc gặp với một đứa trẻ đang ỏ trong khu vực bị Mỹ, Anh cáo buộc có cuộc tấn công hóa học ở thị trấn Douma của Syria vào ngày 07/4/2018, và Nga phủ nhận việc có cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học với bằng chứng đứa trẻ vẫn khỏe mạnh. Công bố của Nga được hầu hết các cơ quan truyền thông trên thế giới đưa tin lại. Đoạn phim trên cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Vậy sự thật là ở đâu? Trong cuộc giám sát của truyền thông, không khó để tìm ra câu trả lời. Các chủ thể có thể tìm mọi cách để biện minh trên truyền thông về những hành động của họ, nhưng sự kém tin cậy trong chính sách đối ngoại được truyền thông phản ánh, sẽ luôn là một câu hỏi lớn đặt ra cho các nước khi quyết định cho các bước đi hợp tác trong tương lai. Trong cuộc đàm phán với Mỹ về vấn đề Triều Tiên, Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã từng nêu câu hỏi về một “kịch bản Iraq,
Libya” đối với quốc gia của họ. Hay vụ rò rỉ tin tức của Bộ Ngoại giao Mỹ do trang mạng Wikileaks công bố cũng là những ví dụ cho thấy truyền thông đã tác động vào chính sách đối ngoại của một quốc gia, và làm mất uy tín chính sách của một quốc gia với các nước. Khi một quốc gia bị truyền thông làm mất uy tín về chính sách đốì ngoại, thì những câu hỏi tương tự như Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đặt ra với Mỹ sẽ luôn xuất hiện, và các nước chắc chắn sẽ dè dặt hơn khi bàn thảo về các chính sách hợp tác.
Truyền thông đã tác động vào cả khâu hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại quốc gia. Tuy nhiên, khi mọi động thái trong xã hội đều nằm trong vòng quan sát và phát tán tin tức bởi truyền thông, không chỉ các tổ chức truyền thông nhà nước, mà còn có các tổ chức phi nhà nước, thậm chí đối lập với chính phủ, các quốc gia khó mà có thể giữ kín nội tình của mình. Vì thế, các nhà lãnh đạo chính trị sẽ cảm thấy khó khăn hơn trong việc sắp đặt mạch lạc và duy trì các vấn đề chính sách đối ngoại (Phạm Thái Việt, 2012, 86). Đó cũng là thách thức mà truyền thông đem lại đốỉ với công tác ngoại giao và quan hệ đối ngoại của các quốc gia trong thế kỷ mới.
Ngày nay, truyền thông không chỉ là công cụ tạo điều kiện cho nhà ngoại giao nắm bắt được dòng chảy của thời cuộc, để hành động đúng vì lợi ích quốc gia của mình, mà còn cho phép họ sử dụng truyền thông để truyền đi những thông điệp nhiều hơn là sử dụng những kênh ngoại giao truyền thống. Thông điệp có thể được gửi đi trực tiếp từ người đứng đầu quốc gia tới các quốc gia khác, thay vì thông qua Bộ Ngoại giao. Sẽ không có các cuộc tranh luận cả trong cộng đồng các nhà hoạch định chính sách và công chúng về những vấn đề đó, nếu như không có internet - công cụ để truyền tải thông điệp trực tiếp đến từng cá thể trong cộng đồng. Chính nhân tố này đã làm thay đổi hoàn toàn cách mà các thông điệp của các chính trị gia truyền đi trên toàn cầu.
Nhận thức về tầm quan trọng của công cụ này, nhiều quốc gia đã có các chương trình ngoại giao truyền thông, hay ngoại giao kỹ thuật số.
Theo Joseph Nye (2004, tr.230), một chiến lược truyền thông không thể hoạt động nếu nó đi trái với mục đích cốt lõi của chính sách đó. Hành động thay cho lời nói và ngoại giao công chúng mà chỉ là một cái cửa sổ tô điểm cho kế hoạch của quyền lực cứng sẽ không bao giờ thành công. Ngoại giao công chúng hiệu quả là một con đường hai chiều bao gồm cả lắng nghe và nói chuyện. Qụyền lực mềm dựa trên một số các giá trị được chia sẻ. Đó là lý do tại các chương trình trao đổi lại có hiệu quả hơn là chỉ có phát thanh. Theo định nghĩa, quyền lực mềm nghĩa là khiến cho người khác muốn những cái bạn muốn và yêu cầu bạn hiểu rõ cách họ lắng nghe thông điệp của bạn rồi điểu chỉnh nó cho phù hợp. Với cách lập luận này, truyền thông muốn phát huy tốt nhất vai trò của mình trong ngoại giao công chúng cũng cần phải biết lắng nghe bên cạnh câu chuyện chia sẻ. Công chúng ngày càng trở nên thận trọng và nhạy cảm hơn về kiểu thông tin tuyên truyền một chiều. Cách tuyên truyền phiến diện như vậy đôi khi sẽ đánh mất lòng tin của công chúng khi có một mặt tiêu cực nào đó bị rò rỉ hoặc phát hiện bởi các kênh thông tin đối thủ thì thông tin không chỉ bị coi rẻ mà có khi còn trở nên phản tác dụng, có thể làm giảm uy tín của cả quốc gia.
Tóm lại, trong mối quan hệ với ngoại giao công chúng, truyền thông vừa là công cụ hỗ trợ để cùng với các chính sách đối ngoại làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia, đồng thời cũng là một chủ thể độc lập trong dòng chảy thông tin để phản ánh một cách khách quan đời sống chính trị quốc tế. Mối liên hệ này có thể khái quát bằng Bảng 1.2:
Bảng 1.2 Tác động của truyền thông đến Ngoại giao công chúng (Nguồn: tác giả)
Tác động của truyền thông đến Ngoại giao công chúng
Tích cực Thách thức
- Là công cụ hỗ trợ ngoại giao công chúng gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.
- Một nguồn lực độc lập (với chức năng thông tin, giải trí, giáo dục…) bổ sung vào các nguồn lực chính tạo nên sức mạnh mềm của quốc gia.
- Truyền thông có thể làm suy giảm độ tin cậy vào chính sách của một quốc gia nếu tiết lộ thông tin gian dối hoặc mâu thuẫn với các mục tiêu ngoại giao của quốc gia đó.
- Phải sử dụng truyền thông một cách có trách nhiệm và đảm bảo thông điệp của Chính phủ phù hợp với chính sách và giá trị thực tế để duy trì độ tin cậy. Tuyên truyền một chiều có thể phản tác dụng.
- Chính phủ ngày nay phải đối mặt với nguy cơ rỏ rỉ thông tin mật trong hoạch định chính sách khi truyền thông cho phép thông tin lan truyền nhanh chóng.
Tiểu kết chương 1
Truyền thông là một quá trình mà trong đó nguồn phát sẽ truyền đi thông điệp nào đó thông qua kênh chuyển tải để phát tán đến đối tượng tiếp nhận. Quá trình truyền thông là một quá trình xảy ra liên tục và có mục đích. Quá trình này không kết thúc sau khi đã truyền tải thông điệp đi mà còn tiếp diễn sau đó, hướng tới sự trao đổi, tương tác lẫn nhau giữa các cá thể hay nhóm tham gia vào quá trình. Mục đích của truyền thông là nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các thành viên tham gia quá trình trao đổi thông điệp đó. Xét về phương thức tương tác giữa các nguồn tin, có ba cấp độ phân chia truyền thông là truyền thông cá nhân, truyền thông liên cá nhân, truyền thông nhóm và cao nhất là truyền thông đại chúng. Mặt khác, trong quá trình giao tiếp xã hội, truyền thông được hình dung là một vòng tròn lớn, bao hàm các vòng tròn nhỏ bên trong như là truyền thông đại chúng,
truyền thông đối ngoại, truyền thông quốc tế... Các vòng tròn nhỏ này đan xen và kết nối với nhau. Trong khi đó, ngoại giao công chúng được hiểu là quá trình truyền thông của một chính phủ tới công chúng các nước khác nhằm mang lại sự hiểu biết về quan điểm, tư tưởng, thể chế, văn hóa cũng như mục tiêu và chính sách của nước đó. Xét trong mối quan hệ với ngoại giao công chúng thì truyền thông vừa là công cụ hỗ trợ để cùng với các chính sách đối ngoại làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia, đồng thời cũng là một chủ thể độc lập trong dòng chảy thông tin để phản ánh một cách khách quan đời sống chính trị quốc tế. Theo quan điểm về “quyền lực mềm” hay “sức mạnh mềm” của Joeseph Nye thì truyền thông là công cụ cơ bản của ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng. Ngày nay, truyền thông không chỉ là công cụ tạo điều kiện cho nhà ngoại giao nắm bắt được dòng chảy của thời cuộc, để hành động đúng vì lợi ích quốc gia của mình, mà còn cho phép họ sử dụng truyền thông để truyền đi những thông điệp nhiều hơn là sử dụng những kênh ngoại giao truyền thống.
CHƯƠNG 2. TRUYỀN THÔNG TRONG NGOẠI GIAO CÔNG CHÚNG CỦA CHÍNH QUYỀN BARACK OBAMA