CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.2. Việc dùng truyền thông trong ngoại giao công chúng của Chính quyền
2.2.1. Bước chuyển từ ngoại giao công chúng đến truyền thông chiến lược
Trong suốt chặng đường tranh cử lẫn sau khi đã đắc cử, nỗ lực của Barack Obama trong chính sách đối ngoại và tiếp cận công chúng nước ngoài đã gợi lên những thắc mắc về phối trộn giữa ngoại giao công chúng vào hoạt động của ngoại giao và chính sách đối ngoại liệu có thích hợp và đúng đắn với bối cảnh của Mỹ lúc bấy giờ? Có một sự khác biệt giữa mức độ được ủng hộ của người dân toàn cầu dành cho Obama và sự ủng hộ của họ đối với các chính sách của Hoa Kỳ. Trong khi mức độ yêu mến dành cho Obama không hề giảm đi trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thì sự ủng hộ toàn cầu đối với các chính sách và mục tiêu của Hoa Kỳ trong các thỏa thuận quốc tế đã không đạt được như kỳ vọng (Baker, 2009, September 20).
Nếu như Bush chọn lối ứng xử ngoại giao có phần “cứng rắn” thì Obama lại cho thấy hình ảnh một chính trị gia có phong cách ôn hòa và mềm dẻo. Nhìn từ cách lập luận của Joseph Nye, quyền lực mềm được phản ánh trong sự hấp dẫn của một quốc gia hay dân tộc cụ thể; một quốc gia - nhà nước với quyền lực mềm được coi là có các giá trị, động cơ và hành động cần được noi theo hoặc ít nhất là được dung thứ (Nye, 2004). Không chỉ công chúng Mỹ mà cả giới quan sát dường như đều cảm nhận được sự hiện diện của “quyền lực mềm” trong lối tư duy và những hoạch định chính sách sách ngoại giao công chúng của Obama. Nhà khoa học hành vi Craig Hayden phân tích: “Nye đã đi xa hơn khi đề xuất rằng các công cụ cụ thể của chính phủ - các công cụ của ngoại giao công chúng - có thể quản lý và nuôi dưỡng quyền lực mềm. Nếu các
cơ chế như vậy không được triển khai hoặc quản lý đầy đủ, “vốn” quyền lực mềm phản ánh trong sự nổi tiếng của Obama có thể bị lãng phí” (Hayden, 2011, tr.786). Barack Obama đã trải qua 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống của Hoa Kỳ và trong mỗi nhiệm kỳ ông đều có sự kế thừa những di sản của lịch sử ngoại giao để lại và điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn.Câu hỏi đặt ra là vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ sẽ tận dụng những “nguồn vốn” có sẵn đó của bản thân và của nước Mỹ như thế nào trong điều hành đất nước để “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make American Great Again – MAGA)10?
Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ý tưởng về quyền lực mềm và thông minh được giới thiệu bởi nhà khoa học chính trị Joseph Nye và được thảo luận rộng rãi trong giới học thuật đã trở thành nền tảng vững chắc cho chính sách ngoại giao công chúng của chính quyền Obama. Những cộng sự của Obama như Ngoại trưởng Clinton đã cụ thể hóa ý tưởng “quyền lực mềm” ấy thành nhiều cách diễn giải của riêng. Bà ủng hộ việc kết hợp giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm trong các chiến lược ngoại giao. Đó chính là “quyền lực thông minh”. Hillary Clinton cho rằng “trong một thế giới nguy hiểm và phức tạp”, bản chất của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ cần phải thay đổi, và quốc gia này phải dẫn đầu trong việc “kiến tạo một cấu trúc mới” để đối phó với các thách thức quốc tế; Để có thể tạo ra đòn bẩy quyền lực trong thế giới phức tạp đó, Hoa Kỳ cần phải “thông minh” trong cách sử dụng quyền lực, tức là biết kết hợp giữa “sức mạnh quân đội, quy mô nền kinh tế, ảnh hưởng ngoại giao và năng lực sáng tạo của người dân” (Madison, 2013). Vị Ngoại trưởng thứ 67 của Hoa Kỳ đã có những phát biểu đáng chú ý chia sẻ về sự để tâm một cách nghiêm túc của bà đối ý niệm về “quyền lực thông” của Nye. Bà đã ghi lại điều đó trong hồi ký Những Lựa Chọn Khó Khăn (2014) của mình rằng (Clinton, 2014):
10 Khẩu hiệu “Make American Great Again” (MAGA) được sử dụng khá phổ biến trong chiến dịch tranh cử của
nhiều đời Tổng thống Hoa Kỳ. Khẩu hiệu này được đưa ra lần đầu vào năm 1980 trong cuộc đua tranh cử của Tổng thống Ronal Reagan.
“Từ sức mạnh mềm đến truyền thông chiến lược: sửa đổi diễn ngôn.
Ngoài công việc truyền thống là đàm phán các hiệp ước và tham dự các hội nghị ngoại giao, chúng tôi còn phải - cùng với những việc khác - thu hút các nhà hoạt động trên mạng xã hội… và khuyến khích các nhóm yếu thế tham gia vào các chính sách. Phân tích này đã khiến tôi nắm lấy một khái niệm được gọi là quyền lực thông minh, đã gây chấn động khắp Washington trong một vài năm. Joseph Nye của Harvard… đã sử dụng thuật ngữ này, mặc dù tất cả chúng tôi đều có ý nghĩa hơi khác nhau trong đầu. Đối với tôi, quyền lực thông minh có nghĩa là lựa chọn sự kết hợp đúng đắn giữa các công cụ - ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, luật pháp và văn hóa - cho từng tình huống (trích dẫn bởi Natalia Tsvetkova, Dmitrii Rushchin, Boris Shiryaev, Grigory Yarygin & Ivan Tsvetkov, 2020, tr.3)”.
Trong thời kỳ đầu của chính quyền Obama, Bộ Ngoại giao đã ứng dụng khái niệm "quyền lực mềm" vào tất cả các lĩnh vực chính sách đối ngoại. Cụ thể, chính sách mới đối với Iran và Nga bao gồm sự tham gia của các nhóm tự do và đối lập địa phương, nhằm tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh của Mỹ mà không sử dụng vũ lực hoặc áp đặt. Tuy nhiên, chính sách này đã gây ra lo ngại từ hai nước này. Bên cạnh đó, chính sách quyền lực mềm đã giúp cho Mỹ thiết lập quan hệ đối tác mới với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường sự hợp tác với các nước liên minh cũ với châu Âu. Tại Afghanistan, chính sách này cũng được áp dụng nhằm giúp thu hút sự ủng hộ của người dân địa phương và giảm bớt ảnh hưởng của Taliban. Điều này được thể hiện qua việc thành lập các kênh truyền hình mới, xây dựng các trường học và đại học, mở các Trung tâm Thông tin và Văn hóa Lincoln. Ngoài ra, chính phủ Obama còn đưa thương hiệu ngoại giao công chúng mới đến Pakistan để giúp cho giới Hồi giáo ôn hòa có tiếng nói và cải thiện quan hệ với các giáo sĩ, sinh viên tại Madrassas, phụ nữ và học giả. Tất cả những nỗ lực này đã giúp cho Hoa Kỳ tăng
cường quan hệ đối tác với các nước và giảm bớt ảnh hưởng của các thế lực khủng bố tại một số khu vực mà Mỹ quan tâm. Chính sách này không chỉ sử dụng các công cụ thuyết phục, vận động chính trị, quảng cáo chính trị và nhắn tin trực tuyến để quảng bá các giá trị của Hoa Kỳ, mà còn nhanh nhạy phản ứng và ngăn chặn kịp thời các thông tin không mong muốn có thể gây hại cho nước Mỹ. Theo Ủy ban Cố vấn Ngoại giao Công chúng Hoa Kỳ (2014), chiến lược này được thực hiện để ngăn chặn các kẻ tuyên truyền phá hoại diễn văn và thông điệp của Obama.
Thế nhưng đến năm 2013, một xu hướng khác trong chính sách ngoại giao công chúng của chính quyền Obama đã lộ diện. Đó chính là “truyền thông chiến lược”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do khi chính phủ Mỹ tiến hành các chiến dịch thông tin ngắn hạn, phản ứng và phản biện một cách chủ động, làm mất uy tín mạnh mẽ cho các thông tin của các đối thủ như các nhóm khủng bố trên toàn thế giới, Nga, Trung Quốc và Iran. Chính sách này đã làm dấy lên lo ngại từ cả chính phủ Iran, Nga và ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông Levant) và họ đã lập tức có các chương trình thông tin sâu rộng ứng phó đáp lại. Điều này khiến cho chính quyền Obama phải sửa đổi chính sách quyền lực mềm vào năm 2013. Nhiệm kỳ thứ hai của Obama có xu hướng ủng hộ luận điểm rằng trong thời kỳ chiến tranh và ngăn chặn thông tin, việc tiếp tục chính sách can dự là không cơ sở. Họ ưa chuộng phương pháp đối thoại trực tiếp với các phe đối lập tự do ở nước ngoài và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới. Giới chuyên gia đã đề xuất chuyển đổi chiến lược ngoại giao công chúng từ quyền lực mềm sang “truyền thông chiến lược”. Họ giải thích thêm:
“Các hình thức đối thoại và truyền thông chiến lược giúp tăng cường sự hiểu biết và đánh giá về các giá trị và lập trường của Hoa Kỳ. Việc lắng nghe khán giả thông qua đối thoại đã trở thành một cách tiếp cận khái niệm mới trong ngoại giao công chúng”(Kelley, 2009; Zaharna, 2009).
Chính quyền Obama đã tiếp thu nhanh chóng ý tưởng giao tiếp dựa trên đối thoại này và được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ban hành năm 2015 trong các tài liệu chính thức
liên quan chính sách đối ngoại và ngoại giao công chúng. Theo Tsvetkova và các cộng sự (2020), truyền thông chiến lược được hiểu theo nghĩa cho phép phản ứng ngay lập tức đối với thông tin và phản tuyên truyền như một sự thay thế ưu việt cho sự tham gia, quan hệ đối tác và hợp tác (tr.4). Đã có một đợt cải tổ lớn đối với tất cả các cơ quan và bộ phận đảm nhiệm về các hoạt động thông tin quốc tế của Hoa Kỳ. Theo đó, các cơ quan chính sách đối ngoại đã thành lập các văn phòng truyền thông chiến lược để phân tích, xây dựng và thực hiện chính sách mới. Người chịu trách nhiệm điều phối tất cả các văn phòng về truyền thông chiến lược trong Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, Cơ quan Phát triển Quốc tế và Cơ quan Tình báo Trung ương, cũng như trong các cơ quan khác chính là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Truyền thông chiến lược. Có một vấn đề đã nảy sinh khi mộ máy mới xây dựng này lại bị chồng chéo một số nhiệm vụ với Hội đồng Thống đốc Phát thanh Truyền hình cùng các văn phòng về chương trình thông tin, văn hóa và giáo dục trong Bộ Ngoại giao, lẫn các cơ quan an ninh mạng trong Bộ Quốc phòng. Sự giẫm chân nhau đó khiến cho quá trình triển khai những chính sách về ngoại giao công chúng kém đi tính nhanh nhạy. Khi những xung đột như vậy làm chậm quá trình ra quyết định về ngoại giao công chúng thì Obama lại xử lý bằng thành lập Trung tâm Truyền thông Chiến lược Chống Khủng bố tại Nhà Trắng.
Thật không may là đơn vị mới này cũng không hiệu quả so với mong mỏi của người sáng lập. Các thành viên Quốc hội Mỹ đã thảo luận và dùng lý lẽ để giải thích với Obama rằng sự mềm mỏng quá mức trong chính sách ngoại giao công chúng của ông cần được điều chỉnh. Tuy nhiên, chỉ đến khi cuộc chạy đua truyền thông mạnh mẽ để ứng cử chiếc ghế tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2016 cùng với việc các phần tử cực đoan gia tăng tuyên truyền trên không gian mạng xã hội mới thật sự khiến Obama nhìn nhận lại bản chất của ngoại giao công chúng và truyền thông chiến lược. Việc thay đổi, điều chỉnh lúc bấy giờ nhằm mục kiểm soát chặt chẽ hơn về nội dung thông tin được hệ thống các kênh tuyên truyền tỏa đi, cũng như từ văn phòng ngoại giao điện tử và văn phòng mạng của Hoa Kỳ. Obama đã nhượng bộ các đảng viên cộng hòa thay đổi luật
năm 1994 và ký đạo luật lịch sử vào mùa thu 2016. Tuy nhiên, luật sau khi sửa đổi sẽ có một điều khoản quy định rằng giám đốc của Ban Thống đốc Phát thanh Truyền hình - người sẽ kiểm soát tất cả các hoạt động quốc tế, các kênh phát sóng và thông điệp của họ sẽ do Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm. Đây chính là khác biệt so với điều Luật trước đây, khi Hội đồng Thống đốc Phát thanh được điều hành bởi một ủy ban lưỡng đảng nhằm duy trì sự đa dạng của các luồng thông tin.
Cho dù có sự điều chỉnh về chiến lược ngoại giao công chúng cũng như truyền thông chiến lược, nhưng có thể thấy Obama vẫn luôn kiên trì giữ vững những quan điểm trong xây dựng chính sách đối ngoại của mình như ông đã từng nêu khi tranh cử.
8 điểm trọng tâm trong xây dựng chính sách đối ngoại được ông đưa ra đó là:
“Một là, bảo vệ quyền con người; Hai là, rút quân khỏi Iraq; Ba là, tái thiết lại quân đội. Bốn là, ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân; Năm là, chống khủng bố toàn cầu; Sáu là, cải thiện quan hệ với các nước; Bảy là, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, an ninh; Tám là, khôi phục uy tín của nước Mỹ(Obama, 2007b)”.
Quan điểm đối ngoại của Obama được hình thành từ trước khi chủ nhân của nó chính thức bước vào Nhà Trắng, được gọi là “Học thuyết Obama”. Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ trong “Học thuyết Obama” gồm có 3 quan điểm: Chủ trương hợp tác và đàm phán thay vì đối đầu; Chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề quốc tế;
Chủ nghĩa đa phương trong thực hiện các vấn đề nhân đạo. Khác với người tiền nhiệm G.W.Bush khi chọn cách thắt chặt quan hệ với giới lãnh đạo các quốc gia thì Obama đặt sự quan tâm của mình vào cả người dân lẫn cấp lãnh đạo, đa dạng hóa đối tượng ngoại giao. Các lĩnh vực ưu tiên và hướng can thiệp trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ của Obama nổi bật lên là vấn đề Hồi giáo, dân chủ - nhân quyền và phát triển kinh tế.
Obama cho rằng: “Thế giới đã đổi thay và chúng ta phải thay đổi cùng với nó”, tức là người Mỹ cần thay đổi cách thức lãnh đạo mềm mỏng và nhẹ nhàng hơn, nỗ lực gắn kết các quốc gia thay vì tập trung chi phối thế giới bằng sức mạnh cứng (kinh tế và
quân sự) như thời gian trước. Điều này có thể thấy ngay trong phát biểu nhậm chức của Obama, ông không nhắc đến “nhân quyền” hay “dân chủ” mà lại đề cập đến cam kết của Mỹ nhằm hỗ trợ các nước trong trường hợp khó khăn. Tổng thống Obama phát biểu: “Nhân dân của các quốc gia nghèo, chúng tôi cam kết làm việc với quý vị để các trang trại xanh tươi và để cho nước sạch được tuôn chảy”(Seib, 2010).
Ông thường xuyên xuất hiện trước công chúng, có các buổi nói chuyện với sinh viên ở các trường đại học danh tiếng vì ông cho rằng đây sẽ là cơ hội để gặp gỡ thế hệ lãnh đạo tương lai. Dù vậy, nội dung các bài diễn thuyết thường tập trung vào những chính sách ôn hòa và đối thoại, dễ được công chúng chấp nhận và né tránh tối đa những thứ như căng thẳng, xung đột. Chính quyền Obama đặc biệt quan tâm tới việc đối thoại với dân chúng Hồi giáo nhằm cải thiện mối quan hệ đôi bên vốn gay gắt từ sau sự kiện 11/09/2001. Trong nhiệm kỳ của mình, Obama đã đưa ra nhiều chương trình mới trong chính sách ngoại giao công chúng, tập trung vào các lĩnh vực như tăng cường viện trợ nhân đạo, xây dựng và mở rộng các kênh truyền thông, thúc đẩy trao đổi giáo dục – văn hóa, nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, thay đổi góc nhìn về thế giới Hồi giáo… Điểm độc đáo trong nền ngoại giao công chúng Hoa Kỳ dưới thời Obama chính là “tính con người” trong xây dựng chính sách (Ngô Thị Bích Lan, 2020, tr.152). Điều này được lý giải bởi Obama tư duy đặt con người vào trung tâm của quan hệ đối tác và hoạch định chính sách ngoại giao, hướng đến việc đối thoại và hợp tác với các quốc gia khác trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau chứ không phải sự áp đặt bởi “quyền lực cứng”. Tổng thống Obama đã sử dụng kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo của mình để thể hiện sự đồng cảm và sự tôn trọng đối với các quốc gia khác. Ông đã thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề nhân quyền, đa dạng văn hóa, giáo dục và phát triển kinh tế của các quốc gia khác, thay vì chỉ quan tâm đến những vấn đề quân sự hay chính trị. Điều này đã giúp Hoa Kỳ có thể tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Á.