1.2. Tổng quan nghiên cứu đất, đánh giá thích nghi đất đai
1.2.3. Tổng quan nghiên cứu đất, đánh giá thích nghi đất đai ở Việt Nam
Lịch sử nghiên cứu đất ở Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển nông nghiệp.
Những nghiên cứu về đất đã được trình bày trong các văn bản quốc gia từ thế kỷ XV của Nguyễn Trãi (Dư địa chí), Lê Quý Đôn, Lê Tắc, Nguyễn Nghiêm... đến đầu thế kỷ XIX, công tác nghiên cứu đất đã được người Pháp quan tâm nhằm phục vụ công cuộc khai thác tài nguyên tại các nước thuộc địa. Trên toàn lãnh thổ Đông Dương, Viện nghiên cứu Nông - Lâm nghiệp đã thực hiện một số nghiên cứu tổng quát về đất, trong đó tập trung vào các vùng đất mới nhằm thiết lập các đồn điền sản xuất nông nghiệp.
Cuối thế kỷ XIX, nghiên cứu đất ở Việt Nam bắt đầu đi sâu vào phân tích các chỉ tiêu lý hóa của đất như: Thành phần cơ giới, hữu cơ, mùn, đạm, lân, kali...
Đầu thế kỷ XX, nghiên cứu đất đã được tiến hành ở một số vùng đặc trưng với các công trình nghiên cứu nổi bật như: Yve Henry (1930) đã nghiên cứu đất đỏ và đất đen trên đá mẹ Bazan và khoanh vùng phân bố chúng ở Việt Nam; Castagnol đã nghiên cứu các loại đá ong chính ở Đông Dương cùng với Phạm Gia Tu (1940); Đất đỏ phát triển trên đá mẹ Bazan ở Tây Nguyên, (1952).
20
Giai đoạn 1958-1975: Công tác nghiên cứu đất được tiến hành với quy mô lớn ở cả hai miền Nam và Bắc tập trung vào các vấn đề về phân loại đất và xây dựng các bản đồ ở những vùng có quy mô lớn.
Những nghiên cứu sau năm 1975: Trong giai đoạn này trọng tâm công tác nhằm nghiên cứu xây dựng bản phân loại đất phục vụ cho tỷ lệ bản đồ đất các loại, nghiên cứu quy phạm điều tra đất phục vụ phát triển trên địa bàn cả nước. Các công trình nghiên cứu về đất trong giai đoạn này đã có sự tham gia của các nhà khoa học đất hàng đầu Việt Nam như: Phan Liêu, Trần Công Tấu; Lê Thái Bạt; Tôn Thất Chiểu; Trần An Phong; Nguyễn Khang; Đào Châu Thu; Phạm Quang Khánh; TS. Lê Văn Tự; và nhiều kỹ sư Thổ nhưỡng: Nguyễn Xuân Nhiệm, Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Đình Thuận... kết quả của những công trình nghiên cứu đất nói trên trong giai đoạn này là cơ sở khoa học vững chắc cho việc quản lí và sử dụng tài nguyên đất quốc gia một cách hợp lí như: (1) Nắm đất và tài nguyên nông nghiệp đến mức sơ đồ tỉ lệ 1/50.000 - 1/25.000 tất cả các huyện miền Nam sau ngày giải phóng; (2) Xây dựng các vùng chuyên canh và các vùng kinh tế mới nhằm mở rộng hàng triệu ha đất nông nghiệp.Năm 1996, Hội khoa học đất Việt Nam đã biên soạn tài liệu Phân loại đất Việt Nam theo phương pháp định lượng của FAO.
Đến nay, công tác điều tra, bổ sung xây dựng bản đồ đất tỉ lệ từ 1/100.000 - 1/50.000 cho các tỉnh trong cả nước do Viện QH&TKNN thực hiện cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn còn một số tỉnh chưa có điều kiện để thực hiện các công trình nghiên cứu đất tương tự. Các nghiên cứu nêu trên bước đầu đã hỗ trợ tích cực cho công tác thống kê tài nguyên đất để hoạch định chiến lược phát triển, quy hoạch và tổ chức lãnh thổ các cấp huyện, tỉnh và cả nước.
Đầu thế kỷ XX, công tác đánh giá phân hạng đất đã được tiến hành trên cả nước. Đánh giá đất đai trở thành quy định bắt buộc trong công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Một số công trình tiêu biểu như sau:
- Đánh giá phân hạng đất khái quát trên toàn quốc (Tôn Thất Chiểu và nhóm nghiên cứu, 1984) đã xây dựng bản đồ đất toàn quốc tỷ lệ 1/500.000 dựa trên nguyên tắc phân loại khả năng thích nghi đất đai của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, chỉ tiêu sử dụng đất là đặc điểm thổ nhưỡng và địa hình, được phân thành 7 nhóm đất.
- Chương trình 48C, do Vũ Cao Thái chủ trì đã nghiên cứu đánh giá, phân hạng đất Tây Nguyên với cây cao su, chè, cà phê và dâu tằm. Đề tài vận dụng phương pháp đánh giá khả năng thích nghi đất đai của FAO theo kiểu định tính, đánh giá khái quát
21
tiềm năng đất đai của vùng, đã chia ra 4 cấp: Rất thích nghi (S1), Thích nghi trung bình (S2), Ít thích nghi (S3) và Không thích nghi (N).
- Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một số nghiên cứu chuyên đề ở khu vực nhỏ đã bước đầu ứng dụng phương pháp đánh giá đất đai định lượng của FAO (Lê Quang Trí, 1989; Trần Kim Tính, 1986).
Từ năm 1992, phương pháp đánh giá đất của FAO đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Hội nghị đánh giá đất đai cho việc quy hoạch sử dụng đất trên quan điểm sinh thái bền vững được Viện Quy hoạch & Thiết Nông nghiệp, Vụ Khoa học và Đào tạo - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Hà Nội (9 - 10/01/1995). Hội nghị đã cho thấy một số kết quả như sau:
- Bảy vùng kinh tế của cả nước đã được đánh giá đất đai trên bản đồ tỷ lệ 1/250.000 (Trần An Phong, Phạm Quang Khánh, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Khang, Phạm Dương Ưng và ctv, 1993 - 1994).
- Một số tỉnh đã có bản đồ đánh giá đất đai theo phương pháp của FAO, tỷ lệ 1/50.000 và 1/100.000.
Đặc biệt, 3 tài liệu được công bố chính thức về những kết quả nghiên cứu áp dụng phương pháp điều tra và đánh giá đất của FAO trong điều kiện Việt Nam, gồm:
+ Đánh giá đất toàn quốc được trình bày trong tài liệu: Đánh giá hiện trạng sử dụng đất theo quan điểm sinh thái và phát triển bền vững (Trần An Phong, sách chuyên khảo, nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội 1995).
+ Đánh giá đất đai cho một vùng được trình bày trong tài liệu: Tài nguyên đất vùng Đông Nam Bộ, hiện trạng và tiềm năng (Phạm Quang Khánh, sách chuyên khảo, nhà xuất bản Nông nghiệp, 1995).
+ Đánh giá đất đai cho một tỉnh được trình bày trong tài liệu: Điều tra, đánh giá tài nguyên đất theo phương pháp FAO/UNESCO và quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn một tỉnh (lấy Đồng Nai làm ví dụ) (Vũ Cao Thái, Phạm Quang Khánh, Nguyễn Văn Khiêm; sách chuyên khảo, nhà xuất bản Nông nghiệp, 1997).
Nhằm tiêu chuẩn hóa nội dung, quy trình đánh giá đất, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành TCVN 8409:2012 về quy trình đánh giá đất sản xuất nông nghiệp.
Đây là cơ sở để thống nhất nội dung, quy trình đánh giá đất trên cả nước.
Trên cơ sở TCVN 8409:2012 và các tài liệu hướng dẫn khác, năm 2015 Hội Khoa học đất đã biên soạn Sổ tay Điều tra, phân loại, lập bản đồ đất và đánh giá đất đai. Tài liệu đã kế thừa các hướng dẫn hiện hành, đồng thời tiếp thu các hướng dẫn mới
22
của FAO, FAO - UNESCO và Soil Taxomony liên quan đến công tác điều tra, phân loại, lập bản đồ đất và đánh giá đất.
Tóm lại, công tác điều tra, phân loại, lập bản đồ đất và đánh giá đất đai đã được tiến hành có hệ thống ở nước ta từ nửa thế kỷ qua và đưa lại kết quả lớn. Tuy nhiên, công tác này ở nước ta cũng đang đối mặt với thách thức to lớn, cần đổi mới về nội dung, phương pháp, cách tiếp cận phù hợp với những tiến bộ của khoa học đất thế giới hiện đại [2].