Điều kiện tự nhiên huyện Nghĩa Hành

Một phần của tài liệu Phân vùng thích nghi đất đai để phát triển cây ăn quả huyện nghĩa hành, tỉnh quảng ngãi (Trang 26 - 33)

1.3. Tổng quan về khu vực nghiên cứu

1.3.1. Điều kiện tự nhiên huyện Nghĩa Hành

Huyện Nghĩa Hành nằm về phía Tây Nam, cách thành phố Quảng Ngãi 10 km, toạ độ địa lý từ 14050’53’’ đến 15005’20’’ vĩ độ Bắc, từ 108041’07’’ đến 108051’10’’ kinh độ Đông. Đường ranh giới của huyện tiếp giáp với các địa phương (xem Hình 1):

- Phía Bắc giáp huyện Tư Nghĩa;

- Phía Nam giáp huyện Ba Tơ, và huyện Đức Phổ;

- Phía Tây giáp huyện Minh Long;

- Phía Đông giáp huyện Mộ Đức.

Toàn huyện có 12 đơn vị hành chính cấp dưới, gồm: 5 xã miền núi (Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Thiện, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây), 6 xã đồng bằng (Hành Thuận, Hành Trung, Hành Đức, Hành Minh, Hành Phước, Hành Thịnh) và thị trấn Chợ Chùa, bao gồm 84 thôn, tổ dân phố.

Với vị trí địa lý của mình việc phát triển cây ăn quả tại huyện Nghĩa Hành có nhiều thuận lợi:

(i) Cách không xa (khoảng 150 km) thành phố Đà Nẵng phát triển năng động;

quá trình công nghiệp, đô thị hóa nhanh chóng; khả năng tiếp cận, ứng dụng, phát triển trình độ khoa học kỹ thuật ở mức cao; có vị trí đặc biệt quan trọng và là thị trường tiêu thụ lớn nhất khu vực miền Trung;

(ii) Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung, khu vực được ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến; Đổi mới mô hình và phương thức sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành; giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy, hải sản, tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ chế và nguồn vốn để phát triển kinh tế biển.

24

(iii) Gần các sân bay, cảng biển quốc tế; từ đây có thể dễ dàng thông thương với các tỉnh trong vùng, các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn: Trịnh Quốc Đoàn, 2022.

Hình 1: Sơ đồ vị trí huyện Nghĩa Hành

25 Nguồn: Trịnh Quốc Đoàn, 2022.

Hình 2: Bản đồ hành chính huyện Nghĩa Hành

26

1.3.1.2. Địa chất - địa hình, địa mạo a. Địa chất:

Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở phía Đông Bắc của địa giới đa hình bậc cao Kontum.

Có cấu trúc địa chất khá phức tạp được hình thành qua lịch sử kiến tạo lâu dài. Đáng chú ý nhất là va chạm tạo núi xảy ra ở kỷ Ordovic, khi khối đá Paleozoi hạ (từ Cambri đến Ordovic) (hiện phân bố ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi) va chạm với khối đá Tiền Cambri (phân bố ở phần phía Nam) dẫn đến sự biến dạng cấu trúc, biến chất (chủ yếu là các biến chất đá từ bazan, andesit) và magma xâm nhập (magma gabroid, granitoid) xảy ra trên khắp địa giới Kontum. Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đa dạng về thành phần đá (trầm tích, magma, biến chất) và về tuổi (từ Tiền- Cambri đến Đệ Tứ). Sự đa dạng địa chất này đã góp phần hình thành nên đặc điểm tài nguyên đất của tỉnh Quảng Ngãi như ngày nay.

b. Địa hình, địa mạo:

Nghĩa Hành có địa hình không thuần nhất, phía Tây có nhiều đồi núi, thung lũng, phía Đông tuy còn rải rác nhiều gò đồi nhưng địa hình thoái dần và hòa vào đồng bằng rộng lớn của các huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức. Xét theo khả năng sử dụng đất nông nghiệp, địa hình huyện Nghĩa Hành có thể phân chia ra 3 dạng: đồng bằng, dạng bậc thềm và đồi núi. Địa hình dạng đồng bằng tập trung ở các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện, Hành Thịnh, Hành Phước, Hành Nhân, Hành Minh; Địa hình dạng bậc thềm tập trung ở các xã Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Minh, Hành Đức, Hành Trung, Hành Thuận, Hành Phước, Hành Thịnh; Địa hình dạng đồi núi có 2 nhánh: (i) Phía Bắc sông Vệ, dọc ranh giới Minh Long - Nghĩa Hành có núi Đầu Tượng (cao 692m), núi Kỳ Lân (922m), núi Muồng, núi Hồng Bà (Hành Dũng và Hành Nhân), núi Đình Cương (Hành Đức) với những Hang Hổ, đèo Chim Hút, hố Bà Năm, đèo Eo Gió, đèo Đá Bàn. (ii) Phía Nam sông Vệ có núi Ôn Lãnh (673m), núi Tai Mèo (607m), núi Giàng (còn gọi là núi Nhàn) nằm ở Hành Tín, Hành Thiện và tạo ranh giới thiên nhiên giữa Nghĩa Hành và Mộ Đức. Phân bố của 3 dạng địa hình được thể hiện bằng mô hình số độ cao trong Hình 3 dưới đây.

27

Nguồn: Trịnh Quốc Đoàn, 2022.

Hình 3: Mô hình số độ cao huyện Nghĩa Hành

28

1.3.1.3. Khí hậu

Căn cứ vào tài liệu đặc điểm khí hậu tỉnh Quảng Ngãi qua các năm cho thấy huyện Nghĩa Hành nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa duyên hải Nam Trung bộ, nền nhiệt độ cao, mưa tương đối nhiều, bức xạ lớn, cụ thể như sau:

- Nhiệt độ bình quân năm khoảng 26,70C, các tháng có nhiệt độ cao nhất từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, các tháng có nhiệt độ thấp nhất từ tháng 12 đến tháng 02 năm sau. Nhiệt độ bình quân các tháng trong những năm gần đây cao nhất 30,40C, thấp nhất 21,60C, đây là nền nhiệt rất phù hợp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ăn quả.

- Độ ẩm tương đối bình quân năm 84,7%, độ ẩm trong năm có sự chênh lệch khá lớn, độ ẩm cao nhất vào từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Độ ẩm tương đối bình quân các tháng trong những năm gần đây cao nhất 92,4%, thấp nhất 74,2%, đây là ẩm độ phù hợp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ăn quả.

- Lượng bốc hơi trung bình khoảng 80,3 mm/tháng; mùa khô, lượng bốc hơi lớn, khoảng 112 mm/tháng; mùa mưa khả năng bố hơi kém, chỉ chiếm khoảng 10-12%

lượng mưa cả tháng; các tháng cuối năm lượng bốc hơi chiếm 20-40% lượng mưa trong tháng.

- Tổng số giờ nắng trung bình khoảng 2.113 giờ; từ tháng 3 đến tháng 9 có số giờ nắng cao, khoảng 210 - 290 giờ/tháng; từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau số giờ nắng giảm, khoảng 65 - 160 giờ/tháng.

- Tổng lượng bức xạ bình quân hàng năm từ 140-150 Kcal/cm2/năm; đạt cực đại vào tháng 4, từ 16-18 Kcal/cm2/tháng; cực tiểu vào tháng 7, từ 6-7 Kcal/cm2/tháng.

- Có 2 hướng gió chính là gió mùa Mùa Đông với hướng thịnh hành là Đông Bắc và gió mùa Mùa Hạ với hướng chính là Đông Nam, Nam. Ngoài ra trong Mùa Hạ có năm bị ảnh hưởng gió Tây Nam khô nóng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống thêm phần khó khăn.

- Bão thường tập trung vào các tháng 9, 10, 11; hướng đi của bão thường là Đông-Tây, Đông Nam-Tây Bắc; gió mạnh cấp 9, cấp 10. Bão thường kèm theo mưa lớn kéo dài, gây lũ lụt nghiêm trọng. Hàng năm xuất hiện từ 1 - 4 cơn bão.

- Lượng mưa trung bình hàng năm dao động trong khoảng từ 2.350 mm – 3.050 mm. Lượng mưa phân bố không đều giữa các khu vực trong huyện, và có xu hướng giảm dần từ Tây sang Đông. Khu vực gần núi ở phía Tây và Tây Nam huyện có lượng

29

mưa rất lớn. Lượng mưa phân bố không đều giữa các tháng trong năm, mưa tập trung từ tháng 09 đến tháng 12, chiếm 75% tổng lượng mưa cả năm. Thời kỳ ít mưa kéo dài từ tháng 01 đến tháng 08, chiếm khoảng 25% lượng mưa cả năm. Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn gây ra lũ lụt và phân bố lượng nước không đều trong năm.

Nhìn chung khí hậu huyện Nghĩa Hành tương đối thuận lợi, cho phép sản xuất nhiều vụ trong năm, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, tập trung vào một vài tháng trong năm, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, đồng bằng hẹp, hàng năm thường có bão, lũ lụt làm cho đất đai bị sa bồi, thủy phá, ngập úng ở vùng đồng bằng (các xã ven sông) và xói mòn ở vùng núi, ảnh hưởng đến sản xuất.

1.3.1.4. Thủy văn

- Nguồn nước mặt: Trên địa bàn huyện có 2 sông chính gồm sông Vệ, sông Phước Giang và hệ thống thủy lợi Nam Thạch Nham. Các sông đều bắt nguồn từ vùng núi phía Tây của tỉnh, sông ngắn, có độ dốc tương đối lớn, nguồn nước thuộc loại trung bình, lượng nước phân bổ không đều giữa các tháng trong năm và giữa năm này với năm khác, diễn biến lũ trên sông phức tạp, nước lũ lên nhanh gây ngập cục bộ tại các khu vực ven sông, các vùng trũng, thấp, thời gian ngập lũ không lâu, giao động khoảng 1 - 5 ngày .

- Sông Vệ là một trong những con sông lớn của tỉnh Quảng Ngãi bắt nguồn từ vùng núi cao phía Nam huyện Ba Tơ; chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, đổ ra biển Đông ở Cửa Lở. Sông dài 91 km với lưu vực 1.260 km2, độ cao trung bình của lưu vực 170 m, độ dốc trung bình của lưu vực 19,9%, mật độ lưới sông 0,91 km/km2, lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm: 57,8 m3/s, môđun dòng chảy trung bình trong nhiều năm: 73,6 l/s/km2 và trong mùa lũ 140 l/s/km2. Sông Vệ chảy qua các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện, Hành Thịnh, Hành Phước thuộc huyện Nghĩa Hành dài 30 km. Nước sông Vệ vào mùa mưa nước dâng cao gây lũ lụt, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư hai bên sông; tuy nhiên lũ lụt mang một lượng phù sa đáng kể bồi đắp cho đồng ruộng. Mùa khô lưu lượng dòng chảy bình quân khoảng 8 m3/s, được khai thác tưới phục vụ sản xuất bằng hệ thống trạm bơm điện.

- Sông Phước Giang bắt nguồn từ huyện Minh Long, chảy qua huyện Nghĩa Hành hợp với sông Giang ở xã Hành Nhân, Hành Dũng vòng qua Thị trấn Chợ Chùa, xuống sông Cây Bứa rồi đổ ra Biển Đông. Sông Phước Giang là con sông nhỏ, đoạn qua huyện Nghĩa Hành dài khoảng 20 km lưu lượng dòng chảy về mùa mưa khá lớn,

30

gây xói lở bờ sông đoạn đi qua địa bàn các xã Hành Nhân, Hành Dũng, về mùa khô lưu lượng dòng chảy nhỏ, khó khăn cho việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất.

- Nguồn nước ngầm: Theo tài liệu Điều tra, đánh giá khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Quãng Ngãi do Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung thực hiện năm 2017-2019 cho thấy Nghĩa Hành là khu vực khó khăn về trữ lượng nước dưới đất. Vùng trữ lượng nước dưới đất giàu chỉ chiếm 592 ha (2,52 DTTN) tập trung chủ yếu tại xã Hành Thuận, tồn tại dưới dạng nước lỗ hổng; vùng trữ lượng nước dưới đất trung bình khoảng 7.228 ha (30,81% DTTN) tập trung chủ yếu ở các xã Hành Trung, Hành Đức, Hành Phước, Hành Thiện, Hành Thịnh, tồn tại dưới dạng nước lỗ hổng; vùng trữ lượng nước dưới đất nghèo đến rất nghèo hoặc không có nước chiếm đa số với 15.638 ha (66,66% DTTN).

Theo kết quả điều tra thực tế cho thấy phần lớn nhân dân trong huyện đang sử dụng nguồn nước ngầm mạch ngang, nông bằng giếng đào, độ sâu giếng đào từ 4 - 10 m, phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Các khu vực có trữ lượng nước dưới đất giàu hoặc trung bình có thể khai thác khai thác để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, không thể khai thác phục vụ vùng sản xuất tập trung do tồn tại và vận động trong các lỗ hỏng của đất, đá bở rời (nước lỗ hổng) và trong các khe nứt của đá cứng nứt nẻ (nước khe nứt), chỉ thích hợp với khai thác quy mô nhỏ.

Nhìn chung nguồn tài nguyên nước khá thuận lợi cho việc phát triển cây ăn quả với nguồn nước dồi dào vào mùa mưa, chất lượng đảm bảo, tuy nhiên lại rất hạn chế, khó khăn vào mùa khô. Mặt khác với diễn biến lũ phức tạp, nước lũ lên nhanh, thời gian ngập lũ tuy không dài nhưng cũng gây hạn chế cho trồng cây ăn quả.

Một phần của tài liệu Phân vùng thích nghi đất đai để phát triển cây ăn quả huyện nghĩa hành, tỉnh quảng ngãi (Trang 26 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)