Người cao tuổi Việt Nam vẫn chưa thực sự khỏe mạnh như mong muốn.
Điều tra về NCT năm 2011 chỉ ra rằng hơn 55% và trên 10% số người đánh giá sức khỏe bản thân là yếu và rất yếu. Nghiên cứu này cũng cho thấy tỷ lệ NCT gặp ít nhất một loại khó khăn về vận động là gần 72% và gặp ít nhất một trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày là 37,6% (5). Tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính khá cao và thường mắc nhiều bệnh đồng thời với tỷ lệ trung bình một người mắc gần 2,7 bệnh. Tăng huyết áp là bệnh phổ biến với tỷ lệ mắc lên tới 45,6%, (trong đó những người từ 60 tuổi đến 74 tuổi là 42,0% và những người từ 75 tuổi trở lên là 54,6%), tỷ lệ mắc bệnh mạch vành là gần 10% (6). Những bệnh lý tim mạch này thực sự là những bệnh đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (vốn có nguyên nhân từ các bệnh về đường hô hấp kéo dài), cũng xuất hiện ở 12,6% NCT và tuổi càng cao thì tỷ lệ này càng lớn, từ 10,8% ở nhóm tuổi từ 60 đến 74, lên tới 17,2% ở nhóm tuổi trên 75 (6). Một số loại bệnh khác thể
hiện sự thoái hóa chức năng ở cơ thể người già gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống như bệnh về xương khớp, thị giác, thính giác. Bệnh về xương khớp phổ biến là thoái hóa khớp (33,9%), thấp khớp (9%) và loãng xương (10,4%).
Có tới 76,7% NCT có dấu hiệu giảm thị lực, 70,3% ở nhóm tuổi 60 - 74 tăng lên tới 93% ở nhóm tuổi trên 75; gần 58% số người mắc bệnh đục thuỷ tinh thể và đặc biệt cao ở người trên 75 tuổi (79,6%) (6). Tương tự, tỷ lệ người bị giảm thính lực là trên 40% (6).
Về tinh thần, những thay đổi về xã hội, tâm lý, sức khỏe suy giảm, bệnh tật và những lo toan trong cuộc sống, sự cô đơn khi mất đi người bạn đời, người thân làm cho NCT bị sự suy sụp về tinh thần và mắc các bệnh lý tâm thần trầm trọng. Theo nghiên cứu tại một số địa phương, tỷ lệ NCT gặp phải tình trạng khó ngủ là 67%, lo lắng về cuộc sống là 51%, buồn rầu là 40%, chán nản là 42% và mệt mỏi thường xuyên là 34% . Tỷ lệ NCT sa sút trí tuệ là 4,9% (trong đó, người trên 75 tuổi có tỷ lệ
là 9,8%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 3,9 % ở nhóm người từ 60 đến 74 tuổi) (21).
1.3.2. Khám sức khỏe và chữa bệnh
Khi dân số già đi, một trong những thách thức lớn của chính sách chăm sóc NCT là cân đối giữa tự chăm sóc (NCT tự chăm sóc mình), chăm sóc không chính thức (người nhà và bạn bè) và chăm sóc chính thức (các dịch vụ y tế và xã hội).
Chăm sóc chính thức bao gồm cả CSSK ban đầu, chủ yếu tại cộng đồng và chăm sóc tại các cơ sở y tế hoặc nhà dưỡng lão. Nhu cầu chăm sóc y tế và xã hội của NCT Việt Nam là rất lớn trong khi những điều kiện tự thân của NCT Việt Nam có
những đặc trưng rất hạn chế. Tỷ lệ NCT sống độc thân tương đối cao ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam (14,2%) dẫn đến hạn chế cả về hỗ trợ kinh tế, tinh thần từ phía gia đình, người thân và không có người trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày. Về tình trạng kinh tế, thu nhập của NCT còn rất thấp, hầu như không có nguồn tiết kiệm tích lũy từ lúc còn trẻ khỏe, đặc biệt ở vùng nông thôn và miền núi. Theo điều tra tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong nhiều lý do khiến NCT không được khám chữa bệnh, lý do chính là không đủ khả năng kinh tế chi trả
(45,3%), điều kiện đi lại khó khăn 17,3%, điều kiện y tế địa phương không đáp ứng được 16,5%, các lý do khác 20,9%. Bệnh tật ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày chiếm một tỷ lệ rất cao, từ 53,5% đến 73,5%. Tỷ lệ này khác nhau giữa các lứa tuổi, giữa nam và nữ, giữa các nghiên cứu. Số ngày ốm trung bình của một cụ già trong tháng là 2,04 ngày (6)
Theo một khảo sát, có tới 95% NCT có nhu cầu chữa bệnh, nhưng chưa hoàn toàn được đáp ứng (22). Điều tra năm 2009 tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có 75,8% NCT cho rằng, họ cần được khám chữa bệnh tốt hơn so với hiện tại (6). Theo Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2016, tỷ lệ
NCT bị đau ốm trong vòng 12 tháng qua cần nhưng không được điều trị là gần 54,9% trong đó nguyên nhân không đủ tiền để chi trả là 52,% và nguyên nhân không có người đưa đi bệnh viện là 11,5% (23).
1.3.3. Hệ thống Chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi ở Việt Nam
Mạng lưới y tế của Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã và đang tiếp
tục được củng cố và phát triển. Việc CSSK ban đầu và khám, điều trị cho NCT hiện nay chủ yếu dựa vào hệ thống y tế công với bốn bệnh viện lão khoa với khoảng 2.000 giường bệnh. Bệnh viện Lão khoa Trung ương chuyên sâu về khám, chữa bệnh lão khoa, chỉ đạo chuyên môn kĩ thuật trong CSSK NCT trên phạm vi toàn quốc. Tuyến tỉnh, các bệnh viện thành lập khoa lão hoặc dành riêng một số
giường ưu tiên cho NCT. Cả nước có hơn 400 trung tâm bảo trợ xã hội cho đối tượng chính sách, NCT cô đơn không nơi nương tựa. Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương tổ chức CSSK, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho NCT nghèo, cô đơn, tàn tật, vùng sâu, vùng xa.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 3,1 triệu NCT hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 12,1 triệu NCT có thẻ bảo hiểm y tế; 1,8 triệu NCT nhận trợ cấp hàng tháng và hơn 1,4 triệu NCT hưởng trợ cấp người có công với cách mạng (24).
Tính đến năm 2019, tất cả các tỉnh, thành phố và các quận, huyện, thị xã đều có Ban chấp hành Hội NCT. Gần 100% xã, phường, thị trấn có Hội NCT cơ sở và các chi hội, tổ hội tại các làng, xóm, khu dân cư, tổ dân phố. Cả nước năm 2019 có
9,83 triệu NCT, trong đó hơn 9,4 triệu hội viên của Hội NCT; 10.966 Hội cơ sở, 98.976 chi hội (25).
Nhìn chung, tình hình CSSK cho NCT còn thiếu và yếu. Mạng lưới y tế
phục vụ NCT chưa được phát triển; số nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng vừa thiếu về số lượng vừa yếu về nghiệp vụ và kỹ năng trong khi nhu cầu chăm sóc y tế
lại rất lớn. Các địa phương đều thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành về lão khoa, việc chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà và những người chăm sóc không được đào tạo. Nhiều bệnh viện tỉnh chưa có Khoa Lão mà đa phần ghép với các khoa khác.
Cả nước mới có 5 cơ sở chuyên chăm sóc y tế lâu dài cho NCT, hơn một nửa số tỉnh có cơ sở lưu trú cho đối tượng chính sách, NCT neo đơn không nơi nương tựa (Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Đào tạo chuyên ngành Lão khoa chỉ có 2 bộ môn Lão khoa, số lượng các hình thức đào tạo chuyên đề, ngắn hạn, các nghiên cứu cũng như các ấn phẩm chuyên ngành
hầu như còn rất ít. Chăm sóc NCT là lĩnh vực liên ngành, nhưng hiểu biết của nhân viên y tế về các khía cạnh chính sách, chương trình và sự phối hợp giữa các tổ chức y tế và xã hội là còn hạn chế.
1.3.4. Chính sách chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi hiện nay
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác chăm lo cho NCT.
Chính sách pháp luật và các quy định bảo đảm các phúc lợi của NCT không ngừng được củng cố, hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng sống của NCT. Một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã được ban hành:
1. Thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam từ năm 1995 (ngày 10/5/1995).
2. Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
3. Pháp lệnh người cao tuổi số 23/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/4/200 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
4. Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 năm 2009
5. Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh người cao tuổi.
6. Nghị định số 120/2003/NĐ-CP ngày 20/10/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 9 của Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 20/10/2003.
7. Nghị định số 6/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi.
8. Quyết định số 301/2005/QĐ-TTg ngày 21/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2005-2010.
9. Quyết định số 485/2006/QĐ-TTg ngày 30/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ
về việc thành lập Viện Lão khoa Quốc gia thuộc Bộ Y tế.
10. Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về
Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam. Theo đó, ngày 6/6 là Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam.
11. Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020.
12. Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 25/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ:
Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam. Theo đó, lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”.
13. Thông tư số 02/2004/TT-BYT ngày 20/01/2004 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;
14. Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về
việc phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025.
15. Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ:
Phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 Các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Giao thông Vận tải, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Nội vụ… đã ban hành các chính sách chăm sóc NCT.
Ngoài ra, bên cạnh Luật NCT, nhiều bộ Luật chuyên ngành khác được ban hành gần đây như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lao động, Luật Dân sự... đều có những điều khoản dành riêng cho NCT. Các Hội/Ban đại diện NCT cấp tỉnh/ thành cũng được thành lập theo Thông tư 08/2009/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Tuy vậy, các chính sách chăm sóc NCT hiện nay vẫn còn một số hạn chế và bất cập. Những chính sách mới chỉ tập trung vào một số chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên cho những NCT ở các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; một số ưu đãi khác còn hạn hẹp (như ưu tiên trong khám chữa bệnh, đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, giảm phí tham quan, quà chúc thọ hoặc phí mai táng).