Mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kết quả can thiệp tuổi già khỏe mạnh tại tỉnh hải dương và hòa bình (Trang 42 - 61)

Báo cáo về Sức khỏe NCT của WHO năm 2015 đưa ra 5 can thiệp đang được triển khai tại nhiều nước phát triển nhằm tăng cường sức khỏe cho NCT (2):

(1) Phòng chống ngã (102); (2) Tăng cường các hoạt động thể chất (103,104); (3) Tiêm phòng cúm và phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế (105,106);

(4) Hỗ trợ của cộng đồng và gia đình trong CSSK NCT tại nhà bao gồm cả tự chăm sóc cho NCT (107,108); (5) Tăng cường năng lực cung cấp các dịch vụ lão khoa cho cán bộ y tế và cán bộ xã hội (109,110).

Năm 2016, WHO đã thông qua Chiến lược toàn cầu và Kế hoạch Hành động về Người cao tuổi nhằm mục tiêu hướng tới Già hóa khỏe mạnh. Kế hoạch đã đề ra những hành động cần thiết nhằm bảo đảm cho tất cả NCT ở tất cả mọi nơi có thể

sống lâu và mạnh khỏe. Kế hoạch được xây dựng dựa trên kết quả của báo cáo về

Già hóa và Sức khỏe năm 2015. Báo cáo đưa ra quan điểm mới về sức khỏe NCT.

Một NCT khỏe mạnh không có nghĩa là họ không có bệnh tật mà ở đó NCT có cảm thấy thoải mái không, có khả năng thực hiện các chức năng trong cuộc sống không và họ có thể làm được những việc mà họ muốn hay không? Dựa trên đó, Kế hoạch Hành động đặt ra 2 mục tiêu chính, đó là tập trung hỗ trợ để tất cả NCT có thể tự

làm được những việc quan trọng với họ và thu thập các bằng chứng, tìm kiếm hợp tác để chuẩn bị cho “Thập kỷ của Già hóa khỏe mạnh” sẽ bắt đầu từ năm 2020 (2).

Trong chiến lược này, WHO đưa ra khung can thiệp y tế công cộng cho

Tuổi già khỏe mạnh” (Hình 1.2), mô tả quá trình già hóa của một người trải qua 3 giai đoạn: (1) Giai đoạn năng lực sống cao và ổn định (“high and stable capacity”), (2) Giai đoạn suy giảm năng lực (“declining capacity”); (3) Giai đoạn suy giảm trầm trọng và mất năng lực nặng nề (“significant loss of capacity”). Các can thiệp tác động vào quá trình già hóa, nâng cao năng lực nội tại (intrinsic capacity) và khả

năng hoạt động (functional ability) nhằm mục tiêu già hóa khỏe mạnh (“healthy ageing”) có thể chia thành 3 nhóm trải suốt vòng đời gồm Can thiệp vào dịch vụ y tế, Can thiệp chăm sóc dài hạnCan thiệp vào môi trường văn hóa, xã hội.

Hình 1.1. Khung can thiệp y tế công cộng cho Tuổi già khỏe mạnh (2) Kế hoạch cũng đặt ra 5 mục tiêu cụ thể trong chiến lược, đó là: Gửi thông điệp về hành động nhằm đẩy mạnh Già hóa khỏe mạnh ở tất cả các nước; xây dựng môi trường thân thiện với NCT; hướng hệ thống CSSK đáp ứng nhu cầu của NCT;

xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn bền vững, công bằng và tăng cường việc thu thập số liệu, giám sát và nghiên cứu về già hóa khỏe mạnh. Đồng thời, các tổ chức

hỗ trợ NCT quốc tế đều ủng hộ mạnh mẽ tầm nhìn, mục tiêu và mục đích trong chiến lược, cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với WHO, các quốc gia thành viên và các đối tác khác để bảo đảm rằng kế hoạch hành động quan trọng này chính là nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi tới năm 2030 (2).

1.6.2. Mô hình can thiệp Chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi tại Việt Nam Gia đình truyền thống có chức năng chăm sóc NCT. Tuy nhiên, các kết quả

nghiên cứu cho thấy, những biến đổi về cấu trúc, quy mô, các giá trị, chuẩn mực và cách ứng xử từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại đang làm xuất hiện nhiều khó khăn của gia đình trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao và đa dạng của NCT. Mặt khác, do tỷ lệ NCT trong dân số không ngừng gia tăng, nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng về

chăm sóc NCT, do đó, việc phát triển các mô hình dịch vụ chăm sóc NCT ngoài gia đình không những bổ sung cho chăm sóc của gia đình, mà còn hỗ trợ cho nhà nước trong chức năng chăm sóc NCT, đáp ứng nhu cầu đa dạng về chăm sóc của NCT hiện tại và tương lai (111).

Ở Việt Nam, có rất nhiều các mô hình CSSK NCT được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, có 2 dạng mô hình CSSK NCT được thể

hiện rõ trong đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước và tổ chức thực hiện tại Việt Nam đó là: 1-Mô hình nhà nước (Trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH), bệnh viện lão khoa..), 2- mô hình CSSK NCT tại cộng đồng và tại gia đình (Trung tâm chăm sóc NCT, nhà dưỡng lão, nhà xã hội, các câu lạc bộ (CLB) NCT…) (7). Chúng tôi đã tiến hành rà soát các mô hình này. Các tài liệu rà soát tổng quan mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi được tổng hợp chi tiết tại Phụ lục 4.

Mô hình nhà nước được triển khai thực hiện dưới dạng TTBTXH: Mô hình này khá phổ biến và được nhiều NCT biết đến. Trong nhiều trung tâm NCT được sử

dụng miễn phí hoàn toàn các dịch vụ. Đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi để

những NCT có hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền chi trả cho các dịch vụ CSSK

bên ngoài, những NCT cô đơn không nơi nương tựa có một mái ấm tình thương lúc tuổi già sức yếu (111).

Mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng và chăm sóc tại gia đình:

Loại mô hình này cũng có thể phân ra thành hai dạng mô hình có sự kết hợp giữa nhà nước và nhân dân và mô hình tư nhân. Mô hình kết hợp giữa nhà nước và nhân dân là mô hình có sự chung tay góp sức của các cấp Ủy, Đảng, các cơ quan tổ chức chính quyền tại địa phương cùng với nhân dân trong việc giúp đỡ, trợ giúp NCT.

Tuy nhiên mô hình này có nhiều hạn chế về kinh phí duy trì và trình độ chuyên môn, sự chuyên nghiệp trong quá trình trợ giúp NCT. Mô hình đầu tư hoàn toàn của tư nhân với mục đích kinh doanh dịch vụ, lấy thu bù chi, được đầu tư cơ sở vật chất và các dịch vụ CSSK NCT tích hợp. Đây là một trong những mô hình hoạt động mang lại hiệu quả trong công tác đầu tư CSSK NCT, đáp ứng dịch vụ chăm sóc phù hợp và chuyên nghiệp dành cho NCT (111).

Nhìn chung, Việt Nam đã có nhiều mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT đã và đang được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT.

Tuy nhiên, các mô hình này được triển khai chưa đồng bộ và chưa có tích hợp và sự phối hợp đa nghành trong cung cấp các dịch vụ và đồng thời hệ thống quản lý, nguồn nhân lực, cũng như nguồn tài chính, thông tin liên lạc để đảm bảo cho các dịch vụ này còn nhiều hạn chế. Hiện nay, đã có một vài nghiên cứu tìm hiểu, đánh giá về thực trạng hoạt động của các mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT. Các nghiên cứu chỉ ra được hệ thống cung cấp dịch vụ, hoạt động của mô hình dịch vụ, đánh giá hiệu quả của dịch vụ… Tuy nhiên, các nghiên cứu chủ yếu tìm hiểu và đánh giá chung chung về hoạt động của các mô hình dịch vụ hoặc của một mô hình cung cấp dịch vụ CSSK tại một cơ sở, một địa phương. Chưa có nghiên cứu báo cáo cập nhập tổng hợp các tài liệu, nghiên cứu, hệ thống hóa lại các kết quả nghiên cứu về các mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT ở một khu vực địa lý có

những nét đặc điểm và điều kiện tương đồng nhau.

1.6.2.1. Loại hình dịch vụ chăm sóc y tế tại các bệnh viện từ tuyến trung ương đến địa phương chuyên về Lão khoa hoặc có Khoa lão

Về quản trị/quản lý, nguồn nhân lực:

Ở cấp trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Y tế tiến hành khám và điều trị y tế; hướng dẫn, đào tạo và nghiên cứu. Năm 2017, theo quy hoạch của Bộ Y tế, Bệnh viện Lão Khoa cơ sở 1 được nâng cấp và cải tạo đáp ứng cho 350 giường bệnh, đồng thời đồng thời dự kiến đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam với quy hoạch 500 giường bệnh cùng khu chăm sóc dài hạn (112). Bệnh viện có 329 cán bộ viên chức, trong đó có 90 bác sĩ (24%), 131 điều dưỡng (40%), 18 kỹ thuật viên, 13 cán bộ dược và 87 nhân viên loại khác (26%). Hầu hết bác sĩ của bệnh viện đã được đào tạo sau đại học: 40 bác sĩ nội trú, 24 chuyên khoa I, thạc sĩ, và 12 chuyên khoa II, tiến sĩ. Ngoài cấp dịch vụ cho NCT, Bệnh viện Lão khoa trung ương có năng lực nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, đào tạo và tư vấn cho Bộ Y tế về chính sách liên quan lão khoa. Các bệnh viện trung ương khác có khoa lão cũng có nhân viên y tế được đào tạo chuyên khoa tham gia tích cực vào việc khám điều trị tại bệnh viện (23).

Các bệnh viện tuyến tỉnh có khoa lão khoa, phối hợp với khoa khác hoặc cung cấp giường điều trị cho NCT dưới sự quản lý của Sở Y tế (113). Theo Thông tư 35/2011/TT-BYT quy định 100% bệnh viện tuyến tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) phải tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT (114). Năm 2016, có 37.622 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT, cả nước đã có 24/63 bệnh viện đa khoa tỉnh bố trí phòng khám bệnh dành riêng cho NCT; 59/63 bệnh viện đa khoa tỉnh có ưu tiên khám bệnh cho NCT từ 75 tuổi trở lên. Hầu hết các đơn vị, tổ chức phòng khám ngoại trú và phòng điều trị nội trú

dành riêng cho NCT và quy định ưu tiên trong khám chữa bệnh cho NCT (23). Năm 2017, cả nước thành lập được trên 70 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, ngành hoặc tư nhân có khoa lão, khoa lão ghép (chủ yếu nội - tim mạch - lão khoa) hoặc đơn nguyên lão khoa (23). Năm 2018, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn thành lập khoa lão trong bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa nên các bệnh viện đưa khoa lão đi vào hoạt động theo đúng nghĩa, yêu cầu của một khoa dành cho NCT (115). Tuy

chưa đảm bảo 100% nhưng hầu hết các đơn vị đều triển khai phòng khám ngoại trú

và phòng điều trị nội trú dành riêng cho NCT và quy định ưu tiên khám bệnh cho NCT (116).

Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực chưa được đào tạo nhiều về chuyên ngành lão khoa và những kỹ năng cần thiết để CSSK NCT ở mức tối ưu. Các khoa lão độc lập và các khoa ghép nói trên vẫn còn thiếu bác sĩ và hầu hết các bác sĩ chưa được đào tạo chuyên khoa ngành lão khoa (23).

Tuyến cơ sở (Tuyến huyện/xã): gồm tuyến y tế huyện, xã và thôn, bản, có

vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các bệnh không lây nhiễm (BKLN), quản lý

sức khỏe người dân trong đó có NCT. Ở tuyến huyện, bệnh viện và trung tâm y tế

chưa có khoa lão khoa nhưng sẽ cung cấp giường NCT dưới sự quản lý của Sở Y tế.

Cả nước có 629 bệnh viện huyện với số giường nội trú chiếm 30,7% tổng số giường bệnh viện cả nước, và có 544 phòng khám đa khoa khu vực. Các trạm y tế ở cấp xã, phường, hoặc thị trấn sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc NCT tại cộng đồng và các trạm này sẽ được quản lý bởi Trung tâm y tế huyện (113). Luật NCT quy định các bệnh viện đa khoa có quy mô từ 50 giường bệnh kế hoạch trở lên phải bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh.

Trạm y tế có trách nhiệm tổ chức khám chữa bệnh cho NCT phù hợp với chuyên môn và chức năng, nhiệm vụ và khám tại nhà cho những NCT cô đơn. Kế hoạch hành động CSSK NCT quy định “Đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật của hệ

thống dịch vụ y tế, thành lập các khoa lão ở bệnh viện cấp huyện...” (23,117).

Tuyến y tế cơ sở là tuyến được NCT sử dụng nhiều nhất, chủ yếu về quản lý

bệnh mạn tính và bệnh nhẹ cũng như khám sức khỏe định kỳ. Năng lực CSSK NCT của đội ngũ nhân lực ở tuyến y tế cơ sở còn thiếu, yếu; hầu hết cán bộ y tế chưa được đào tạo về lão khoa hoặc y học gia đình, dù 78% các trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (118). Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 07/2013/TT - BYT, nhân viên y tế thôn bản (NVYTTB) có chức năng tham gia công tác CSSKBĐ cho người dân, bao gồm cả NCT tại thôn, bản (119). Một số nghiên cứu cho thấy NVYTTB có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, quản lý, vận động các gia đình sử dụng dịch vụ tại tuyến y tế xã (120).

Kiến thức về phòng bệnh, chăm sóc NCT của cán bộ tuyến y tế cơ sở còn hạn chế nên công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe (TT-GDSK) cho người dân, NCT tại địa bàn chưa tốt. Các hoạt động và nội dung TT-GDSK chủ yếu do các chương trình, dự án phòng chống BKLN cung cấp. Nhiều nội dung quan trọng về

CSSK NCT chưa được đề cập đầy đủ như sự suy giảm các chức năng của các cơ quan, suy giảm nhận thức, rối loạn dáng đi và ngã, hội chứng dễ tổn thương, tiểu không kiểm soát, suy dinh dưỡng. Các hoạt động TT-GDSK chủ yếu tập trung vào tâm thần phân liệt, động kinh và rối loạn trầm cảm chưa đề cập tới các vấn đề khác hay gặp ở NCT như sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, trầm cảm lão khoa, lo âu, loạn thần, rối loạn giấc ngủ (23).

Cán bộ y tế trong hệ thống y tế dự phòng được đào tạo sau đại học chiếm tỷ lệ rất thấp 6,1%, trong đó chủ yếu là bác sĩ chuyên khoa cấp I, chiếm 5%. Cứ 4 bác sĩ của các Trung tâm kiểm soát bệnh tật thì có 3 bác sĩ đa khoa chưa được đào tạo cơ bản về y tế dự phòng (121). Hệ thống y tế dự phòng và nhân lực được đào tạo chủ yếu để phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Khi mô hình bệnh tật tập trung vào BKLN và NCT chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong dân số, nguồn nhân lực để phục vụ cho nhiệm vụ mới chưa được đào tạo, đặc biệt kỹ năng dự phòng và quản lý BKLN (23).

Về tài chính:

Mô hình sử dụng dịch vụ của các tuyến khác nhau không chỉ phụ thuộc bởi mức độ nặng nhẹ của bệnh mà phụ thuộc phần lớn bởi khả năng chi trả, khả năng tiếp cận dịch vụ, và khả năng cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế. Có nhiều lý do khiến NCT không được khám chữa bệnh, không đủ khả năng kinh tế (45,3%) là chính.

Bên cạnh đó, còn nhiều lý do khác như đi lại khó khăn 17,3%, điều kiện y tế địa phương không đáp ứng được 16,5%, còn các lý do khác 20,9% (122). Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình cho thấy, đối với dịch vụ TYT xã, khoảng 60% lượt sử

dụng là người nghèo và cận nghèo (chiếm 40% tổng số NCT). Sử dụng dịch vụ tại các bệnh viện tuyến huyện và cơ sở y tế tư nhân tập trung nhóm NCT có mức sống nghèo, cận nghèo và trung bình. Còn lại bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, chỉ có

trên 20% người nghèo và cận nghèo được tiếp cận(123).

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kết quả can thiệp tuổi già khỏe mạnh tại tỉnh hải dương và hòa bình (Trang 42 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(223 trang)