3.3.1. Phù hợp về phương pháp tiếp cận của can thiệp
Cách tiếp cận “Tuổi già khoẻ mạnh” của WHO (như được chỉnh sửa phù hợp với địa bàn nghiên cứu như trong Khung lý thuyết) là một mô hình tốt giúp tăng cường các hoạt động theo các giai đoạn tuổi hoặc tình trạng sức khoẻ của NCT theo Khung lý thuyết của dự án được chia theo 3 hoạt động can thiệp chính gồm Dự
phòng hoặc bảo đảm phát hiện sớm và Kiểm soát bệnh mạn tính ở NCT, Hỗ trợ
chăm sóc dài hạn và Thúc đẩy các hành vi giúp cải thiện năng lực. Tất các các hoạt động này được triển khai thông qua nhóm câu lạc bộ (bao gồm các thành viên chủ
chốt tham gia hoạt động CSSK cho NCT tại địa phương) và các hoạt động thăm khám của CB TYT. Tiếp đó, sự thay đổi của hoạt động can thiệp được đo lường bằng thay đổi điểm CLCS của NCT theo các khía cạnh về CLCS NCT bao gồm Sức khoẻ thể chất, Tâm lý, Xã hội, Môi trường, Niềm tin, Kinh tế thông qua so sánh trước và sau can thiệp. Cuối cùng, dựa trên Khung lý thuyết, chúng tôi phân tích tính phù hợp của mô hình can thiệp dựa trên 6 nhóm yếu tố của cung cấp dịch vụ đó
là (1) Hoạt động can thiệp; (2) Chính sách, quản lý và điều hành cũng như phối hợp;
(3) Nhân lực; (4) Cơ sở vật chất và trang thiết bị; (5) Nguồn tài chính và (6) Sự cần thiết và ủng hộ của các bên liên quan.
3.3.2. Phù hợp về hoạt động can thiệp
Việc triển khai các hoạt động của dự án bao gồm các hoạt động hỗ trợ như tổ chức câu lạc bộ, tập huấn cho câu lạc bộ, cung cấp tài liệu truyền thông, tập huấn cho các thành viên của câu lạc bộ và hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của các câu lạc bộ trong đó tập trung hỗ trợ cho các hoạt động thăm khám định kỳ, tư vấn tại nhà và hỗ trợ các trang thiết bị cho các câu lạc bộ. Những hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động của các CLB ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, với phương châm bền vững sau khi kết thúc, dự án chỉ thực hiện các hỗ trợ nhỏ như mua bóng và mua lưới cho CLB bóng chuyền hơi hay mua 01 huyết áp kế phát cho mỗi xã can thiệp. Các hoạt động khác như kinh phí duy trì
hoạt động CLB, kinh phí hỗ trợ người tham gia tư vấn tại hộ gia đình, v.v… đều được thực hiện thông qua hình thức huy động tự lực của các CLB cần tăng cường sử dụng nguồn lực tại địa phương. Như ý kiến của một NCT: “Chúng tôi cần hỗ trợ cả tài liệu, kiến thức cũng như kinh phí. Nhưng cơ bản là hy vọng các anh/chị giúp cho kiến thức và phương pháp là tốt rồi. Toàn các anh em tham gia làm tình nguyện. Tiền không phải là mục tiêu. Vẫn mong kết thúc dự án rồi thì các anh chị vẫn quan tâm gửi thêm tài liệu giúp cho các CLB. Còn chúng tôi vẫn duy trì hoạt động ạ” (TLN 03 với CLB)
Nhìn chung, các hoạt động của dự án được triển khai phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hoá xã hội cũng như phong tục tại địa phương. Như khẳng định của các câu lạc bộ, họ vẫn mong muốn tiếp tục duy trì hoạt động như sau khi dự án kết thúc thông qua việc đưa vào kế hoạch của Hội người cao tuổi tại địa phương.
Với sự nhiệt tình của nhóm dự án và câu lạc bộ tại 2 xã, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19 nhưng các hoạt động vẫn triển khai đạt theo mục tiêu mong muốn về số lượng đầu hoạt động. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực trực tiếp triển khai hoạt động cũng như cán bộ giám sát hàng tháng tại địa phương cũng như khó khăn trong đào tạo kỹ năng cho các thành viên của CLB (để tư vấn tại hộ gia đình) nên câu lạc
bộ vẫn chưa thực hiện được các nội dung tư vấn với kết quả như mong muốn. Một số hoạt động của câu lạc bộ vẫn bị chậm hoặc không triển khai được do dịch COVID - 19. Điển hình nhất là hoạt động họp hàng tháng để lập kế hoạch đầu tháng và tổng kết hoạt động của tháng trước thường không đủ sự tham gia của tất cả câu lạc bộ, trong đó đối tượng hay vắng nhất là đại diện của UBND. Kế hoạch hoạt động cũng không được điền đầy đủ như biểu mẫu dự án yêu cầu dù đã được tập huấn và góp ý khi được gửi. Nguyên nhân chính được các câu lạc bộ đưa ra là thiếu kỹ năng để lập kế hoạch. Ngoài ra, do dịch COVID - 19 nên có khoảng 6 tháng đầu năm 2020 là tổ không triển khai được bất cứ hoạt động can thiệp nào. Điều này dẫn đến nhiều hoạt động bị triển khai chậm hơn so với kế hoạch hoặc có kết quả thực hiện chưa tốt:“Nhìn chung, dự án và các cán bộ trạm cũng có nhắc nhở thường xuyên nhưng mình cũng nhiều tuổi rồi thì cũng chậm. Nhiều khi cũng muốn được gặp rùi hỏi trực tiếp để làm thì dự án lại không có cán bộ trực tiếp ở đây. Các anh/chị ở trạm với UBND thì bận. Với lại già nên học chậm nên thiếu kỹ năng rồi chưa làm bao giờ (dù đã được các anh dự án tập huấn). Nên không có gửi được kế hoạch hay đánh giá theo đúng hẹn. Việc giám sát hỗ trợ của dự án cũng khá hiệu quả và cần thiết nhưng đường xá xa nên các anh/chị cũng xuống không nhiều. Năm chắc chỉ 2 - 3 lần. Còn chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục khi dự án đã kết thúc với mong muốn lồng ghép hoạt động của Câu lạc bộ vào hoạt động chung của Hội người cao tuổi” (TLN 02 với CLB).
3.3.3. Phù hợp về chính sách quản lý, điều hành và phối hợp của địa phương Các ban ngành đoàn thể tại địa phương trong đó bao gồm UBND, TYT và hội NCT đều rất ủng hộ và tích cực tham gia các hoạt động của dự án. Họ đều cho rằng hoạt động của dự án là rất cần thiết và sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung của các câu lạc bộ. Ở cả hai xã, UBND đều ra quyết định thành lập Câu lạc bộ
“Người già khoẻ - Gia đình vui” lồng ghép trong hội Người cao tuổi của xã. Tại các thôn can thiệp, câu lạc bộ đều có các cán bộ liên quan gồm hội Người cao tuổi, hội phụ nữ, cán bộ Y tế thôn, và/hoặc trưởng thôn tham gia. Đây là yếu tố mấu chốt quyết định tính phù hợp, kết quả can thiệp của dự án cũng như sự duy trì của chương trình can thiệp sau khi kết thúc. Ở cả 4 câu lạc bộ thì UBND xã và TYT
tham gia hỗ trợ rất tích cực. Ngoài ra, 2 câu lạc bộ ở Kim Bôi với các chủ nhiệm CLB rất tích cực nên có nhiều hoạt động hơn và thể hiện là NCT tại đây cũng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của CLB. Chính do phối hợp tốt mà hoạt động của tổ tương đối trơn tru giúp tăng cường các hoạt động CSSK cho NCT:“Rất đáng quý là tổ có cả anh phó chủ tịch UBND xã nên có nhiều hoạt động giúp tăng cường chất lượng công việc với sự ủng hộ cao nhất của Đảng và chính quyền. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng được trạm y tế và các nhân viên đi thăm khám nhiều hơn. Nhiều cụ vui lắm” (TLN 02 với CLB).
CSSK cho NCT là mối quan tâm hàng đầu của câu lạc bộ vì họ là những người cùng chung độ tuổi. Trạm y tế xã hỗ trợ thăm khám định kỳ và hướng dẫn NCT đo huyết áp cho nhau và tự đo huyết áp tại nhà. UBND đưa ra các chính sách để hỗ trợ như thành lập và kiện toàn hoạt động CLB, tham gia vào giám sát, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các CLB, tham gia hỗ trợ truyền thông, v.v…NCT cho rằng: “Cơ bản là phải đồng lòng và chung tay. Câu lạc bộ NCT là đầu mối chính còn chúng tôi hỗ trợ về chuyên môn y tế và các hoạt động thăm khám hàng ngày. Bên UBND họ cũng rất hỗ trợ. Họ còn cho tiền các CLB nữa. Và anh phó UBND cũng hay hỏi thăm rồi còn dự các cuộc họp hàng tháng” (PVS 01 với Trạm trưởng y tế).
Tuy nhiên, trong năm 2020 khi triển khai dự án, một yếu tố tác động không thể lường trước là sự xuất hiện của dịch COVID - 19. Đại dịch xuất hiện đi kèm với các biện pháp phòng chống dịch của địa phương và chính phủ trong năm 2020 có
tác động mạnh tới triển khai hoạt động can thiệp. Việc xuất hiện dịch COVID - 19 đã làm các câu lạc bộ và hoạt động khác của dự án cũng như câu lạc bộ buộc phải dừng lại như hoạt động thăm khám hàng tháng trong khoảng 5 tháng khi có các vụ dịch xảy ra (2 - 5/2020 và 7 - 9/2020). Dịch COVID - 19 có tác động rất lớn tới triển khai can thiệp khi từ tháng 1 đến tháng 6/2020 các hoạt động của câu lạc bộ
được triển khai chậm hoặc không triển khai. Tiếp theo đó, dịch tại Đà Nẵng từ
tháng 7 đến tháng 9/2020 bị ảnh hưởng làm cho các hoạt động không được triển khai và mở rộng. NCT cho rằng: “Cũng không thể làm gì khi mà COVID lại rất nguy hiểm cho NCT. Giai đoạn dịch thì chỉ loanh quoanh ở nhà. Không có ai đến
thăm ai cũng chả ai dám đi xa. Trước dịch thì ngày nào cũng đánh bóng chuyền hơi nếu không thì giao lưu văn nghệ, thậm chí thi thoảng còn đi xa giao lưu. Sáu tháng dịch thì chỉ có ở nhà. Hủy hết đi chơi xa” (TLN 04 với NCT) hoặc “Dù không mong muốn nhưng dịch COVID - 19 có tác động quá mạnh. Nghe thấy là chúng tôi sợ vì chúng tôi là nhóm nguy cơ cao mắc và có biến chứng cũng như tử vong. Không ai dám ra khỏi nhà hoặc rất hạn chế cho đến qua tháng 5… Dịch thì bùng phát từ Tết.
Cũng may chúng ta phòng dịch tốt quá nên Hải Dương ít ca mắc mà cũng không có ai tử vong” (TLN 01 với Câu lạc bộ NCT)
Bên cạnh đó, sau khi xây dựng được quy chế nhân lực và văn bản cho triển khai can thiệp, nhiều thành viên NCT cho rằng một số hoạt động dù dự án kết thúc nhưng vẫn có khả năng duy trì. Các hoạt động có thể kể đến gồm đo huyết áp định kỳ, đi thăm NCT có khó khăn sức khỏe, v.v… Việc duy trì các hoạt động này cũng được đánh giá khả thi vì lồng ghép được với hoạt động của Hội NCT do đây cũng chính là các hoạt động mà NCT và Hội NCT mong muốn. Tuy nhiên, nhiều NCT băn khoăn khi dự án kết thúc thì các hoạt động sẽ khó duy trì như hoạt động thăm khám định kỳ của cán bộ TYT hay hoạt động hoạt động phát hiện sớm các bệnh do CB TYT triển khai.
3.3.4. Phù hợp về cần thiết và ủng hộ của các bên liên quan
Như đã nói ở trên, hoạt động can thiệp được sự ủng hộ nhiệt tình của các ban ngành đoàn thể liên quan trong đó đặc biệt là UBND xã, TYT và hội NCT. Đặc biệt, hội NCT đánh giá cao hoạt động của dự án và dự kiến tiếp tục lồng ghép triển khai các hoạt động vào hoạt động của hội trong năm 2021. Tuy nhiên, việc thiếu kinh phí và chưa đưa có chế tài, quy định cũng như kế hoạch của câu lạc bộ vào trong kế hoạch CSSK của TYT hay của UBND có thể là thách thức trong việc tìm kiếm hỗ trợ cũng như hỗ trợ sau khi dự án kết thúc. NCT cho rằng“Dù hiểu nhưng rõ ràng là CSSK cho NCT chúng tôi vẫn chưa phải ưu tiên của UBND xã nếu so với các hoạt động khác. Chúng tôi chỉ được nói chung chung trong các chương trình nghị sự của UBND thôi và rõ nhất chắc là ngày 27/7. TYT thì có một số hoạt động nhưng chủ yếu là trên giấy tờ chứ thực tế thì chỉ là truyền thông được vài lần. Hội NCT vẫn là hạt nhân chính. Nhưng tôi nghĩ nếu có quan tâm hơn của chính quyền
và tài trợ cho các hoạt động thì chúng tôi sẽ hoạt động sôi nổi hơn – Vừa khỏe - vừa vui… ” (TLN 02 với CLB).
3.3.5. Phù hợp về nhân lực
Số lượng và chất lượng thăm khám của các NVYT tham gia cung cấp dịch vụ CSSK cho NCT vẫn còn nhiều vấn đề dù ở cả hai trạm đều có bác sỹ. Việc đào tạo và tập huấn về cung cấp dịch vụ CSSK cho NCT rất hạn chế khi chỉ 5/10 cán bộ
ở hai TYT nói rằng họ được tập huấn trong năm qua. Đồng thời, hầu hết các CTV y tế - dân số vẫn chưa được tập huấn liên quan tới tư vấn về CSSK cho NCT và thiếu trợ cấp cũng là một yếu tố rào cản chính để triển khai rộng khắp việc thăm khám và tư vấn tại nhà cho NCT. Điều này được nhấn mạnh trong phỏng vấn sâu với lãnh đạo trung tâm y tế huyện: “Nhân lực cung cấp dịch vụ cho NCT ở tại các trạm thực sự thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Số lượng hiện chúng tôi cũng chưa chuẩn hóa được nhân lực theo yêu cầu. Còn chất lượng thì mình có được tập huấn đâu, đặc biệt là CTV dân số và y tế vừa thiếu vừa hỗ trợ thấp vì chúng tôi lên phường rồi. Trong 1 năm, nhiều lắm được 1/2 số cán bộ tại các trạm được đi tập huấn” (PVS 01 – Đại diện Trung tâm Y tế huyện)
Thiếu nhân lực tuyến cơ sở và NVYT phải kiêm nhiệm nhiều việc tại TYT phường/xã là tình trạng chung hiện nay tại TYT phường là nhân lực ít người và NVYT phải kiêm nhiệm nhiều công việc do đó họ cũng “không có thời gian”
không tập trung hoàn toàn được việc quản lý NCT và cung cấp dịch vụ cho NCT.
Hầu hết các hoạt động của các chương trình tại TYT đều phải phối hợp lồng ghép.
Ví dụ như hoạt động “tuyên truyền” phải lồng ghép với “công việc khám bệnh”:
“Một xã bao gồm tất cả các chương trình của tuyến quận và tỉnh đưa về...
Người ta chỉ có một người và phụ trách các chương trình” (PVS 02 với Đại diện Trạm Y tế)
“Về nhân lực thì cũng có ảnh hưởng, nhân lực nó cũng ít thôi không nhiều mà công việc ở trạm thì rất nhiều việc nên là không có thời gian nhiều lắm cho nên là làm gì toàn phải lồng ghép vào công việc khám bệnh để tuyên truyền thôi, chứ không được một ngày đi tuyên truyền liên tục... ” (PVS NVYT3)
Sự nhiệt tình của NVYT được đánh giá cao là yếu tố thuận lợi trong cung cấp dịch vụ CSSK cho NCT. Cụ thể sự nhiệt tình của NVYT tại xã/phường được đánh giá cao từ NVYT của trạm đến CTV y tế luôn sẵn sàng trong các hoạt động của chương trình tại cộng đồng. Ví dụ một NB mắc THA độ 3 cho biết có lần “quên không đi khám” đã được NVYT điện thoại trực tiếp “nhắc nhở”:
“Cán bộ y tế rất là nhiệt tình và hệ thống cộng tác viên y tế bản của mình cũng đã bao trùm hết trên tất các xã ở đây và cán bộ cộng tác viên y tế bản cũng tham gia nhiệt tình trong hoạt động dự án” (PVS NVYT1)
“Bác sĩ cũng rất nhiệt tình ... tôi huyết áp độ 3 mà có đợt quên không đi khám là bác ấy gọi điện nhắc nhở lên khám đấy.” (TLN1 với NCT)
3.3.6. Phù hợp về thuốc, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng
Vật tư y tế sẵn có tại các TYT phường về cơ bản đã đạt được theo Quyết định 4667/QĐ - BYT năm 2014 về Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Tuy vậy, TYT ở xã còn khá chật hẹp cũng như thiếu các trang thiết bị chuyên môn khi tại đây ngoài cung cấp dịch vụ điều trị khi NCT mắc bệnh mà còn triển khai các hoạt động và công tác tuyên truyền và phòng chống cũng như sàng lọc phát hiện sớm bệnh cho NCT. Các loại trang thiết bị cao cấp khác như máy siêu âm, điện tim… đều chưa có tại tất cả các phường. Sự
không sẵn có về vật tư và trang thiết bị y tế cần thiết sử dụng cho kiếm soát và quản lý gây ra hạn chế năng lực cung cấp các dịch vụ khám sàng lọc, chẩn đoán và kiểm soát các BKLN tại tuyến xã/phường.
“Nếu có máy siêu âm, có xét nghiệm, có trang thiết bị mà lại được thanh toán bảo hiểm thì khi ấy người dân chắc chắn được hưởng lợi rất nhiều rồi. Ví dụ những trường hợp tăng huyết áp, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm mình lại phải cho người ta đi khám định kì 1 lần xem mỡ máu men gan như nào xem người ta dùng thuốc huyết áp có ảnh hưởng đến gan không. Nếu ở trạm mà có máy móc thiết bị, có cán bộ làm được việc ấy, được thanh toán bảo hiểm nữa thì chắc chắn người dân sẽ đến trạm nhiều vì họ không cần phải đi đâu xa nữa“ (Phỏng vấn sâu 03 với Cán bộ Trạm Y tế)