1.5.1. Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi trên thế giới và Việt Nam
Năm 2007, nghiên cứu của WHO về lão hóa toàn cầu và sức khỏe ở người trưởng thành (SAGE) trên 14.958 người từ 50 tuổi trở lên ở quận Purworejo, Java, Indonesia. Nghiên cứu này đã sử dụng bộ công cụ WHOQOL - 100 sửa đổi, rút gọn thành bộ công cụ SAGE, kết quả thu được như trong Bảng 1.4.
Bảng 1.4. Điểm trung bình chất lượng cuộc sống trong nghiên cứu của WHO
Nhóm tuổi Điểm trung bình CLCS (KTC95%)
Nam Nữ
50 – 59 tuổi 75,5 (75,3 - 75,7) 75,1 (74,9 – 75,3)
60 – 69 tuổi 74,6 (74,3 – 74,8) 73,9 (73,7 – 74,1)
70 – 79 tuổi 73,3 (72,9 – 73,6) 72,6 (72,3 – 72,9)
≥ 80 tuổi 71,7 (70,9 - 72,4) 71,5 (70,7 – 72,3)
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy điểm trung bình CLCS giảm khi tuổi tăng lên và nam giới có điểm trung bình CLCS cao hơn so với nữ giới (78).
Một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện tại một phòng khám ngoại trú tại Sao Paulo, Brazil (2017) trên đối tượng là NCT được chia thành hai nhóm là mắc bệnh mạn tính và không mắc bệnh mạn tính. CLCS được đánh giá bởi bộ công cụ WHOQOL - 100 trên tám lĩnh vực như các khía cạnh về thể chất, xã hội và cảm xúc, như cũng như năng lực chức năng, sức khỏe tinh thần, sức sống, đau đớn và tình trạng sức khỏe nói chung. Kết quả cho thấy điểm CLCS của NCT mắc bệnh mạn tính thấp hơn ở NCT không mắc bệnh mạn tính trong tất cả 8 lĩnh vực nghiên cứu (79).
Tại Brazil, Trevisol DJ và cộng sự (2012) trong một nghiên cứu cắt ngang CLCS ở người tăng huyết áp (THA) sử dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng, phỏng vấn và kiểm tra huyết áp của đối tượng nghiên cứu tại nhà và sử dụng bộ
công cụ SF - 12 để đánh giá CLCS. Tổng số 1.858 cá nhân tham gia vào nghiên cứu được chia thành các nhóm gồm những người có HA bình thường, những người THA nhưng không được điều trị, THA được điều trị kiểm soát và THA không kiểm soát được. Kết quả cho thấy điểm CLCS của những người mắc bệnh THA thấp hơn những người có huyết áp bình thường ở tất cả các khía cạnh, trong đó điểm CLCS thấp nhất ở những người không kiểm soát được huyết áp (80).
Tổng quan tài liệu từ 33 nghiên cứu về mối liên quan giữa bệnh THA và CLCS được thực hiện tại Trung Quốc từ năm 1990 đến năm 2017, có 21 nghiên cứu cũng cho ra kết quả điểm CLCS của người THA thấp hơn so với những người có
huyết áp bình thường (81).
Một nghiên cứu khác tại phòng khám THA ở Warsaw, Ba Lan (2018) với sự
tham gia của 186 bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh THA (102 phụ nữ và 84 nam giới).
Điểm CLCS được đo bằng bảng câu hỏi WHOQOL - BREF cho thấy CLCS ở mức giữa trung bình và tốt. Các bệnh nhân đã cho thấy điểm CLCS của họ tốt nhất trong lĩnh vực tinh thần 14,6 ± 2,58 điểm; lĩnh vực môi trường 14,46 ± 2,41 điểm và xã
hội với 14,38 ± 2,82 điểm và thấp nhất là lĩnh vực sức khỏe thể chất với điểm trung bình 13,01 ± 2,68 điểm (82).
Tại Việt Nam, Nguyễn Thanh Hương và cộng sự sau khi nghiên cứu xây dựng bộ công cụ đo lường CLCS NCT đã áp dụng bộ công cụ để đo lường CLCS của NCT tại Hải Dương năm 2009. Nghiên cứu thực hiện trên 390 NCT cho kết quả: Điểm trung bình CLCS của NCT là 233 ± 29,0 (83). Sau đó, bộ công cụ cũng được áp dụng trong một số nghiên cứu tại các địa phương khác. Các nghiên cứu đều đưa ra điểm trung bình CLCS của NCT quy về thang điểm 10, phân loại theo 3 mức: thấp, trung bình, cao. Năm 2015 bộ cộng cụ WHOQOL_100 đã được sử dụng để nghiên cứu trên NCT tại Tiền Hải, Thái Bình. Điểm trung bình CLCS của 335 NCT tham gia nghiên cứu đo lường được là 236,9 ± 23,9 điểm tương ứng với 7,3/10 điểm, đạt mức trung bình, trong đó điểm CLCS cao nhất tại khía cạnh tinh thần, quan hệ hỗ trợ trong sinh hoạt (7,8/10 điểm) và thấp nhất tại khía cạnh thực hành tín ngưỡng tâm linh (6,4/10 điểm) (84). Nghiên cứu trên đối tượng NCT tại thị xã An Nhơn, Bình Định năm 2017 cho thấy điểm CLCS trung bình chung của NCT là 222,47/325 điểm, tương đương 6,9/10 điểm đạt mức trung bình. Điểm CLCS khía cạnh môi trường sống đạt cao nhất với 7,6/10 điểm, thấp nhất là khía cạnh kinh tế
với 6,3/10 điểm (85).
Năm 2019, nghiên cứu sử dụng bộ công cụ WHOQOL-BREF thực hiện trên 406 đối tượng tại Thái Bình cho kết quả điểm CLCS trung bình là 235,6 ± 24,3.
Điểm CLCS cao nhất ở khía cạnh về tâm lý và quan hệ xã hội, còn thấp nhất ở khía cạnh tôn giáo (84).
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hà năm 2020 trên 262 NCT cho thấy điểm trung bình CLCS là 7,4/10 điểm, đạt mức khá. Trong đó thấp nhất là khía cạnh kinh tế (6,8/10 điểm). Nghiên cứu chỉ ra có sự khác biệt giữa nam và nữ, cụ thể nam giới có CLCS cao hơn nữ giới, càng cao tuổi thì CLCS càng giảm, người đang sống cùng vợ/chồng có CLCS tốt hơn người sống độc thân (86).
1.5.2. Các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi Tuổi: Tuổi càng cao CLCS càng giảm
Nhiều nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đều cho thấy mối liên quan giữa tuổi và CLCS của NCT. Tại Iran (2017) một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 750 NCT bằng bộ công cụ WHOQOL - 100, kết quả cho thấy tuổi già (>70 tuổi) có điểm CLCS thấp hơn đáng kể so với nhóm tuổi 60 - 69 (87). Tại Ba Lan, một nghiên cứu thực hiện trên 1.539 bệnh nhân THA, nghiên cứu sử dụng bộ
công cụ đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần chung cho thấy CLCS của bệnh nhân THA giảm đáng kể theo tuổi tác (88). Tại Thổ Nhĩ Kỳ (2013), một nghiên cứu sử
dụng bộ công cụ WHOQOL - OLD Turkish đã chỉ ra rằng 75 tuổi trở lên là yếu tố
ảnh hưởng đến CLCS của NCT (89). Nghiên cứu so sánh CLCS thành thị và nông thôn tại Italy (2012), sử dụng bộ công cụ SF - 12 cho kết quả điểm trung bình CLCS ở nhóm tuổi 45 - 64 là 38,1 điểm, ở nhóm trên 64 tuổi giảm chỉ còn 35,7 điểm, sự
khác biệt này có ý nghĩa thống kê (90).
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra có mối liên quan giữa CLCS và yếu tố tuổi. Nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hương (2009), nghiên cứu của Hoàng Văn Minh (2010) cùng đưa ra nhận định có mối tương quan nghịch giữa điểm CLCS và tuổi, có nghĩa là tuổi càng cao thì điểm CLCS càng thấp và sự khác biệt này có ý
nghĩa thống kê (83,91). Nghiên cứu trên đối tượng người bệnh THA điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (2014) cho thấy các bệnh nhân THA có tuổi càng cao thì điểm CLCS càng giảm (92). Nghiên cứu được thực hiện tại Cát Khánh, Bình Định (2017) trên 230 bệnh nhân THA từ 40 tuổi trở lên, kết quả cũng cho thấy có mối liên quan nghịch có ý nghĩa thống kê giữa điểm trung bình CLCS với tuổi của bệnh nhân THA (93).
Giới tính: Nam giới có CLCS tốt hơn nữ giới
Mối liên quan giữa giới tính và CLCS của NCT đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đề cập tới trong các nghiên cứu của họ. Kết quả
nghiên cứu ở NCT tại Iran (2017) theo bộ công cụ WHOQOL - 100 cho thấy điểm CLCS ở nam giới cao hơn so với nữ giới ở tất cả các khía cạnh, điểm trung bình CLCS là 62,4 (17,2) đối với nam và 51,2 (17,9) đối với nữ (p<0,001) (87). Nghiên
cứu về CLCS của NCT do Monika Zygmuntowics và cộng sự (2012) cho kết quả
nam giới có CLCS cao hơn nữ giới (94).
Nghiên cứu của tác giả Hoàng Văn Minh tại Việt Nam và Indonesia cũng chỉ ra rằng NCT nữ giới có tình trạng sức khỏe kém hơn và CLCS thấp hơn nam giới (63,7 điểm ở nam và 59,5 điểm ở nữ, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê) (95).
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Thái Bình (2015) đã chỉ ra có 5 yếu tố liên quan đến CLCS của NCT trong đó có giới tính, nam giới có điểm CLCS cao hơn so với nữ giới (241,6 điểm ở nam và 231,1 điểm ở nữ) (84). Nghiên cứu tại Kiến Xương, Thái Bình (2017) bằng thang đo WHOQOL - BREF cho kết quả điểm CLCS của NCT là nam giới (75,3) cao hơn so với nữ giới (72,3),(p <0,01). Có 3 khía cạnh của CLCS gồm sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và môi trường được tìm ra là có mối liên quan tới giới tính, những nam giới cao tuổi có điểm trung bình cao hơn so với nữ (p <0,05 và p <0,01). Tuy nhiên, không có sự khác biệt giới tính được tìm thấy trong điểm trung bình cho các mối quan hệ xã hội (96)
Tình trạng hôn nhân: NCT đang sống chung với vợ/chồng có CLCS tốt hơn.
Nghiên cứu tại Iran (2017) cho thấy NCT đã kết hôn và hiện đang sống cùng vợ/ chồng có liên quan tích cực với điểm số CLCS trong các phạm vi của chức năng thể chất, chức năng xã hội, sức sống và sức khỏe tâm thần (87). Mối liên quan này cũng được chỉ ra trong nghiên cứu tại Ấn Độ (2012) khi cho thấy điểm CLCS theo thang đo WHOQOL - BREF của đối tượng NCT đã kết hôn cao hơn đối tượng NCT sống một mình trong cả 4 khía cạnh sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, môi trường và xã hội, với p<0,001 (97).
Tại Việt Nam, nghiên cứu tại Long An (2013) cho kết quả bệnh nhân THA đang có vợ/chồng có điểm CLCS ở khía cạnh sức khỏe đều cao hơn so với những bệnh nhân chưa từng kết hôn, ly hôn, ly thân hoặc góa (98). Kết quả này cũng tương tự với kết quả trong một khảo sát khác (2014) về CLCS ở bệnh nhân THA, theo đó
bệnh nhân THA kết hôn có điểm CLCS cao hơn so với nhóm còn lại (chưa từng kết hôn, ly hôn, ly thân hoặc góa), trong đó các bệnh nhân góa có điểm CLCS ở 2 khía cạnh hoạt động xã hội và cảm nhận sức sống là thấp nhất (92). Nghiên cứu tại Hưng
Yên (2013) cũng cho kết quả tương tự khi chỉ ra NCT có vợ/chồng có điểm CLCS cao hơn nhóm NCT góa/chưa từng kết hôn. Bên cạnh đó, NCT sống một mình có
nguy cơ bị điểm CLCS dưới mức trung vị cao hơn so với nhóm sống cùng vợ/chồng và/hoặc con cháu gấp 5,2 lần, mối liên quan này có ý nghĩa thống kê (99).
Trình độ học vấn: NCT có trình độ học vấn cao hơn thì CLCS cũng tốt hơn.
Nghiên cứu về CLCS tại Thổ Nhĩ Kỳ (2013) cho kết quả NCT có trình độ
học vấn từ trung học phổ thông (THPT) trở lên có điểm CLCS cao hơn so với NCT có trình độ học vấn là trung học cơ sở (THCS) hoặc thấp hơn trong hầu hết các khía cạnh của CLCS (89). Nghiên cứu về CLCS của NCT tại vùng nông thôn Ấn Độ
(2012) cũng cho thấy NCT không biết chữ có điểm CLCS thấp hơn NCT biết chữ ở cả 4 khía cạnh sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, môi trường và xã hội (97).
Nghiên cứu của Hoàng Văn Minh tai Việt Nam và Indonesia cũng nhận định rằng ở cả 2 nước, điểm CLCS cao hơn ở những người có trình độ học vấn cao hơn (95).
Nghiên cứu về CLCS của NCT xã Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên cũng làm rõ hơn mối quan hệ giữa trình độ học vấn và CLCS của NCT, cụ thể: nhóm học vấn càng thấp có tỷ lệ bị điểm CLCS dưới 241 điểm càng cao. Có tới 61,7% trong nhóm không đi học có điểm CLCS dưới 241 điểm trong khi tỷ lệ này ở nhóm học từ
THCS trở lên là 22,5% (99). Một nghiên cứu được thực hiện tại Long An (2014) cho thấy điểm CLCS ở những bệnh nhân THA có trình độ học vấn từ THPT trở lên cao hơn so với những người mắc THA có trình độ dưới THPT trên cả 4 lĩnh vực là sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, quan hệ xã hội và môi trường (p<0,05)(98).
Tình trạng sức khỏe: NCT có sức khỏe tốt hơn thì CLCS cũng tốt hơn Nghiên cứu của Monika Zygmuntowics và cộng sự (2012), ở bệnh nhân THA mắc các bệnh kèm theo như động mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn, đái tháo đường, béo phì, đột quỵ, động kinh đều có CLCS thấp hơn so với bệnh nhân THA không mắc các bệnh nêu trên (94). Tại Brazil (2015), một nghiên cứu được thực hiện ở NCT mắc bệnh thận mạn tính đã đưa ra mối liên quan (p=0,004) giữa điểm CLCS với tình trạng mắc các bệnh mạn tính kèm theo, điểm CLCS giảm đi khi số
lượng bệnh đi kèm tăng lên (100).
Nghiên cứu tại Đồng Tháp (2015) cho thấy NCT mắc bệnh mạn tính đã làm cho CLCS giảm xuống, bệnh tật ảnh hưởng đến các mặt của cuộc sống như tinh thần, khả năng lao động và kinh tế (101). Nghiên cứu tại Hưng Yên (2013) cũng đưa ra mối liên quan giữa tình trạng sức khỏe với CLCS của NCT. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra khả năng bị điểm CLCS dưới mức trung vị của nhóm mắc bệnh mạn tính cao gấp 4,5 lần so với nhóm không mắc bệnh mạn tính và nguy cơ bị điểm CLCS dưới trung vị ở nhóm bị ốm tháng trước cao hơn so với nhóm không bị ốm 8,7 lần một cách có ý nghĩa (p<0,001) (99).
Một số yếu tố khác
Bên cạnh những yếu tố cơ bản nêu trên, một số yếu tố khác cũng được các nghiên cứu quan tâm như: yếu tố gia đình, xã hội, nghề nghiệp, tín ngưỡng, tôn giáo, điều kiện kinh tế, sự hài lòng về nơi ở, ...