Các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt hiện đại thông qua công nghệ thông tin

Một phần của tài liệu Phát triển các dịch vụ thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng thương mại cổ phần á châu chi nhánh đông đô (Trang 26 - 29)

CHƯƠNG I TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

1.2. CÁC HÌNH THỨC THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.2.2. Các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt hiện đại thông qua công nghệ thông tin

Ngoài các phương thức TTKDTM qua ngân hàng đã quen thuộc như trên và nhờ có sự ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tại Việt Nam cũng đã có những hình thức thanh toán điện tử mới mẻ. Các phương thức TTKDTM hiện đại có thể kể đến như các ứng dụng online banking, ví điện tử, thanh toán bằng mã QR hay thanh toán tiếp xúc gần NFC được tích hợp sẵn trong ứng dụng ngân hàng hay ví điện tử.

1.2.2.1 . Thanh toán qua online banking

Đây là kênh thanh toán qua ngân hàng mới nhất và thuận tiện nhất đối với khách hàng. Chỉ cần một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh, khách hàng có thể chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua sắm online, gửi tiết kiệm online, …v.v mọi lúc mọi nơi mà không cần phải đến tận quầy giao dịch để xếp hàng.

Quy trình thanh toán online banking gồm các bước: người mua và người bán ký kết hợp đồng mua bán cung ứng hàng hóa dịch vụ; người mua sử dụng dịch vụ online banking của ngân hàng phục vụ mình, thực hiện chuyển tiền cho người bán; ngân hàng cung ứng dịch vụ sẽ thực hiện ghi nợ tài khoản của người mua đồng thời thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của người mua sang ngân hàng phục vụ người bán; ngân hàng phục vụ người bán sau khi nhận được lệnh chuyển tiền từ ngân hàng phục vụ người mua tiến hành báo có cho người bán.

1.2.2.2. Ví điện tử

Theo nghị định 10/VBHN-NHNN: “Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính,…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1”

Vậy có thể hiểu ví điện tử là dịch vụ thanh toán thường được thiết kế như một ứng dụng di động, có thể liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc hoạt động độc lập như một chiếc ví thông thường. Những tính năng nổi bật của một ví điện tử gồm: thanh toán dịch vụ, thanh toán hóa đơn, mua vé máy bay, tàu lửa, vé xem phim, nạp thẻ điện thoại, xác định khuyến mãi, ưu đãi giảm giá, lưu trữ, quản lý của giao dịch trên ví,…

1.2.2.3. Mã QR

Mã QR được viết tắt bởi Quick Respond (phản hồi nhanh), là một loại mã vạch 2D phổ biến nhất mà điện thoại thông minh có thể đọc được. Năm 1994, tên của loại mã vạch ma trận này đã được đăng ký bản quyền thuộc ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Loại mã này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như marketing và chia sẻ thông

tin, nó trở nên ngày càng phổ biến khi được áp dụng thực hiện thanh toán tự động, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Mặc dù tương tự như mã vạch truyền thống mà chúng ta thấy trên các sản phẩm trong cửa hàng, mã QR có những ưu điểm quan trọng như: lưu trữ được khối lượng dữ liệu lớn, có thể quét từ màn hình, không chỉ trên giấy, có thể đọc được ngay cả khi 1 phần mã bị mờ, hỏng; an toàn hơn mã vạch truyền thống và thông tin có thể được mã hóa,…

Khi quét mã QR, các mẫu mã trận ngang và dọc được giải mã bằng phần mềm trên các thiết bị thông minh và được chuyển đổi thành một chuỗi ký tự. Tùy thuộc vào lệnh của các ký tự đó, thiết bị có thể mở liên kết trình duyệt, xác nhận thông tin thanh toán, xác minh vị trí địa lý,…

Mã QR dễ nhận biết với ba hình vuông nhỏ được đặt ở hai góc bên trái và góc trên bên phải. Tổng thể mã là một hình vuông bao gồm vô số ma trận các hình vuông nhỏ.

Số lượng hình vuông nhỏ có thể khác nhau tùy kích cỡ mã QR là 33x33 hay 177x177.

Càng ít hình vuông mã càng chứa ít thông tin và ngược lại. Vì thông tin được chứa theo 2 hướng, mã QR có thể chứa nhiều dữ liệu hơn mã vạch 1 chiều. Ví dụ, mã QR bao gồm 177x177 hình vuông có thể chứa 4.296 ký tự hoặc 23.648 bit. Vì mã QR chứa nhiều dữ liệu hơn nên chúng dễ dàng cho phép mã hóa xử lý thanh toán.

Trái ngược với mã vạch truyền thống chỉ có thể được đọc bởi máy quét mã vạch laser từ giấy, mã QR có thể được quét từ cả giấy và màn hình. Để xử lý mã QR cần có điện thoại thông minh, máy tính bảng có tích hợp camera hoặc đầu đọc mã vạch có thể quét mã QR.

Cả iphone và điện thoại Android đều có thể quét mã QR, trực tiếp từ ứng dụng camera chính, miễn là nó đang sử dụng phần mềm ios hoặc Android mới nhất. Chỉ cần mở camera và hướng về phía mã QR, phần mềm sẽ ngay lập tức nhận diện và mở một thông báo yêu cầu hoàn thành thao tác liên quan.

1.2.2.4. Thanh toán NFC

Thanh toán NFC là thanh toán không tiếp xúc sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần (Near Field Communication) để trao đổi dữ liệu giữa đầu đọc và thiết bị

thanh toán. Các thiết bị NFC phải ở gần nhau để hoàn thành thanh toán NFC, thường cách nhau dưới 2 inch và thanh toán được mã hóa và bảo mật cao.

Khi các thiết bị thanh toán và đầu đọc được đặt gần nhau, chip NFC trao đổi dữ liệu được mã hóa để hoàn tất thanh toán. Quá trình này tạo ra một luồng thanh toán nhanh như chớp, vừa tiện lợi và vừa là một trong những phương thức thanh toán an toàn nhất.

Kết nối không dây, hoặc không tiếp xúc giữa hai thiết bị sử dụng sóng vô tuyến tương tự như nhãn nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) được sử dụng trong cửa hàng, kho và các ứng dụng theo dõi không dây khác. Chip NFC sử dụng tần số vô tuyến RFID cụ thể (13,56 MHz) chỉ hoạt động khi các chip gần nhau. Một điểm cộng bảo mật khác là các đầu đọc thanh toán NFC chỉ kết nối với một thiết bị thanh toán NFC tại một thời điểm. Điều này càng khiến NFC trở nên an toàn hơn, không cho phép một khách hàng gần đó vô tình trả tiền.

Một phần của tài liệu Phát triển các dịch vụ thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng thương mại cổ phần á châu chi nhánh đông đô (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)