CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THANH TRA, GIÁM SÁT VÀ PHÁP LUẬT VỀ THANH TRA, GIÁM SÁT TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG
1.3. Kinh nghiệm quốc tế đối với vấn đề thanh tra, giám sát trong lĩnh vực ngân hàng và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
1.3.2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua nội dung đã trình bày về pháp luật liên quan đến thanh tra, giám sát trong lĩnh vực ngân hàng của một số quốc gia cụ thể là Mỹ, Trung Quốc và
Singapore; bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, giám sát, trước hết là xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, toàn diện, tránh những lỗ hổng của pháp luật, giúp cho các chủ thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thanh tra, giám sát không có cơ hội “lách luật”. Để làm được làm được đều này, yêu cầu nhà làm luật phải có cái nhìn bao quát trong hoạt động thanh tra, giám sát của cơ quan chức năng và các hoạt động của TCTD thì mới có thể xây dựng hệ thống pháp luật hiệu quả, bên cạnh đó cần nhìn vào thực tế khi tiến hành hai công tác này, chủ động nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót để sửa đổi cho hợp lý; nghiêm túc nghiên cứu sự phát triển trong hoạt động ngân hàng để dự đoán những vấn đề mới, những vấn đề tiềm ẩn trong lĩnh vực này. Việc quy định rõ ràng tất cả các nội dung của pháp luật về thanh tra, giám sát và các nội dung pháp luật khác có liên quan là việc cần làm, tránh chồng chéo trong quy định pháp luật, tránh việc “đùn đẩy” trách nhiệm giữa các cơ quan trong bộ máy quản lý.
Bài học thứ hai cho Việt Nam, cần có sự lựa chọn mô hình tổ chức hợp lý cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát ngân hàng. Dựa vào đặc điểm của hệ thống tín dụng, đặc điểm của lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng mà lựa chọn vị trí pháp lý phù hợp cho cơ quan thanh tra, giám sát. Với tình hình thực tế hiện nay, Việt Nam có thể xem xét mô hình NHNN và cơ quan thanh tra, giám sát độc lập với Chính phủ như ở một số quốc gia trên thế giới, vì rõ ràng mô hình này thể hiện nhiều ưu điểm trong hoạt động của NHNN và cơ quan thanh tra, giám sát. Bài học này đòi hỏi Việt Nam cần nâng cao uy tín và năng lực thực thi công việc trong công tác quản lý và vận hành NHNN và cơ quan chuyên môn về thanh tra, giám sát ngân hàng.
Trên thực tế, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phát triển có hiệu quả rất cao, phòng ngừa được nhiều tình huống rủi ro, tăng cường sức mạnh cho hệ thống tín dụng, đảm bảo tính an toàn, lành mạnh và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Để làm được điều này, Việt Nam cần học hỏi nhiều hơn nữa trong việc xây dựng những tiêu chí đánh giá, nội dung cụ thể của hoạt động thanh tra, giám sát, đặc biệt cần tiến gần hơn nữa tới các quy chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng. Có thể xem xét những tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá mà các quốc gia đã thực hiện, thay đổi cơ bản
và áp dụng những tiêu chí đó đối với các TCTD và hệ thống tín dụng sao cho phù hợp với trình độ, đặc điểm và tình hình phát triển thực tế của Việt Nam.
Việc nghiên cứu và tìm hiểu sâu rộng pháp luật của các nước về thanh tra, giám sát trong lĩnh vực ngân hàng sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều bài học kinh nghiệm khi thực hiện công tác thanh tra, giám sát; chọn lọc, lựa chọn những bài học cần thiết cho việc xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia. Cùng với đó là việc trực tiếp nhìn nhận những khuyết điểm còn tồn tại để thay đổi sao cho phù hợp và chặt chẽ, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tín dụng và nền kinh tế.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Tóm lại hoạt động thanh tra, giám sát trong lĩnh vực ngân hàng là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện một số hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ như thanh tra tuân thủ pháp luật, thanh tra rủi ro, giám sát, đánh giá rủi ro, đưa ra khuyến nghị... nhằm đảm bảo cho hoạt động của hệ thống các TCTD luôn an toàn, hiệu quả, hạn chết mọi loại rủi ro gây ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng và nền kinh tế. Để điều chỉnh hoạt động này và các quan hệ xã hội liên quan, Nhà nước xây dựng và ban hành pháp luật về thanh tra, giám sát bao gồm các quy phạm pháp luật liên quan đến chủ thể thực hiện thanh tra, giám sát và đối tượng bị thanh tra, giám sát. Không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới luôn chú trọng tới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, tuy nhiên ở mỗi quốc gia các quy định không hoàn toàn giống nhau về mô hình tổ chức, nội dung thanh tra, giám sát...; có nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi tìm hiểu pháp luật ở mỗi quốc gia, mặc dù sẽ có khó khăn để làm sao để đưa những bài học đó áp dụng vào Việt Nam và có hiệu quả, nhưng nếu có thể làm được điều này, đây sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao tính hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát.