CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ THANH TRA, GIÁM SÁT
2.2. Thực tiễn thi hành pháp luật về thanh tra, giám sát trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam hiện nay
2.2.3. Thành tựu đạt được trong hoạt động thanh tra, giám sát
Đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính
Trải qua 09 năm thực hiện hai đề án tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD và giảm tỷ lệ nợ xấu, với những hoạt động chuyên môn của mình Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng nói riêng và NHNN nói chung đã có được những dấu hiệu tích cực trong việc kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn cho nền kinh tế. Cụ thể, nếu như trong giai đoạn trước năm 2011, tỷ lệ này ở các năm 2009, 2010 lần lượt là 1,9% và 2,52% thì đến năm 2011 con số được ghi nhận là 3,3%; đặc biệt là trong giai đoạn 2011 – 2020, ghi nhận tỷ lệ 4,86% - tỷ lệ cao nhất vào năm 2012.
Công tác thanh tra, giám sát được các cơ quan trong bộ máy tổ chức của NHNN thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng và kịp thời, đưa tỷ lệ xấu xuống mức 1,69% vào năm 2020, là năm cuối cùng thực hiện Đền án 1058 của Thủ tướng Chính phủ. Việc đưa tỷ lệ này xuống dưới ngưỡng 3% theo định hướng của đề án trước hết đã giúp
cho các NHTM đảm bảo được nguồn lực tài chính, đảm bảo khả năng huy động vốn sử dụng cho các nghiệp vụ của mình, đảm bảo khả năng thanh khoản, sự ổn định của toàn hệ thống tín dụng; từ đó góp phần vào sự an toàn của nền kinh tế, tránh thất thoát các nguồn lực tài chính, tăng cường khả năng phát triển của nền kinh tế, và đặc biệt là tránh được sự khủng hoảng của toàn bộ nền kinh tế do sự sụp đổ
“domino” của hệ thống tín dụng. Sự ổn định của từng TCTD được nâng cao giúp tăng cường sức mạnh cho toàn bộ hệ thống, xây dựng một hệ thống tín dụng, lành mạnh và an toàn; điều này được minh chứng qua kết quả hoạt động của toàn hệ thống trong hơn 03 năm đối diện với đại dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt mức 11% vào năm 2020.
Sau quá trình tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống TCTD, NHNN đã có báo cáo lên Quốc hội tình trạng thực tế trong cơ cấu các TCTD hiện này, theo đó tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo đã không còn, việc một cổ đông hoặc nhóm cổ đông lợi dụng vị trí của mình đã được loại bỏ, nhiều vụ việc vi phạm được cơ quan thanh tra, giám sát phát hiện, nhiều vụ “đại án” ngành ngân hàng đã được chuyển giao cho cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo pháp luật. Nhờ vào hoạt động tái cơ cấu tích cực đặt dưới sự thanh tra, giám sát của NHNN và cơ quan chuyên môn, nhiều NHTM và cả những loại hình TCTD khác đã quay trở lại hoạt động tốt, có hiệu quả;
cá biệt qua quá trình thanh tra, phát hiện một số TCTD, QTDND, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động kém hiệu quả, có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, bị buộc phải giải thể, phá sản. Chỉ tính riêng trong quá trình thực hiện Đề án số 245 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng NHTM hoạt động trong năm 2011 là 42 ngân hàng, đến năm 2016 giảm còn 34 ngân hàng, trong toàn hệ thống tín dụng còn có 05 ngân hàng liên doanh và 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Trong giai đoạn sau đó, không còn ghi nhận sự biến động lớn về số lượng NHTM hoặc TCTD, do quá trình tái cơ cấu đã tạo tiền đề cho các TCTD chuyển mình, hoạt động có hiệu quả. Đến năm 2022, trên cả nước ghi nhận 31 NHTM, 04 ngân hàng 100% vốn nhà nước, 02 ngân hàng chính sách, 02 ngân hàng liên doanh, 61 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 01 NHHTX, toàn bộ các ngân hàng và các TCTD khác đều được đặt dưới công tác thanh tra, giám sát chặt chẽ và chuẩn mực
của NHNN và Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng (Tổng hợp danh sách Ngân hàng tại Việt Nam, 2022).
Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước
Kết quả nổi bật của hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng trong lĩnh vực quản lý nhà nước là đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này.
Việc đổi mới những quy định đã cũ, không còn phù hợp, ban hành nhiều quy định mới về đối tượng, nội dung, hình thức... hoạt động thanh tra, giám sát cũng dần được thay đổi, mở rộng phạm vi đối tượng, có thêm nhiều nội dung bao trùm hoạt động của TCTD, triển khai nhiều hình thức thực hiện mới, sử dụng những công cụ mới trong thực tiễn. Hiện nay hoạt động thanh tra, giám sát không chỉ tập trung vào một khía cạnh là việc tuân thủ pháp luật của TCTD về thành lập và hoạt động, về chấp hành các tỷ lệ an toàn… mà NHNN còn hướng tới việc thanh tra, giám sát tình hình rủi ro, tăng cường kiểm tra, rà soát trong những lĩnh vực có khả năng rủi ro cao.
Nhờ có những thay đổi tích cực trong quy định của pháp luật, mà hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát ngày càng được nâng cao, có sự thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện từ trung ương đến địa phương. Để có được kết quả này, là do quy định cụ thể về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, phân chia nội dung công việc giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh để phù hợp với tình trạng hoạt động của hệ thống tín dụng từ trung ương đến địa phương.
Việc thực hiện chủ động, tích cực của công tác thanh tra, giám sát góp phần vào việc phát hiện nhiều sai phạm, nhiều rủi ro hiện hữu hoặc tiềm ẩn trong hoạt động của các TCTD. Đối với tình trạng rủi ro của TCTD, qua thanh tra, giám sát NHNN ban hành các khuyến nghị, văn bản chỉ đạo và cảnh báo rủi ro, yêu cầu các đối tượng phải chấn chỉnh trong công tác điều hành, quản lý, điều chỉnh các nghiệp vụ về đúng quy chuẩn đã quy định.
Đối với những vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến chính TCTD và ảnh hưởng đến nền kinh tế, cơ quan thanh tra, giám sát nhanh chóng gửi nội dung đã
được thanh tra, giám sát sang cho các cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực quản lý nhà nước, khi đã có sự phối, kết hợp giữa nhiều cơ quan chức năng trong việc trao đổi, xử lý thông tin, không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà thực tế đã ghi nhận những hoạt động cộng tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc xây dựng hoạt động thanh tra, giám sát hiệu quả, khả thi.
Từ những kết quả đạt được, có thể thấy, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng đã góp phần vào việc nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác QLNN, không chỉ trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, kinh tế mà còn trong cả các lĩnh vực an ninh, đời sống, đóng góp vào công cuộc thực thi pháp luật, bảo về lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể trong xã hội.