Sơ lược về pháp luật quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ở việt nam hiện nay (Trang 33 - 36)

CHƯƠNG 2:THỰC TRẠNG VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT QUẢN TRỊ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.1. Sơ lược về pháp luật quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam

Năm 1990, việc ban hành pháp lệnh NHTM, Hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính đã đánh dấu pháp luật bắt đầu ghi nhận những quy định về quản trị NHTMCP, “trong đó có sự phân biệt về quản trị giữa TCTD quốc doanh và NHTMCP, tuy nhiên việc quy định này không cụ thể và sự can thiệp trực tiếp của NHNN vào hoạt động quản trị, điều hành NHTMCP vẫn còn khá rõ nét.” (Bùi Hữu Toàn, 2018).

Năm 2010, với việc ban hành Luật các TCTD có thể coi là một bước ngoặt của cơ quan quản lý nhà nước quy định về pháp luật trong hoạt động quản trị của NHTMCP. Theo đó, nếu như Luật các TCTD năm 1997, sửa đổi, bổ sung năm 2004 chỉ có 9 điều quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và kiểm soát TCTD; Nghị định 59/2009/ NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của NHTM, trong đó có 40 điều để quy định về quản trị, điều hành, kiểm soát NHTM và NHTMCP, thì đến Luật các TCTD năm 2010 đã dành 36 điều là những quy định liên quan đến quản trị, điều hành của TCTD là công ty cổ phần.

Luật Các TCTD năm 2010, sửa đổi năm 2017 đã “quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng về tổ chức và hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát của từng loại hình tổ chức của TCTD”. Theo đó, các quy định đặc thù về quản trị, điều hành được xây dựng theo hình thức pháp lý của TCTD, tức là phân loại theo hình thức tổ chức theo doanh nghiệp trong quy định của Luật doanh nghiệp. Cụ thể, Luật Các TCTD 2010 quy định

cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành của các loại hình tổ chức của tổ chức tín dụng bao gồm: TCTD là công ty cổ phần; TCTD là CT TNHH 1 TV; TCTD là CTY TNHH hai thành viên trở lên và TCTD là hợp tác xã”. Tuy nhiên, phạm vi bài viết này chỉ quan tâm đến các quy định về quản trị đối NHTMCP. Trong đó các quy định về quản trị NHTMCP về cơ bản được xây dựng dựa trên cơ sở các quy định của Luật DN đối

với loại hình CTCP, đồng thời cũng kế thừa các quy định pháp luật hiện hành từ các Nghị định của Chính phủ, văn bản của NHNN còn phù hợp và tham khảo các thông lệ quốc tế. Mặc dù, được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật DN nhưng các quy định về quản trị đối với NHTMCP có rất nhiều điểm khác biệt so với các Luật này để phù hợp với đặc thù trong hoạt động của NHTMCP, trên nguyên tắc là đặt ra các yêu cầu cao hơn về quản trị NHTMCP so với các CTCP thông thường trong nền kinh tế. Do đó, “các quy định về quản trị đối với các NHTMCP về cơ bản được thiết kế chặt chẽ hơn so với các CTCP khác. Đây cũng là một thông lệ chung được thừa nhận rộng rãi trên bình diện quốc tế -nguyên tắc số 3 và 7 của 25 nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hiệu quả của Uỷ ban Basel, Luật ngân hàng Singapore, Luật ngân hàng Canada…” (Nguyễn Thị Lan Anh, 2015).

Có thể thấy rằng Luật TCTD 2010 đã có những bổ sung, thay đổi căn bản các quy định về nội dung này. Bởi lẽ khi thực thi các quy định Luật các TCTD năm 1997 làm bộc lộ nhiều bất cập khi thiếu các quy định cụ thể, đặc thù về tổ chức, quản trị, điều hành các TCTD và “trong thực tiễn đã phát sinh xung đột giữa luật và các quy định hướng dẫn của Chính phủ, NHNN (có giá trị pháp lý thấp hơn so với các Luật) với các quy định của Luật DN, Luật hợp tác xã, Luật đầu tư, Luật chứng khoán...

Điều này đã gây khó khăn cho việc xác định tính đặc thù trong việc tổ chức, quản trị, điều hành tổ chức tín dụng so với các loại hình doanh nghiệp khác. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến việc quản lý và bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD ” (Nguyễn Thị Lan Anh, 2015)

Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động quản trị của NHTMCP được điều chỉnh bởi

“Luật các TCTD 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật DN 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành như Thông tư 40/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 12 năm 2018 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM,chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 28/2021/TT-NHNN và Thông tư 17/2017/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT- NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt

động ngân hàng tại Việt Nam.” Bên cạnh đó, hiện nay các NHTMCP cũng là các công ty đại chúng nên cũng chịu sự điều chỉnh của “Luật CK 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều luật chứng khoán; Thông tư 116/2020/NĐ-BTC Hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP; TT 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.”

Nhằm tránh cho những quy định chung về quản trị có sự trùng lặp và đảm bảo vẫn có thể được áp dụng khi không được quy định bởi luật chuyên ngành thì những nội dung về quản trị đã được quy định bởi Luật DN 2020 sẽ không quy định lại trong Luật các TCTD 2010. Những thay đổi cần sự chấp thuận của NHNN theo hướng giảm bớt các nội dung thay đổi cần xin chấp thuận của NHNN đã căn bản được thay đổi trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Có thể nói, vấn đề quản trị NHTM nói chung và quản trị NHTMCP nói riêng ngày càng trở nên quan trọng và là yếu tố quyết định định hướng sự phát triển của các NHTMCP cũng như toàn hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, nước ta mới thấy được tầm quan trọng của vấn đề này trong những năm trở lại đây. Do đó, với những ưu điểm nêu trên, Luật các TCTD 2010, Luật chứng khoán Luật DN cùng các văn bản hướng dẫn thi hành một mặt sẽ giúp các NHTMCP nâng cao khả năng quản trị của mình, một mặt giúp cơ quan quản lý có cơ sở pháp lý đầy đủ, phù hợp hơn khi xem xét, đánh giá chất lượng quản trị của các NHTMCP. Hơn nữa, cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng và thực tiễn thi hành pháp luật ngân hàng đã đặt ra yêu cầu về việc phải thay đổi, khắc phục những lỗ hổng trong các quy định về quản trị ngân hàng nói chung và quản trị NHTMCP nói riêng. Do đó việc cơ quan nhà nước ban hành Luật sửa đổi luật các TCTD năm 2017 đã bổ sung một số quy định nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của TCTD, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành để phục vụ cho các lợi ích liên quan.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ở việt nam hiện nay (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)