Mục tiêu hay chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục được tuyên bố là tổng hòa các thông tin, kiến thức, hiểu biết, thái độ, giá trị, kỹ năng, năng lực hoặc hành vi mà một cá nhân mong đạt được sau khi hoàn thành một chương trình giáo dục [75]. Đối với các cơ sở đào tạo thì Chuẩn đầu ra CTĐT chính là những cam kết của CSGD với người học, được mô tả cụ thể về kiến thức, thái độ, kỹ năng hoặc năng lực mà người học cần đạt được hoặc thực hiện được khi kết thúc CTĐT [76], [77], [78]. Đối với đào tạo ngành thuộc khối ngành Sức khỏe, còn là các kỹ năng thực hành cần đạt được đối với ngành mà CSGD đưa ra đối với người sau khi tốt nghiệp CTĐT.
Việc xây dựng nội dung giảng dạy đáp ứng theo các yêu cầu năng lực của nguồn nhân lực đã được Goerge Miller đưa ra từ những năm 1990. [79].
Hình 1.4. Tháp năng lực lâm sàng của Miller
Dựa trên công trình của Miller GE về đánh giá kỹ năng/ năng lực/ thể hiện lâm sàng [79].
Tháp khung lý thuyết Miller về năng lực lâm sàng qua các mức độ biết (Knows), biết như thế nào (knows how), thể hiện (Shows) và làm (Does) đã thể hiện rõ cả các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ cần đạt được trong yêu cầu cả giảng dạy lẫn đầu ra của chương trình đào tạo. Tháp Miller làm rõ hơn các yêu cầu đạt được sau khi kết thúc CTĐT gắn liền với lâm sàng, hình thành CTĐT theo năng lực cần đạt được. Qua đó đào tạo cho người mới học có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ để trở thành chuyên gia.
Một số CSGD đã xây dựng chuẩn đầu ra CTĐT theo các bậc nhận thức, thái độ trong tháp năng lực lâm sàng, dần hình thành hình thức đào tạo dựa trên năng lực. Hiện nay, việc dạy học dựa trên năng lực được đưa vào mục tiêu CTĐT.
Ở Việt Nam, từ năm 2010, trong văn bản hướng dẫn xây dựng CTĐT, Bộ GDĐT đã đưa ra định nghĩa về chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo [80]. Đến năm 2015, CĐR của CTĐT được chỉnh sửa cụ thể là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành CTĐT, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện [81], [82]. Trên cơ sở đó, mỗi CTĐT cho từng trình độ đào tạo cần có các chuẩn đầu ra tương ứng với trình độ và cần được cập nhật, rà soát và điều chỉnh để phù hợp với các năng lực bắt buộc đối với nguồn nhân lực đó theo từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, đào tạo dựa trên năng lực được triển khai thực hiện như đào tạo nâng cao trình độ, đào tạo liên tục đã cho kết quả đánh giá cao, đặc biệt với các ngành thuộc khối ngành sức khỏe [4]. CTĐT trình độ đại học và sau
đại học ngành điều dưỡng của nhiều quốc gia đang xây dựng theo hướng đào tạo dựa vào năng lực [83].
1.3.2. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và các năng lực cốt lõi đào tạo thạc sĩ điều dưỡng của các trường đại học quốc tế
1.3.2.1. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục trên thế giới Chương trình đào tạo thạc sĩ ĐD chuẩn bị cho người ĐD có khả năng lãnh đạo linh hoạt và hoạt động quan trọng trong các hệ thống phức tạp luôn thay đổi bao gồm hệ thống y tế, giáo dục và tổ chức [84]. Các CTĐT này chuẩn bị cho người tốt nghiệp có thể hiểu và biết được các chức năng, nhiệm vụ của người giáo viên ĐD, người quản trị, hoặc hơn nữa. Ngoài ra, các CTĐT thạc sĩ ĐD chia ra các định hướng nghiên cứu (master of science of nurse – MSN) và định hướng ứng dụng chuyên sâu về chăm sóc ĐD như ĐD tim mạch, ung thư, nhi khoa, tâm thần kinh,…theo yêu cầu người học [14], [16], [85], [86], [87].
Mỗi nước có CTĐT thạc sĩ ĐD khác nhau với các yêu cầu năng lực cần có để thực hành điều dưỡng riêng của quốc gia, thậm chí của từng đơn vị quản lý riêng trong quốc gia đó. Ví dụ như tại Mỹ, mỗi bang có yêu cầu thực hành điều dưỡng riêng của bang dựa trên yêu cầu chung về người ĐD tại Mỹ [88] hoặc tại Úc sẽ theo từng yêu cầu đào tạo [86]. Các chương trình ĐD của Thạc sĩ tại quốc gia này nhằm giúp cho các ĐD đảm nhận vai trò cao hơn trong công tác CSSK, họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong trong quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, thông tin và công nghệ, cũng như chăm sóc bệnh nhân trực tiếp.
Căn cứ theo yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực thạc sĩ ĐD của mỗi nước, mỗi cơ sở đào tạo đại học tự xây dựng chuẩn đầu ra CTĐT thạc sĩ điều dưỡng mang đặc thù của cơ sở đào tạo. Thậm chí, đối với các cơ sở có đào tạo chương trình cho người bản địa, người quốc tế của một số nước ở Thái Lan,
Philippines, Trung quốc đã có CTĐT cho người bản địa và chương trình quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh.
Nhìn chung, các chuẩn đầu ra của CTĐT thạc sĩ ĐD của các nước đều có những điểm chung:
- Đáp ứng yêu cầu về trình độ thạc sĩ theo khung trình độ quốc gia đã công bố và yêu cầu về trình độ thạc sĩ theo yêu cầu quốc tế;
- Đào tạo nâng cao cho người ĐD trình độ đại học, thực hiện tốt các kỹ thuật ĐD cơ bản theo các tiêu chuẩn về ĐD quốc gia;
- Chương trình đào tạo có mục tiêu đào tạo thạc sĩ ĐD đáp ứng các kiến thức chuyên sâu của ĐD (có thể chung nhưng nhiều cơ sở đã tách chuyên sâu riêng về ĐD người cao tuổi, ĐD nhi khoa, điều dưỡng ngoại khoa, điều dưỡng sản phụ khoa và điều dưỡng cộng đồng); cung cấp các kiến thức về quản lý ĐD, tự chịu trách nhiệm; phương pháp nghiên cứu khoa học, thực hành nghiên cứu, tăng cường khả năng tự học tự nghiên cứu, khả năng truyền đạt kiến thức cho người bệnh, người chăm sóc, và đồng nghiệp. Trong một số nghiên cứu các nước cũng đã nhận định cần tăng cường đào tạo đạo đức và pháp luật cho thạc sĩ ĐD [89],[90], [91].
Căn cứ trên theo yêu cầu đào tạo của các quốc gia thì thời gian thực hiện CTĐT thạc sĩ ĐD của các trường đại học quốc tế thường từ 18 tháng đến 2 năm (CTĐT toàn thời gian) hoặc 3 năm với chương trình vừa làm vừa học với khối lượng kiến thức từ 30 đến 42 tín chỉ [87], [87], [92], .
1.3.2.2. Các năng lực cốt lõi của người thạc sĩ điều dưỡng đã được đưa vào chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục trên thế giới
Theo khuyến cáo trong CTĐT thạc sĩ ĐD của một số trường đại học, người ĐD có trình độ thạc sĩ sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn so với cử nhân từ công tác thực hành chăm sóc trực tiếp tới giáo viên ĐD hoặc Nhà nghiên cứu, nhà quản lý ĐD và học nâng cao lên tiến sĩ; một số có thể tham gia trong công tác hoạch định, xây dựng chính sách CSSK hoặc chính sách về điều
dưỡng [15]. CTĐT thạc sĩ ĐD trang bị cho họ những kiến thức cốt lõi để ứng dụng trong công việc CSSK và có thể tiếp tục nghiên cứu, học tập nâng cao lên trình độ cao hơn và tích lũy kiến thức chuyên môn trong tương lai [13].
Trong CTĐT thạc sĩ ĐD của một số nước đã tập trung cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành một số năng lực cốt lõi sau:
* Tại Mỹ
Nhiệm vụ của người ĐD thạc sĩ ngày càng cao, ngoài chăm sóc người bệnh trực tiếp họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong trong quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, thông tin và công nghệ. ĐD ở trình độ thạc sĩ (sau ĐH) còn có yêu cầu nhiệm vụ cao hơn với tư cách là lãnh đạo ĐD lâm sàng, quản lý ĐD, nhà giáo dục lâm sàng, nhà tư vấn chính sách y tế, trợ lý nghiên cứu, điều dưỡng cộng đồng và ở nhiều năng lực khác. Chính vì vậy, năng lực của điều dưỡng ở trình độ thạc sĩ được yêu cầu cao hơn [88]. Trên cơ sở đó, Hiệp hội các trường cao đẳng Mỹ đã xác định mục tiêu đào tạo thạc sĩ ĐD tại Mỹ từ rất sớm, yêu cầu người thạc sĩ ĐD cần có khả năng lãnh đạo linh hoạt, đưa ra các hành động quan trọng trong hệ thống phức tạp như y tế, giáo dục và tổ chức; có các kiến thức, kỹ năng có giá trị để hướng dẫn làm thay đổi, cải thiện sức khỏe, và nâng cao dịch vụ chăm sóc trong các nhiệm vụ và môi trường làm việc đa dạng [41]. Họ đã đưa ra 9 năng lực cần thiết (cốt lõi) đối với ĐD trình độ thạc sĩ: (1) Những kiến thức cơ bản về thực hành dựa trên khoa học và con người; (2) Lãnh đạo tổ chức và hệ thống; (3) Cải tiến chất lượng và an toàn; (4) Áp dụng các kiến thức vào thực hành; (5) Công nghệ tin học và CSSK; (6) Chính sách y tế và vận động chính sách; (7) Hợp tác chuyên nghiệp nâng cao sức khỏe người bệnh và toàn dân; (8) Dự phòng lâm sàng và nâng cao sức khỏe toàn dân; (9) Thực hành các hoạt động ĐD trình độ thạc sĩ. Trong đó có các yêu cầu cụ thể với từng năng lực cốt lõi.
Căn cứ theo đó, các trường đào tạo thạc sĩ ĐD ở Mỹ dần điều chỉnh CTĐT. Năm 2015, Khoa đào tạo ĐD Viện đào tạo Massachusett đã sửa đổi và
đưa ra các chuẩn năng lực cốt lõi đối với người ĐD thực hành trong tương lai [93] (hình 1.3).
Hình 1.5. Các chuẩn năng lực cốt lõi dành cho điều dưỡng tương lai
Nguồn: Theo Hội đồng chương trình đào tạo điều dưỡng
Liên đoàn Điều dưỡng Massachusett/ đảo Rhode cập nhật (1/5/2015) [93]
Cụ thể, gồm các năng lực: Chăm sóc người bệnh là trung tâm (Partient- Centered Care); Chuyên môn nghề nghiệp (Professionalism); Năng lực lãnh đạo (Leadership); Thực hành dựa trên hệ thống (Systems-Based Practice); Tin học và công nghệ (Informatics and Technology); Truyền thông (Communication); Làm việc nhóm và hợp tác (Teamwork and Collaboration);
Tính an toàn (Safety); Nâng cao chất lượng (Quality Improvement) và Thực hành dựa trên bằng chứng (Evidenced-Based Practice - EBP).
* Philippines:
Hội ĐD của Philippines, chuẩn năng lực cốt lõi của người ĐD trình độ thạc sĩ [94] bao gồm: (1) CSSK an toàn và chất lượng; (2) Quản lý các nguồn lực và môi trường; (3) Giáo dục sức khỏe; (4) Trách nhiệm pháp luật; (5) Trách nhiệm đạo đức; (6) Phát triển bản thân và chuyên môn; (7) Cải tiến chất lượng; (8) Nghiên cứu; (9) Quản lý hồ sơ; (10) Truyền thông; và (11) Hợp tác và làm việc nhóm. Căn cứ theo các mức độ đánh giá của nhóm sử dụng nhân
lực (lãnh đạo ĐD) và chính người ĐD, để xác định điểm mạnh, điểm yếu và từ đó xây dựng CTĐT theo yêu cầu năng lực cần có.
Hình 1.6. Mô hình xây dựng chương trình dựa trên chuẩn năng lực cốt lõi thạc sĩ điều dưỡng của Phillipines [94]
Trên cơ sở các chuẩn năng lực ĐD cơ bản, phân công theo từng trình độ ĐD được đào tạo chuyên sâu, nội dung CTĐT thạc sĩ ĐD của Trường Đại học Manila gồm các chuẩn năng lực ĐD của người ĐD trình độ thạc sĩ có yêu cầu về các kỹ năng trong chuẩn cao hơn.
* Thái Lan:
Thái Lan cũng là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo thạc sĩ điều dưỡng. So với các quốc gia khác, Thái Lan có chuẩn năng lực ĐD dành cho đối tượng trình độ thạc sĩ một cách toàn diện và phù hợp với văn hóa của người dân khu vực Đông Nam Á. Chuẩn thạc sĩ ĐD cơ bản gồm 4 nhóm chuẩn chính bao gồm mối quan hệ giữa các cá nhân, quản lý chăm sóc,
dịch vụ CSSK lồng ghép, và trách nhiệm nghề nghiệp kèm các năng lực chi tiết được mô tả trong sơ đồ năng lực (hình 1.5) [95]:
Hình 1.7. Năng lực người điều dưỡng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu của Thái Lan [95]
* Singapore:
Các chuẩn năng lực cốt lõi của CTĐT thạc sĩ ĐD của Trường Đại học quốc gia Singapore đã tập trung vào các trọng tâm sau: (1) Đào tạo người học có khả năng phát hiện, hình thành và giải quyết vấn đề thông qua nghiên cứu;
(2) Thúc đẩy nghiên cứu và thực hành ĐD dựa vào bằng chứng; (3) Thiết lập và hoạch định chiến lược để định hưỡng ngành ĐD trong nước và quốc tế; và (4) Đổi mới tư duy kinh doanh để tác động có lợi tới ngành nghề ĐD và công tác CSSK [66].
Trong chiến lược phát triển kinh tế của Singapore có mục tiêu phát triển doanh nghiệp CSSK cấp quốc tế, phát triển du lịch kèm khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, các chuẩn năng lực thạc sĩ ĐD đều phải phù hợp với các chuẩn năng lực cơ bản quy định bởi Hội đồng ĐD quốc gia theo trình độ.
Qua tổng quan các tài liệu trên thế giới chúng tôi thấy các nhóm năng lực được chú trọng hơn đối với ĐD trình độ thạc sĩ bao gồm:
(1) Năng lực chuyên môn, hợp tác và làm việc nhóm;
(2) Năng lực lãnh đạo và quản lý ĐD.
(3) Năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin trong thực hành, nghiên cứu ĐD.
(4) Năng lực giảng dạy/đào tạo.
(5) Năng lực thực thi và xây dựng chính sách phát triển ĐD.
Bên cạnh việc chú trọng 5 nhóm năng lực trên thì người ĐD ở trình độ thạc sĩ đòi hỏi mức độ đáp ứng của các năng lực chuyên môn ở mức độ cao hơn so với ĐD ở trình độ dưới thạc sĩ như tiêu chuẩn số 9 của Mỹ [41].
1.3.2.3. Những năng lực cốt lõi cần có của thạc sĩ điều dưỡng Việt Nam
Để nâng cao chất lượng cán bộ ĐD, Bộ Y tế đã đề nghị đào tạo tăng cường trình độ sau ĐH (chuyên khoa 1 và thạc sĩ) cho cán bộ ĐD để đạt được tiêu chuẩn ĐD hạng II và gắn vào các vị trí quản lý ĐD như ĐD trưởng bệnh viện, ĐD trưởng cấp khoa khám chữa bệnh [36], [48].
Năm 2005, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức y tế ĐD [96]. Trong đó, người ĐD trình độ thạc sĩ hoặc CK1 được xếp vào nhóm ĐD chính với các nhiệm vụ thể hiện vai trò chủ trì trong việc tổ chức lập kế hoạch chăm sóc ĐD, mức độ thực hiện các các công việc ĐD một cách thành thạo. Năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã cập nhật các nhiệm vụ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cần đạt được đối với ĐD hạng II trong chức danh ĐD và đã quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với ĐD hạng II là người tốt nghiệp chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ chuyên ngành ĐD [48]. Qua đó, các năng lực chuyên môn nghiệp vụ cần đạt đối với điều dưỡng hạng II có thể hiểu được gắn với các yêu cầu năng lực của người thạc sĩ ĐD và điều dưỡng chuyên khoa cấp I. Các năng lực đó gồm: (1) Hiểu biết về quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao
sức khỏe nhân dân; (2) Hiểu biết về sức khỏe, bệnh tật của cá nhân, gia đình và cộng đồng, đưa ra chẩn đoán chăm sóc, phân cấp chăm sóc, chỉ định chăm sóc và thực hiện can thiệp ĐD bảo đảm an toàn cho người bệnh và cộng đồng;
(3) Thực hiện thành thạo kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, sơ cứu, cấp cứu, đáp ứng hiệu quả khi có tình huống cấp cứu, dịch bệnh và thảm họa; (4) Có khả năng tư vấn, GDSK và giao tiếp hiệu quả với người bệnh và cộng đồng; (5) Có kỹ năng tổ chức đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, hợp tác với đồng nghiệp và phát triển nghề nghiệp ĐD.
Tóm lại các nhóm năng lực cần có của người thạc sĩ ĐD cần đạt được có thể ghép lại như sau: (1) Có đủ năng lực chuyên môn điều dưỡng theo trình độ thạc sĩ; (2) Có năng lực tổ chức, lãnh đạo, phát triển chuyên môn chung trong đơn vị; (3) Có năng lực hiểu và thực hiện đúng chính sách phát luật, đường lỗi lãnh đạo của Đảng, thực hiện đạo đức nghề nghiệp; (4) Có năng lực tổ chức đào tạo, huấn luyện và thực hiện nghiên cứu khoa học.
1.3.3. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo thạc sĩ điều dưỡng của một số trường đại học tại Việt Nam
Năm 2006 khi bắt đầu đào tạo ngành ĐD trình độ thạc sĩ do chưa có mã ngành đào tạo trong danh mục cấp IV, việc mở ngành của Trường ĐH Y Dược TPHCM là đào tạo thí điểm. CTĐT thạc sĩ ĐD của trường về cơ bản đã tham khảo các CTĐT thạc sĩ ĐD của các nước phát triển ngành ĐD trên thế giới và tích hợp thêm các học phần bắt buộc của CTĐT trình độ thạc sĩ ở Việt Nam. Giai đoạn đầu nhờ việc hỗ trợ của nhóm giảng viên ĐD đến từ Mỹ (Nhóm nhịp cầu tình bạn - Friendship Bridge Nurses Group) đã hỗ trợ trường xây dựng CTĐT ngành ĐD trình độ thạc sĩ với mục đích đào tạo đội ngũ giáo viên giảng viên có năng lực, trình độ để thực hiện các CTĐT ngành ĐD trong nước. Đây cũng là phương pháp để sớm có CTĐT thạc sĩ ĐD đáp ứng theo tiêu chuẩn ngành nghề. Tuy nhiên, công tác lắp ghép này chỉ cố gắng đáp ứng các yêu cầu cơ bản về cấu trúc của CTĐT thạc sĩ theo các yêu cầu đầu ra trình độ thạc sĩ theo các quy định hiện hành.