4.1.1. Thực trạng đào tạo thạc sĩ điều dưỡng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2020
Việc đào tạo thạc sĩ ĐD là yêu cầu tất yếu trong sự phát triển ngành.
Ngay từ năm 2010, trước sự phát triển ngành, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã xây dựng chương trình khung đào tạo ngành ĐD trình độ CĐ và ĐH [117]. Để có đủ đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đã yêu cầu người giảng dạy trình độ CĐ ngành ĐD phải bảo đảm là thạc sĩ đúng ngành ĐD, để tạo dựng
“máy cái” cho việc đào tạo nguồn nhân lực ngành: điều kiện mở ngành trình độ CĐ yêu cầu ít nhất 4 thạc sĩ đúng ngành, mở ngành trình độ đại học 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng ngành (năm 2011) [51] và được thay đổi đối với trình độ đại học là 10 thạc sĩ đúng ngành (năm 2017) [52].
Tuy nhiên, trong nhiều năm, các CSGD ĐH ở Việt Nam chưa đủ điều kiện xây dựng chương trình và đào tạo ngành ĐD trình độ thạc sĩ nên nhiều cán bộ ĐD phải học tập nâng cao tại nước ngoài.
Tính đến năm 2007, các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt nam dưới sự hỗ trợ, hợp tác đào tạo với cơ sở nước ngoài xây dựng chương trình đào tạo ngành thạc sĩ ĐD. Đến năm 2012, Trường ĐH Y Dược TP. HCM mới có chương trình đào tạo riêng. Yêu cầu về CSSK ngày càng tăng đáp ứng với sự thay đổi nhanh và liên tục về giá cả cũng như chất lượng CSSK và an toàn cho người bệnh, đã yêu cầu thế giới cần tăng cường đào tạo đội ngũ ĐD tốt.
Tính đến tháng 12/2020, đã có 4 CSGD ĐH được Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện CTĐT thạc sĩ ĐD có học viên tốt nghiệp. Theo kết quả thu thập thông tin người học chương trình thạc sĩ của 4 CSGD đại học trong mẫu nghiên cứu thấy đã có 604 học viên tốt nghiệp (Biểu đồ 3.1), trong đó của
Trường ĐH Y Dược TP. HCM có số người tốt nghiệp cao nhất 226 học viên (37,0%), sau đó Trường ĐH ĐD Nam Định 192 học viên (34%) với 5 khóa đào tạo, Trường ĐH Thăng Long 104 học viên (17%) với 1 khóa đào tạo và thấp nhất là Trường ĐH Y Hà Nội 82 học viên (14%) với 2 khóa đào tạo.
Ở tất cả các CSGD, tỷ lệ % thạc sĩ ĐD nam theo học CTĐT thấp hơn nữ và chiếm 1/6 đến 1/5 tổng số đã tốt nghiệp (Bảng 3.1). Tỷ lệ giới tính các thạc sĩ ĐD phù hợp với tỷ lệ giới tính sinh viên học ngành ĐD tại các trường đại học và phù hợp với đặc tính ngành nghề. Từ “nurse” được xuất phát từ
“nutrire”, mang tính giống cái, chính vì vậy nên tỉ lệ nữ ĐD cao hơn nam.
Tuy nhiên, đến ngày nay không có sự phân biệt trong việc tuyển dụng, số lượng nam giới công tác trong ngành ĐD đã cao hơn 10 năm trước nhưng tỷ lệ % nam ĐD toàn ngành thấp (dưới 10%). Điều này phù hợp với tỉ lệ nam ĐD tại nhiều nước trên thế giới. Theo một số báo cáo trên thế giới về vấn đề mất cân bằng giới tính ngành ĐD cho thấy tỉ lệ ĐD nam chiếm dưới 20% tổng số người ĐD nghiên cứu [118], [119], [120]. Theo nhận định của hiệp hội ĐD quốc tế, thì ngành ĐD không phải chỉ là ngành dành riêng cho phái nữ mà cho cả nam và nữ giới cùng tham gia [121]. Cũng theo các báo cáo của AAMN (The American Association for Men in Nursing) đã có dự án đến năm 2020 nâng cao tỉ lệ ĐD nam lên 20% tổng số ĐD nhưng kết quả chưa được khả quan [120].
Tuổi trung bình tốt nghiệp thạc sĩ ĐD là 33,7 ± 5,75, dao động từ 25 đến 51 tuổi trong đó người học tại Trường ĐH Thăng Long có tuổi trung bình cao nhất (39,8 ± 4,75), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,001) giữa các CSGD. Độ tuổi này tương đương với độ tuổi của thạc sĩ ĐD trong một số nghiên cứu khác với độ tuổi trung bình của người ĐD thực hành (người đã có bằng RN- ĐD thường trú) của một số nước trên thế giới vì tổng thời gian học tập đại học, hoàn thành sau đại học là 7 đến 8 năm và có khoảng 12 năm kinh
nghiệm làm việc [122]. sự không thấy có sự khác biệt về độ tuổi trung bình theo giới tính của thạc sĩ ĐD (bảng 3.2).
4.1.2. Nhu cầu đào tạo thạc sĩ điều dưỡng
4.1.2.1. Vị trí công tác và nhu cầu số lượng thạc sĩ điều dưỡng cần có
Tầm quan trọng của vai trò và năng lực của thạc sĩ ĐD trong việc đảm bảo an toàn cho người bệnh đã được khẳng định trong một số nghiên cứu trong nước và quốc tế [9], [122]. Theo kết quả phỏng vấn sâu và tham vấn cho thấy “nhân lực thạc sĩ điều dưỡng là rất cần thiết, không chỉ trong các CSGD đào tạo ngành ĐD mà còn cần cả ở khối các BV, cơ quan quản lý điều hành chuyên môn ĐD" (theo ý kiến của chuyên gia Bộ Y tế). Tuy nhiên, như trong phần tổng quan đã phân tích, cho đến thời điểm thực hiện nghiên cứu chưa có văn bản quy phạm quy định hay xác định vị trí công việc cần có thạc sĩ ĐD tại các cơ sở y tế. Hiện tại, chỉ trong Luật Giáo dục có quy định đối với giảng viên giảng dạy trình độ đại học bắt buộc phải có trình độ từ thạc sĩ đúng chuyên ngành trở lên [50]. Nhu cầu cán bộ thạc sĩ ĐD cần phân công theo từng vị trí việc làm (tại BV hay tại CSĐT) sẽ cần số lượng khác nhau cán bộ khác nhau. Các ý kiến của giảng viên CSĐT cũng trùng hợp với ý kiến của một số cán bộ quản lý ĐD của một số BV về các yêu cầu năng lực nhiệm vụ đối với thạc sĩ ĐD và phù hợp với vị trí giảng viên ĐD tại Mỹ và một số nước để cải thiện chất lượng chăm sóc [5], [123] cũng như khả năng hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm của ĐD trong tương lai theo mục tiêu Hội ĐD Mỹ đề ra [1], và xu hướng giáo dục ĐD [12].
Theo kết quả khảo sát vị trí việc làm từ những người quản lý, người đang công tác tại phòng quản lý ĐD, chúng tôi xác định được một số vị trí công tác cần thạc sĩ ĐD sau: cán bộ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục (28/28 người được phỏng vấn và tham vấn), có 27/28 ý kiến cho rằng cần ở vị trí người quản lý hoạt động ĐD tại bệnh viện (ĐD trưởng tại BV hoặc khoa phòng điều trị), và 28/28 ý kiến cần ở vị trí cán bộ quản lý chuyên môn điều
dưỡng tại các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng trưởng nhóm ĐD tại khoa phòng chỉ cần người ĐD đó có kinh nghiệm, có năng lực, đạt trình độ chuyên khoa cấp I cũng tốt, chứ không nhất thiết phải có bằng thạc sĩ vì hiện nay để có bằng thạc sĩ rất khó khăn, nhiều người không đạt được yêu cầu ngoại ngữ. Lý do chung lựa chọn các vị trí công việc này vì gắn liền với yêu cầu của ngành. Nếu người quản lý ĐD, ĐD trưởng không nắm rõ về ngành điều dưỡng sẽ không thể đẩy mạnh tính độc lập, chủ động và phối hợp của ĐD trong đơn vị cũng như trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Với vị trí công việc này, họ sẽ trở thành người “cầm lái” cho đội ngũ điều dưỡng trong đơn vị phấn đấu phát triển, đáp ứng yêu cầu công việc và yêu cầu của ngành. Khi họ có trình độ thạc sĩ đạt yêu cầu năng lực ĐD hạng II (có trình độ thạc sĩ hoặc chuyên khoa I chuyên ngành ĐD) như trong phân hạng ĐD quy định tại TTLT 26/2015 thì sẽ dễ dàng hơn trong các quyết định vị trí người ĐD trong đơn vị [48].
Kết quả bảng 3.4 cho thấy, thực trạng và nhu cầu đội ngũ giảng viên trình độ thạc sĩ ngành ĐD tại các CSGD đào tạo ngành ĐD trình độ ĐH và CĐ đến năm 2020 cho thấy, với số lượng khoảng 83 CSGD đào tạo ĐD trình độ CĐ và 46 CSGD đào tạo trình độ ĐH thì nhu cầu đủ về số lượng thạc sĩ thực hiện các CTĐT này khoảng 800 người (chưa kể số lượng tiến sĩ ĐD cần có) để đảm bảo đội ngũ giảng viên giảng dạy trình độ đại học theo Luật giáo dục quy định [49] và các yêu cầu về duy trì ngành của Bộ GDĐT [52]. Theo số thực tế báo cáo đơn vị để xác định mức duy trì ngành đào tạo trình độ đại học hằng năm của CSGD đào tạo là 460 thạc sĩ ĐD, như vậy chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cần có. Cùng với yêu cầu đào tạo của các trường CĐ có đào tạo ĐD thì còn thiếu hơn 330 thạc sĩ ĐD. Số lượng này chưa tính thêm lượng giảng viên trình độ thạc sĩ của các trường sẽ nghỉ hưu trong thời gian tới. Ngoài ra, số lượng thạc sĩ ĐD này mới chỉ được tính cho nhu cầu giảng viên thuộc CSGD còn chưa xét đến các vị trí công tác khác có nhu cầu
người ĐD có trình độ thạc sĩ như tại các cơ sở chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh (ĐD hạng II). Và để thực hiện CTĐT trình độ CĐ, yêu cầu giảng viên và giáo viên thực hiện CTĐT cũng phải có trình độ sau ĐH về ĐD (thạc sĩ ĐD hoặc ĐD chuyên khoa cấp I) [51].
Dựa theo số lượng ĐD cần có theo mục tiêu đặt ra đến 2025 là 25 ĐD/
vạn dân [115], chúng tôi đã ước tính cần có thêm 251.925 người ĐD để phục vụ cho hơn 100.770.000 dân số dự kiến. Như vậy, áp dụng công thức tính cần phải bổ sung thêm hơn 113.472 người ĐD với dự kiến 5% số người ĐD nghỉ hưu, bỏ việc hằng năm. Và để đào tạo bổ sung số lượng người ĐD này sẽ cần có khoảng 2.000 thạc sĩ ĐD tham gia giảng dạy, công tác tại các cơ sở giáo dục đào tạo ngành ĐD với tỷ lệ tuyển sinh 15 sinh viên ĐD/ giảng viên.
Chính những yêu cầu đó nên các CSGD yêu cầu cán bộ giảng dạy của cơ sở phải đạt trình độ thạc sĩ. Đây có thể lý giải cho việc số học viên chương trình thạc sĩ đang công tác trong CSGD cao hơn nhóm ngoài CSGD. Điều này cũng phù hợp với định hướng của các CSĐT thạc sĩ ĐD đó là cung cấp nguồn lực “máy cái” để đào tạo ngành ĐD (theo phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế khi khai mạc phát Hội nghị Đào tạo nguồn nhân lực ĐD). Trong khi đó, đối với các vị trí công tác của người ĐD tại các đơn vị khám chữa bệnh chưa có yêu cầu cụ thể ngoài quy định điều kiện tiêu chuẩn xếp hạng ĐD hạng II yêu cầu có trình độ ĐD hoặc chuyên khoa cấp I chuyên ngành ĐD [48]. Đây là điểm thiếu của Bộ Y tế khi chưa cập nhật hết các yêu cầu xây dựng vị trí việc làm cho cán bộ y tế thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như đơn vị quản lý nhà nước (Sở Y tế). Theo kết quả tham vấn cho thấy cần có các quy định cụ thể về vị trí việc làm theo trình độ đào tạo cho người ĐD, như vậy sẽ là động lực cho người ĐD học tập nâng cao trình độ bản thân, phấn đấu trong công tác. Điều này cũng phù hợp với xu hướng người ĐD quốc tế đó là học thạc sĩ để có cơ hội việc làm hơn và thu nhập cao hơn [6], [14].
Hiện tại, các văn bản quy định về hoạt động ĐD đang được rà soát, bổ sung và dần hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực ngành.
Như trong phần tổng quan chung về năng lực, chuẩn năng lực điều dưỡng thì ở Việt nam hiện chỉ có năng lực cơ bản của người ĐD và trong đó chưa có sự phân định rõ yêu cầu năng lực theo từng trình độ đào tạo của người ĐD. Đây là khó khăn cho việc xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực thạc sĩ ĐD để bảo đảm đào tạo đủ về số lượng và chất lượng. Theo ý kiến của một số lãnh đạo quản lý ĐD tại bệnh viện và cơ quan quản lý y tế thì nhiệm vụ của các ĐD chăm sóc tại phòng bệnh không phân biệt nhiều. Còn theo kinh nghiệm quản lý, một số cán bộ quản lý ĐD ở BV thì cho rằng các thạc sĩ ĐD hiện nay chính là đội ngũ quan trọng thúc đẩy cho ĐD của BV nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như năng lực nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, đào tạo trong BV. So với quốc tế, nhiều nước cũng có nhiều nhóm ĐD thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, họ được phân công các vị trí nhiệm vụ cụ thể kèm các yêu cầu năng lực cần thực hiện. Họ cũng có hoạt động học tập nâng cao nghiệp vụ nhưng có hội đồng đánh giá năng lực kiểm tra và cho phép thực hiện các nhiệm vụ ở mức độ cao hơn khi bảo đảm các yêu cầu về trình độ và năng lực chuyên môn [124].
4.1.2.2. Nhu cầu năng lực cốt lõi thạc sĩ điều dưỡng cần có
Để có thông tin cụ thể thêm cho các thông tin thu được từ đánh giá định lượng, trong quá trình khảo sát đánh giá định tính bổ sung, chúng tôi cũng thu được ý kiến của chuyên gia (cán bộ quản lý ĐD cấp trung ương, sở y tế, bệnh viên, cũng như giảng viên và thạc sĩ ĐD): tất cả 21/21 chuyên gia cho rằng thạc sĩ điều dưỡng cần có năng lực chuyên môn ĐD sâu và năng lực quản lý - phát triển nghề nghiệp và năng lực giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học, 18/21 người thấy cần có năng lực hành nghề theo pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, có người thuộc nhóm cán bộ quản lý ĐD và xây dựng chính sách (bảng 3.5).
Khi thực hiện đánh giá mức độ ưu tiên theo từng nhóm năng lực từ các chuyên gia về mức độ ưu tiên giảng dạy trong chương trình đào tạo thạc sĩ ĐD chúng tôi thấy mức độ ưu tiên được tập trung nhiều ở các nhóm năng lực 1, 2 và 4 (bảng 3.6). Nhóm năng lực 3 chưa được chính các thạc sĩ ĐD và các chuyên gia đặt ra ở mức ưu tiên cao. Điều này cần cân nhắc trong nội dung giảng dạy cũng như thực hiện trong công việc chăm sóc. Theo các nghiên cứu quốc tế thì nhóm năng lực này cần được quan tâm hơn.
Quan điểm về vị trí việc làm của đội ngũ thạc sĩ ĐD, người giảng viên ĐD và người quản lý ĐD cũng đưa ra các quan điểm sắp xếp yêu cầu năng lực cốt lõi đang nghiên cứu theo từng vị trí việc làm cụ thể. Theo một số anh chị quản lý điều dưỡng tại BV và thạc sĩ ĐD đang công tác tại bệnh viện thì năng lực giảng dạy nghiên cứu khoa học không chỉ dùng đối với các người làm công việc trong CSGD mà còn cả tại BV. Năng lực nghiên cứu, đào tạo giúp cho hoạt động chuyên môn ĐD được phát triển hơn, các kinh nghiệm chăm sóc ĐD được chia sẻ theo chiều hướng tiến bộ. Bên cạnh đó, ý kiến của các giảng viên đang thực hiện CTĐT thì năng lực giảng dạy và nghiên cứu được ưu tiên đầu tiên, vì những năng lực này rất cần cho cán bộ giảng dạy tại cơ sở đào tạo; năng lực chuyên môn, tùy theo từng bài giảng sẽ nghiên cứu sâu hơn để có các nội dung giảng dạy phù hợp, cập nhật kiến thức mới phù hợp với yêu cầu. Ngoài ra, đối với cán bộ giảng dạy chỉ trừ các bài học chuyên khoa sâu mới cần kỹ về năng lực chuyên môn sâu, còn những năng lực đang được đánh giá chỉ là những năng lực chung, cơ bản mang tính nguyên tắc thực hiện với tất cả bệnh nhân. Đánh giá năng lực số 1.12 ứng dụng công nghệ thông tin để liên lạc với người bệnh và gia đình để thực hiện tốt công tác chăm sóc rất hợp lý với hoàn cảnh hiện tại khi dịch bệnh đang diễn ra. Qua đợt dịch COVID-19 cho thấy vai trò ĐD rất quan trọng, các hoạt động chăm sóc của họ đã góp phần làm giảm tử vong do dịch bệnh. Ngoài ra, họ còn tham gia cả công tác chăm sóc cộng đồng. Việc ứng dụng tốt công
nghệ thông tin giúp cho việc hỗ trợ chăm sóc điều trị từ xa được tốt hơn. Theo ý kiến chung của các giảng viên, người quản lý, cả các thạc sĩ ĐD, các năng lực chi tiết, các nhóm năng lực này không có gì mới nhiều nhưng chưa được cụ thể hóa thành các năng lực chuẩn. Do chưa có nên việc tổng hợp các nhóm năng lực cốt lõi là rất cần thiết. Nếu người thạc sĩ ĐD đạt được các nhóm năng lực này đã hỗ trợ cho việc phát triển ngành. Theo ý kiến của một số anh chị thì hiện tại Chính phủ đang giao cho Bộ Y tế sửa chữa lại các năng lực năng lực quy định trong TTLT 26/2015. Nếu các nhóm năng lực và các năng lực chi tiết đang nghiên cứu được cơ quan lãnh đạo tham khảo thì sẽ làm mạnh hơn lực lượng ĐD, làm rõ hơn chức năng nhiệm vụ từng hạng điều dưỡng. Tuy nhiên, việc này cũng vẫn cần thêm thời gian. Còn đối với yêu cầu quốc tế, các năng lực này gần gắn với các yêu cầu người ĐD có trình độ sau đại học, có thể thực hiện các nhiệm vụ ĐD chuyên sâu.
Mức độ ưu tiên năng lực giảng dạy - nghiên cứu khoa học cũng được cho ở mức ưu tiên đào tạo và tuyển dụng. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu vị trí công việc mà trọng phần trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy có lệch nhau. Hiện tại, nếu theo ý kiến của người quản lý các CSGD thì yêu cầu về năng lực giảng dạy dường như ưu tiên cao năng lực nghiên cứu khoa học chút, nhưng theo ý kiến cán bộ quản lý các đơn vị ngoài CSGD thì cả nhóm năng lực giảng dạy - nghiên cứu khoa học đều được đánh giá cao vì giữ nhiệm vụ chia sẻ, đào tạo NNL cho đơn vị. Ngoài ra, tại một số bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thì đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học nên khuyến khích nhiều cán bộ điều dưỡng phải biết cách thực hiện các nghiên cứu khoa học riêng.
Nhóm hành nghề theo pháp luật và đào đức nghề nghiệp được xếp thấp nhất trong 4 nhóm. Trong khi đó, nhóm cán bộ quản lý lại cho rằng các năng lực quản lý và phát triển nghề nghiệp cùng năng lực hành nghề theo pháp luật và đạo đức nghề nghiệp xếp tương đương nhau.