CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG KIỂM TOÁN CHU TRÌNH TIỀN LƯƠNG VÀ NHÂN VIÊN TRONG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH DO CÔNG TY
2.3. Kiểm toán chu trình tiền lương và nhân viên do Công ty TNHH Mazars Việt Nam thực hiện tại Công ty TNHH T
2.3.3. Kết thúc kiểm toán
2.3.3.1. Soát xét giấy tờ làm việc của KTV
Sau khi hoàn tất công việc kiểm toán chu trình tiền lương, trưởng nhóm kiểm toán sẽ tiến hành soát xét giấy tờ làm việc của KTV thực hiện. Tiếp theo, Trưởng/Phó phòng kiểm toán một lần nữa kiểm tra, đánh giá lại WPs của cả nhóm nhưng nhìn chung việc soát xét được thực hiện nhằm đạt được các yêu cầu sau:
- Các bằng chứng thu thập được đã đánh giá, mô tả được một cách đầy đủ thông tin về tiền lương và các khoản trích theo lương.
- Quá trình thực hiện kiểm toán chu trình tiền lương được thực hiện theo đúng kế hoạch và tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cũng như các chuẩn mực kiểm toán quốc tế được chấp nhận.
- Các mục tiêu kiểm toán xác định đối với chu trình tiền lương đã được thỏa mãn, kiểm toán viên đã thực hiện đủ thủ tục và thu thập đủ bằng chứng thích hợp.
- Các giấy tờ làm việc đã chứa đựng đầy đủ thông tin cần thiết làm căn cứ chứng minh cho kết luận trong báo cáo kiểm toán.
Trong quá trình soát xét, nếu phát hiện những điểm chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng các mục tiêu đặt ra đối với khoản mục thì trưởng nhóm hoặc Trưởng/Phó phòng kiểm toán sẽ yêu cầu kiểm toán viên sửa chữa, bổ sung.
2.3.3.2. Thống nhất bút toán điều chỉnh của kiểm toán viên thực hiện chu trình Sau khi thực hiện đủ các thủ tục kiểm toán tại đơn vị khách hàng, KTV phải phân loại lại và lập bảng tổng hợp các bút toán điều chỉnh (List of adjustments – LOA) gửi trưởng nhóm kiểm toán. Trưởng nhóm tiếp nhận tất cả các ý kiến kiểm toán và LOA của các thành viên nhóm để lập biên bản họp gửi Trưởng/Phó phòng kiểm toán và Kế toán trưởng của đơn vị khách hàng. Cuộc họp diễn ra với sự tham gia của các thành viên nhóm kiểm toán, Trưởng/Phó phòng kiểm toán và đại diện phòng kế toán của đơn vị khách hàng. Trong cuộc họp, nhóm kiểm toán phải giải trình được những sai phạm phát hiện (bao gồm cả những điểm yếu về KSNB và các bút toán điều chỉnh) và đưa ra các bằng chứng phù hợp để chứng minh những sai phạm đó. Nếu kế toán trưởng chấp nhận những ý kiến trên thì những ý kiến này sẽ được đưa vào LOA bản cuối cùng và sẽ được cả hai bên điều chỉnh để lập và phát hành BCKT. Những ý kiến không được chấp nhận sẽ đưa vào danh sách các bút toán không điều chỉnh (Summary of unadjustments – SUD) và không đưa lên BCTC sau kiểm toán, tuy nhiên những ý kiến này vẫn sẽ được đưa vào thư quản lý và trình lên BGĐ đơn vị khách hàng.
Tại Công ty T Hà Nội, Kế toán trưởng và Kế toán tổng hợp là đại diện phòng kế toán tham gia cuộc họp. Kết quả cuộc họp là Công ty T Hà Nội đồng ý điều chỉnh cả ba bút toán đối với chu trình tiền lương và nhân viên. Do vậy, ba bút toán này sẽ được đưa vào danh sách bút toán điều chỉnh (LOA) làm căn cứ lập BCTC sau kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020.
2.3.3.3. Xem xét các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ
Trưởng nhóm kiểm toán xem xét sự kiện xảy ra sau kỳ kế toán của Công ty T:
“Sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, đại dịch COVID-19 đã bùng nổ và lan rộng trên toàn thế giới từ tháng 1 năm 2020. Những lo ngại về sức khỏe và việc gián đoạn kinh doanh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Trong giai đoạn này, những ảnh hưởng hiện thời và tiềm ẩn về mặt tài chính của đại dịch COVID-19 khó có thể đánh giá và dự
đoán được. Tổng Giám đốc của Công ty vẫn chưa đưa ra được ước tính về ảnh hưởng này để điều chỉnh hay trình bày trên báo cáo tài chính.” Ngoài ra, không có sự kiện nào khác phát sinh sau ngày kết thúc niên độ ảnh hưởng đến chu trình tiền lương và nhân viên. Do đó, kiểm toán viên không có thay đổi nào trong kết luận kiểm toán.
2.3.3.4. Lập báo cáo kiểm toán và phát hành thư quản lý
Theo hợp đồng ký với khách hàng, Mazars sẽ phát hành Báo cáo kiểm toán và thư quản lý theo đúng thoả thuận. Trong Báo cáo kiểm toán có: Báo cáo của Ban Giám đốc, Báo cáo kiểm toán độc lập, Báo cáo tài chính riêng của khách hàng. Trong thư quản lý bao gồm: Quan sát, Tác động, Khuyến nghị và Ý kiến phản hồi từ phía Công ty.
• Trích mẫu Báo cáo kiểm toán độc lập
Kính gửi: Hội đồng thành viên Công ty TNHH T Việt Nam
Chúng tôi đã kiểm toán báo cáo tài chính kèm theo của Công ty TNHH T Việt Nam (“Công ty”) được lập ngày XX tháng X năm 2021 và được trình bày từ trang 5 đến trang 25, bao gồm bảng cân đối kế toán tại ngày 31 tháng 12 năm 2020, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày và các thuyết minh báo cáo tài chính đi kèm.
Trách nhiệm của Ban Giám đốc
Ban Giám đốc Công ty chịu trách nhiệm về việc lập và trình bày trung thực và hợp lý báo cáo tài chính của Công ty theo các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán Doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính và chịu trách nhiệm về kiểm soát nội bộ mà Ban Giám đốc xác định là cần thiết để đảm bảo cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn.
Trách nhiệm của Kiểm toán viên
Trách nhiệm của chúng tôi là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán. Chúng tôi đã tiến hành kiểm toán theo các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam. Các chuẩn mực này yêu cầu chúng tôi tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán để đạt được sự
đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính của Công ty có còn sai sót trọng yếu hay không.
…
Ý kiến của Kiểm toán viên
Theo ý kiến của chúng tôi, báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của Công ty tại ngày 31 tháng 12 năm 2020, cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, phù hợp với các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán Doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính.
• Trích thư quản lý
“…20. Vấn đề về tiền lương Quan sát và tác động
Trong quá trình kiểm toán, chúng tôi nhận thấy rằng công ty đã không tính và nộp kinh phí công đoàn cho năm 2020. Chúng tôi ước tính số tiền kinh phí công đoàn còn thiếu là 356.290.080 đồng.
Trong thời gian không tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, công ty cần phải trích trợ cấp thôi việc theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy không có khoản trợ cấp thôi việc nào được chi trả đối với các nhân viên sau: Đỗ Thúy Quỳnh (HN0108-09), Đặng Thị Phương (HN1107-05), Chu Kim Cúc (HN0708-23), Nguyễn Thị Hải Yến (HN0908-25), Nguyễn Thị Kim Anh (HN0307-16), Hoàng Phượng Vỹ (HN0407-19) và Nguyễn Thúy Huyền (HN0908-24). Tổng số tiền trích dự phòng trợ cấp thôi việc được ước tính là 200.510.020 đồng. Mặc dù khoản này có ảnh hưởng không trọng yếu đối với chúng tôi, tuy nhiên chúng tôi vẫn đề xuất điều chỉnh theo yêu cầu của công ty.
Hai vấn đề trên dẫn đến chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các khoản phải trả khác bị ghi nhận thấp hơn thực tế.
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy có một khoản chi phí lương 87.118.283 đồng cho vị trí Sale Assistant thuộc bộ phận bán hàng năm nay bị phân bổ sai cho bộ phận quản lý. Việc phân bổ sai chi phí sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định của ban quản lý và người sử dụng báo cáo tài chính.
Khuyến nghị
Chúng tôi đề xuất các bút toán điều chỉnh sau:
…
Phản hồi từ phía doanh nghiệp
Đồng ý điều chỉnh theo yêu cầu của nhóm kiểm toán.”
BCKT và Thư quản lý sẽ được gửi tới Công ty T nhằm thăm dò ý kiến khách hàng và nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc không được sự đồng thuận thì hai bên sẽ trao đổi nhằm tìm ra hướng giải quyết để phát hành BCKT và Thư quản lý kịp thời và đảm bảo chất lượng.