Cơ sở lý luận và cách tiếp cận 22

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội của người hoa ở nam bộ (Trang 27 - 36)

Về mặt lý thuyết, kể từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập các vấn đề có liên quan đến hình thái tổ chức của các xã hội như: nhà xã hội học, giáo dục và triết học người Canada Marshall McLuhan (1911-1980); nhà xã hội học người Anh Anthony Giddens (1938) với học thuyết về cấu trúc, nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim (1858-1917) với học thuyết về mối liên hệ xã hội; nhà triết học, chính trị và kinh tế học người Đức Karl Marx (1818-1883) với lý thuyết về cách vận hành của những hệ thống xã hội; nhà kinh tế, xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920) hoặc nhà xã hội học người Mỹ Robert K. Merton (1910-2003) với lý thuyết về xã hội và cấu trúc xã hội;... Theo Marshall McLuhan, sự hiểu biết về những kỹ thuật công nghệ mới trong một xã hội sẽ xác định cách thức mà xã hội ấy được tổ chức, trong đó các thành viên của xã hội nhận thức về thế giới xung quanh

mình, nhờ đó mà kiến thức được gìn giữ và chia sẻ. Theo ông, môi trường với các khuôn khổ xã hội, chính trị và kinh tế, cùng với kỹ thuật công nghệ đã làm biến đổi đời sống của chúng ta.

Về mặt cấu trúc xã hội, tổ chức xã hội là cơ sở của mọi hình thái tổ chức xã hội loài người. Ở thời kỳ đầu, ngành Nhân học xã hội dựa trên định đề này cho rằng mọi xã hội loài người đều có tính tổ chức và đặt cho mình mục tiêu khoa học nghiên cứu tổ chức này như là một lĩnh vực ưu tiên. Mỗi xã hội đều bao gồm nhiều cấp độ quản lý khác nhau. Người ta phân tích từng cấp độ quản lý cũng như và nhất là phân tích mối liên hệ giữa các cấp độ với nhau. Đặc biệt là các nguyên tắc về hôn nhân và gia đình cấu thành như thế nào? Làm thế nào tổ chức đời sống kinh tế, xã hội, chính trị. Trong xã hội dân sự, tổ chức xã hội được hình thành bởi dân số, chế độ quản lý, chính quyền trung ương, cơ chế phân cấp cho vùng miền, địa phương được quyền quyết định và thi hành cũng như bởi toàn thể các dịch vụ công, các hiệp hội và các tổ chức xã hội không thuộc nhà nước [176].

Theo Từ điển Quản lý Xã hội, tổ chức xã hội là “Một biến thể của hệ thống xã hội, một cộng đồng được quản lý, có mục đích, có cấu trúc phân cấp. Tổ chức xã hội có một tính độc lập và không phụ thuộc xác định, do vậy, có các lợi ích riêng của mình. Lợi ích này có thể mâu thuẫn với lợi ích của xã hội, của các tầng lớp xã hội khác. Tổ chức xã hội trung gian hóa sự tương tác giữa xã hội và những thành viên riêng biệt, tham gia vào tổ chức đó của nó, tức là trở thành khâu trung gian trong quan hệ

xã hội – cá nhân. Về mặt tiềm tàng, tổ chức xã hội chứa đựng trong mình hai xu hướng: một xu hướng dẫn tới tính ổn định, duy trì nề nếp tổ chức hiện tồn; xu hướng khác dẫn tới sự làm thay đổi, biến dạng nề nếp ấy.

Tính linh động, cơ động về cơ cấu của tổ chức xã hội đặc trưng cho các thuộc tính của nó như tính mở cửa và tính đóng cửa(1). Theo dấu hiệu trên thì tổ chức xã hội được phân chia thành tổ chức mở cửa và tổ chức đóng cửa. Sự ảnh hưởng của các hệ thống khác và sự tương tác mật thiết với chúng là có thể và chấp nhận được đối với tổ chức mở cửa. Loại hình tổ chức đóng cửa giả định phải có tính cô lập với sự tác động bên ngoài, phải có lợi ích hẹp hòi, bè phái” [35,tr.227,228].

Theo tác giả Thanh Lê thì tổ chức xã hội có nhiều nghĩa. Trong đó:

“Nói tới tổ chức xã hội của cộng đồng khi chỉ một hệ thống các phương thức hành động cá thể, nhóm con người và thể chế, phương tiện và sự kiểm soát xã hội nhằm bảo đảm trật tự trong đời sống xã hội”

[101,tr.298, 299].

Như vậy, tổ chức xã hội là một phạm trù rất rộng, là những tập hợp người liên kết dựa trên mối quan hệ nào đó với tên gọi riêng, mang tính lịch sử. Mỗi tổ chức ra đời đều có tôn chỉ mục đích cụ thể, nội dung hoạt động có tính mở hay khép kín, có tác động tích cực hoặc kìm hãm sự hòa nhập vào đời sống xã hội của những tập hợp người nhất định… Những tập hợp người trong xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau, có đơn vị cộng đồng:

“Toàn thể những người sống thành một xã hội, nói chung có những điểm

(1) Tính mở để giao lưu, hội nhập và khép kín của một tổ chức xã hội.

giống nhau, gắn bó thành một khối” [161,tr.205]; có đơn vị nhóm: “Tụ tập nhau lại để cùng làm một việc gì” [161,tr.699].

Khi đã ra đời và tồn tại, các tổ chức có những tác động nhất định vào các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua những chương trình hoạt động cụ thể. Sự tác động ấy có thể là tích cực như tăng cường, mở rộng khối đoàn kết, chăm lo cho đời sống của thành viên trong tổ chức, góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng xã hội… và cũng có thể là tác động tiêu cực, như mang tính cục bộ, chia rẽ giữa các bộ phận dân cư, gây bất ổn cho xã hội. Mỗi tổ chức xã hội có chức năng gắn kết các thành viên trong tổ chức, dựa trên những tương đồng về nhu cầu cùng tồn tại và phát triển. Từ đó làm tăng cường sức mạnh cho tổ chức, bảo lưu những giá trị chung của cộng đồng cùng sự thích ứng, hòa nhập với đời sống xã hội đương đại và đến lượt mình, các tổ chức xã hội trở thành một nét đặc trưng của văn hóa tộc người.

Về phương diện văn hóa tộc người, nhà nhân học Thomas Hylland Eriksen (1962) nhận xét: “Sẽ là điều sai lầm nếu quan niệm một cách đơn giản rằng những tộc người và những nhóm văn hóa là những thực thể đồng nhất nhau và sự chia sẻ chung một văn hóa là cơ sở của bản sắc dân tộc” [154,tr.265]. Cũng trên quan điểm đó, khi phân tích mối quan hệ dân tộc giữa người Kachin ở miền núi Myanmar và người Shan, Edmund Leach (1910 – 1989) cho rằng tổ chức xã hội có tính chất cơ bản hơn là văn hóa [154,tr.265]. Xu hướng chung trong nghiên cứu nhân học, theo quan điểm của trường phái Chicago, E. Leach, Copperbelt hoặc học giả

Xô Viết I.U.Bromley là tách các phương diện văn hóa ra khỏi các nghiên cứu về dân tộc. Chẳng hạn, Fredrik Barth (1928) xem xét tộc người chủ yếu từ góc độ tổ chức xã hội của nó. Ông lập luận: việc có chung những đặc điểm về văn hóa nên được xem là kết quả của một quá trình xã hội lâu dài, hơn là một tính chất có ngay từ đầu của tộc người vì theo ông, sự cách biệt giữa các tộc người chủ yếu là sự tách biệt xã hội, không phải là sự cách biệt về văn hóa [154,tr.266-268].

Về phương diện cố kết tộc người trong tương quan giữa các dân tộc, Don Handelman (1939) phân biệt theo 4 mức độ: phạm trù dân tộc (ethnic category), mạng lưới tộc người (ethnic network), liên hợp dân tộc (ethnic association) và cộng đồng dân tộc (ethnic community) [154,tr.274]. Phân tích các mức độ cố kết trên, chúng tôi nhận thấy phạm trù dân tộc để nhận diện quá trình tộc người theo thời gian, còn mạng lưới dân tộc để phân biệt các quan hệ tộc người trong không gian, đó là yêu cầu về quan niệm (conceptual) để công nhận sự tồn tại của một dân tộc.

Trong khi đó, liên hợp dân tộc và cộng đồng dân tộc là yêu cầu về phương pháp (methodological) tổ chức các hình thức để tập hợp và phát triển các cộng đồng trong môi trường xã hội thuộc phạm vi một quốc gia, dân tộc. “Khi những thành viên của một phạm trù dân tộc cảm thấy rằng họ cùng có chung quyền lợi và phát triển nên một công cụ tổ chức để biểu thị chúng thì chúng ta có thể nói đến một hiệp hội tộc người (ethnic association)”; “Mức độ cố kết dân tộc cao nhất là hình thái cộng đồng

dân tộc (ethnic community)” trong đó “các dân tộc nằm trong sự kiểm soát chính trị của các quốc gia đa dân tộc” [154,tr.276-277].

Không nằm ngoài những quan điểm của các học giả – những nhà nghiên cứu đi trước về tổ chức xã hội như đã phân tích, ở trường hợp cụ thể của tổ chức xã hội người Hoa được nghiên cứu trong luận án này, có thể khái quát, tổ chức xã hội của người Hoa là những hình thức cố kết tộc người dựa trên những mối quan hệ nhất định, tạo nên mạng lưới tộc người trong xã hội, được xây dựng trên cơ sở tham gia tự nguyện của các cá nhân, có mục đích, có cấu trúc phân cấp, quá trình ra đời và tồn tại của nó gắn liền với bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam, Nam Bộ nói riêng nhằm thỏa mãn những nhu cầu về mặt tinh thần và vật chất của những người vốn là đồng hương, đồng tộc từ Trung Quốc đến sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mới Nam Bộ.

Trong lịch sử cũng như ngày nay, người Hoa có nhiều hình thức liên kết tộc người thông qua những tổ chức xã hội khác nhau. Đó là những làng Minh Hương, Bang, Hội…

- Làng Minh Hương, ra đời từ cuối thế kỷ XVII trên vùng đất Nam Bộ, theo chủ trương của chính quyền nhà Nguyễn, tổ chức qui tụ những người Hoa di cư thuộc các thế hệ đầu tiên đến Nam Bộ. Trên danh nghĩa thì đây là một đơn vị hành chính, nhưng trên thực tế thì nó mang tính chất của một tổ chức xã hội hoạt động tự quản, có nhiều điểm khác biệt so với một đơn vị hành chính lúc bấy giờ.

- Bang, tổ chức liên kết của những người là đồng hương, cùng phương ngữ, có tính chất như một hội. Số lượng Bang có nhiều biến đổi qua các giai đoạn, nhưng cơ bản ở người Hoa có năm Bang: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ và Hải Nam. Bên cạnh đó, liên kết trên cơ sở đồng hương – phương ngữ còn có Hội quán.

- Hội, có khá nhiều hình thức tổ chức hội, nhưng đậm nét hơn cả là hệ thống hội thân tộc, hội nghề nghiệp, hội bảo trợ, hội tương tế,… và rộng lớn hơn là các Hiệp hội. Hội có nhiều nghĩa, ở đây là “Tổ chức quần chúng rộng rãi của những người cùng chung một nghề nghiệp hoặc có chung một hoạt động” [161,tr.443]. Và Hiệp hội là những nhóm hội không bị ràng buộc bởi quan hệ họ hàng hay lãnh thổ, nên đây là những

“Tổ chức quần chúng gồm nhiều tổ chức nhỏ hơn, có tính chất như một hội” [161,tr.423].

Việc lập tổ chức quần chúng ở Việt Nam được qui định cụ thể từ năm 1950 trong Dụ số 10 ngày 6/8/1950 của Quốc trưởng Bảo Đại. Theo đó, “Hội là hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích thuộc về tế tự, tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu”; “Hội viên của hội lập vô thời hạn hay có thời hạn nhất định vẫn có quyền ra hội bất cứ lúc nào sau khi đã nộp đủ số tiền góp đã đến hạn nộp và tiền góp thuộc về năm xin ra hội” [136].

Năm 1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc luật số 102 (20/5/1957), Điều 1 và Điều 2 của Sắc luật qui định:

“Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta. Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật. Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do ra hội. Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác” [33].

Trên tinh thần đó, tổ chức xã hội của người Hoa là những tổ chức quần chúng hình thành trên cơ sở tham gia tự nguyện của các thành viên, mỗi người có quyền tự chọn để tham gia sinh hoạt hay không sinh hoạt trong một tổ chức và do vậy, một người cùng lúc là thành viên của nhiều tổ chức xã hội là hiện tượng khá phổ biến.

Như vậy, tuy có khác nhau về tên gọi, mục đích, nhưng các hình thức liên kết ở người Hoa vẫn có những điểm chung: có tính chính thức, tổ chức khá chặt chẽ, hội viên có chọn lọc và mang tính tự nguyện, các hội viên có mục đích hay lợi ích giống nhau, có ý thức rõ ràng về tư cách thành viên của mình với tổ chức,... Nó không độc lập tồn tại mà có mối quan hệ hữu cơ với nhiều tổ chức khác nhau trong xã hội và với chính quyền sở tại. Do vậy, để nhìn rõ được nét đặc trưng về tổ chức xã hội của tộc người Hoa, cách tiếp cận ở đây là theo tiến trình lịch sử, không chỉ là về quan hệ nội tại của các tổ chức mà còn đặt nó trong không gian văn

hóa, xã hội chung của Việt Nam – Nam Bộ. Không chỉ chú ý về mục đích, chức năng, cấu trúc, phương thức, nội dung hoạt động của tổ chức mà còn ở mối quan hệ giữa các tổ chức, giữa tổ chức với chính quyền và những biến đổi của nó để thích ứng hòa nhập qua các thời kỳ lịch sử.

Trên thực tế thì tổ chức xã hội của người Hoa không phải hoạt động trong môi trường văn hóa – xã hội thuần Hoa mà có quá trình gắn bó với cộng đồng dân tộc (ethnic community) của quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Bản thân các tổ chức xã hội của người Hoa chịu tác động từ nhiều phía. Bên cạnh tính chất khép kín nhằm lưu giữ những yếu tố văn hóa truyền thống của tộc người, còn có tính chất mở nhằm tiếp nhận, điều chỉnh nội dung, phương thức, hành vi hoạt động của các thành viên để hòa nhập, thích ứng với môi trường văn hóa – xã hội và phát triển qua từng giai đoạn cụ thể của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, liên hợp dân tộc (ethnic association) dưới các hình thức tổ chức xã hội cũng có khả năng làm nảy sinh sự cạnh tranh, mâu thuẫn giữa mạng lưới dân tộc này với các mạng lưới dân tộc khác trong khu vực cư trú, đòi hòi các hình thức tổ chức và quản lý quan phương của nhà nước nhằm bảo đảm lợi ích và quyền bình đẳng của các liên hợp dân tộc. Cũng vậy, do tổ chức xã hội tồn tại như là một thực thể bên cạnh các đặc trưng văn hóa tộc người, cho nên đòi hỏi phải có sự phân định rõ ràng giữa liên hợp dân tộc và cộng đồng dân tộc, trên các mặt quan hệ tương tác trong xã hội, nhằm bảo đảm sự cố kết và phát triển của dân tộc trong các quốc gia đa dân tộc.

Dưới chế độ Việt Nam xã hội xã hội chủ nghĩa, nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do lập hội, tổ chức quần chúng. Đó là quan điểm xuyên suốt, nhất quán, đồng thời là nguyên tắc, là quyền của mỗi công dân, được luật pháp qui định và bảo vệ. Do vậy, từ sau Sắc luật số 102 (20/5/1957) tính đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về việc thành lập cũng như quản lý hoạt động của các tổ chức quần chúng:

Chỉ thị số 01, ngày 5/2/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng [32]; Chỉ thị số 202 ngày 5/6/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Về việc chấp hành các qui định của Nhà nước trong việc lập hội [31]; Chỉ thị số 501/TTg (3/8/1996) của Thủ tướng Chính phủ Về thực hiện chính sách đối với người Hoa [30], Nghị định số 88 ngày 30/7/2003 của Chính phủ Qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội [29], v.v…

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội của người hoa ở nam bộ (Trang 27 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(213 trang)