Hiểu một cách thông thường, Hội Thân tộc hay Hội họ là tổ chức của những người có quan hệ huyết thống, có cùng họ. Là loại hình tổ chức xã hội có nguồn gốc từ lối tụ cư theo quan hệ huyết thống, thân tộc hình thành từ xa xưa ở Trung Quốc. Có nhiều hình thức liên kết. Trong phạm vi hẹp, đó là sự liên kết dựa trên cơ sở quan hệ huyết thống, những người là bà con họ hàng của nhau, thường gọi là gia tộc. Tiền thân của loại hình này là hội của những người ruột thịt, cùng huyết thống và cùng nôi choân nhau caét roán [97,tr.132].
Tâm lý chung, khi đi lập nghiệp ở xa quê hương, sự gặp gỡ những người cùng họ và cùng gốc địa phương có ý nghĩa đặc biệt. Trước hết, họ cảm nhận sự quan hệ thiêng liêng về huyết tộc, nguồn cội và cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống. Như hội những người họ Huỳnh ở Phúc Châu, họ Lâm ở Kinh Châu,… Những cảm nhận về nguồn cội tổ tông, về quê hương – nơi được xem là khởi nguồn của ông tổ họ đã khai sáng cơ nghiệp, như những người họ Trần, Dao, Hồ, Lưu, Điều,… cho rằng mình là con cháu của vua Nghiêu, vua Thuấn đã từng khởi nghiệp từ đất Hồ Nam (Trung Quốc); ông tổ của họ Quách lưu truyền là Quách Tử Nghi, đời Đường, vì có công nên được vua Đường cắt đất ở huyện Phấn Dương phong tặng. Từ đó, người họ Quách dù ở bất
cứ nơi đâu đều xem Quách Tử Nghi là ông tổ và Phấn Dương là quê hương phát tích của dòng họ mình. Cũng như vậy với Vĩnh Xuyên của họ Trần, Nam Dương của họ Diệp, Lư Sơn của họ Tô, Bành Thành của họ Lưu,… Hình thức liên kết này đã tạo nên những hội qui mô lớn, số lượng hội viên đông đảo, gồm nhiều chi nhánh. Nói cách khác, ở loại hội này, thành viên là những họ hàng thân tộc, người có quan hệ huyết thống và sau này bao gồm cả những người chỉ đơn thuần có cùng họ. Mỗi hội nếu không quá khó khăn đều lập một từ đường làm nơi thờ cúng tổ tiên của dòng họ
Nửa cuối thế kỷ XIX, tình hình ở Trung Quốc có nhiều bất ổn, nổ ra nhiều cuộc chiến tranh: chiến tranh Nha Phiến (1840), phong trào Thái Bình Thiên Quốc (1850 – 1863), chiến tranh Trung – Nhật (1893 – 1894)… và người Hoa bỏ chạy ra nước ngoài ngày thêm đông đảo.
Singapore là một điển hình, đầu thế kỷ XX, dân số người Hoa ở đảo quốc này chiếm 72,1% và từ thập niên 20, thường duy trì ở mức 75 – 78%
[167,tr.68]. Trong sự cạnh tranh gắt gao với các cộng đồng cư dân khác, mối quan hệ thân thuộc luôn được đề cao, tạo nên Hội dòng họ ở khắp nơi, có họ phát triển mạnh mẽ thành Tổng hội, như Tổng hội dòng họ Lưu (1930), Tổng hội dòng họ Phương (1935),…
Ở Nam Bộ, chưa thể khẳng định hình thức liên kết theo huyết thống, họ tộc hay cùng họ của người Hoa xuất hiện chính xác vào thời gian nào, nhưng nó phát triển mạnh mẽ vào những năm đầu thập niên 60 (thế kỷ XX). Trong 2 năm 1955, 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã
liên tiếp ban hành nhiều đạo luật liên quan đến người Hoa sinh sống ở miền Nam, đặc biệt là vấn đề quốc tịch. Đáng lưu ý là Dụ số 10, ban hành ngày 7/12/1955 phân người Hoa làm hai: bộ phận đã nhập Việt tịch gọi là người Việt gốc Hoa và bộ phận chưa nhập Việt tịch gọi là Hoa kiều; Dụ số 48 (21/8/1956) nêu rõ, Hoa kiều có cha mẹ gốc Trung Hoa sinh ra tại Việt Nam đều là người Việt Nam; Dụ 52 (29/8/1956) với tinh thần chính là trong vòng 6 tháng tất cả công dân gốc Hoa phải đổi họ, tên của mình bằng tiếng Việt Nam, quá hạn sẽ bị phạt tiền; Dụ 53 (6/9/1956) qui định những nghề nghiệp mà các ngoại kiều, hay các Hội xã, công ty ngoại quốc không được hoạt động. Bao gồm: buôn bán cá và thịt; buôn bán chạp pô; buôn bán than, củi; buôn bán xăng, dầu; cầm đồ bình dân;
buôn bán vải sô, tơ lụa, chỉ sợi; buôn bán sắt, đồng thau vụn; nhà máy xay lúa; buôn bán ngũ cốc; chuyên chở hàng hóa, hành khách; trung gian hưởng hoa hồng (Phụ lục 3). Trên thực tế, đó là 11 ngành hàng, lĩnh vực mà người Hoa góp mặt đông đảo và hoạt động mạnh mẽ. Tiến thêm bước nữa, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh bãi bỏ các Bang của người Hoa (1960). Trong bối cảnh đó, hệ thống khung liên kết đồng hương – đồng ngữ bị phá vỡ và hệ thống liên kết huyết thống vốn không bị pháp luật chi phối được đưa lên trước để bảo vệ quyền lợi cho nhau, đồng thời có thể duy trì, mở rộng quan hệ với các tập đoàn ở nước ngoài. Trong thời kỳ miền Nam dưới chế độ Sài Gòn, nhiều họ tộc trở thành những thế lực kinh tế mạnh, như họ Lý, Trần, Lâm, Quách, Lưu, Vương,… Đó cũng là những tập đoàn kinh tế mạnh không chỉ ở miền Nam mà cả khu vực và
thế giới. Chẳng hạn, tập đoàn họ Lý – Lý Long Thân làm chủ 11 ngành kinh tế quan trọng, 22 xí nghiệp sản xuất, có quan hệ làm ăn với nhiều đối tác ở Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ, Anh, Pháp. Hội họ Trần, thường được gọi là tập đoàn họ Trần, liên kết tất cả Hội họ Trần ở các địa phương Nam Bộ, không phân biệt nguồn gốc quê quán mà tổ chức ở Sài Gòn đóng vai trò tổng hội,...
Bên cạnh việc thờ tự ông Tổ chung của dòng họ, trong một Hội Họ thường tồn tại nhiều Hội Họ nhỏ (nhóm) dựa trên những mối quan hệ khác nhau: hội của những người có quan hệ bà con gần; hội của những người có quan hệ bà con xa; hội của những người đồng họ, đồng hương;
hội của những người đồng họ (không đồng hương); hội của những người là đồng hương của một đơn vị nhỏ trong một tỉnh, khu vực ở Trung Quốc.
Hằng năm, các Hội Họ đều có ngày họp mặt định kỳ để làm lễ giỗ Tổ. Kinh phí hoạt động chủ yếu là sự tự nguyện đóng góp của các thành viên, các nhà giàu có, khá giả trong hội và tài trợ của các tổ chức, Mạnh Thường quân sinh sống ở nước ngoài. Nhiều hội còn tạo được nguồn kinh phí nhằm giúp cho việc học tập của con em trong dòng họ hay người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khi giỗ họ là dịp để các thành viên trong họ làm quen, giới thiệu cho thế hệ trẻ nhận biết bà con, vai vế thế thứ của mình trong họ tộc. Rộng hơn là đặt cơ sở cho các mối quan hệ, nhắc nhở trách nhiệm thương yêu, giúp đỡ nhau giữa những thành viên trong hội.
Như vậy, chức năng nổi trội của Hội họ là phụng tự tổ tiên, giải quyết mọi vấn đề nảy sinh giữa các thành viên, gắn kết các thành viên về mặt
tinh thần, tương trợ nhau về vật chất, bảo vệ và tạo dựng tài sản cho dòng họ, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ hội và đại diện cho cộng đồng trong các mối giao tiếp xã hội.
Là tổ chức xã hội truyền thống mang tính thân tộc, họ hàng nên đứng đầu sẽ là vị tộc trưởng hay người được thành viên bầu chọn. Tuy vậy, để điều hành một hội lớn: đông thành viên, phạm vi rộng, nhiều hội trực thuộc… thì các thành viên phải bầu một Ban quản lý số lượng không cố định, nhưng thường từ 03 đến 05 người, gọi là Lý sự hội, gồm Lý sự trưởng, Phó Lý sự trưởng và Thường vụ Lý sự. Không có qui định thời gian tại vị cho một nhiệm kỳ của Lý sự hội mà sự tại vị lâu hay mau hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín và hiệu qủa công việc của vị Lý sự trưởng và các đồng sự.