II. Khái quát về người Hoa ở Nam Bộ 31
2.1. Sự di dân và phân bố cư trú 31
Việt Nam và Trung Quốc có chung một đường biên giới, nên từ lâu đời đã có sự giao lưu, tiếp xúc giữa các bộ phận cư dân sinh sống ở hai quốc gia. Mặt khác, vùng đất màu mỡ phía Nam luôn là trọng điểm trong hoạt động bành trướng thế lực, mở rộng lãnh thổ của các nhà cầm quyền ở Trung Hoa từ thời cổ đại và gắn liền với các cuộc chiến tranh ấy là làn sóng di cư của người Hán từ phương Bắc xuống phương Nam. Như, năm 210 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng đã phái 50 vạn quân xâm lược đất đai của Bách Việt ở phía Nam Trường Giang. Nhiều nhóm người Việt
đã tham gia cuộc kháng chiến chống Tần, trong đó có cuộc chiến đấu của người Tây Âu và Lạc Việt trên địa bàn nước Âu Lạc kéo dài khoảng 5 – 6 năm, tính từ năm 214 đến 208 trước Công nguyên [126,tr.47,48]. Năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán phát đại binh chinh phục Nam Việt.
Trong suốt 1000 năm các thế lực phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ nước ta, một lực lượng đông đảo người từ Trung Quốc gồm nhiều thành phần: quan lại, binh lính, thường dân, tù binh… chủ động đi tìm vùng đất mới lập nghiệp hoặc được đưa đến theo mục tiêu, chính sách cai trị, đồng hóa của các thế lực chiếm đóng.
Với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, đất nước ta bước sang thời kỳ mới, có độc lập, chủ quyền và làn sóng di trú của các nhóm người từ Trung Quốc về phương Nam vẫn tiếp diễn với những đợt di cư lớn, có tổ chức. Những đợt di dân qui mô ấy thường tập trung vào lúc “chuyển giao” giữa các triều đại: cuối thời Đường – đầu thời Tống (960 – 1279), cuối thời Tống – đầu thời Nguyên (1279 – 1368), cuối thời Nguyên – đầu thời Minh (1368 – 1644), cuối thời Minh – đầu thời Thanh, thời kỳ Chiến tranh Thuốc Phiện (1840), Phong trào Thái Bình Thiên quốc (1850 – 1863), chiến tranh Trung – Nhật (1895), Cách mạng Tân Hợi (1911) [64,tr.17]… Đến Việt Nam, người Hoa thường sinh sống tập trung, tạo thành những khu quần cư gắn với những địa danh nổi tiếng từ lâu đời như: Vân Đồn (Hà Nội, thế kỷ XII), Phố Hiến (Hưng Yên, thế kỷ XVIII), Hội An (Quảng Nam, thế kỷ XVIII)…
Riêng với Nam Bộ vào cuối thế kỷ XVII mới có những di dân người Hoa đến lập nghiệp. Lúc này, ngoài những nhóm cư dân bản địa sống rải rác trên các giồng cao, trên vùng đất Nam Bộ đã có người Việt từ miền Trung vào khai hoang lập nghiệp, nhưng nhìn chung thì đây vẫn là vùng đất còn lắm hoang vu, dân cư thưa thớt, chính quyền nhà Nguyễn chưa có điều kiện để quan tâm hơn đến vùng đất này. Trong khi đó, bên Trung Quốc, người Mãn Thanh đã lật đổ triều Minh và thiết lập quyền cai trị, bắt dân phải theo tục của người Thanh. Cuộc chiến phản Thanh phục Minh do những người trung thành với triều Minh thực hiện nổ ra nhiều nơi nhưng đều tan vỡ và triều Thanh mạnh tay đàn áp, dẫn đến thực trạng là khá đông người Hoa đã bỏ đất nước lưu tán sang nhiều quốc gia khác, trước hết là các nước trong khu vực Đông Nam Á hòng tránh sự trừng phạt của triều Thanh, bị người Thanh cai trị. Trong bối cảnh ấy, một bộ phận người Hoa tiến hành đợt chuyển cư lớn, có tổ chức đầu tiên đến Nam Bộ vào cuối thế kỷ XVII. Đó là năm 1679, hai cựu thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) đưa khoảng 3.000 người là tướng sĩ dưới quyền, gia quyến, đi trên 50 chiến thuyền đến xin phép chúa Nguyễn được lưu trú. Được chúa Nguyễn cho phép, hai nhóm cùng xuôi thuyền vào phía Nam tìm nơi cư trú. Nhóm của Dương Ngạn Địch vào cửa Soài Rạp lên đồn trú ở Mỹ Tho (Định Tường) và Cao Lãnh (Cai Lậy), nhóm của Trần Thượng Xuyên thì vào cửa Cần Giờ lên đồn trú ở Bàng Lăng (Biên Hòa), Đề Ngạn (Gia Định cũ), Cù Lao Phố (Nông Nại Đại Phố) [56,tr.9,10]. Những di dân Trung Hoa tiếp
tục đến với Biên Hòa và Mỹ Tho sau hai nhóm quan binh là cựu thần nhà Minh. Nhiều người trong số họ là thương nhân, nhất là thời Thanh Thánh Tổ (1662 – 1722) cho phéùp người dân được vượt biển đi các nước buôn bán.
Năm 1680 [56,tr.79], một nhóm người Hoa do Mạc Cửu dẫn đầu đến vùng Mang Khảm (Hà Tiên) và nhiều khu vực khác thuộc vùng biên giới Việt Nam – Campuchia sinh sống.
Để dễ quản lý và phân biệt giữa người Hoa đã nhập Việt tịch với người mới đến, chính quyền nhà Nguyễn đã “qui hoạch” người Hoa thành những làng (xã) Minh Hương ở Phiên Trấn (Gia Định), Thanh Hà ở Trấn Biên (Biên Hòa) vào năm 1698 [56,tr.12]. Những di dân Trung Hoa, nhất là lực lượng thương nhân từ những thế hệ đầu tiên đã sớm biết kết hợp lợi thế tự nhiên với thế mạnh của mình để biến nơi đây thành một phố thị hoạt động buôn bán sầm uất vào bậc nhất trên đất Nam Bộ thời bấy giờ.
Trịnh Hoài Đức miêu tả: Ở Biên Hòa, Trần Thượng Xuyên đã chiêu tập người Trung Quốc buôn bán đến kiến thiết phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới 5 dặm, chia vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót gạch xanh, đường rộng bằng thẳng, qui tụ người buôn bán, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, xà lan liên tiếp nhau, một chỗ đại đô hội, nơi tập trung nhiều nhà buôn bán lớn [57,tr.113,114].
Trong khi đó, đến Mỹ Tho, nhóm của Dương Ngạn Địch chủ yếu cũng hoạt động buôn bán, chung sức cùng người Việt xây dựng cuộc sống mới,
nhà cửa, trị sở theo đó mọc lên, dân lưu tán tụ về ngày thêm đông, kết thành chòm xóm. Phố chợ lớn Mỹ Tho hình thành ở về phía nam trị sở, nhà ngói cột chạm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc, một đại đô hội rất phồn hoa huyên náo [57,tr.119,120].
Khi đến Hà Tiên, Mạc Cửu chiêu tập dân lưu tán lập nên xóm ấp rồi đến năm 1708 xin được thuộc triều đình Phú Xuân. Vùng đất này dưới sự tổ chức, cai quản trực tiếp của họ Mạc, nhất là thời của Mạc Cửu (1655–1736) và Mạc Thiên Tích (1706–1780) trở thành một thương cảng quan trọng từ cuối thế kỷ XVII: Chợ Trấn phía đông ngó xuống bến hồ, nơi bến có làm trại cá, phía bắc công khố có miếu Hội đồng, phía bắc miếu có xưởng sửa thuyền, chia khu ngang dọc lấy đường lớn làm giới hạn, phía tả miếu Quan Thánh là phố Điếu Kiều… đường lối tiếp giáp, phố xá liên lạc, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, Đồ Bà đều theo chủng loại cư trú, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây không dứt, thật là một đại đô hội ở nơi góc biển vậy [57,tr.129].
Chợ Lớn cũng là khu vực sớm được những di dân Hoa chọn làm nơi lập nghiệp, nhưng lúc đầu, việc buôn bán không được thuận lợi như ở Cù Lao Phố, do dân cư còn thưa vắng, chưa có những chủ lớn đứng ra làm đầu mối tiêu thụ hàng hóa cho nhà buôn khi thuyền cập bến cũng như thu mua cung cấp hàng hóa cho chuyến về. Do vậy, chủ hàng phải gánh hàng đến các chợ để bán lẻ và tự tìm kiếm, thu mua hàng hóa của địa phương cho chuyến về rất vất vả [110,tr.89]. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó,
Chợ Lớn trở thành khu phố chợ sầm uất bậc nhất vùng Sài Gòn – Gia Định, Nam Bộ nói chung. Nơi đây, phố xá liên tiếp sát mái nhau, người Hoa và người Việt ở chung lộn. Hàng hóa trong các phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy, châu báu, sách vở, thuốc thang, trà… Những hóa vật ở Nam Bắc theo đường sông đường biển chở đến không thiếu món nào [57,tr.98,99]. Đến cuối thế kỷ XVIII, nhiều người Hoa bỏ Cù lao phố – Biên Hòa về Chợ Lớn sinh sống, làm cho dân cư khu vực này đông đúc hơn và phố thị ngày thêm sầm uất. Chợ Lớn trở thành đầu mối cung cấp hàng hóa cho cả khu vực mà hầu hết những nhà buôn lớn là người Hoa.
Nên không phải vô cớ mà có ý kiến nhận xét rằng, Chợ Lớn là nơi tập trung tất cả nền thương mại của cả khu vực Nam Bộ, với số lượng đáng kể người Hoa độc quyền trong nhiều lĩnh vực buôn bán [108,tr.13,14].
Thực tế cho thấy, thương mại là thế mạnh của người Hoa và từ hoạt động buôn bán, giới thương nhân Hoa đã có những đóng góp quan trọng làm hình thành khu phố thị Chợ Lớn.
Trong suốt thế kỷ XVIII, XIX đến giữa thế kỷ XX, làn sóng di cư của người Hoa đến Nam Bộ vẫn diễn ra thường xuyên, đa phần trong số họ là những người đi tìm kế mưu sinh và được chính quyền Đàng Trong tiếp tục đón nhận. Một thống kê vào năm 1819 cho biết, mỗi năm cóù hàng ngàn người Trung Hoa tới Việt Nam và từ 30% đến 40% trong số người đó ở lại đây lập nghiệp [60]. Cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam thì Nam Bộ có khoảng 40.000 người Hoa, sinh sống chủ yếu ở các đô thị, trung tâm kinh tế thuộc đồng bằng sông Cửu Long và
Đồng Nai. Cùng thời điểm này, Bắc Bộ có khoảng 20.000 – 30.000 người Hoa trong tổng số khoảng 70.000 người ở Việt Nam [51,tr.35].
Sau khi cơ bản đặt ách thống trị ở Việt Nam, thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa và di dân Hoa là một trong những nguồn nhân lực quan trọng. Ngoài lực lượng đã đến đây sinh sống từ trước, lao động người Hoa được tuyển thẳng từ Trung Quốc đưa sang Việt Nam làm việc ở các trung tâm kỹ nghệ, công trường, cơ sở sản xuất… Thêm vào đó là lực lượng di dân tự do, làm cho dân số người Hoa ở Việt Nam nhanh chóng tăng cao. Trước làn sóng di cư mạnh mẽ của người Hoa, cũng có lúc chính quyền thực dân tìm cách hạn chế bớt: nghị định tháng 11/1862 qui định, người Hoa đến Nam Kỳ phải được Bang trưởng của họ nhìn nhận hoặc sở cảnh sát cho phép mới được lên bờ, người vi phạm sẽ bị gởi trả về nguyên quán, người được nhập khẩu phải xin giấy cư trú và đóng thuế. Đối với người không được Bang nào thừa nhận, theo tinh thần nghị định năm 1862 thì phải hợp thành nghiệp đoàn có người trưởng mục chịu trách nhiệm về sưu thuế… Năm 1865, chính quyền thuộc địa thành lập Hội đồng Quản hạt ở Chợ Lớn với tổng số 20 thành viên theo cơ cấu 15 người Hoa, 5 người Minh Hương. Đến năm 1874, chính quyền thuộc địa cho thành lập Sở Nhập Cư mà mỗi Bang người Hoa lúc bấy giờ đều có một đại diện để kiểm soát việc nhập cư, thu thuế dân nhập cư. Theo qui định, mỗi di dân mới đến được cấp thẻ làm việc có giá trị tạm trú một tháng. Trong thời gian đó, di dân này phải tìm cách gia nhập một trong những Bang hiện có để được cấp thẻ kiểm tra và thuế thân. Người nào
không có các loại giấy tờ trên sẽ bị trục xuất mà nếu trở lại có thể bị phạt tù. Tuy vậy, thường thì những di dân mới đến được người nào đó trong Bang nhận là bà con để được giúp đỡ, trong đó có việc cư trú dài hạn. Do vậy, dù chính quyền thực dân có những qui định nhằm hạn chế người Hoa nhập cư, nhưng trên thực tế thì việc nhập cư vẫn diễn ra bằng nhiều hình thức và lượng người nhập cư không ngừng tăng: năm 1879 Nam Bộ có khoảng 44.000 người Hoa thì năm 1889 lên đến 57.000 [150,tr.50,51], tức tăng khoảng 13.000 người trong vòng 10 năm. Thống kê dân số vào năm 1916 cho thấy, Nam Kỳ lúc bấy giờ có tổng dân số là 3.279.816 người thì trong đó có 173.706 người Hoa, 56.540 người Minh Hương [123,tr.57,58].
Sau chiến tranh thế giới lần II, hàng loạt người Hoa được đưa vào Việt Nam theo các hiệp định giữa chính quyền thực dân Pháp và Tưởng Giới Thạch, có tháng đến 8.000 người [22,tr.27]. Trong số những di dân người Hoa đến miền Nam Việt Nam thời gian này, một số chọn Nam Bộ để định cư và số khác thì tiếp tục cuộc hành trình đến những nước lân cận Việt Nam như Campuchia, Lào hoặc xa hơn nữa sinh sống. Theo một thống kê vào năm 1949, lúc bấy giờ trong 3 nước Đông Dương thì Việt Nam có lượng người Hoa đông nhất: 880.000 người trong tổng số 12.598.400 dân. Tỷ lệ người Hoa ở 3 miền: miền Nam 800.000 người – 14,2%, miền Trung 10.000 người – 0,43% và miền Bắc 70.000 người – 1,5%; Campuchia có 200.000 người Hoa – chiếm 5,3% trong tổng số 3.748.000 dân; Lào có 6.000 người Hoa – chiếm 0,6% trong tổng số 1.170.000 dân [99,tr.25]. Nhìn chung, dân số người Hoa ở Việt Nam thời
thuộc Pháp luôn ở xu hướng ngày càng tăng, số liệu tập hợp từ nhiều nguồn: La Cochinchine contemporaine (Nam Kỳ ngày nay), World Immigration (Di dân thế giới), Nha Tổng Thanh tra Lao động Đông Dương, Regard sur l’Asie (Cái nhìn về châu Á)… cho thấy: năm 1880 – 78.986 người, năm 1906 – 120.000, năm 1911 – 125.000 người, năm 1921 – 195.000 người, 1926 – 232.100 người, năm 1931 – 419.000 người, năm 1949 – 880.000 người [126,tr.39]. Từ năm 1950 thì việc nhập cư của người Hoa gần như hoàn toàn đình chỉ [150,tr.57].
Năm 1975, miền Nam được giải phóng. Thời gian đầu sau thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam, Nam Bộ nói riêng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có dấu hiệu xấu đi, dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và cái gọi là “nạn kiều” xảy ra vào những năm 1978, 1979. Nhiều người Hoa đã rời Việt Nam về Trung Quốc hay sang định cư ở nước khác.
Số liệu 3 lần tổng điều tra dân số cho thấy sự biến động dân số Hoa ở Việt Nam: năm 1979 – 935.100 người Hoa (dân số cả nước: 52.741.800 người) [152,tr.126]; năm 1989 – 900.185 người Hoa (dân số cả nước:
64.375.762 người), giảm 34.915 người so với năm 1979 [152,tr.143] và lần tổng điều tra dân số cả nước gần đây nhất – thời điểm 1/4/1999 có 826.371 người Hoa (dân số cả nước: 76.323.173 người) [151,tr.21]. Có thể thấy, trong vòng 20 năm, từ 1979 đến 1999, dân số Hoa giảm 108.729 người, trong khi dân số chung cả nước thì tăng khá nhanh.
Như vậy, trong những qui luật thường thấy ở các cuộc di dân tự nhiên: nơi đông người đến nơi ít người, nơi kém phát triển đến nơi phát triển hơn, nơi khó làm ăn sinh sống đến nơi làm ăn dễ dàng hơn… thì đa phần người Hoa di cư đến Nam Bộ là đến với vùng đất dễ làm ăn hơn.
Trường hợp người Trung Hoa di cư đến Nam Bộ vào cuối thế kỷ XVII do Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch chỉ huy có thể nói là lớp di dân Hoa đến đây sớm hơn hết, là những người rời bỏ đất nước Trung Hoa không phải vì lý do kinh tế mà là vì thời cuộc thay đổi. Họ vốn là những người từng phục vụ dưới triều Minh, không chịu tiếp tục cộng tác với nhà Thanh đương quyền hoặc khởi nghĩa chống lại triều Thanh nhưng thất bại phải bỏ xứ ra đi để tránh sự đàn áp của nhà cầm quyền. Đại bộ phận người Hoa di cư còn lại và xuyên suốt tiến trình di cư đến Nam Bộ là vì mục tiêu kinh tế. Thành phần xã hội của lớp người này khá phong phú, họ là những nông dân, thợ thủ công, thương nhân… phần nhiều là người nghèo ra đi vì thiên tai mất mùa, vì chiến tranh gây nhiều thiệt hại về người và của, đói kém, không có tư liệu sản xuất, thuế khóa nặng nề; số khác có vật lực thì ra đi với ước vọng làm giàu ở vùng đất mới. Ngoài ra, trong các dòng người Hoa đến Nam Bộ còn có cả nhà tu đi tìm nơi tu hành, truyền đạo; bọn tội phạm, các thành phần bất hảo trốn tránh sự truy nã của triều đình…
Thực tế cho thấy, Trung Quốc thời nhà Thanh và tiếp sau đó có nhiều biến động, nhất là thiên tai và chiến tranh. Chẳng hạn, năm 1727 (Ung Chính thứ 8), Sơn Đông lụt rất lớn gây thiệt hại nặng nề cho nhân
dân 38 huyện; năm 1746 (Càn Long thứ 11), tỉnh Quảng Đông bị thiên tai, đến năm Càn Long thứ 28, mấy trăm dặm quanh kinh đô bị thiên tai; năm 1906 (Quang Tự thứ 22), thiên tai gây thiệt hại nặng nề, nhất là ở 4 tỉnh Giang Tô, Hà Nam, An Huy, Sơn Đông; năm 1840, thực dân Anh phát động cuộc chiến tranh thuốc phiện; để trả khoản chiến phí mà các thế lực phương Tây bắt phải chịu, triều đình nhà Thanh điều chỉnh thuế khóa theo hướng bắt nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động gánh vác rất nặng nề; chiến tranh xảy ra liên miên, kéo dài và lan rộng khắp đất nước Trung Hoa trong những năm 1912 đến 1930… [36,tr.143,151]. Tất nhiên, chiến tranh xảy ra dù là thuộc bên thắng trận hay thua trận thì người dân luôn phải gánh chịu hậu quả, đó là những tổn thất nặng nề cả về người và của, tinh thần và vật chất, tạo ra những khu vực làng xóm bị tàn phá, hoang vu, dân cư lưu tán. Dù là trực tiếp hay gián tiếp thì những bất ổn như đã nêu là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến người Hoa ly hương mà một phần trong số họ đã đến Việt Nam – Nam Bộ sinh sống.
Mặt khác, khi cai trị Việt Nam, thực dân Pháp xem người Trung Hoa là một nguồn nhân lực, tuyển mộ để đưa vào Nam phục vụ chính sách khai thác thuộc địa. Như vậy, dù đến Nam Bộ vào thời gian nào bằng hình thức nào thì đi tìm đất sống là mục đích chính của đại đa số di dân người Hoa. Do vậy, họ chí thú làm kinh tế mà ít quan tâm đến chính trị. Một nhận định về người Hoa của giới cầm quyền Pháp phần nào cho thấy điều đó: “Họ là những người đã định cư trong xứ, nắm trong tay những thương điếm chính, thờ ơ đối với vấn đề chính quyền hoặc việc cai trị nằm trong