Miền Nam được giải phóng (1975), đất nước thống nhất, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới – xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Sau hơn 20 năm miền Nam dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, vấn đề trước mắt là nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo toàn diện để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Về chính sách đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam được nêu rõ trong Bản Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong cả nước và tổ chức cho nền kinh tế ấy thống nhất trong cả nước. Xóa bỏ dần dần những sự khác biệt của mỗi miền, tạo ra những cơ sở kinh tế cơ bản cho nền kinh tế độc lập, không bị phụ thuộc vào nước ngoài. Tổ chức lại lao động và tạo ra một sự phân phối mới, công bằng, bảo đảm đời sống nhân dân; xóa bỏ mọi bất công trong xã hội và lối làm ăn gian dối, phi pháp”
[146,tr.84]. Bản tuyên bố cũng nêu cụ thể: “Ở miền Nam, phải xóa bỏ tư sản mại bản và những tàn dư bóc lột phong kiến. Phải chống mọi cách đầu cơ, làm ăn phi pháp, phải phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề rừng, nghề biển, nghề xây cất
để tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người, phải tổ chức lại hoàn toàn cách phân phối để bảo đảm đời sống nhân dân lao động” [146,tr.84].
Với mục tiêu đó, miền Nam mà tập trung là Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Tính đến năm 1978, ở miền Nam đã thực hiện nhiều đợt cải tạo xã hội chủ nghĩa, nhất là 2 đợt cải tạo tư sản mại bản trong năm 1975 và đợt cải tạo tư sản thương nghiệp trên qui mô toàn miền Nam vào tháng 3/1978. Sau nhiều đợt thực hiện, tuy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đạt được những kết quả nhất định, nhưng đời sống kinh tế, xã hội của người dân nói chung lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Đánh giá của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần II phần nào cho thấy tình hình chung lúc bấy giờ:
“Nền kinh tế bị đảo lộn, lại quản lý theo một cơ chế có nhiều mặt không phù hợp, cho nên ngày càng thêm mất cân đối nghiêm trọng… Sự đánh giá mặt tích cực cách mạng của quần chúng chưa xuyên suốt ở các cấp đảng bộ, cùng với cơ chế quản lý chung có nhiều mặt không phù hợp đang dẫn đến nguy cơ triệt tiêu động lực của chế độ làm chủ tập thể, không khuyến khích tài năng và nhiệt tình lao động. Một bộ phận nhân dân túng thiếu đang xao xuyến trước tình hình căng thẳng về nhiều mặt và mức sống ngày càng sa sút” [106,tr.93].
Trong bối cảnh đó, kinh tế của người Hoa cũng suy giảm trầm trọng, đặc biệt là tạo ra một trạng thái tâm lý khá phức tạp trong cộng đồng cư dân Hoa, bởi trên thực tế, phần lớn trong số doanh nghiệp cải tạo trong thời gian này là do người Hoa làm chủ. Trước năm 1975, có đến
6.000 nhà tư sản người Hoa tập trung ở Sài Gòn – Chợ Lớn, chi phối 80%
hoạt động kinh tế ở miền Nam Việt Nam [153,tr.616], thì từ 1975 – 1979, hầu hết lực lượng này được cải tạo.
Vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc có biểu hiện xấu đi, tình hình ngày thêm căng thẳng, đưa đến cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc (1979) và ở Tây Nam. Tình hình đó làm không khí trầm lặng, tâm trạng lo lắng, sợ chiến tranh lan rộng, sợ bị phân biệt đối xử,… bao trùm trong đời sống của người Hoa ở Việt Nam.
Một số người Hoa đã tìm cách rời bỏ Việt Nam, sự kiện mà các hãng thông tấn phương Tây gọi là “nạn kiều”. Trước thực trạng một số người Hoa bỏ Việt Nam ra đi, số ở lại thì hoang mang, không yên tâm làm ăn sinh sống, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị về người Hoa và công tác Hoa vận, đặc biệt là làm rõ vấn đề vị trí của người Hoa trong xã hội Việt Nam.
Trên thực tế, vấn đề người Hoa từ lâu đã được Đảng ta quan tâm, từ năm 1958, trong “Phương châm và nguyên tắc chính sách Hoa vận miền Bắc” của Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nêu rõ, “Người Hoa được hưởng mọi quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội như công dân Việt Nam” [22,tr.29]. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đối với Hoa kiều, thì nên khuyến khích họ tham gia kháng chiến Việt Nam. Nếu họ tình nguyện, thì sẽ được hưởng mọi quyền lợi và làm mọi nghĩa vụ như công dân Việt Nam” [70,tr.173-174]. Trong suốt quá trình lãnh đạo
nhân dân Việt Nam làm cách mạng, Đảng ta luôn lấy những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cơ sở, nền tảng trong hoạch định chính sách về dân tộc nói chung, chính sách đối với đồng bào Hoa nói riêng. Đảng luôn coi người Hoa là một thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là một trong những lực lượng của cách mạng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (1951) của Đảng khẳng định: “Các dân tộc ở Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để kháng chiến và kiến quốc” [19,tr.44].
Tuy vậy, do phải tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nên việc xác định thành phần dân tộc, vị trí xã hội của người Hoa chưa được chú ý đúng mức. Do vậy, Chỉ thị số 10 Về chính sách đối với người Hoa trong giai đoạn mới (17/11/1982) được xem là một chỉ thị mang tính lịch sử, là một bước ngoặc quan trọng trong sự nhận thức về người Hoa và chỉ đạo công tác vận động người Hoa ở Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ quan điểm: “Đa số người Hoa là nhân dân lao động, cuộc sống và quyền lợi của họ gắn bó với các dân tộc Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, người Hoa đã có những đóng góp nhất định. Song mặt khác, trong người Hoa phổ biến còn mang nặng ý thức kiều dân Trung Quốc…” [8]. Vị trí của người Hoa trong xã hội Việt Nam cũng được xác định: “Người Hoa là công dân Việt Nam được hưởng mọi quyền và thực hiện mọi nghĩa vụ của công dân Việt Nam theo Hiến pháp và các luật lệ khác của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; người Hoa
được gia nhập các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo đúng các tiêu chuẩn và quy định của các tổ chức ấy” [8].
Sau Chỉ thị 10, Chính phủ, các Bộ, ban ngành và địa phương cũng ban hành những chỉ thị có liên quan đến công tác vận động người Hoa, như Chỉ thị số 501.TTg của Thủ tướng Chính phủ (3/8/1996) Về thực hiện một số chính sách đối với người Hoa; Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh:
Chổ thũ soỏ 23/CT-TU (20/12/1989), Thoõng tri soỏ 85/TT-TU (5/11/1990), Chỉ thị số 11.CT/TU (25/3/1997),… Tất cả những chỉ đạo cụ thể ấy cùng với đường lối đổi mới của Đảng từ Đại hội VI (1986) đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức và đời sống sinh hoạt kinh tế, xã hội của người Hoa.
Ngày 8/11/1995, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 62-CT/TW Về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới, nêu rõ khái niệm người Hoa và Hoa kiều: “Người Hoa bao gồm những người gốc Hán và những người thuộc dân tộc ít người ở Trung Quốc đã Hán hóa di cư sang Việt Nam và con cháu của họ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đã nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn còn giữ những đặc trưng văn hóa, chủ yếu là ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân tộc Hán và tự nhận mình là người Hoa” và “Hoa kiều là những người có cùng nguồn gốc dân tộc với người Hoa, nhưng không nhập quốc tịch Việt Nam” [9]. Nói cách khác, người Hoa là những người đã có quốc tịch Việt Nam, đã được cấp giấy chứng minh nhân dân của Việt Nam, được hưởng
mọi quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân Việt Nam khác. Còn Hoa kiều là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, áp dụng chính sách và qui chế quản lý như đối với ngoại kiều.
Nhận thức mới và chính sách mới về người Hoa của Đảng và Nhà nước đã đem lại cho đời sống xã hội của người Hoa ở Việt Nam nói chung diện mạo mới. Từng bước, người Hoa đã hiểu được chính sách dân tộc của Đảng – Nhà nước, ổn định cuộc sống, nhất là về tư tưởng, yên tâm làm ăn, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng. Người Hoa là công dân Việt Nam, là một thành phần trong 54 dân tộc ở Việt Nam. Do đó, quyền thành lập và tham gia sinh hoạt trong các hội quần chúng của người Hoa cũng như mọi công dân Việt Nam khác. Sắc luật số 102 Quy định quyền lập hội của Chủ tịch nước ban hành ngày 20/5/1957 nêu cụ theồ:
“Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật.
Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do ra hội.
Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác” [33].
Chỉ thị 501 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Về chính trị: Người Hoa được gia nhập các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội… đã được thành lập và hoạt động theo đúng pháp luật”,
“Về văn hóa xã hội: Việc lập các hội, hiệp hội của người Hoa phải theo
qui định của pháp luật. Đối với những tổ chức đã tự phát hình thành, cần xem xét kỹ từng tổ chức, tổ chức nào hình thành do yêu cầu của quần chúng và mang lại lợi ích thiết thực thì cho phép đăng ký hoạt động theo qui định của pháp luật…” [30].
Trong bối cảnh xã hội mới, hội đoàn của người Hoa đều có những thay đổi về nội dung, tính chất hoạt động, theo hướng vừa kế thừa được truyền thống vừa thích ứng với môi trường xã hội mới và xu hướng của thời đại.